PHẠM THÚY HẠNH
Trung Quốc đã tạo ra bước ngoặt lịch sử về công tác lập pháp. Trải qua một thời kỳ dài đầy khó khăn trước những năm 70 của thế kỷ XX, các Nghị quyết của Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 đã mang đến những đổi mới thực sự trong công tác lập pháp ở Trung Quốc. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978 đã quyết định đưa vào chương trình nghị sự xây dựng một chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và sau đó là thể chế hoá chương trình này.
Mở đường cải cách lập pháp có trật tự là xây dựng và hoàn thiện một hệ thống xác định quyền lập pháp. Luật Tổ chức địa phương được thông qua vào năm 1979 đã chuẩn bị cho việc cơ cấu lại hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Luật này đã trao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các Uỷ ban thường trực trong Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các luật và các điều lệ địa phương.
Một bước cải cách có ý nghĩa rất quan trọng là Hiến pháp CHND Trung Hoa sửa đổi năm 1982 không chỉ khẳng định các thành quả của Luật Tổ chức Địa phương mà còn đẩy các thành quả đó tiến xa hơn nữa. Hiến pháp sửa đổi năm 1982 đã quy định một số vấn đề cơ bản về việc ban hành văn bản pháp luật như sau:
– Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng thi hành quyền lập pháp nhà nước, trong đó Quốc hội sửa đổi Hiến pháp; ban hành và sửa đổi các luật cơ bản như: Luật Hình sự, Luật Dân sự; còn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi các văn bản pháp luật không do Quốc hội ban hành và sửa đổi.
– Chính phủ có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy hành chính, quyết định, thông tư;
– Các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ có thẩm quyền ban hành các mệnh lệnh hành chính, chỉ thị và văn bản trong phạm vi quyền hạn của mình;
– Các khu tự trị phi tôn giáo được quyền xây dựng các văn bản pháp quy và các điều lệ riêng.
Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn có nhiều cấp hành chính nên cần sử dụng công cụ pháp luật ở tất cả các cấp hành chính địa phương. Do đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức Địa phương năm 1982 và 1986 cho phép mở rộng thẩm quyền lập pháp địa phương của các thành phố trực thuộc tỉnh, các hội đồng nhân dân và các uỷ ban thường trực của các khu tự trị và các thành phố lớn. Các chính quyền địa phương có quyền soạn thảo ra các đạo luật và điều lệ thực sự thuộc về khả năng quản lý của chính quyền địa phương. Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được uỷ quyền cho Chính phủ và các chính quyền địa phương ban hành các đạo luật đặc biệt. Khi Hồng Kông và Macao lần lượt trở về Trung Quốc vào năm 1997 và 1999, thì việc lập pháp của cả hai khu hành chính này đã được bổ sung như là một yếu tố mới vào hệ thống xác định quyền lực lập pháp của CHND Trung Hoa.
Quốc hội nước CHND Trung Hoa đã thông qua Luật Lập pháp vào tháng 3 năm 2000, Luật này ghi nhận tất cả các thay đổi nêu trên như một phần trong thể chế lập pháp. Đạo Luật này đã thực sự đột phá quá trình cải cách lập pháp trong giai đoạn mới ở Trung Quốc. Đặc biệt, các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật trong Luật Lập pháp là căn cứ pháp lý quan trọng để ra đời rất nhiều các văn bản pháp luật theo quy trình ban hành văn bản mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu chuẩn hoá, hệ thống hoá, tính dự báo của các văn bản pháp luật. Luật Lập pháp xác định các chủ thể nắm quyền lập pháp quốc gia, các đạo luật và điều lệ địa phương, các văn bản pháp quy khu tự trị, các đạo luật đặc biệt, các thủ tục, các văn bản pháp lý đại diện và luật trong các đặc khu hành chính.
Nét đặc biệt của quá trình cải cách lập pháp ở Trung Quốc là xác lập một hệ thống lập pháp toàn diện từ trung ương đến địa phương và chuyển đổi quyền lực lập pháp đến một mức độ nhất định. Hệ thống này được thiết kế để phù hợp với việc cơ cấu lại nền kinh tế của Trung Quốc. Nhờ hoàn thiện hệ thống xác lập thẩm quyền lập pháp mà các cơ quan lập pháp các cấp ở trung ương cũng như ở địa phương được củng cố, tăng cường mạnh hơn.
Luật Lập pháp góp phần nâng cao vai trò của cơ quan thường trực của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp. Đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện đồng thời các quyền lập pháp nhà nước của Quốc hội. Các uỷ ban đặc biệt của Quốc hội làm việc dưới quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khi Quốc hội không họp. Tất cả Hội đồng nhân dân các cấp đều có uỷ ban thường trực. Các uỷ viên trong các uỷ ban thường trực Hội đồng nhân dân, cả cấp quốc gia và địa phương đều không được có vị trí làm việc trong các cơ quan của Chính phủ hoặc các cơ quan toà án và các cơ quan có quyền đại diện. Dần dần, những người này được trở thành các uỷ viên chính thức trong uỷ ban thường trực của Hội đồng nhân dân.
Các uỷ ban thường trực đặc biệt trực thuộc Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện nay, Quốc hội Trung Quốc có 09 uỷ ban đặc biệt:
– Uỷ ban Lập pháp,
– Uỷ ban Dân tộc,
– Uỷ ban Kinh tế Tài chính,
– Uỷ ban Giáo dục, Khoa học,Văn hoá và Sức khoẻ,
– Uỷ ban Ngoại giao,
– Uỷ ban Công vụ của Trung Quốc ở nước ngoài,
– Uỷ ban Nội vụ và toà án,
– Uỷ ban Bảo vệ tài nguyên và môi trường, và,
– Uỷ ban Nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Có thể lập nhiều uỷ ban hơn để nghiên cứu; kiểm tra và soạn thảo văn bản pháp luật.
Trong khi đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố tự trị trực thuộc Chính phủ Trung ương, các quận tự trị và các thành phố đủ lớn để có quận được phép thành lập các uỷ ban đặc biệt riêng. Các uỷ ban này thực hiện chức năng địa phương giống như các bên đối tác ở cùng cấp độ. Các cơ quan đặc biệt thuộc Hội đồng nhân dân và các uỷ ban thường trực trong Hội đồng nhân dân hoạt động từ trung ương xuống địa phương. Hội đồng nhân dân và chính quyền các địa phương có các văn phòng lập pháp, đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hoá chính sách của quốc gia.
Cơ chế hoạt động lập pháp đang tiếp tục được hoàn thiện, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan cấp địa phương của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng làm như vậy. Luật Lập pháp đã được tổng kết, chứng minh rằng cơ chế hoạt động mới này có hiệu quả.
Số lượng các luật được ban hành 20 năm qua của Trung Quốc rất ấn tượng. Mỗi năm đều ban hành nhiều luật và các điều lệ mới. Kết quả là đã có hơn 400 luật, hơn 1.000 văn bản pháp qui hành chính, 10.000 các luật và các điều lệ địa phương và 30.000 các thủ tục hành chính đã được ban hành hoặc sửa đổi. Các văn bản này điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực cơ bản trong phạm vi cả nước.
Các lĩnh vực được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật đã tăng nhanh trong thời gian đó. Cơ cấu pháp luật dần được xác lập, bao gồm: Hiến pháp, các văn bản pháp quy hành chính, luật về dân sự và luật về thương mại, luật về kinh tế, luật về trật tự xã hội, luật về hình sự, luật về thủ tục và một vài nhóm luật khác. Toàn bộ hệ thống pháp luật dựa trên nền tảng Hiến pháp đang được hoàn thiện.
Nỗ lực lập pháp của Trung Quốc hướng về đổi mới kinh tế nhà nước, tiếp tục mở cửa và tiếp thêm sức mạnh cho các nguồn lực kinh tế. Các thành tựu trong lập pháp trong thời gian qua đã tạo ra khung pháp lý ổn định nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thuận lợi và cơ cấu lại hệ thống kinh tế. Một phần nhờ có khung pháp lý đó mà nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục với tốc độ cao nhất thế giới trong một thời gian dài.
Trung Quốc dành cho việc xây dựng luật để điều chỉnh cách hoạt động thị trường như một ưu tiên chiến lược của đất nước. Công tác cải cách lập pháp tập trung vào việc ban hành các loại luật sau đây:
– Các luật về điều chỉnh các đối tượng tham gia thị trường, xác định các quyền hạn và trách nhiệm của họ;
– Các luật về điều chỉnh các mối quan hệ giữa các đối tượng tham gia thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và duy trì trật tự thị trường tốt;
– Các luật về nâng cao quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ để đảm bảo sự phát triển kinh tế vững mạnh và hạn chế các yếu tố tiêu cực; và
– Các luật về xây dựng một hệ thống an sinh xã hội để đối phó với các vấn đề như phá sản và thất nghiệp nhằm giữ được sự bình ổn xã hội.
– Một cơ cấu pháp luật mới đang hình thành, nhưng trong thực tiễn Trung Quốc vẫn chưa đạt được một cách đầy đủ các mục tiêu trong nỗ lực cải cách lập pháp, còn một số mặt yếu kém sau:
– Nhiều hoạt động xây dựng luật chưa đủ cơ sở pháp lý cho các hoạt động thực hiện dễ dàng, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể gây ra tình trạng chính sách, pháp luật không thống nhất giữa các địa phương và không nhất quán trong khi thực thi pháp luật.
– Vì một số sơ hở và thiếu sót trong thủ tục lập pháp nên nỗ lực xây dựng khó được tuân theo một cách hoàn chỉnh.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn cải cách lập pháp ở Trung Quốc trong những thời gian gần đây, tác giả nhận thấy một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu cải cách lập pháp là:
– Luật Lập pháp của Trung Quốc với cơ cấu luật gọn nhẹ, chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản của quy trình ban hành văn bản pháp luật, chủ yếu quy định về thẩm quyền ban hành các loại văn bản pháp luật mà vẫn phát huy hiệu quả quản lý thống nhất việc ban hành văn bản pháp luật, sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành từng loại văn bản pháp luật cụ thể. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này cũng cần hoàn thiện chặt chẽ để tuân thủ quy trình ban hành văn bản pháp luật đã được luật định.
– Việc cải cách lập pháp cần nghiên cứu, cân nhắc đến các yếu tố chủ quan và khách quan có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của cải cách lập pháp như: các biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước; xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá trên mọi lĩnh vực, trong đó có pháp luật; bản sắc, đặc thù riêng của quốc gia; chủ trương, định hướng chính sách phát triển của quốc gia, nghị quyết của Đảng;
– Cần tiếp cận các kỹ năng, kỹ thuật lập pháp hiện đại trên thế giới và nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, nhất là các nước phát triển và có hệ thống pháp luật ổn định để cân nhắc các bước cải cách lập pháp tiếp theo. Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện hơn với các bộ luật và đạo luật tương thích, phù hợp, đồng bộ với các luật khác, ví dụ các luật về dân sự, các luật về thương mại, các luật về kinh tế và các văn bản pháp quy hành chính, điều hành của bộ ngành, địa phương cần được điều chỉnh phù hợp với nhau cả về cấu trúc bên trong của mỗi luật và khuôn khổ chung của hệ thống pháp luật; các điều khoản của luật nên cụ thể hơn, chính xác hơn và dễ hiểu hơn; sử dụng hiệu quả các cách tiếp cận khoa học và kỹ thuật như: lấy ý kiến chuyên gia, hoàn thiện quá trình ra quyết định, hoạch định chính sách, lập kế hoạch, soạn thảo, ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, rà soát, hệ thống hoá, pháp điển hoá,…Nói chung, cần sử dụng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dự luật trước khi trình Quốc hội đồng thời với việc quản lý chặt chẽ quá trình thực thi văn bản.
– Khi dự kiến thay đổi về lập pháp cần nghiên cứu, tính toán kỹ căn cứ pháp luật, đánh giá đầy đủ dự kiến tác động điều chỉnh của dự luật. Trong quá trình đó, cách thức, thủ tục lập pháp cũng cần được thiết kế cẩn thận vì thay đổi về lập pháp có thể tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, nếu sai sót thì sẽ rất khó khắc phục hậu quả./.
SOURCE:
http://xaydungphapluat.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=34,1639362&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=1639307&item_id=1706739&p_details=1
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Xã hội, nhà nước và pháp luật nước ngoài |
Leave a Reply