admin@phapluatdansu.edu.vn

TUỔI LAO ĐỘNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BÌNH ĐẲNG GIỚI

TS. TRƯƠNG THỊ THÚY HẰNG – Viện Nghiên cứu con người

Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội nước ta thông qua vào tháng 11 năm 2006 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Tại Điều 13 “Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” đã không đề cập điều kiện hưởng lương hưu và tuổi đời được hưởng lương hưu, cũng chưa đề cập vấn đề tuổi lao động, mặc dù điều kiện hưởng lương hưu và tuổi đời được hưởng lương hưu đã được đưa vào chương II, Điều 11 Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” của dự thảo Luật Bình đẳng giới và được thảo luận nhiều nhất.

Vậy quy định về tuổi lao động hiện hành đã và đang tác động đến bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác như thế nào; tác động đến phụ nữ như thế nào? Sau một năm gia nhập WTO, nguồn nhân lực được đào tạo, nguồn nhân lực có chất lượng càng trở thành một thách thức lớn. Có một mối liên hệ nào không giữa quy định tuổi lao động hiện nay với thách thức này?

1- Tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu

Trong rất nhiều ý kiến chi tiết về tuổi về hưu thì một vấn đề chính lại bị bỏ ngỏ: Về thực chất tuổi nghỉ hưu có gì khác với tuổi lao động?

Cho đến nay, ở nước ta, về cơ bản tuổi lao động được quy định đối với nam là từ 15 đến 60 tuổi, đối với nữ là 15 đến 55 tuổi. Thông thường với đại đa số người lao động, tuổi nghỉ hưu của nam là 60, của nữ là 55. Với cách tính này đã dần hình thành một nếp nghĩ đồng nhất tuổi nghỉ hưu với tuổi hết tuổi lao động, gần như đương nhiên phải hết tuổi lao động thì mới được nghỉ hưu, thậm chí trên các diễn đàn thời gian qua các ý kiến cũng dường như đồng nhất, không quan tâm đến sự khác biệt của tuổi nghỉ hưu với tuổi lao động.

Trong khi đó, hiểu một cách đơn giản, tuổi lao động gắn với quyền và nghĩa vụ lao động, quyền có việc làm, quyền được học tập, đào tạo, quyền được tiếp cận và sử dụng các nguồn lực, các phương tiện, điều kiện sản xuất, làm việc… Tuổi lao động được quy định bắt đầu từ 15 tuổi và kết thúc ở tuổi 55 – 60 còn xuất phát từ yêu cầu của quá trình lao động là người tham gia phải có một tình trạng sức khoẻ nhất định để đáp ứng cường độ, áp lực của công việc. Còn tuổi nghỉ hưu gắn với quyền về hưu, quyền được nghỉ ngơi, hưởng lương hưu. Tuổi nghỉ hưu được quy định bắt đầu ở tuổi 55 – 60 đòi hỏi người về hưu phải có một thời gian nhất định đã tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ một quãng thời gian theo quy định. Tuổi nghỉ hưu bắt đầu khi tình trạng sức khoẻ của người lao động đã tồi hơn và kết thúc ở các thời điểm khác nhau tuỳ thuộc sức khoẻ của mỗi cá nhân.

Sơ lược như vậy đã thấy tuổi lao động khác hẳn tuổi nghỉ hưu từ thời gian đến các điều kiện tham gia, các quyền lợi, nghĩa vụ…. Về thời gian: tuổi lao động bắt đầu trước tuổi nghỉ hưu, từng loại tuổi này gắn với các thời điểm hoàn toàn khác nhau trong đời sống của mỗi con người. Tuổi lao động đòi hỏi người tham gia phải từ 15 tuổi trở lên, còn tuổi nghỉ hưu lại đòi hỏi người tham gia phải có một thời gian nhất định đã tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Về điều kiện tham gia: ngoài điều kiện về độ tuổi, thì tình trạng sức khoẻ của đối tượng của hai loại tuổi này đòi hỏi khác nhau. Tuổi lao động đòi hỏi người tham gia phải có một tình trạng sức khoẻ tốt nhất định vì xuất phát từ yêu cầu của quá trình lao động. Còn tuổi nghỉ hưu lại không đòi hỏi người tham gia phải có sức khoẻ tốt mà đòi hỏi phải có một thời gian nhất định đã tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ một quãng thời gian theo quy định. Vì thế quy định tuổi lao động – quyền lao động tác động, liên quan đến cuộc sống của tất cả công dân từ 15 tuổi trở lên, còn tuổi nghỉ hưu – quyền về hưu chỉ liên quan đến bộ phận người lao động làm công ăn lương là những người đáp ứng được yêu cầu được hưởng tuổi nghỉ hưu là đã đóng bảo hiểm xã hội đủ một quãng thời gian theo quy định. Câu hỏi xuất hiện ở đây là: “Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” có cần tính đến đối tượng người lao động không làm công ăn lương, những người nếu tính đến tuổi lao động thì không khác gì nhóm lao động làm công ăn lương?”

Như vậy, cần thiết có sự “thao tác khái niệm” một cách kỹ lưỡng, đầy đủ hơn đối với các khái niệm “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi lao động” để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện điều khoản “Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” trong Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới.

2 – Tác động của quy định tuổi lao động đến cơ hội tồn tại, phát triển của phụ nữ

– Tác động của quy định tuổi lao động đến cơ hội tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo

Với quy định có sự phân biệt về độ tuổi lao động của nữ là 55, của nam là 60 như hiện nay thì các đơn vị sử dụng lao động, các gia đình (nhất là gia đình nghèo ở nông thôn, vùng khó khăn) khi đầu tư cho người lao động, cho con cái, cho người vợ hay người chồng đi học tập, đào tạo đều phải trả lời câu hỏi: hiệu quả đầu tư như thế nào? Nên đầu tư cho đối tượng nào? Câu trả lời thật đơn giản: tốn cũng từng ấy tiền của, từng ấy thời gian mà rồi đối với người lao động nữ, với con gái, với người vợ cũng chỉ 55 tuổi là “hết hạn sử dụng” trong khi đối với người lao động nam, với con trai, với người chồng thì 55 tuổi vẫn còn “hạn sử dụng” thêm được 5 năm, đến tận 60 tuổi mới “hết hạn sử dụng”. Chưa kể với mỗi phụ nữ còn thời gian cho việc hoàn thành “thiên chức người mẹ”, ít nhất 3 năm cho hai lần sinh hai đứa con. Thế thì, “xét một cách toàn diện”, để tăng hiệu quả đầu tư, rõ ràng chỉ có con đường là đầu tư cho lao động nam, cho con trai, cho người chồng. Hơn thế nữa, khi “xã hội học tập”, “học tập suốt đời”, đào tạo lại là yêu cầu của kinh tế tri thức hiện nay và đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt và tích cực triển khai thì tại một số cơ quan đã có tình trạng những phụ nữ tuổi 50 – 51 đã không được đào tạo, học tập, dù chỉ là những khoá học, những chương trình tập huấn ngắn hạn với lý do cần dành cơ hội đào tạo, học tập cho lớp trẻ để bồi dưỡng cán bộ kế cận. Số liệu từ các lớp tập huấn khuyến nông, Trung tâm học tập cộng đồng của các tỉnh cũng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái nhờ có Trung tâm này, phụ nữ đã có thêm điều kiện để xoá mù chữ và công nhận hết lớp 3. Nhưng cơ hội cho phụ nữ được tham gia các chương trình học cao hơn, các chương trình tập huấn kỹ thuật sản xuất cũng khó khăn hơn nam giới. Trong lao động chăn nuôi: trên 70% tổng số lao động nữ tham gia, nam chỉ có trên 50% tổng số, nhưng tập huấn về chăn nuôi thì chỉ có hơn 20% số lao động nữ được tham gia, trong khi có tới hơn 70% tổng số lao động nam tham gia. Trong lao động trồng trọt: có hơn 80% tổng số lao động nữ tham gia, nam có xấp xỉ 80% tổng số, nhưng tập huấn về trồng trọt thì chỉ có xấp xỉ 10% số lao động nữ được tham gia, trong khi có tới 90% tổng số lao động nam được tham gia(1).

Như vậy, mới chỉ xét đến cơ hội tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo để nâng cao năng lực trong quá trình tồn tại, phát triển đã thấy không chỉ nhóm phụ nữ làm cán bộ quản lý, nhóm phụ nữ có học hàm, học vị mà tất cả mọi lao động nữ, mọi cô con gái, mọi người vợ đều chịu tác động của quy định tuổi lao động.

Vấn đề không chỉ dừng ở lĩnh vực giáo dục. Trong đợt tham vấn cộng đồng về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 của quốc gia đã được thực hiện tại 15 tỉnh/ thành phố nhằm thu thập ý kiến đóng góp của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư và hoàn thiện quy trình lập kế hoạch có sự tham gia của người dân…, yếu tố giới đã được quan tâm bằng việc chia nhóm phụ nữ, nam giới trong nhóm đối tượng người dân. Đây là một cách làm tốt, thể hiện quan điểm bình đẳng giới đã được chú ý và thực thi. Nhưng chỉ những người trong độ tuổi lao động mới được tham gia hoạt động tham vấn. Điều đó đồng nghĩa với việc số người dân đã qua tuổi lao động không được tham gia tham vấn. Khi hiện nay, tuổi lao động của phụ nữ chỉ tính đến 55, nhưng tuổi lao động của nam giới là 60, rõ ràng vô hình chung, cách chọn đối tượng tham gia tham vấn theo độ tuổi lao động đã tạo thêm một rào cản cho nhóm phụ nữ được tham gia vào quá trình tham vấn kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, một cơ hội tham gia vào một công việc có ý nghĩa, có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ đời sống của họ. Tỷ lệ phụ nữ trong tổng số người tham dự hoạt động tham vấn là một minh chứng cho thấy điều đó:

Ninh Bình: 99 phụ nữ trên 490 người

Ninh Thuận: 156 phụ nữ/ 417 người;

Quảng Trị: 87 phụ nữ/ 289 người

Như vậy, khi nhìn từ góc độ cơ hội tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo là nền tảng để nâng cao năng lực, để mở rộng cơ hội tồn tại, phát triển thì rõ ràng quy định tuổi lao động hiện nay không chỉ liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động mà còn tác động, liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế v.v.. Quy định tuổi lao động hiện nay đang là cơ sở để đa số phụ nữ luôn luôn rơi vào tình trạng “không đủ tiêu chuẩn” để tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội như sự “lo ngại” đã được một số đại biểu Quốc hội bày tỏ trên đây.

Thách thức về nguồn nhân lực được đào tạo, nguồn nhân lực có chất lượng bộc lộ ngày càng gay gắt sau một năm gia nhập WTO có một phần vì nguyên nhân sâu xa đã phân tích trên đây, khi quy định tuổi lao động của nữ duy trì như hiện nay. Đặc biệt, với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo, quy định tuổi lao động hiện nay đang góp phần tạo nên một sự hẫng hụt nghiêm trọng về đội ngũ cán bộ do đào tạo chưa kịp mà đến hết tuổi lao động thì nữ vẫn đúng 55 tuổi là về hưu.

– Tác động của quy định tuổi lao động đến cơ hội tiếp cận nguồn lực phát triển

Đối với nông dân nước ta, đất đai vẫn là một trong những nguồn lực cơ bản. Những thông tin từ Báo cáo “Xoá bỏ khoảng cách Thiên niên kỷ” năm 2003 của Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ cho biết quy định tuổi lao động khác nhau giữa nam và nữ đã và đang tác động như thế nào đến khả năng tiếp cận nguồn lực đất đai của phụ nữ nông thôn nước ta: Phụ nữ ở độ tuổi 55 – 60 chỉ được cấp diện tích đất bằng một nửa so với nam giới cùng độ tuổi, vì quy định người trong độ tuổi lao động được phân bổ một diện tích chuẩn, còn người không trong độ tuổi lao động chỉ được cấp một nửa số đất đó. Ngoài ra, diện tích đất phân bổ cho các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ cũng ít hơn do sự thiếu vắng người chồng, thiếu nhân lực lao động và quy định lỏng lẻo về độ tuổi lao động. Do vậy, tổng số đất nông nghiệp cho các hộ gia đình nông nghiệp do phụ nữ làm chủ tính trung bình chỉ bằng 54% so với các hộ gia đình nông nghiệp do nam giới làm chủ(2). Như vậy, nguy cơ bị tổn thương và vị thế yếu kém của phụ nữ nông thôn dường như là hậu quả hiển nhiên của cách phân bổ đất đai dựa trên quy định tuổi lao động khác biệt giữa nam và nữ hiện nay.

Hơn thế nữa, sự phân biệt giới trong quy định về tuổi lao động hiện nay còn dẫn đến nghịch lý: thành tựu chăm sóc sức khoẻ của nước ta dẫn đến tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên làm cho thời gian sống với nguy cơ bị tổn thương và vị thế yếu kém của phụ nữ dài hơn của nam giới rất nhiều. Nếu tính năm 2004, tuổi thọ trung bình toàn quốc của nữ là 75,7, của nam là 71,9(3), thì với cách tính tuổi lao động hiện nay bắt đầu từ 55 với nữ và 60 với nam, trung bình người phụ nữ “phải” sống 20,7 năm sau khi hết tuổi lao động, nam giới chỉ “phải” sống trung bình 11,9 năm sau khi hết tuổi lao động. Như vậy, thời gian sau khi hết tuổi lao động của tất cả phụ nữ dài hơn gần 2 lần so với nam giới. Riêng đối với phụ nữ nông thôn, điều đó có nghĩa là với 1/2 diện tích đất đai của nam giới, thời gian sống với nguy cơ bị tổn thương và vị thế yếu kém dài hơn gần 2 lần so với nam giới.

Còn đối với nhóm làm công ăn lương, do tuổi lao động của nữ là 55, nên ở thời điểm hết quyền lao động, đương nhiên phụ nữ luôn có mức lương thấp hơn nam giới ở thời điểm về hưu ít nhất hai bậc. Và người phụ nữ “được” hưởng lương hưu ít hơn hai bậc đó trong quãng thời gian sau khi hết tuổi lao động dài hơn 2 lần so với nam giới. Chưa kể tình trạng tại một số cơ quan đã có hiện tượng những phụ nữ tuổi 50 – 51 đã bị vô hiệu hoá, đến tuổi 52 – 53 không được giao việc, ở các cơ quan, viện nghiên cứu không cho tham gia các đề tài, dự án với lý do cần dành cơ hội đào tạo, học tập, dành công việc, đề tài cho lớp trẻ để bồi dưỡng cán bộ kế cận. Phải chăng tất cả những điều đó là sự “ưu tiên, ưu đãi” đối với phụ nữ?.

Chỉ điểm qua một vài vấn đề trên đã cho thấy những khó khăn, thiệt thòi của phụ nữ trong tiếp cận nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo, tiếp cận đất đai, những nguồn lực phát triển cơ bản nhất từ trong gia đình mình cho đến ngoài xã hội. Vậy làm sao có thể nói đến cơ hội tồn tại và phát triển bình đẳng cho phụ nữ? Phải chăng sự bùng nổ của hiện tượng “cô dâu Đài Loan”, tình trạng hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vì tìm đường mưu sinh mà bị lừa bán ở cả miền Nam và miền Bắc nước ta mấy năm gần đây vừa chính là phản ánh sự bế tắc của người phụ nữ nông thôn trong việc tìm kiếm cơ hội tồn tại, phát triển, vừa phản ánh hậu quả của việc thiếu cơ hội tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo của phụ nữ và trẻ em gái? Phải chăng sự chênh lệch giới tính trong trẻ sơ sinh ở nhiều địa phương đang có xu hướng tăng lên trong mấy năm gần đây – ngoài những lý do đã được nhắc đến nhiều như trọng nam khinh nữ…, chính là sự phản ứng của người dân nông thôn với cách phân bổ nguồn lực đất đai vẫn dựa trên quy định tuổi lao động chênh lệch hiện nay(4)

Rõ ràng, khi còn sự phân biệt giới trong quy định tuổi lao động thì điều quan trọng nhất là giới nữ – người phụ nữ đã gánh chịu những hệ quả của nó từ khi còn là bào thai, trẻ em gái, trước khi bước vào tuổi lao động chứ không phải đợi đến khi là người lao động, hết tuổi lao động mới chịu tác động của quy định này.

Và cần phải nhấn mạnh ở đây là khi còn sự phân biệt giới trong quy định các tuổi này thì người phụ nữ nông thôn nước ta, với số lượng mấy chục triệu người đang chịu những hậu quả kép đôi, kép ba vô cùng nặng nề chứ không phải chỉ có nhóm phụ nữ làm cán bộ quản lý, nhóm có học hàm học vị, bằng cấp mới bị thiệt thòi so với nam giới.

Vậy dường như chỉ còn nhóm mấy triệu nữ cán bộ viên chức, giáo viên, công nhân và những quý ông có nguyện vọng giữ nguyên, và hạ thấp tuổi về hưu của phụ nữ coi tuổi nghỉ hưu 55 là sự “ưu tiên, ưu đãi”. Những lý lẽ được viện dẫn khi xem đây là sự “ưu tiên, ưu đãi” là do phụ nữ còn bận nuôi con, do phụ nữ đã quá vất vả vì công việc gia đình, do tuổi 55 phụ nữ đã yếu… Song từ những phân tích trên đây, xuất hiện vấn đề: chẳng lẽ chỉ có thể giải quyết sự vất vả vì công việc gia đình, nuôi con, sức khoẻ của một nhóm phụ nữ bằng cách xén bớt cơ hội, tạo ra rào cản đối với tất cả phụ nữ?

Thực ra không chỉ hiện nay, không chỉ nhóm mấy triệu nữ cán bộ viên chức, giáo viên, công nhân là vất vả, mà đối với tất cả phụ nữ Việt Nam, sự quá tải về công việc là có thật, khi người phụ nữ phải vừa gánh vác công việc xã hội, vừa lo bươn chải để có thu nhập đóng góp vào kinh tế gia đình lại vừa đảm đương quá nhiều việc chăm sóc gia đình, con cái. Song để giảm tải cho phụ nữ, vấn đề là mỗi gia đình và xã hội cần tạo ra cơ hội, kỹ năng, tâm lý cho nam giới “được” và “phải” chia sẻ, gánh vác công việc gia đình, con cái chứ không phải và không thể giảm tải công việc cho phụ nữ bằng cách xén bớt cơ hội, tạo ra rào cản tồn tại và phát triển đối với phụ nữ dưới cái mác “ưu tiên, ưu đãi”, mà vấn đề rõ nhất là việc tiếp cận đất đai của phụ nữ nông thôn, tiếp cận cơ hội phát triển, tiếp cận nguồn lực cho giáo dục đào tạo của mọi phụ nữ như đã đề cập trên đây.

3- Bình luận và khuyến nghị

Luật Bình đẳng giới cần có điều khoản về tuổi lao động bên cạnh điều khoản tuổi nghỉ hưu: Những lý giải bước đầu trên đây cho thấy rất cần có sự phân định rõ ràng, thấu đáo hơn các khái niệm tuổi nghỉ hưu – tuổi lao động; quyền nghỉ hưu – quyền lao động trong các điều khoản của Luật Bình đẳng giới. Vì vậy, cần tách hai loại tuổi và hai loại quyền này ra trong các văn bản pháp quy và trong việc thực hiện các chính sách có liên quan.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động: từ góc độ Luật Bình đẳng giới nên quy định cả nam và nữ đều có tuổi lao động (tuổi bắt đầu là 15 và tuổi kết thúc là 60), quyền lao động, quyền được học tập, đào tạo, quyền được tiếp cận các nguồn lực để lao động có năng suất và hiệu quả như nhau. Trong từng ngành nghề cụ thể có những chế độ đặc thù về tuổi lao động áp dụng cho cả nam và nữ của ngành đó.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực nghỉ hưu: Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm mở rộng cơ hội phát triển, mở rộng sự lựa chọn cơ hội phát triển cho mọi công dân. Tại sao không tạo điều kiện cho mọi người đến một độ tuổi nào đó có cơ hội được nghỉ hưu, không bắt buộc phải hết tuổi lao động mới được thực hiện quyền nghỉ hưu? Vì vậy, cũng như việc lựa chọn ngành nghề là của từng cá nhân, việc lựa chọn tuổi nào thì thực hiện quyền nghỉ hưu hãy để cho chính người lao động quyết định, trên cơ sở những quy định từng mức lương hưu theo số năm tham gia lao động của người lao động và đặc thù của ngành. Năm bắt đầu “được” và năm cuối cùng buộc phải “bị” nghỉ hưu sẽ ngang nhau ở cả nữ và nam, có thể từ 50 là “được” và đến 60 là “bị”. Còn ở từng ngành thì có chế độ đặc thù theo ngành áp dụng cho cả nam và nữ của ngành đó. Như vậy, người coi nghỉ hưu là “được”, là sự hy sinh cao cả để tạo chỗ làm việc cho lớp trẻ, là sự “ưu tiên, ưu đãi” cũng thoả mãn; còn người muốn tham quyền cố vị, coi nghỉ hưu là “bị” thì bất kể nam hay nữ cũng hết đường quanh co.

Về việc sinh nở, nuôi dạy con của phụ nữ: trước hết, về quan điểm, cần phải xem việc sinh nở, nuôi dạy con là lao động của phụ nữ để tái sản xuất nguồn nhân lực – nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển của mọi quốc gia, cộng đồng – đóng góp cho xã hội chứ không chỉ đơn thuần là quá trình thực hiện thiên chức làm mẹ. Khi đã là lao động thì đương nhiên mọi chế độ chính sách sẽ phải rõ ràng như với người lao động, chứ không thể là sự “ưu tiên, ưu đãi”, là ghi nhận cống hiến của phụ nữ, là sự ban ơn của xã hội, của gia đình cho người phụ nữ – người mẹ bởi vì không ở đâu, sự cống hiến của người phụ nữ cho xã hội, cho gia đình lại rõ ràng hơn quá trình lao động nặng nhọc với độ rủi ro rất cao để tái sản xuất nguồn nhân lực cho gia đình và xã hội. Với quan điểm việc sinh nở, nuôi dạy con là lao động thì có nhiều cách giải quyết. Cách chung nhất là trích từ ngân sách nhà nước để thành lập Quỹ “Tái sản xuất nguồn nhân lực” do Hội phụ nữ quản lý để trợ cấp cho phụ nữ như một khoản bù đắp cho những cống hiến, những lao động không được trả công này. Cách thứ hai là cộng thêm vào số năm được tính bảo hiểm (đối với lực lượng nữ làm công ăn lương), ví dụ cứ 1 con thì cộng 1,5 năm, 2 con cộng 3 năm, nhưng nếu sinh con thứ ba thì bị trừ hết cả 3 năm cộng thêm này; còn đối với lực lượng nữ không làm công ăn lương thì dùng hình thức Quỹ như đã nói trên. Tính ưu việt của chế độ ta, sự ưu ái đối với cống hiến sinh nở, nuôi dạy con của phụ nữ như vậy là rõ ràng, không cần mập mờ, pha trộn với việc rút ngắn hay nâng tuổi nghỉ hưu. Và quan trọng nhất là sự ưu việt đó đến được đối tượng phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ ở nhóm không làm công ăn lương, những người chưa tiếp cận được nhiều thông tin, chưa được tham gia, có tiếng nói và vẫn gánh chịu rất nhiều thiệt thòi vì bất bình đẳng giới.

Hơn nữa, để thực sự là bình đẳng giới thì trong những trường hợp người bố đơn thân nuôi dạy con vì vợ mất khi sinh con thì Quỹ “Tái sản xuất nguồn nhân lực” cũng trợ cấp cho những người bố này.

Với quy định tuổi lao động – tuổi nghỉ hưu rõ ràng, hy vọng không chỉ bình đẳng giới được cải thiện mà sẽ có cả những tác động tích cực, trực tiếp đến nhiều vấn đề dân số nước ta hiện nay. Chúng ta đã rất nỗ lực với rất nhiều vấn đề nhân lực và tài lực để giảm áp lực dân số, xoá bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, hạn chế việc sinh nhiều con để tìm kiếm con trai, xoá bỏ hiện tượng chọn lọc giới tính thai nhi… Nhưng nếu trong xã hội vẫn còn sự phân biệt đối xử, việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội nhiều khi vẫn dựa trên sự lẫn lộn, không phân minh giữa “phân biệt đối xử” và “ưu tiên, ưu đãi”, cụ thể nhất là việc quy định tuổi về hưu, việc phân bổ đất theo tuổi lao động thì rõ ràng từng gia đình, từng người dân với tư cách là chủ gia đình đành phải có phương thức thích ứng là có con trai vẫn hơn, đỡ tủi phận mà cơ bản là đỡ thiệt thòi khi tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Tính ưu việt của chế độ ta phải được thể hiện ở việc tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn lực, cơ hội nâng cao năng lực, cơ hội lựa chọn cho mọi công dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, đúng tinh thần của Hiến pháp nước ta từ năm 1946 đến nay, đúng tinh thần của những văn bản luật pháp quốc tế mà nước ta đã ký kết./.


Chú thích:

(1) Số liệu thống kê về giới ở Việt Nam năm 2000 của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ.

(2) Liên hợp quốc tại Việt Nam. Báo cáo “Xoá bỏ khoảng cách Thiên niên kỷ” năm 2003.

(3) UNDP. Human Development Report 2007/2008.

(4) Báo Kinh tế và Đô thị, số 197, ngày 18-12-2006, tr.3, mục Tin vắn: “Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, dự báo và chính sách về giới tính khi sinh cho thấy giai đoạn 1996-2006, có 20 tỉnh thành mất cân bằng giới tính (tỷ lệ 111-120 nam/100 nữ, trong khi bình thường là 102-107 nam/100 nữ). Có địa phương 128 trẻ sơ sinh nam mới có 100 trẻ nữ. Đặc biệt ở các lần sinh thứ 2, 3, số trẻ nam càng lớn, có nơi 136 trẻ sơ sinh nam mới có 100 trẻ nữ.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liên hợp quốc tại Việt Nam. Báo cáo “Xoá bỏ khoảng cách Thiên niên kỷ” năm 2003.

2. Trương Thị Thuý Hằng. Bình đẳng giới ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra trong tầm nhìn 2015. GS.VS. Phạm Minh Hạc, PGS. TS. Phạm Thành Nghị, TS. Vũ Minh Chi (chủ biên). Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực. Niên giám nghiên cứu số 3. Nxb. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.429-443.

3. Lê Tảo. Nam – nữ bình đẳng … ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ? Báo Lao động, ngày 18-8-2006.

4. PV.Trở lại vấn đề nữ nên nghỉ hưu ở tuổi nào. Đại đoàn kết, ngày 18-8-2006.

5. UNDP. Human Development Report 2007-2008.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ Số 11 (155) năm 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading