admin@phapluatdansu.edu.vn

CẦN ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

GS.TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ

Để tháo gỡ những khó khăn hiện tại và phát triển thị trường BĐS trong giai đoạn 5 năm tới, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, cần đa dạng hoá hàng hoá BĐS, từng bước xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng các công trình công cộng trong cơ chế hoạt động của thị trường BĐS; phát triển thị trường cho thuê nhà ở, văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; có biện pháp kích cầu hợp lý đối với thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp, người thuộc diện được ưu đãi; tạo sức cạnh tranh cho thị trường BĐS trong nước so với thị trường khu vực, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hai là, cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về BĐS bảo đảm đồng bộ, xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý để dễ dàng chuyển BĐS thành vốn đầu tư; tạo hệ thống đăng ký BĐS thống nhất; công khai hoá hoạt động kinh doanh BĐS.

Ba là, cần nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đầu tư phát triển BĐS, bảo đảm quyền định đoạt và hưởng lợi của Nhà nước, Nhà nước chủ động toàn bộ thị trường đất đai sơ cấp (đưa hợp lý quỹ đất vào thị trường), điều tiết tốt thị trường đất đai thứ cấp (thị trường giao dịch quyền sử dụng đất) bảo đảm đúng mục đích sử dụng theo quy hoạch đã được xét duyệt.

Bốn là, cần tiếp tục đổi mới chính sách tài chính đất đai. Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung – cầu về đất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại hệ thống thuế có liên quan đến đất đai bảo đảm đồng bộ với quá trình đổi mới chính sách đất đai; tạo cơ chế thu hút mạnh vốn đầu tư xây dựng kinh doanh BĐS bằng nguồn ngân sách nhà nước, bằng vốn của các thành phần kinh tế, bằng vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng, bằng huy động tiền tiết kiệm của dân thông qua chứng khoán BĐS.

Năm là, cần sớm hoàn thành hệ thống đăng ký BĐS, cấp giấy chứng nhận về BĐS thống nhất, công khai, minh bạch, được tin học hoá để tạo bước ngoặt trong cải cách thủ tục hành chính, người dân có điều kiện giám sát việc thực thi pháp luật, có công cụ tích cực chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý đất đai. Minh bạch hoá việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất cũng như việc tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giúp giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Sáu là, cần hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý đất đai, nâng cao trình độ và đạo đức của cán bộ quản lý, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai, nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý.

Bảy là, cần tạo cơ chế thực thi nghiêm pháp luật ở mọi cấp, mọi địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Tóm lại, điểm đột phá trong chính sách đất đai và BĐS cho giai đoạn này là tạo cơ chế thuận lợi để chuyển được nguồn vốn đầu tư tiềm ẩn trong BĐS thành vốn đầu tư phát triển BĐS (tạo vốn đầu tư từ nội lực). Để điểm đột phá này được thực thi, chúng ta cần đồng bộ hoá hệ thống pháp luật về BĐS, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, đổi mới hệ thống tài chính BĐS, hoàn thành hệ thống đăng ký và cấp giấy chứng nhận về BĐS, tăng cường năng lực cho bộ máy tổ chức và cán bộ quản lý.

SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

TRÍCH DẪN TỪ: http://dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/XayDung-BatDongSan/Can_dong_bo_hoa_he_thong_phap_luat_BDS/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: