admin@phapluatdansu.edu.vn

QUẢN TRỊ CÔNG TY ĐẠI CHÚNG: VẤN ĐỀ VÀ KHUYẾN NGHỊ

SAGA.VN – ĐTCK

Trên thế giới, đề tài quản trị công ty (corporate governance) đã trở nên cấp thiết sau nhiều vụ bê bối như vụ Công ty Enron, Công ty WorldCom ở Mỹ, vụ Công ty Vivendi ở Pháp, vụ Công ty Parmalat ở Ý… và đang trở thành vấn đề thời sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Mía đường La Ngà đem 17,7 tỷ đồng của Công ty đầu tư mua cổ phiếu của 10 công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung, vụ lãnh đạo CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội dùng 16,360 tỷ đồng tiền vốn kinh doanh mua cổ phiếu trên thị trường OTC là những tiếng chuông cảnh báo về tình trạng Quản trị công ty (corporate governance) còn nhiều thiếu sót.

Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, cần có những hiểu biết cơ bản về Quản trị công ty và những vấn đề tồn tại của việc Quản trị công ty tại các công ty, đặc biệt là công ty đại chúng ở Việt Nam hiện nay.

Khái quát về Quản trị công ty

Quản trị công ty là một hệ thống, thông qua đó công ty được định hướng, điều hành và kiểm soát nhằm đáp ứng quyền lợi của nhà đầu tư, người lao động và những người điều hành công ty. Governance có gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là lèo lái. Người ta hình dung corporate – công ty như một con tàu cần phải được lèo lái để đến bến thành công với thuyền trưởng và đoàn thuỷ thủ là những người điều hành và người lao động.

Công ty là của chủ sở hữu (nhà đầu tư, cổ đông…), nhưng để công ty tồn tại và phát triển phải có sự dẫn dắt của Hội đồng quản trị, sự điều hành của ban giám đốc và sự đóng góp của người lao động, mà những người này không phải lúc nào cũng có chung ý chí và quyền lợi. Rõ ràng, cần phải có một cơ chế để điều hành và kiểm soát để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Nếu so sánh công ty như một chiếc bánh thì Quản trị công ty chính là cách thức để chiếc bánh đó không bị mất mát và trở nên to hơn, chất lượng hơn. Tiêu chuẩn để đánh giá hệ thống Quản trị công ty chính là việc tạo ra chiếc bánh to nhất có thể, để sau đó phân bổ cho những người đầu tư nguyên liệu và những người trực tiếp làm bánh.

Quản trị công ty đề ra cách phân chia quyền hạn và nghĩa vụ giữa các nhóm lợi ích trong một công ty bao gồm cổ đông, Hội đồng quản trị, ban giám đốc và các bên có lợi ích liên quan như người lao động, nhà cung cấp (đặc biệt là nhà cung cấp tài chính). Mục đích chính của Quản trị công ty cần được xác định là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và đảm bảo hài hoà giữa các nhóm lợi ích trong công ty. Các quy định của Quản trị công ty chủ yếu liên quan đến Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị và ban giám đốc, chứ không liên quan đến việc điều hành công việc hàng ngày của công ty. Quản trị công ty tốt sẽ có tác dụng làm cho các quyết định và hành động của ban giám đốc thể hiện đúng ý chí và đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông và những người có lợi ích liên quan.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra các nguyên tắc QUảN TRị CÔNG TY , bao gồm nguyên tắc về quyền của các cổ đông, đối xử công bằng giữa các cổ đông, nguyên tắc về vai trò của các bên có lợi ích liên quan, nguyên tắc công khai và minh bạch thông tin, nguyên tắc về trách nhiệm của Hội đồng quản trị.

Nhìn vào hoạt động của công ty, có thể thấy có một số giao dịch giữa công ty và một số đối tượng nhất định có thể gây thiệt hại cho công ty và cổ đông, vì vậy Quản trị công ty đặc biệt nhằm vào điều chỉnh các giao dịch:

Khi công ty cho những người có liên quan (thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc, cổ đông lớn…) vay mượn; công ty vay mượn của những người có liên quan; công ty đứng ra bảo lãnh cho những người có liên quan; công ty bán tài sản cho những người có liên quan; công ty mua tài sản từ cổ đông; công ty ký hợp đồng với các bên có liên quan; công ty bán cổ phần cho cổ đông với giá thấp hơn giá thị trường; công ty mua lại cổ phần từ cổ đông với giá cao hơn giá thị trường; khi có gian lận trong chuyển nhượng tài sản của công ty; khi những người quản lý công ty nhận tiền hoa hồng.

Những vấn đề như cung cấp thông tin về tình trạng chung và tình trạng tài chính của công ty, vấn đề thủ tục đưa ra các quyết định quan trọng trong công ty cũng cần được điều chỉnh một cách rõ ràng trong khuôn khổ của quản trị công ty .

Quản trị công ty đại chúng

Quản trị công ty đặc biệt quan trọng đối với các công ty đại chúng. Theo Điều 25 Luật Chứng khoán, công ty đại chúng là công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở/Trung tâm GDCK; công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên. Nét đặc trưng của các công ty đại chúng là có sự tham gia của nguồn vốn từ bên ngoài với nhiều nhà đầu tư, do đó đặt ra yêu cầu Quản trị công ty như là yếu tố khác biệt với vấn đề quản lý công ty (management).

Khi bỏ vốn vào công ty, nhà đầu tư quan tâm đến việc mình sẽ thu được gì và có gì đảm bảo cho khoản đầu tư đó. Nếu như khi đem tiền cho vay với hợp đồng vay nợ, người ta biết chắc chắn mình sẽ được trả nợ hay sẽ có quyền đòi nợ nhưng khi đầu tư mua cổ phiếu, nhà đầu tư đại chúng chỉ có các cổ phiếu với cổ tức phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty, không có quy định cụ thể về mức và thời gian chia cổ tức cho cổ đông. Trong công ty đại chúng luôn có sự tách biệt giữa quyền sở hữu – quyền điều hành và nhà đầu tư hiểu rằng, sẽ có ai đó đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến giá trị của khoản đầu tư của họ. Nhà đầu tư chỉ còn biết hy vọng rằng, những người ra quyết định – người quản lý công ty sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, trong đó có nghĩa vụ phải thận trọng, nghĩa vụ trung thành.

Ở đây nổi lên vai trò của Quản trị công ty như một công cụ, như một đảm bảo để nhà đầu tư có thể kiểm soát, có thể tin tưởng rằng, những người quản lý công ty sẽ không đưa ra những quyết định có lợi cho chính mình và bất lợi cho nhà đầu tư. Quản trị công ty được hiểu như một quy trình, một tiêu chuẩn chung về hành vi, thay thế cho các nghĩa vụ cụ thể của hợp đồng vay nợ. Nếu Quản trị công ty không đem lại nhiều bảo đảm cho nhà đầu tư, họ sẽ trả giá thấp cho cổ phần của công ty đó.

Hầu hết công ty đại chúng ở Việt Nam đều có nhà đầu tư, cổ đông chi phối, đặc biệt các công ty hình thành từ cổ phần hoá DNNN thường do Nhà nước (thông qua đại diện của mình) nắm giữ số cổ phần chi phối. Điểm lợi ở đây là cổ đông chi phối có thể kiểm soát tốt hơn nghĩa vụ thận trọng và trung thành của người quản lý công ty, các khoản đầu tư lớn sẽ gắn kết lợi ích của cổ đông chi phối và nhà đầu tư đại chúng. Tuy nhiên, lại có điểm bất lợi là lợi ích của cổ đông chi phối không phải bao giờ cũng được chia sẻ cho nhà đầu tư công chúng, nếu cơ chế cổ đông chi phối hoạt động kém hiệu quả thì giá trị của công ty sẽ giảm nghiêm trọng.

Thực trạng và khuyến nghị

Ở Việt Nam hiện nay, những vi phạm trong Quản trị công ty có rất nhiều, từ việc chủ tịch Hội đồng quản trị bỏ qua ý kiến cổ đông, Đại hội cổ đông được tổ chức qua loa, hình thức đến chuyện chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc lấy tiền của công ty chi dùng cá nhân, đầu tư vào những dự án có lợi cho cá nhân… Điều đáng nói là, trong khi ở nhiều nước như Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu và cả Trung Quốc đã có những quy định riêng về các chuẩn mực Quản trị công ty để hạn chế bớt vấn đề vi phạm lợi ích của cổ đông thì pháp luật Việt Nam hầu như không có một điều luật nào quy định rõ ràng về chế tài đối với các hành vi vi phạm lợi ích cổ đông. Vấn đề cơ bản trong Quản trị công ty ở Việt Nam, theo các nghiên cứu cho thấy, nằm ở sự mâu thuẫn lợi ích của người đại diện cho toàn bộ cổ đông (chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc) với chính các cổ đông trong công ty. Những người này có thể hành động vì lợi ích của bản thân mình, gia đình mình, hay vì lợi ích của một bộ phận cổ đông có thế lực nào đó mà phương hại đến quyền lợi của một số cổ đông hay toàn bộ cổ đông trong công ty.

Hoà cùng làn sóng thiết lập cơ chế Quản trị công ty ở các nước trên thế giới, qua nghiên cứu thực trạng Quản trị công ty ở Việt Nam, có thể đưa ra một số khuyến nghị sau:

· Phải luật hóa các quy định, chế tài về Quản trị công ty cho các công ty, đặc biệt là công ty đại chúng;

· Phải chấp nhận mở rộng thêm khả năng tham gia của các tổ chức đầu tư hiệu quả và chuyên nghiệp vào các công ty;

· Trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về Quản trị công ty, trong bối cảnh mới, các công ty tự mình hoặc với sự trợ giúp của các chuyên gia, công ty tư vấn cần rà soát hệ thống Quản trị công ty của mình, phát hiện những thiếu sót, lỗ hổng, từ đó đề ra biện pháp khắc phục;

· Phải cử chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc và những người quản lý công ty khác tham dự các hội thảo, tập huấn, khoá học về Quản trị công ty nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong Quản trị công ty;

· Từ nhà đầu tư, cổ đông Nhà nước đến cổ đông đại chúng trong công ty đại chúng, tự mình hoặc với sự trợ giúp của các chuyên gia, công ty tư vấn cần thiết lập một chuẩn mực quản trị và điều hành riêng cho công ty và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền luật hóa nó để có cơ sở chế tài các hành vi lệch lạc trong Quản trị công ty.

—————————————————————————

Công ty đại chúng là công ty cổ phần đã phát hành chứng khoán ra công chúng. Sau khi phát hành chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành trở thành công ty đại chúng (có đăng ký). Công ty đại chúng có nghĩa vụ phải công khai thông tin về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nuớc và Sở Giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư có đuợc thông tin đầy đủ về hoạt động thuờng xuyên cũng như những sự kiện bất thuờng của công ty.

Ưu điểm của hình thức tổ chức công ty đại chúng:

– Công ty được xã hội biết đến do có tên tuổi xuất hiện công khai trên thị trường chứng khoán, trên báo chí, công ty đã khẳng định được danh tiếng uy tín thì khi cần huy động vốn ngoài xã hội, công ty dễ dàng có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu với chi phí phát hành thấp hơn lần phát hành truớc.

– Công ty phải báo cáo công khai hoạt động của mình cho công chúng, nên chịu sự giám sát của công chúng, xã hội. Thêm vào đó, Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc phải công khai các hoạt động quản lý và điều hành công ty. Ban giám đốc phải chăm lo việc phát triển công ty cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cơ cấu hợp lý vốn, nếu không thì các giám đốc sẽ bị sa thải; nhu vậy hoạt động công ty đại chúng đã ràng buộc các giám đốc phải tuân thủ pháp luật, điều hành công ty theo đúng luật công ty.

– Nhà nước bớt đuợc gánh nặng phải trợ giúp vốn ngân sách cho công ty, và như vậy Nhà nuớc có thể tập trung sức lực vào nhiệm vụ trọng đại của mình là đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên hình thức công ty đại chúng cũng tồn tại một số nhược điểm:

– Sau khi hoàn tất việc phát hành công ty sẽ chịu áp lực giám sát của xã hội, chịu áp lực phải duy trì đuợc giá cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.

– Trong hoạt động của mình, công ty sẽ phải bỏ ra nguồn lực lớn về tài chính và con người để chuẩn bị các báo cáo tài chính thường niên, báo cáo các sự kiện bất thường xảy ra đối với công ty, báo cáo khi Uỷ ban Chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán (Trung tâm giao dịch chứng khoán) yêu cầu.

– Khi phát hành, công ty sẽ phải chịu các chi phí đợt phát hành: chi phí thuê hãng kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí thuê người bảo lãnh phát hành, chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin phép phát hành, chi phí quảng cáo cho đợt phát hành.

– Cơ cấu cổ đông thuờng xuyên thay đổi dẫn đến sự biến đổi và bất ổn định trong quá trình quản lý công ty, và có thể đe doạ đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.

http://www.hastc.org.vn

TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://saga.vn/Luatkinhdoanh/Luattrongnuoc/12240.saga

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading