admin@phapluatdansu.edu.vn

CHỊ EM ĐỪNG ĐÁNH ĐỒNG TẤT CẢ ĐÀN ÔNG

Người gửi: Tran T Binh,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Một vài ý kiến riêng về chủ đề bất bình đẳng giới

Gửi các anh, chị tham gia chủ đề bất bình đẳng giới.

Tôi đã theo dõi chủ đề này được một thời gian khá dài và tôi rất thích những ý kiến tham gia khác nhau của các anh, chị trên diễn đàn. Tôi nhận thấy đã hình thành 2 trường phái chính cho chủ đề này: nam – bảo vệ tình trạng hiện tại (con trai, con gái có những thiên chức khác nhau hoặc bảo vệ giá trị truyền thống văn hoá của người phụ nữ…), nữ – đấu tranh để đòi quyền bình đẳng nam nữ bằng cách đưa ra những thống kê, ví dụ rất cụ thể về sự bất bình đẳng giới (phụ nữ phải ăn nói nhẹ nhàng, thành kiến với sự thành đạt của phụ nữ, định kiến của nhà chồng).

Theo thiển ý của tôi, những ý kiến trên đều đúng và hoàn toàn chưa mâu thuẫn với nhau vì chúng thiếu sự cụ thể trong lập luận của mình. Ví dụ, không ai có thể phủ định con trai và con gái sinh ra là có những thiên chức khác nhau như ý kiến của anh Lê Hạnh , nhưng vấn đề ở đây là anh Hạnh định nghĩa thế nào là thiên chức? Phải chăng giặt giũ, nấu cơm, trông con… là thiên chức hay chỉ đẻ con, cho con bú là thiên chức của phụ nữ. Với đàn ông, phải chăng các việc nặng cộng với sức ép kiếm tiền, nuôi sống gia đình cũng là… thiên chức?
Tương tự như vậy, rõ ràng chúng ta phải bảo vệ các giá trị truyền thống văn hoá như ý kiến của anh Tùng , nhưng vấn đề là cái gì là giá trị văn hoá? Anh Tùng có thể coi việc phụ nữ Việt Nam ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng là giá trị truyền thống văn hoá của Việt Nam nhưng liệu giá trị đó có bao gồm cả việc giặt giũ, nấu cơm, trông con và quán xuyến việc nhà? Ngoài ra, tôi trộm nghĩ nếu phụ nữ cũng đấu tranh để bảo vệ truyền thống văn hoá nhưng là văn hoá từ thời mẫu hệ thì không biết anh Tùng sẽ nói gì đây?
Các ý kiến của chị em phụ nữ theo tôi cũng chưa thuyết phục vì chỉ xét đến bình diện chung. Có thể theo thống kê với toàn phụ nữ Việt Nam (cả nông thôn lẫn thành thị), phụ nữ Việt Nam phải làm nhiều việc hơn đàn ông Việt Nam và được hưởng ít quyền lợi hơn, nhưng phải chăng tất cả các chị em viết thư ở đây đều bị đối xử bất bình đẳng như vậy? Phải chăng tất cả các chị em ở đây đều bị buộc phải ăn nói nhỏ nhẹ, đều bị thành kiến khi thành đạt hoặc bị nhà chồng định kiến? Tôi tin rằng câu trả lời là không vì phụ nữ Việt Nam có học thức trong thời đại mới đã được tôn trọng và đối xử bình đẳng hơn rất nhiều, giống như ý kiến của bạn Anh Tú .

Theo tôi, sự bất bình đẳng giới đang tồn tại ở Việt Nam nhưng mức độ bất bình đẳng là khác nhau đối với phụ nữ ở các vùng khác nhau, với phụ nữ có trình độ học vấn khác nhau và thậm chí là với từng gia đình khác nhau. Tôi cổ xuý chị em phụ nữ đấu tranh bình đẳng về giới nhưng tôi cũng hy vọng chị em hiểu được sự khác nhau trên để đừng đánh đồng tất cả anh em đàn ông như trong các tranh luận trên của mình.

SOURCE: VNEXRESS.NET

TRÍCH DẪN LẠI TỪ:

http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Binh-dang-gioi-can-duoc-hieu-dung/10948086/478/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d