Người gửi: Hoàng Thụy Miên,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Truyền thống văn hóa và bình đẳng giới – có nên gìn giữ
Gửi anh Khánh Tùng,
Tôi rất đồng ý với nhiều điểm trong bài viết của anh về việc không nên nhầm lẫn giữa đấu tranh cho bình đẳng giới và gạt bỏ toàn bộ văn hóa. Ví dụ: nét văn hóa ăn nói lịch sự, nhẹ nhàng, điềm đạm không chỉ được đề cao ở phụ nữ mà trong văn hóa của người Việt và nhiều nước trên thế giới cũng đề cao ở nam giới.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn đặt câu hỏi ngược lại là liệu có phải tất cả những suy nghĩ, hành vi, tư tưởng trong truyền thống văn hóa đều không nên thay đổi? Lấy ví dụ trong văn hóa Việt, đàn ông được coi là người có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Chính suy nghĩ này là nguồn gốc của sự mặc cảm của những gia đình không có con trai dù họ có (nhiều) con gái vì xã hội cho rằng gia đình đó sẽ không có ai chăm lo hương khói, tu sửa mồ mả, là “mất phúc”. Nhánh của dòng họ đến đó là “mất”. Như vậy, tư tưởng trong văn hóa đã gián tiếp KHÔNG THỪA NHẬN sự có mặt và đóng góp của phụ nữ trong gia đình và dòng họ. Suy nghĩ này đè nặng lên tâm lý của nhiều gia đình (đặc biệt là phụ nữ) ở cả thành thị và thành phần trí thức khiến họ mong ngóng có con trai đầu lòng để cho “chắc ăn”, và nếu chưa có thì sẽ cố để có. Suy nghĩ này cũng khiến người đàn ông ở những gia đình đông chị em gái phải lãnh trách nhiệm nặng nề không đáng có. Trách nhiệm thờ cúng cha mẹ, tổ tiên hoàn toàn có thể san sẻ cho mọi thành viên trong gia đình. Tôi đã từng gặp những dòng họ mà trong đó gia đình người em trai rất nghèo, vợ con thường xuyên đau ốm. Nhưng vì vai trò Trưởng họ (mà khi sinh ra mọi người đã gán định), mỗi khi dịp lễ Tết, cúng giỗ, gia đình người em phải chạy vạy hàng xóm để có tiền tổ chức cúng giỗ và đón tiếp dòng họ. Người vợ đau ốm nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành trách nhiệm nấu nướng, phải đứng ra lo toan mọi công việc trong gia tộc… Gia đình các chị em gái đều có điều kiện kinh tế, có khả năng tổ chức sắp xếp, nhưng họ không coi đó là trách nhiệm của mình. Tại sao không thể coi trách nhiệm thờ cúng cha mẹ, tổ tiên là trách nhiệm chung của mọi thành viên trong gia đình, trong dòng họ dù là trai hay gái, con trưởng hay con thứ?
Tôi chưa đề cập đến tâm lý mong có con trai để thờ cúng tổ tiên khiến nảy sinh hiện tượng phá thai, đẻ nhiều, có vợ bé… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của gia đình, sức khỏe cũng như cơ hội học tập, phát triển tri thức và nghề nghiệp của phụ nữ. Nó cũng khiến nhiều gia đình rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Tôi muốn nói rằng truyền thống văn hóa rất cần gìn giữ. Tuy nhiên, khi xét đến khía cạnh quyền bình đẳng của mọi thành viên trong gia đình và trong xã hội, không phải mọi tư tưởng, hành vi, suy nghĩ để lại từ ngàn xưa trong văn hóa đều đáng trân trọng và duy trì.
Cảm ơn
SOURCE: VNEXRESS.NET
TRÍCH DẪN LẠI TỪ:
http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Gin-giu-truyen-thong-van-hoa-phai-co-chon-loc/10948954/478/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Dư luận xã hội về BĐG |
Leave a Reply