admin@phapluatdansu.edu.vn

HAI HÃNG NƯỚC MẮM CÙNG TRANH CHẤP CÁI TÊN

HẢI YẾN – Báo PLTPHCM

Tòa buộc cơ sở thành lập sau phải trả lại tên cho công ty ra đời trước…

Sáng qua (23-5), Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã xét xử một vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu khá gay cấn giữa hai hãng nước mắm cùng có tên Hưng Thịnh.

Kiện vì cái tên

Ngày 30-10-2007, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh (trụ sở tại quận Bình Chánh, TP.HCM, gọi tắt là công ty) đã nộp đơn đến TAND tỉnh Bình Dương khởi kiện Cơ sở nước mắm Hưng Thịnh (sản xuất nước mắm hiệu Hồng Thịnh ở huyện Dĩ An, gọi tắt là cơ sở).

Theo Công ty, trong quá trình kinh doanh, Cơ sở đã luôn sử dụng các tên gọi như “Cơ sở nước chấm Hưng Thịnh”, “Cơ sở sản xuất nước mắm Hưng Thịnh” hay “Cơ sở nước mắm Phú Quốc Hưng Thịnh” để tiếp thị và bán sản phẩm trên thị trường.

Việc sử dụng các tên thương mại trên đã làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn hai sản phẩm nước mắm Hưng Thịnh và Hồng Thịnh có cùng một nguồn gốc.

Trong khi đó, Hưng Thịnh là thương hiệu nước mắm có tiếng trên thị trường hơn mười năm nay, nhiều năm liền được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao và đã được bảo hộ từ lâu.

Vì thế, Công ty đã đề nghị tòa cấm Cơ sở sử dụng các tên thương mại có mang dấu hiệu “Hưng Thịnh” để tránh gây nhầm lẫn, đồng thời buộc Cơ sở phải đăng ký kinh doanh lại với tên gọi khác.

Trái lại, phía Cơ sở nói việc mình đặt tên là Hưng Thịnh không hề trái pháp luật bởi đã được UBND huyện Dĩ An cấp giấy đăng ký kinh doanh từ năm 2006, trước ngày Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực. Việc đặt tên Cơ sở cũng không phạm vào các trường hợp bị cấm trong Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, Cơ sở dẫn giải theo Nghị định 88 ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì các doanh nghiệp đăng ký trước khi nghị định này có hiệu lực có tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác… cũng không bị buộc phải đổi tên.

Mặt khác, Cơ sở còn cho rằng theo Luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể khác chứ không nhằm phân biệt giữa chủ thể với nhãn hiệu hàng hóa…

Sau phải nhường trước!

Xử sơ thẩm ngày 15-1, TAND tỉnh Bình Dương cho rằng dù tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa của hai bên đều đã được xác lập trước ngày Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực nhưng luật này lại có điều khoản quy định về việc chuyển tiếp thi hành.

Cụ thể là các văn bằng bảo hộ đã được cấp với các nhãn hiệu hàng hóa và tên thương mại được xác lập trước ngày Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được điều chỉnh bởi luật này. Do đó, tòa áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 để giải quyết tranh chấp.

Theo tòa, nhãn hiệu hàng hóa Hưng Thịnh đã được Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường) cấp cho Công ty từ năm 2001 và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Cạnh đó, tên thương mại của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh cũng đã được xác lập từ trước đó nữa. Vì vậy, Hưng Thịnh vừa là nhãn hiệu hàng hóa vừa là tên gọi riêng của Công ty.

Còn phía Cơ sở thì ra đời sau vào năm 2006. Dù nhãn hiệu hàng hóa “Hồng Thịnh” của Cơ sở có thể không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hưng Thịnh” của Công ty nhưng trong nhãn hiệu “Hồng Thịnh” lại có ghi dòng chữ “vô chai dán nhãn tại cơ sở Hưng Thịnh”.

Khi tham gia thị trường, rõ ràng tên gọi “Hưng Thịnh” của Cơ sở có khả năng làm người tiêu dùng nhầm lẫn với Công ty. Như vậy, Cơ sở đặt tên là “Hưng Thịnh” là đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại của Công ty.

Từ đó, TAND tỉnh Bình Dương đã chấp nhận yêu cầu của Công ty, cấm Cơ sở sử dụng tên thương mại có thành phần riêng là “Hưng Thịnh” để xưng danh trong hoạt động kinh doanh.

Phía Cơ sở còn có nghĩa vụ phải đăng ký lại tên gọi khác không trùng, không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và tên thương mại của Công ty.

Ngay sau đó, Cơ sở kháng cáo. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm hôm qua, Cơ sở lại chấp nhận thay đổi tên thương mại với điều kiện là phải có lộ trình khoảng từ một đến hai năm để Cơ sở bán hết các sản phẩm đã vào chai, dán nhãn. Ngoài ra, Cơ sở còn yêu cầu Công ty hỗ trợ ba tỷ đồng để “vượt qua khó khăn”. Phía Công ty thì kịch liệt phản đối.

Tòa phúc thẩm cũng cho rằng các yêu cầu trên của Cơ sở là không hợp lý. Cấp sơ thẩm đã xử đúng luật nên tòa y án và buộc Cơ sở có trách nhiệm thi hành bản án ngay.

Quyền sở hữu trí tuệ với tên thương mại

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự gây nhẫm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

(Theo khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=11200

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading