THS. LÊ MINH HÙNG
1. Sự cần thiết phải sửa đổi các quy định về lãi suất và lãi suất quá hạn trong các điều khoản của BLDS 2005
BLDS 2005 sử dụng khái niệm lãi suất cơ bản để làm căn cứ viện dẫn khi xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và lãi suất quá hạn do vi phạm nghĩa vụ trả nợ và nghĩa vụ thanh toán. Tuy vậy, căn cứ lãi suất cơ bản hiện này không còn phù hợp vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, cơ chế điều hành lãi suất bằng cách giao cho Ngân hàng Nhà nước ban hành mức lãi suất cơ bản như cách quy định của BLDS 2005 là không còn phù hợp do việc xác định lãi suất tiền vay trong thực tế hiện nay đã có nhiều biến động và chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật thị trường, vượt xa những dự liệu của nhà làm luật, khi ban hành BLDS 2005. Bản thân các quy định về lãi suất cơ bản, suy cho cùng, cũng là kết quả tham khảo từ lãi suất thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam, nhưng thực chất lại thường mang tính chủ quan của cơ quan quản lý (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), không theo kịp lãi suất thực tế diễn ra trên thị trường, và đôi khi tỏ ra lạc hậu rất xa so với thực tế.
Thứ hai, sự thay đổi cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự thay đổi trong các quan hệ cung – cầu trong thị trường vốn, theo hướng ngày càng tiến dần đến với những đòi hỏi khách quan của loại quan hệ này, đòi hỏi phải cần có sự thay đổi căn cứ xác định lãi suất thích ứng. Sắp tới, Nhà nước sẽ không điều hành lãi suất theo cơ chế công bố lãi suất cơ bản như từ trước tới nay, nên căn cứ áp dụng lãi suất cơ bản trong BLDS hiện hành không còn khả thi.
Thứ ba, về mặt kỹ thuật, nhiều điều luật quy định về lãi suất trong BLDS 2005 không được trình bày chặt chẽ, có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi pháp luật.
Với những bất cập nói trên, cần thiết phải tìm kiếm một loại lãi suất phù hợp để căn cứ cho việc xác định lãi suất trong BLDS và để viện dẫn về lãi suất trong các hợp đồng vay tài sản. Bởi vậy, việc Ban soạn thảo đưa ra những đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến vấn đề lãi suất, như Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLDS là một việc làm cấp thiết.
2. Về việc chọn lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất để làm căn cứ viện dẫn trong BLDS
Khi cơ chế điều hành lãi suất của Nhà nước không dựa trên cơ sở lãi suất cơ bản thì việc đi tìm một căn cứ khác để thay thế là cần thiết. Tuy vậy, chúng tôi không cho rằng, việc lựa chọn lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất làm căn cứ để xác định lãi suất cho vay và viện dẫn trong BLDS là một giải pháp tốt, bởi những cơ sở sau:
– Một là: khái niệm lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất là một khái niệm phức hợp, không thuần nhất. Cùng một thời điểm, Kho bạc có thể phát hành nhiều loại trái phiếu Kho bạc khác nhau, cho nhiều đối tượng, tương ứng với các thời hạn, với nhiều cách tính lãi suất khác nhau, theo những phương thức phát hành khác nhau nên mức lãi suất của chúng cũng rất khác nhau. Trong nhiều trường hợp, loại lãi suất này không thể xác định được một cách cụ thể, mà phải tính toán, xem xét dựa trên việc tổng hợp hợp nhiều loại số liệu về các loại lãi suất khác nhau. Tại một thời điểm xác định, để có được một con số chính xác về lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất, chưa chắc những chuyên gia về ngân hàng hay các chuyên gia pháp lý có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Ví dụ: vào cùng một thời điểm tháng 01/2009, Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều loại trái phiếu khác nhau, như: (i) trái phiếu Kho bạc phát hành ra dân cư thời hạn 1 năm với lãi suất là 10,5%/ năm, loại 2 năm có lãi suất là 23%/ 2 năm và loại 5 năm có lãi suất 60%/5 năm; (ii) trái phiếu Kho bạc huy động tiền VND phát hành cho các đối tượng là các Ngân hàng thương mại gồm loại 1 năm với lãi suất là 10,2 %/năm và loại 2 năm với lãi suất 22%/ 2 năm; (iii) Trái phiếu Kho bạc phát hành qua đấu thầu tại sàn giao dịch chứng khoán, có lãi suất đấu thầu là 22%/2 năm. Vậy, để tính xem loại lãi suất trái phiếu nào là thấp nhất, thì cần phải xác định lãi suất thấp nhất theo thời hạn tương ứng, hay xác định theo lãi suất thấp nhất của tất cả các loại trái phiếu Kho bạc, nói chung? Dường như ý định của Ban soạn thảo muốn nói tới lãi suất thấp nhất của một loại trái phiếu Kho bạc bất kỳ nào đó so với tất cả các loại trái phiếu Kho bạc nói chung[1]. Nhưng điều đó không ngăn cản người khác không hiểu hoặc hiểu không đúng như ý định kể trên của nhà lập pháp[2].
– Hai là, tính chất thấp nhất của lãi suất là một tính chất không xác định, vì theo cơ chế phát hành trái phiếu Kho bạc như hiện nay, trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể xác định được loại lãi suất thấp nhất. Ví dụ: tại một thời điểm, Kho bạc phát hành cùng một lúc nhiều loại trái phiếu khác nhau, nhưng có mức lãi suất bằng nhau; hoặc chỉ phát hành duy nhất một loại trái phiếu Kho bạc nào đó (chẳng hạn như loại trái phiếu có thời hạn 10 năm), thì khái niệm lãi suất thấp nhất sẽ không còn ý nghĩa, vì chỉ có một loại trái phiếu duy nhất (chứ không có loại thấp nhất); hoặc phát hành loại trái phiếu không lãi suất; hoặc loại trái phiếu không kỳ hạn có lãi suất, nhưng lãi suất được xác định theo mức lãi suất thực tế của ngân hàng tại thời điểm thanh toán nên cũng sẽ không xác định được đâu là lãi suất thấp nhất. Như vậy, người áp dụng pháp luật phải đi tìm loại lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất, hoặc sẽ phải đau đầu để hiểu nghĩa của từ thấp nhất, và có thể mỗi người lại hiểu và giải thích một kiểu như thực tế đã từng xảy ra.
– Ba là, mức lãi suất các loại trái phiếu Kho bạc thường không thích ứng với mức lãi suất thực tế của thị trường. Thường thì mức lãi suất này được xác định theo nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc do ý chí chủ quan của cá nhân Bộ trưởng Bộ Tài chính[3]. Do đó, mức lãi suất trái phiếu Kho bạc được công bố có thể sẽ không phản ánh đúng bản chất của quy luật cung – cầu về vốn trên thị trường. Mặc dù việc định ra mức lãi suất của trái phiếu phải tham khảo mức lãi suất chung trên thị trường tài chính, nhưng vẫn không hoàn toàn loại bỏ tính chất chủ quan bởi do một cá nhân quyết định. Bản thân mức lãi suất của trái phiếu Kho bạc bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố kinh tế – chính trị khác nhau, dẫn đến mức lãi suất được xác định cũng sẽ rất khác nhau. Các yếu tố có tác động rất lớn đến việc định ra mức lãi suất của loại trái phiếu như: được phát hành với nhiều mục đích khác nhau (đầu tư dài hạn, ngắn hạn; huy động tài chính cho các dự án trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội); thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và ngành tài chính; phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh hoặc không có sự bảo lãnh của Chính phủ. Bởi vậy, nhiều loại lãi suất trái phiếu được xác định không sát với thực tế xã hội, không phản ánh đúng thực chất quy luật của thị trường.
– Bốn là, lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất là một loại lãi suất không hoàn toàn công khai, do vậy, không thuận tiện cho việc xác lập thông tin để viện dẫn khi xác lập hợp đồng. Đây là loại lãi suất chỉ được công bố chủ yếu cho các đối tượng có liên quan chứ không được niêm yết trên thị trường hoặc công bố rộng rãi trong toàn xã hội, nhất là khi lãi suất của các loại trái phiếu kho bạc được xác định do chính quyền một địa phương yêu cầu hoặc do ngân hàng Nhà nước bắt buộc mua đối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, hoặc được xác định thông qua phương thức đấu thầu[4], nhưng lại không có loại trái phiếu nào được phát hành ra công chúng. Mặt khác, trên thực tế, mức lãi suất của các loại trái phiếu kho bạc thường ít có cơ chế công bố công khai, nên công chúng càng ít có cơ hội được biết đến một cách chính xác mức lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất là bao nhiêu. Điều đó có thể dẫn đến việc bên vay bị ép ký hợp đồng vay với lãi suất cao hoặc bên cho vay vô ý đưa ra một mức lãi suất quá cao dẫn tới bị kiện tụng[5], bị xử phạt hành chính[6] hoặc bị truy tố hình sự về tội cho vay nặng lãi[7].
– Năm là, trái phiếu Kho bạc vốn được phát hành theo từng đợt, phụ thuộc vào mục đích, nhu cầu khác nhau, bởi vậy, cũng sẽ có một khoảng thời gian dài hoặc rất dài, không có trái phiếu nào được phát hành, nên mức lãi suất của lần gần nhất đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Hoặc ngược lại, cũng có thể trong giai đoạn rất ngắn, liên tục có nhiều đợt phát hành nhiều loại trái phiếu Kho bạc cho các đối tượng khác nhau, với các mức giá khác nhau (chẳng hạn qua đấu thầu, qua quyết định đơn phương của Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua đề nghị của chính quyền một địa phương nào đó) dẫn đến mức lãi suất giữa các lần phát hành có sự chênh lệch đáng kể, thì căn cứ vào lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất (tại thời điểm công bố gần nhất) sẽ không công bằng và hợp lý.
– Sáu là, trái phiếu Kho bạc có thể được phát hành đơn lẻ tại các địa phương khác nhau, cho các khu vực hoặc các đối tượng khác nhau, với những mức lãi suất khác nhau, nên tại một thời điểm, tính trên phạm vi cả nước có thể có nhiều mức lãi suất khác nhau[8]. Khi đó sẽ tạo ra sự xung đột về mức lãi suất trái phiếu Kho bạc giữa các địa phương nơi phát hành trái phiếu. Nếu tòa án cần căn cứ vào một mức lãi suất để viện dẫn và áp dụng cho việc giải quyết một vụ án, tại một số địa phương cụ thể, thì chọn loại lãi suất nào?
Như đã phân tích, việc chọn loại lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất làm căn cứ tính lãi trong các hợp đồng vay tài sản, cũng như để viện dẫn trong BLDS và trong việc thực thi pháp luật dân sự chưa thuyết phục, làm cho các điều luật liên quan dễ bị thay đổi. Bởi vậy, cần phải tìm kiếm một cơ chế lãi suất xác định, công khai, minh bạch, ổn định hơn và công chúng có thể biết đến một cách dễ dàng hơn để làm căn cứ viện dẫn trong BLDS.
Đâu là loại lãi suất hợp lý?
Vì BLDS là một bộ luật lớn, có vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự trong xã hội, bảo đảm sự an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự[9], nên cần phải có những điều khoản được quy định thật chặt chẽ, đảm bảo tính ổn định và giá trị lâu bền của bộ luật.
Trong buổi tọa đàm tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/4/2008, nhiều đại biểu đại diện các ngân hàng ở thành phố đề xuất lấy mức lãi suất liên ngân hàng trong nước hoặc lãi suất LIBOR[10] hoặc SIBOR[11] làm cơ sở việc dẫn trong BLDS. Việc chọn lãi suất theo công bố của liên ngân hàng có nhiều ưu điểm, như: được công bố rộng rãi, công khai, được công chúng biết đến tương đối phổ biến, cơ bản phản ánh được mức lãi suất thực chất của thị trường vốn. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng có những nhược điểm có thể sẽ làm vô hiệu hóa ý định ban đầu của nhà làm luật trong việc kiểm soát mức lãi suất. Chẳng hạn: (i) tính chất không chính thức và không mang tính đại diện của thông tin lãi suất được công bố trên thị trường liên ngân hàng: loại lãi suất này không do Nhà nước công bố chính thức mà chỉ là kết quả tham khảo do liên minh một số ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đề xuất, nên nó không phải là sự thể hiện ý chung của mọi ngân hàng; (ii) Tính không chuẩn xác hay không thích ứng với mọi loại lãi suất thương mại: lãi suất liên ngân hàng chỉ để tham khảo cho các ngân hàng thương mại trong cam kết nội bộ giữa các ngân hàng chứ không phải là lãi suất cho vay thông dụng. Muốn được phát hành ra dân cư, lãi suất này còn phải được cộng thêm những giá trị nhất định (chỉ số lạm phát, chi phí kinh doanh, thuế, trả lương nhân viên, dự trữ bắt buộc); (iii) Tính không ổn định hay tính linh hoạt quá mức trước diễn biến của thị trường: lãi suất liên ngân hàng rất linh hoạt và không ổn định, nhiều khi có sự thay đổi lớn về mức lãi suất trong một thời gian rất ngắn (có khi từng ngày, thậm chí từng buổi trong ngày), với độ giãn biên lớn, tạo ra sự chênh lệch rất cao về mức lãi suất được công bố giữa các kỳ gần nhất, trong một chu kỳ lãi suất rất ngắn.
Khác với các hợp đồng vay tiền của các tổ chức kinh doanh tiền tệK, hợp đồng vay tài sản trong dân cư thường chọn mức lãi suất cố định, trong một thời hạn tương đối dài, nên việc thay đổi lãi suất chỉ có ý nghĩa lúc xác lập hợp đồng (để tính lãi suất trong hợp đồng) hoặc khi hợp đồng đáo hạn (để tính lãi quá hạn), chứ không ảnh hưởng nhiều đến lãi chung của toàn bộ thời hạn hợp đồng. Nếu dựa vào mức lãi suất thị trường thuần túy sẽ có những hợp đồng vay được ấn định mức lãi suất rất cao hoặc rất thấp (tương ứng với lãi suất thị trường) tại thời điểm xác lập hợp đồng. Do đó, tạo kẽ hở cho giới đầu cơ tính toán thời điểm phát hành hợp đồng có lợi cho họ, đẩy người đi vay vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Sẽ không thật hợp lý, nếu các hợp đồng chỉ xác lập cách nhau vài ngày, nhưng có mức lãi suất cố định trong toàn bộ thời hạn của hợp đồng rất khác nhau, với sự chênh lệch tiền lãi rất lớn[12].
Kiến nghị
Chúng tôi cho rằng, cần phải chọn một giá trị tuyệt đối, thích ứng với mọi trường hợp thay đổi về giá trị vốn gốc và thời hạn vay, đó là tính lãi suất trên vốn gốc chứ không nên đưa ra lãi suất thường xuyên có tính biến động, như loại lãi suất liên ngân hàng trên đây.
Tuy nhiên, cũng không nên chỉ đưa ra một mức lãi suất chung cho mọi loại thời hạn vay khác nhau, mà nên phân hóa ra các mức lãi suất theo kỳ hạn. Giả sử chúng ta xem mức lãi suất như là khoản tiền phạt cho nghĩa vụ trả tiền (tương tự như trong biện pháp phạt vi phạm hay xử lý tiền đặt cọc), thì mức lãi suất tiền vay do các bên thỏa thuận, nhưng không quá 2 %/ tháng đối với loại vay ngắn hạn, 2,25%/tháng đối với loại vay trung hạn, và 2,5%/tháng đối với loại cho vay dài hạn. Biên độ dao động giữa các loại kỳ hạn này có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn, tùy theo cân nhắc của Ban soạn thảo, dựa trên sự thống kê và những tính toán khoa học của giá trị lãi suất trung bình trong khoảng 10 năm trở lại đây của thị trường tài chính Việt Nam, tính từ khi BLDS 1995 có hiệu lực đến nay. Kèm theo điều khoản này, cần phải giải thích các khái niệm ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và phải đưa ra những khả năng thỏa thuận linh hoạt của các bên trong hợp đồng nhằm đối phó với khả năng lạm phát cao của nền kinh tế, như: có thể đưa ra điều khoản bảo đảm khi xảy ra lạm phát với một tỷ lệ xác định.
Dù sao, việc định ra loại lãi suất làm căn cứ viện dẫn trong BLDS cũng là vấn đề quan trọng, cần phải xác định được những tiêu chí cụ thể để chọn được một giải pháp lãi suất tối ưu, với sự thận trọng cần thiết chứ không nên vội vàng, tùy tiện.
3. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản hiện nay có thể áp dụng cho mọi hợp đồng vay tài sản khác nhau, hay chủ yếu là để giải quyết tranh chấp liên quan tới hợp đồng vay tiền?
Khái niệm tài sản trong BLDS được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản[13]. Tuy vậy, khái niệm hợp đồng vay tài sản nói chung, không phải là hợp đồng vay đối với mọi tài sản, mà chỉ được hiểu là hợp đồng vay tiền hoặc các vật cùng loại[14], như vàng, gạo, thóc, xăng, dầu, nguyên liệu, nhiên liệu…
Sự bất cập thể hiện ở chỗ, nội dung của các điều khoản về hợp đồng vay tài sản được nêu trong BLDS hiện hành, cũng như trong Dự thảo, gợi lên suy nghĩ rằng, các điều khoản này chủ yếu áp dụng cho hợp đồng vay tiền, hơn là áp dụng cho mọi hợp đồng vay. Thực tế pháp luật không quy định cụ thể về lãi suất những hợp đồng vay đối với các loại tài sản khác (các hợp đồng vay tài sản khác, như xăng dầu, thóc, gạo, phân bón, nông sản, các vật cùng loại khác, nhất là đối với việc vay vàng). Đặc biệt, quy định của Dự thảo cũng chưa tính đến các loại lãi suất trong các quan hệ đặc thù tương tự như hợp đồng vay, như trong quan hệ hụi, họ và vay có bảo đảm ở hiệu cầm đồ[15].
Mặt khác, cách quy định về lãi suất như Dự thảo chủ yếu là để điều chỉnh hợp đồng vay tiền. Nên chăng sửa lại tên gọi của đề mục Hợp đồng vay tài sản[16] trong BLDS hiện hành, với tên gọi mới là Hợp đồng vay tiền và các tài sản khác, để nhằm xác định rõ: đây là quy định chung về hợp đồng vay tài sản, nhưng chủ yếu là để điều chỉnh quan hệ vay tiền, còn việc vay các loại tài sản khác hoặc vay vàng, thì được quy định thêm bằng một sồ điều luật khác, phù hợp với đặc thù của loại tài sản vay tài sản khác đó. Trên thực tế, không thể áp dụng các điều khoản về lãi, lãi quá hạn của hợp đồng vay tiền cho các hợp đồng vay tài sản thông thường khác (vốn ít chịu sự tác động của sự mất giá giống như sự mất giá của tiền).
Vấn đề đặt ra là, nếu hợp đồng vay gạo, vay xăng dầu là hợp đồng vay có lãi, thì việc xác định lãi suất trong các hợp đồng đó có bị điều chỉnh bởi mức lãi suất chung của hợp đồng vay (tiền) hay không? Nếu có, có nên quy đổi tài sản ấy thành một khoản tiền cụ thể hay không? Nếu quy đổi thành khoản tiền, thì giá trị quy đổi đó dựa vào tiêu chí nào (nếu các bên không thỏa thuận trước về mức giá của tài sản đó hoặc tiêu chí quy đổi, thời điểm và địa điểm quy đổi). Đây chính là những nội dung chủ yếu cần tiên liệu trong việc điều chỉnh quan hệ vay mượn tài sản là vật cùng loại khác.
Cũng cần lưu ý khái niệm mượn theo kiểu Nam Bộ (mà thực chất là vay không có lãi). Do vậy, cần phải xem quan hệ vay vật cùng loại không có lãi được quy định trong hợp đồng vay tương đương như là mượn của người dân Nam Bộ, để đưa ra giải pháp xử lý giống nhau, nhằm đảm cho quy định của luật được nhất quán và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Kiến nghị
Thứ nhất, Dự thảo cần phải thiết kế những điều khoản quy định việc cho vay vật cùng loại và không lãi suất, sao cho hiệu lực áp dụng của các điều khoản đó phải gần giống như hợp đồng mượn tài sản, nghĩa là không tính lãi quá hạn, chỉ buộc bên vay phải trả lại tài sản vay theo đúng số lượng, chất lượng ban đầu.
Thứ hai, trong trường hợp chậm trả mà gây thiệt hại thì hoặc: (i) tính lãi quá hạn giống như vay tiền không lãi; hoặc : (ii) phải bồi thường thiệt hại tương ứng với những tổn thất mà bên cho vay phải gánh chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nội dung này cần được bổ sung vào quy định tại khoản 4 Điều 474 BLDS 2005. Mặt khác, quy định này cũng phải được phân hóa thành ba khả năng: vay tiền không có lãi, vay tài sản khác (là vật cùng loại) không có lãi và vay vàng không có lãi.
Thứ ba, cần chế định những điều khoản thể hiện tính chất đặc thù của quan hệ hụi, họ và quan hệ vay có cầm cố tài sản ở hiệu cầm đồ, theo hướng cho phép được tính lãi trước khi góp tiền cho vay (đối với hụi lấy lãi trước) hoặc cho phép hiệu cầm đồ có mức lãi suất cao hơn so với lãi suất tương ứng của hợp đồng vay tiền…
4. Các kiến nghị cụ thể về các điều khoản của Dự thảo BLDS sửa đổi, bổ sung BLDS 2005
4.1. Khoản 2 Điều 436 BLDS 2005 (tức khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi) quy định: “Trong trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận được vật do bên bán giao vật không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm phải thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Dường như điều luật này được kế thừa quy định tương ứng trong Nghị định 17-HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, buộc bên giao vật không đồng bộ cùng một lúc phải chịu chế tài tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại[17].
Trên thực tế, quy định này tỏ ra khá hiệu quả trong việc tác động đến bên bán đã nhận tiền mà cố tình chây ì, chiếm dụng tiền thanh toán của bên mua và trì hoãn quá lâu việc giao vật đồng bộ, làm thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua. Đặc biệt là trong những trường hợp bên bị vi phạm không chứng minh được một cách rõ ràng về những thiệt hại họ phải gánh chịu, thì quy định về việc buộc bên bán phải chịu lãi suất trên số tiền chiếm dụng, càng có ý nghĩa tác động tích cực .Tuy nhiên, cũng cần tính đến sự công bằng và sự tương đồng trong mối mối liên hệ với các điều khoản khác của BLDS.
Chúng tôi cho rằng, quy định này đã thể hiện sự “bất công” đối với bên bán khi buộc họ phải chịu cùng một lúc hai chế tài cho một hành vi “giao vật không đồng bộ”, đó là vừa bị buộc phải trả tiền lãi chậm trả theo lãi suất trái phiếu, vừa phải bồi thường thiệt hại thực tế cho bên mua, nếu bên mua đã trả tiền trước. Quy định này đã phá vỡ nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm dân sự là thiệt hại bao nhiêu thì chỉ được bồi thường bấy nhiêu, đặc biệt nếu bên bán không phải là người cố tình chây ì, trì hoãn việc giao hàng đồng bộ nhằm mục đích trục lợi. Hơn nữa, quy định đó tạo cho bên mua được lợi hai lần, nghĩa là tạo căn cứ hợp pháp để bên mua được hưởng lợi không chính đáng, đặc biệt là trong những trường hợp bên bán vi phạm nghĩa vụ do giao vật không đồng bộ, nhưng ngay tình và không cố ý. Mặt khác, nếu xem xét quy định này trong mối tương quan với các quy định khác về việc phải chịu lãi suất trên số tiền đã nhận do không thực hiện đúng nghĩa vụ thì có thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa quy định này với các điều khoản khác của BLDS, như đoạn 2 khoản 3 Điều 422 (về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi vi phạm nghĩa vụ có thỏa thuận về việc phạt vi phạm)[18], khoản 2 Điều 435 (giao vật thiếu số lượng), Điều 437 (giao vật không đúng chủng loại),…
Theo chúng tôi, trong trường hợp này, nhà làm luật chỉ nên áp đặt một chế tài lựa chọn: hoặc buộc bên giao vật không đồng bộ phải chịu lãi suất trên số tiền đã nhận, hoặc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tùy giải pháp nào có lợi hơn đối với bên mua (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) để đảm bảo khôi phục lại tình trạng ban đầu của thiệt hại mà bên mua phải chịu, nếu sau đó vật đã được bên bán giao đồng bộ, mục đích của hợp đồng đã đạt được; đồng thời cũng bảo đảm được nguyên tắc tôn trọng sự tự thỏa thuận giữa các bên. Hai là, để bảo đảm loại trừ hành vi chây ì, cố tình trì hoãn việc giao vật đồng bộ, điều luật có thể được bổ sung thêm đoạn 2: “Nếu các bên có thỏa thuận khác thì bên bán vừa phải chịu lãi suất trên số tiền đã nhận theo lãi suất (luật định) từ lúc nhận tiền đến lúc giao vật đồng bộ, trừ trường hợp bên bán chứng minh việc vi phạm không do lỗi cố ý”.
Giải pháp đưa ra trong trường hợp bên bán giao vật không đồng bộ, như cách quy định của khoản 1 Điều 436 BLDS hiện hành chưa thể hiện được quan điểm tôn trọng quyền tự do hợp đồng[19], trong khi có thể có nhiều lựa chọn khác tốt hơn đối với các bên. Ví dụ: (i) có thể yêu cầu tiếp tục giao vật đồng bộ và đòi bồi thường thiệt hại; hoặc (ii) chấp nhận những vật đã giao không đồng bộ, nhưng có quyền yêu cầu giảm giá hoặc bồi thường; hoặc (iii) thỏa thuận khác. Do đó, nên quy định chế tài đối với bên bán giao vật không đồng bộ (mặc dù đã nhận tiền của bên mua) và vì lý do đó mà hợp đồng mua bán bị hủy bỏ. Tức là, nên bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 436. Cụ thể: b. Hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại: “Nếu bên bán đã trả tiền cho bên mua, thì bên bán còn có quyền yêu cầu bên mua phải trả lại tiền và trả lãi trên số tiền đã nhận, theo lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần công bố sau cùng trước thời điểm hoàn trả lại tiền, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác”.
4.2. Khoản 1 Điều 476 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”, tương ứng là khoản 5 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi): 1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 300% của lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay..
Về kỹ thuật pháp lýV, cách diễn đạt không được vượt quá 300% lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, gây khó khăn cho việc nhận thức và áp dụng điều luật[20]. Tương ứng, cụm từ không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của khoản 1 Điều 476 BLD 2005 và cụm từ không được vượt quá 50 % lãi suất cao nhất… trong khoản 1 Điều 473 BLDS 1995, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất, không vượt quá 150% lãi suất cơ bản hay không vượt quá 300% lãi suất Trái phiếu được hiểu là lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng cao nhất chỉ có thể lên tới gấp 1, 5 lần lãi suất cơ bản (hoặc gấp 3 lần lãi suất trái phiếu[21]). Cũng có cách hiểu thứ hai cho rằng, cụm từ không vượt quá ở đây được hiểu là, nhà nước cho phép các bên có quyền thỏa thuận cao hơn lãi suất ngân hàng, nhưng phần vượt quá đó phải không được vượt quá 150% mức ngân hàng quy định. Như vậy, nếu bao gồm cả phần lãi suất cơ bản và phần cho phép vượt quá là 150% lãi suất cơ bản, thì các bên có thể thỏa thuận mức lãi suất trong hợp đồng lên đến 250% lãi suất cơ bản.
Đây cũng là cách hiểu mà Thông tư liên tịch 01§/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC hướng dẫn cách áp dụng khoản 1 Điều 473 BLDS 1995[22].
Kiến nghị
– Phương án 1: Sửa lại cách diễn đạt của điều luật này theo hướng nêu rõ mức lãi suất cố định cho từng loại vay theo 3 kỳ hạn tương ứng là ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, như sau:
“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng tối đa không quá 2%/tháng đối với loại ngắn hạn, không quá 2,25%/tháng đối với loại trung hạn và không quá 2,5%/tháng đối với loại dài hạn.
Loại vay ngắn hạn là loại hợp đồng vay có kỳ hạn không quá 12 tháng. Loại vay trung hạn là hợp đồng vay có thời hạn từ trên 12 tháng đến 60 tháng. Loại vay dài hạn là hợp đồng vay có thời hạn từ trên 60 tháng trở trở lên.
Trong trường hợp thỏa thuận lãi suất vượt quá so với mức lãi suất được quy định tại Điều này, thì bên vay chỉ phải trả lãi bằng mức lãi suất đối đa như quy định tại Điều này”.
Cách quy định bằng một con số lãi suất xác định tuy có sự khó khăn trong việc xử lý linh hoạt những thay đổi của lãi suất thị trường, lạm phát, nhưng lại rất thích hợp cho việc xác định mức tối đa trong hợp đồng, không cần phải qua thủ tục công bố lãi suất thường kỳ của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào và bản thân các bên tham gia đều có thể dễ dàng xác định mức trần mà mình được phép thỏa thuận. Trên thực tế, nếu lấy mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong dân cư từ 10 năm trở lại đây, thì bình quân lãi suất tương đương 0,7%-0,75%/tháng cho các loại cho vay khác nhau. Còn lãi suất của khu vực dân cư khi vay tiền của ngân hàng có mức trung bình khoảng 1%-1,5% /tháng. Nếu lấy 3 lần của lãi suất tiền gửi tiết kiệm hoặc 2 lần lãi suất tiền vay ngân hàng, thì con số trung bình từ 2%-3%/tháng. Vậy, đề xuất lấy con số tối đa 2%/tháng cho loại vay ngắn hạn đã đảm bảo được mức độ lạm phát và sự trượt giá của đồng tiền, đồng thời cũng tương đương mức lãi suất trung bình của thị trường trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, các bên sẽ cần phải có những thỏa thuận linh hoạt hơn trong việc xác lập hợp đồng vay tiền, sao cho có thể ứng phó được trước những biến động của thị trường vốn và sự lạm phát của nền kinh tế.
– Phương án 2: nếu muốn giữ cách tính lãi suất như Dự thảo, để tránh sự hiểu nhầm, đề nghị Ban soạn thảo sửa lại câu chữ cho ngắn gọn và rõ nghĩa hơn. Cụ thể, đề nghị bỏ từ “vượt” và sửa lại như sau: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng tối đa không quá 3 lần của lãi suất”….
Chữ tối đa đã thể hiện rõ ý nghĩa là lãi suất do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mức khống chế do pháp luật quy định, tránh được sự hiểu nhầm (hoặc cố tình giải thích nhầm) cụm từ không vượt quá nói trên. Bên cạnh đó, cách diễn đạt của cụm từ không quá 3 lần của lãi suất… thể hiện rõ nghĩa và ngắn gọn hơn so với cụm từ không được vượt quá 300% lãi suất.
4.3. Về hậu quả pháp lý của việc vi phạm quy định về lãi suất luật định: Khoản 1 Điều 476 BLDS hiện hành chưa xác định cụ thể hậu quả pháp lý của việc vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất trong hợp đồng. Nội dung khoản 1 Điều 476 BLDS 2005 chưa xác định rõ chế tài khi các bên thỏa thuận mức lãi suất trong hợp đồng vay vượt quá lãi suất quy định. Vấn đề này hiện còn nhiều cách hiểu và cách vận dụng khác nhau:
Thứ nhất, nếu thỏa thuận trong hợp đồng vượt quá mức lãi suất quy định, thì phần vượt quá đó sẽ được cơ quan áp dụng pháp luật tính lại cho bằng với mức lãi suất quy định. Có nghĩa, nội dung của điều khoản này bị vô hiệu một phần, đó là phần vượt quá mức lãi suất quy định và phần vô hiệu này không ảnh hưởng đến toàn bộ điều khoản lãi suất của hợp đồng.
Cách hiểu thứ hai cho rằng, nếu thỏa thuận về điều khoản lãi suất trong hợp đồng là vi phạm pháp luật, thì nội dung của thỏa thuận này bị xem là vô hiệu tuyệt đối. Và nếu toàn bộ điều khoản lãi suất vô hiệu, thì coi như hợp đồng vay không có lãi.
Thứ ba, nếu các bên thỏa thuận vượt quá mức lãi suất quy định, rồi không nhất trí với nhau về mức lãi suất đó, dẫn đến tranh chấp ra tòa, thì phải áp dụng khoản 2 Điều 476 là có sự tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất phải được tòa án xác định lại theo lãi suất cơ bản (nay là lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất theo quy định của Dự thảo), chứ không phải tính lại cho bằng với 150% lãi suất cơ bản (300% lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất).
Theo chúng tôi, có hai phương án xử lý: (i) nếu chấp nhận giải pháp chọn lãi suất cố định so với vốn gốc như phân tích tại mục 2, thì bổ sung thêm quy định về cách xử lý hậu quả của việc thỏa thuận vượt quá mức lãi suất luật định, như kiến nghị đã trình bày tại tiểu mục 4.2 của bài này; (ii) nếu Ban soạn thảo có căn cứ giữ lại lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất thì cần phải sửa lại nội dung điều luật cho rõ nghĩa hơn, bằng cách bổ sung chế tài ở khoản 1 và sửa lại khoản 2 Điều 476 như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng tối đa không quá 3 lần của lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm xác lập hợp đồng.
Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 3 lần lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất, thì lãi suất của hợp đồng được xác định lại bằng 3 lần lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm xác lập hợp đồng.
Trong trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 3 lần mức lãi suất quy định trên đây và thực tế bên vay đã trả tiền lãi, thì số tiền lãi đã trả sẽ được trừ vào khoản nợ gốc và lãi vay.
Nếu sau khi khoản tiền lãi đã trả được trừ vào toàn bộ vốn gốc và lãi mà vẫn còn thừa, thì bên cho vay phải hoàn trả lại cho bên cho vay; đồng thời bên cho vay còn chịu lãi suất đối với số tiền lãi còn thừa sau khi đã trừ đi vốn gốc và lãi vay, theo lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành gần nhất trước thời điểm bên cho vay nhận tiền lãi đó, từ thời điểm nhận tiền đến thời điểm hoàn trả”.
4.4. Đối với những trường hợp không chứng minh được mức lãi suất: Khoản 2 Điều 476 BLDS hiện hành được Dự thảo sửa đổi lại như sau: “2.Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm trả nợ”
Theo chúng tôi, cụm từ có tranh chấp về lãi suất dễ dẫn đến nhiều cách hiểu. Nếu các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng mức lãi suất cao hơn 3 lần “lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất”; hoặc tuy không cao hơn 3 lần “lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất” nhưng sau đó bên vay thấy bất lợi với mình, nên cho rằng thỏa thuận như vậy là trái pháp luật và bên vay đã khởi kiện để tranh chấp về mức lãi suất đó với bên cho vay, thì có nên coi đó là trường hợp vay có lãi suất, nhưng có tranh chấp về lãi suất hay không? Hai là, việc giải thích nội dung điều luật theo nhiều cách sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau. Nếu coi đây là trường hợp thỏa thuận vượt quá mức lãi suất quy định thì áp dụng khoản 1 để tính lại lãi suất bằng 3 lần lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất. Nhưng nếu coi đây là trường hợp có tranh chấp lãi suất, thì áp dụng khoản 2 để tính lại lãi suất bằng với lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất. Như vậy, cách diễn đạt có thể dẫn đến sự hiểu lầm và tạo nên sự xung đột pháp luật giữa khoản 1 và khoản 2, làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn và thiếu nhất quán.
Trong trường hợp này, có thể bỏ cụm từ “có tranh chấp lãi suất” và viết lại như sau: “2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, thì áp dụng lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm xác lập hợp đồng”.
4.5. Về lãi suất quá hạn theo quy định của khoản 5 Điều 474 BLDS 2005 (khoản 4 Dự thảo): “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với nợ quá hạn theo lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150 % lãi suất trong hợp đồng vay, trường hợp các bên không thỏa thuận thì lãi suất quá hạn bằng 150 % lãi suất trong hợp đồng vay”.
Quy định này có nhiều bất cập: (i) việc sử dụng cụm từ bằng 150% lãi suất trong hợp đồng vay là không chuẩn xác. Có những trường hợp lãi suất trong hợp đồng vay là lãi suất vi phạm pháp luật (do các bên đã thỏa thuận vượt quá mức lãi suất luật định) nên không phải là căn cứ hợp pháp để tính lãi suất trong hợp đồng vay; (ii) nếu lãi suất hợp đồng đã bị coi là vô hiệu, mà lại chấp nhận lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất hợp đồng, thì sẽ dẫn tới cách hiểu: mặc dù lãi suất hợp đồng vượt quá mức lãi suất luật định thì bị vô hiệu, nhưng lãi suất quá hạn do các bên thỏa thuận bằng 150% lãi suất của hợp đồng thì vẫn được pháp luật công nhận; đồng thời tạo ra sự mâu thuẫn giữa quy định của điều này so với quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS; (iii) mức 150% lãi suất trong hợp đồng, nếu được giữ nguyên, sẽ là một mức lãi suất phạt rất cao. Nếu tính theo mức lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất, con số này lên đến 4, 5 lần lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất, quá cao đối với người đang mắc nợ nhưng không có khả năng trả nợ; (iv) quy định này chưa phản ánh đúng bản chất của quan hệ dân sự là tự do thỏa thuận, nếu có sự thỏa thuận trước (tức có sự chủ định trong hợp đồng) về lãi suất quá hạn, người vay sẽ có lợi hơn vì họ có thể chỉ phải trả lãi quá hạn bằng hoặc thấp hơn 1, 5 lần lãi suất quy định[23]. Nếu không có thỏa thuận trước về lãi suất quá hạn, thì theo quy định của pháp luật, người vay phải chịu phạt lãi suất quá hạn theo hướng bất lợi hơn. Theo người viết, cách nhà làm luật xử lý quyền lợi của các bên như trên sẽ gây bất lợi hơn với bên vay và chưa khuyến khích bên cho vay chủ động đề ra mức lãi suất phạt quá hạn khi xác lập hợp đồng.
Kiến nghị
Dự thảo cần dự liệu cách tính lãi quá hạn: khi lãi suất quá hạn dựa trên lãi suất của hợp đồng mà lãi suất hợp đồng bị vô hiệu, thì tính lãi suất quá hạn trên cơ sở nào? Nếu tính lại, ai có quyền tính lại và mức lãi suất tối đa khi được tính lại là bao nhiêu? Nếu điều khoản lãi suất quá hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bị vô hiệu, thì mức lãi suất quá hạn cần phải được tính lại là hợp lý. Vấn đề là không nên tính lại theo lãi suất hợp đồng, mà phải tính lại theo lãi suất chung. Như vậy, đề nghị bỏ cụm từ bằng 150% lãi suất trong hợp đồng trong quy định tại khoản 5 Điều 474 trên đây và quy định lại như sau[24]:
“5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với nợ quá hạn theo lãi suất do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng tối đa bằng 1, 5 lần lãi suất trong hợp đồng và cũng không quá 1, 5 lần mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật này, tùy mức lãi suất nào thấp hơn.
Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất quá hạn quá 1, 5 lần lãi suất hợp đồng hoặc vượt quá 1, 5 lần mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật này, thì lãi quá hạn được tính lại bằng 1, 5 lần lãi suất hợp đồng hoặc bằng 1, 5 lần của lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật này, tùy mức lãi suất nào thấp hơn”.
Đối với trường hợp không thỏa thuận về lãi suất quá hạn hoặc thỏa thuận không cụ thể, thì cần xác định lại lãi suất quá hạn, nhưng không thể xác định mức lãi suất quá hạn cao nhất áp dụng đối với trường hợp có thỏa thuận, trừ trường hợp sau đó các bên thỏa thuận không tính lãi suất quá hạn hoặc tính lại về lãi suất quá hạn, nhưng mức tính lại lãi suất quá hạn không vượt quá mức lãi suất quá hạn quy định ở đoạn 1 của khoản 5 Điều này. Cụ thể: “Nếu các bên không thỏa thuận trước lãi suất quá hạn hoặc có thỏa thuận nhưng không xác định cụ thể mức lãi suất quá hạn, thì lãi suất quá hạn được tính bằng 1, 2 lần lãi suất trong hợp đồng hoặc bằng 1, 2 lần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật này, tùy mức lãi suất nào thấp hơn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác nhưng không trái với quy định tại đoạn 1 của khoản này”.
5. Về hiệu lực áp dụng của Luật sửa đổi, bổ sung một sồ điều của BLDS
Điều 2 Dự thảo quy định: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009; 2. Quy định tại Luật này được áp dụng đối với các hợp đồng vay tài sản phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành”
Về nguyên tắc, quan hệ dân sự đã được xác lập theo quy định của BLDS 2005 đã dần trở nên ổn định. Bởi vậy, không nên quy định hiệu lực hồi tố của văn bản pháp luật được ban hành sau đối với việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đã phát sinh trước đó. Mặt khác, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002), thì muốn quy định hiệu lực hồi tố của một văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành cần phải lý giải về sự “thật cần thiết”[25] của việc công nhận hiệu lực hồi tố của văn bản quy phạm pháp luật đó. Ngược lại, quy định về lãi suất để làm căn cứ và để viện dẫn trong BLDS hiện hành có nhiều bất cập, không phù hợp với thực trạng thị trường hiện nay, nên thực tế có rất nhiều hợp đồng vay tiền của các ngân hàng cũng như trong dân cư có mức lãi suất không phù hợp. Do đó, nếu không cho áp dụng hiệu lực hồi tố của các quy định mới này, thì cũng không hợp lý và không giải quyết dứt điểm hậu quả do bất cập của những quy định về lãi suất trong BLDS 2005 để lại. Có nhiều hợp đồng được xác lập trước ngày 01/01/2009 (ngày dự kiến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLDS 2005 có hiệu lực), nhưng có thời hạn dài hơn 3 năm, nên thời điểm đáo hạn của các hợp đồng này hoặc thời điểm tranh chấp giữa các bên xảy ra là sau ngày 01/01/2009, thì việc cho áp dụng hiệu lực hồi tố của đạo luật này để giải quyết một số quan hệ nhất định là cần thiết. Đặc biệt, việc ban hành đạo luật này còn nhằm để kiểm soát tình trạng cho vay nặng lãi, theo hướng thoáng hơn so với BLDS 2005, nên vấn đề làm căn cứ truy tố trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cho vay nặng lãi, cũng cần được mở rộng áp dụng, theo nguyên tắc có lợi hơn cho người vi phạm (hoặc người phạm tội).
Tuy vậy, vấn đề quy định hiệu lực hồi tố cũng có nhiều hệ quả không tích cực trong việc điều chỉnh các quan hệ đã xảy ra trước đó từ lâu, gây nên những xáo trộn nhất định đối với các quan hệ xã hội, tạo tiền lệ không tốt cho việc hợp pháp hóa các vi phạm pháp luật, cũng như có thể tạo kẽ hở cho một số người lợi dụng pháp luật để trục lợi. Bởi vậy, cần phải quy định cụ thể những trường hợp nào được phép áp dụng hiệu lực hồi tố, trên tinh thần hạn chế tối đa việc cho phép áp dụng hiệu hồi tố. Hiệu lực hồi tố, nếu có, cũng không nên quy định trực tiếp trong luật này mà phải được quy định trong một văn bản khác của Quốc hội, được ban hành cùng với luật này để hướng dẫn, giải thích cách áp dụng, cũng như những loại trừ không áp dụng của những điểu khoản của đạo luật.
Kiến nghị
Thứ nhất, giữ nguyên khoản 1 của Điều 2 của Dự thảo quy định hiệu lực thi hành của Luật kể từ ngày 01/01/2009.
Thứ hai, không trực tiếp quy định hiệu lực hồi tố của đạo luật này mà để Quốc hội ra một Nghị quyết về việc thi hành luật này. Trong Nghị quyết không cho áp hiệu lực hồi tố một cách đại trà, mà chỉ chọn lọc một số loại quan hệ hợp đồng vay thật cần thiết phải được xem xét lại. Cụ thể:
+ Đối với các hợp đồng vay (quan hệ) được xác lập trước ngày 01/01/ 2009 mà đã được thực hiện xong và không trái với quy định của BLDS 2005 về lãi suất, thì không giải quyết lại; nếu hợp đồng vay (quan hệ) đã được thực hiện xong, nhưng lãi suất trái với quy định của 476 BLDS 2005 và các bên có tranh chấp, thì áp dụng theo quy định của BLDS 2005;
+ Đối với các hợp đồng vay (quan hệ) được xác lập trước ngày 01/01/2009 nhưng chưa được thực hiện xong mà có tranh chấp, thì được áp dụng Luật này để giải quyết đối với phần chưa thực hiện, trừ trường hợp các bên thỏa thuận vẫn áp dụng quy định của BLDS 2005, thì áp dụng quy định của BLDS 2005 để giải quyết; phần đã thực hiện xong phù hợp với quy định của BLDS 2005 mà có tranh chấp thì không giải quyết lại; phần đã thực hiện xong bị tranh chấp mà trái với quy định của BLDS 2005 thì áp dụng theo quy định của BLDS 2005 để giải quyết.
+ Đối với các tranh chấp phát sinh từ những hợp đồng (quan hệ) được xác lập trước ngày 01/01/2009 đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì không giải quyết lại; nếu chưa được giải quyết xong bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà sau ngày 01/01/2009 lại bị kháng cáo, kháng nghị, thì áp dụng quy định của BLDS 2005 để giải quyết tiếp tục, theo các thủ tục tố tụng cú liên quan./.
Chú thích:
[1]Để xác định đâu là mức lãi suất thấp nhất, ta vẫn cần phải tính toán và quy chúng về thành một loại trái phiếu có thời hạn giống nhau, ví dụ quy đổi về loại trái phiếu có thời hạn một năm.
[2]Chẳng hạn, có thể lấy lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của loại phát hành ra công chúng là 10,5 %/năm, thay vì lấy lãi suất trái phiếu Kho bạc phát hành cho các Ngân hàng thương mại có mức lãi suất thấp nhất trong các loại trái phiếu là 10,2 %/ nam.
[3]Điều 23 Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ.
[4]Xem các Điều 23, Điều 25 Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ.
[5]Nhiều hợp đồng cho vay tiền giữa các ngân hàng thương mại với khu vực dân cư hiện nay bị coi là vi phạm mức lãi suất luật định và đứng trước nguy cơ bị kiện ra tòa án để xin xem xét về mức lãi suất.
[6]Có thể vừa bị xử phạt, vừa tịch thu khoản lợi thu được từ tiền lãi.
[7]Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, thì một người có thể bị truy tố về tội cho vay nặng lãi nếu cho vay với mức lãi suất cao hơn từ 10 lần trở lên so với mức lãi suất mà pháp luật quy định (và có tính chất chuyên bóc lột). Xem thêm Điều 163 BLHS1999.
[8]Ví dụ: cùng một thời điểm, Chính phủ phát hành nhiều loại trái phiếu Kho bạc cho các đối tượng khác nhau, với phương thức xác định lãi suất khác nhau, cụ thể như: Trái phiếu Kho bạc phát hành tại Hà Nội, cho các ngân hàng thương mại, có lãi suất là 12%/năm; Trái phiếu Kho bạc phát hành cho đối tượng là cán bộ, công chức trong ngành giáo dục có lãi suất là 12,5%/năm; Trái phiếu Kho bạc phát hành qua đấu thầu tại một sàn chứng khoán Tp. HCM là 13%/năm.
[9]Xem Điều 1 BLDS 2005.
[10]Theo http://www.vietstock.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=1395&ChannelID=33 truy cập lúc 10 giờ ngày 11/4/2008, thì Lãi suất LIBOR London Interbank Offered Rate là lãi suất làm căn cứ giao dịch tín dụng bằng đồng đô la Mỹ tại hải ngoại, được công bố bởi một liên ngân hàng tại Luân Đôn. Đây là lãi suất trung bình áp dụng cho các khoản ký thác bằng đô la Mỹ do 5 ngân hàng lớn nhất của Anh công bố tại thị trường Luân Đôn. Lãi suất LIBOR là loại lãi suất cơ bản ngắn hạn.
[11]Singapore Interbank Offered Rate.
[12]Ví dụ: ngày 01/02/2008, A cho B vay 100 triệu VND, với thời hạn 1 năm, lãi suất 2%/tháng. Ngày 05/02/2008, A cho C vay cùng thời hạn và cùng số tiền như cho B vay, nhưng lãi suất thị trường tại thời điểm đó là 6%/tháng. Tính trên toàn bộ thời hạn của hợp đồng, C phải trả lãi cho A rất nhiều so với B. Nhưng cả hai hợp đồng của A với B và A với C đều hợp pháp và đúng quy định của pháp luật về lãi suất. Sự chênh lệch đó do sự thay đổi lãi suất trên thị trường mang lại. Như vậy không hợp lý đối với C.
[13]Điều 163 BLDS 2005.
[14]Khái niệm vật cùng loại: xem Khoản 1 Điều 179 BLDS 2005. Về xác định đối tượng hợp đồng vay là vật cùng loại được suy đoán từ các Điều 471 và khoản 1 Điều 474 BLDS 2005.
[15]Vấn đề lãi suất của việc cho vay qua hình thức chơi hụi được áp dụng theo Nghị định 140/2007 của Chính phủ; việc tính toán mức lãi suất cho vay trong dịch vụ cầm đồ được áp dụng theo Thông tư 13/1999/ TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại.
[16]Mục 4, Chương XVIII, Phần thứ ba của BLDS 2005.
[17]Xem thêm điểm c khoản 2 Điều 13, Điều 21 Nghị định 17-HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, quy định chi tiết Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.
[18]“Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về bồi thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm”.
[19]Khi bên bán giao vật không đồng bộ, khoản 1 Điều 436 BLDS 2005 chỉ cho phép bên mua lựa chọn một trong hai khả năng: (a) yêu cầu bên bán giao vật đồng bộ và hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán; hoặc (b) hủy bỏ hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.
[20]Xem thêm Trần Văn Biên, Một số vướng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản liên quan đến trả lãi và lãi suất, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2001, trang 48-54; Lê Thu Hà, Cách tính lãi và lãi suất nợ quá hạn trong hợp đồng vay tài sản, Tạp chí Tòa án Nhân dân, số 3/1999, trang 15-19; Huy Minh, Lại bàn về lãi suất cơ bản, Tạp chí Ngân hàng, số 14/1999, trang 28-29.
[21]Xem thêm Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự, tập 2, Nxb. CAND, H.2007, tr.163; Học viện Tư pháp, Giáo trình Luật Dân sự, Nxb. CAND, H.2007, tr.391.
[22]Theo quy định tại điểm b, tiểu mục 4, mục I Thông tư liên tịch 01-TT/LT ngày 19/6/1997 của TAND Tối cao, VKS ND Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về xét xử và thi hành án về tài sản, thì khi các bên thỏa thuận vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng thì Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 473 BLDS buộc bên vay phải trả l ãi bằng 150% mức lãi suất cao nhất …”.
[23]Ví dụ: lãi suất trong hợp đồng nhỏ hơn 1, 5 lần lãi suất quy định, mà các bên thỏa thuận chỉ phạt lãi suất quá hạn bằng 1, 5 lần lãi suất trong hợp đồng, thì lãi suất quá hạn theo thỏa thuận sẽ nhỏ hơn lãi suất quá hạn của trường hợp không thỏa thuận (vì nhà làm luật bắt buộc bên vay trả lãi quá hạn bằng 1, 5 lần lãi suất luật định).
[24]Dựa theo phương án 1 của kiến nghị sửa đổi quy định khoản 1 Điều 476 BLDS 2005 (xem lại phương án 1 của mục 4.2 trên đây).
[25]Theo khoản 1 Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm phápluật: “Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
SOURCE: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 122- Tháng 5 năm 2008
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Hợp đồng |
Leave a Reply