Người gửi: Nguyễn Thị Minh Nguyệt,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Có phải truyền thống văn hoá là bất biến?
Chào bạn Khánh Tùng,
Tôi rất muốn trao đổi riêng với bạn về vấn đề này, nhưng thiết nghĩ tôi nên viết ra đây để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ.
Thứ nhất, tôi xin phép được nhắc lại những gì tôi liệt kê ở bài viết trước không phải là ý kiến của tôi, và tôi cũng không hề đặt vấn đề liệu nó đúng hay sai. Câu hỏi của tôi là “liệu nó có tồn tại trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam”. Chính vì vậy, tôi cũng không hề có ý định so sánh với phụ nữ ở một nước nào khác mà vấn đề ở đây là giữa phụ nữ và đàn ông Việt Nam.
Tôi thừa nhận tôi, và một số chị em khác, được học hành và đang ngồi trước màn hình máy tính, là những người may mắn. Nếu như một bạn nào đó thừa nhận rằng chúng tôi may mắn hơn rất nhiều người phụ nữ khác, thì mặc nhiên bạn đã thừa nhận vế thứ hai của mệnh đề này: rằng còn rất nhiều người phụ nữ không được học hành.
Thứ hai, “truyền thống văn hoá”! Tôi đã được nghe từ này nhiều lần, không chỉ ở bạn mà hầu như ở tất cả những người mà vừa nói đến bình đẳng giới đã mang ra, theo tôi, như một con “át chủ bài”, áp dụng trong mọi tình huống.
Vậy truyền thống văn hoá nó là cái gì vậy? Tôi không phải là một nhà văn hoá học nên không dám lạm bàn về mặt khoa học. Nhưng có rất nhiều điều cần nói đến nó vì những tác động xã hội mà chỉ một cụm từ đưa lại.
Chỉ vài thập kỷ trước thôi, con gái khi phạm tội “dâm ô” là sẽ bị ném đá, cạo đầu bôi vôi hoặc thả trôi sông… những tội hình mà ngày nay chúng ta cho là man rợ. Nếu bạn được một phép màu nào đó đưa trở lại thời kỳ đó, bạn sẽ thấy mọi người coi đó là bình thường, đó là “truyền thống”.
Tôi tin rằng, chỉ vài thập kỷ nữa thôi, những thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ coi rằng cách cư xử đối với phụ nữ hiện nay không kém phần “man rợ”.
Còn nếu bạn nói rằng giả sử mà phụ nữ được hưởng những quyền lợi mà họ đang đấu tranh tức là làm mất đi truyền thống văn hoá, thì tôi cũng đang tự hỏi, đàn ông ở thời kỳ mẫu hệ, họ nghĩ cái gì nhỉ? Không biết họ có nghĩ rằng, “thay đổi để chuyển sang chế độ phụ hệ tức là chúng ta đang làm xã hội đứng trước nguy cơ mất đi cả một nền văn hoá rất rất đáng quý”.
Truyền thống văn hoá là một khái niệm trừu tượng, và nó không phải là thứ bất biến. Nếu tôi là đàn ông thời nay, tôi cũng sẽ luôn cố giữ nó bất biến, giống như bạn đang làm vậy.
Tôi chưa bao giờ được bước chân ra khỏi dải đất hình chữ S nên không biết phụ nữ ở nước ngoài thực hư họ sống thế nào. Tôi chỉ biết tôi và phụ nữ xung quanh tôi họ đang sống thế nào. Nhưng tôi may mắn là được gặp rất nhiều người phương Tây, họ hay nói với tôi thế này: “Phụ nữ Việt Nam thật khổ, đàn ông Việt Nam sung sướng nhất thế giới, vì phụ nữ Việt Nam chịu làm việc nhà, chịu sinh con và chịu phụng sự để chồng thăng tiến”. Tôi không dám cho đấy là ý kiến của đa số họ, nhưng ít ra là của những người tôi đã gặp.
Một người đàn ông Thuỵ Điển (là nhà báo) còn nói: “Khi tôi mới đến Việt Nam, tôi vô cùng yêu quý đất nước bạn vì lúc đó tôi quá ngây thơ. Đến bây giờ khi nhận ra sự thực về cách đối xử với phụ nữ ở đây, tôi buồn. Và tôi còn cảm thấy xấu hổ bởi đàn ông không thừa nhận và cố gắng xoá bỏ những bất bình đẳng đang tồn tại”. Ý kiến của ông ta không là tất cả, cũng như ông hoàn toàn không ám chỉ tất cả đàn ông. Nếu bạn quan tâm, bạn hãy liên lạc với ông ta ở địa chỉ Mats.Wikman@vlt.se.Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó Ông ta là nhà báo đã nghiên cứu về bình đẳng giới, chắc chắn sẽ vui lòng trao đổi với bạn một cách thẳng thắn, cởi mở, với tư cách là một người ngoài cuộc. Bởi có khi lời nói của chúng tôi lại bị coi là “thổi phồng”.
Xin cảm ơn ý kiến trao đổi của bạn.
Tôi cũng phải thừa nhận rằng, càng đọc nhiều ý kiến của các bạn nam giới, tôi càng nhận ra đấu tranh cho bình đẳng giới còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm sau khi trao đổi trên tinh thần xây dựng.
Minh Nguyệt
SOURCE: VNEXRESS.NET
TRÍCH DẪN LẠI TỪ:
http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Co-phai-truyen-thong-van-hoa-la-bat-bien/10949061/478/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Dư luận xã hội về BĐG |
Leave a Reply