Người gửi: Minh Nguyệt,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Phụ nữ Việt Nam bị phân biệt đối xử
Kính gửi anh Lê Hạnh, và các anh các chị,
Tôi không đồng ý với rất nhiều ý kiến của các anh và hoàn toàn đồng ý với các chị về chủ đề “bình đẳng giới” chúng ta đang thảo luận. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi thấy việc các anh phản ứng như vậy là hợp quy luật thôi. Nếu tôi là anh Hạnh, hoặc là bất kỳ một anh đàn ông nào khác, tôi chả hề có ý định từ bỏ những đặc quyền đặc lợi mà một người đàn ông ở xã hội Việt Nam được hưởng.
Ở tất cả các lớp tôi dạy, tôi đều cho sinh viên thảo luận một chủ đề: sự bất bình đẳng vô hình đối với phụ nữ Việt Nam. Những sự bất bình đẳng, sự phân biệt đối xử đã và đang diễn ra mà phần lớn phụ nữ coi là “đương nhiên”, không ai đặt câu hỏi về nó, vì vậy mà nó vô hình. Yêu cầu của tôi không phải là thuyết phục hay chứng minh các luận điểm mà các em sinh viên nam nữ đưa ra là đúng hay sai, mà chỉ là “liệu những cái đó có tồn tại trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam?” Xin chia sẻ với các anh các chị một số điều mà sinh viên của tôi liệt kê (tôi loại bớt những điểm trùng với ý kiến của các chị khác):
– Con gái không được nói to, đi ra đường thì luôn sợ sệt vì có thể là chủ đề trêu chọc bình phẩm của bất kỳ người đàn ông nào, và khi đó cần phải im lặng bởi nếu chỉ cần tỏ thái độ phản kháng bằng ánh mắt hoặc lời nói là sẽ bị nói là “đồ đanh đá, hư thân”.
– Phụ nữ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu: con hư, gia đình lục đục, chồng say hoặc ngoại tình, không có con hoặc con một bề.
– Con trai được ưu tiên trong việc thừa hưởng gia tài.
– Phụ nữ phải về nhà chồng sau khi cưới. Họ của con mang họ của cha.
– Phụ nữ sẽ trở thành chủ đề đàm tiếu nếu “đến tuổi” mà không có người yêu hoặc không có chồng. “Chắc con bé đấy có vấn đề”.
– Nam giới được coi là có quyền chủ động trong tình yêu, còn phụ nữ thì không. Con gái thì phải còn trinh khi lấy chồng, còn với đàn ông thì chẳng ai quan tâm.
– Xã hội có thành kiến đối với những phụ nữ thành đạt, bằng cách nói “phụ nữ thành đạt thì không có hạnh phúc”. Xin thưa, từ khi còn nhỏ tí đã được giáo dục như thế thì hỏi rằng còn chị em nào dám thành đạt nữa?
Đó là những gì đang diễn ra với phần lớn phụ nữ chúng tôi, mà rất ít trong số đó đặt câu hỏi tại sao? Tại sao có quá nhiều cái “phải” chỉ vì “con hãy nhớ con là con gái”. Tôi có xem một bộ phim, trong đó có một cảnh như sau: sau khi đoàn xe ngựa đưa cả nam và nữ đến nơi cắm trại, một người đàn ông nói: “Nào bây giờ phụ nữ ở lại đây chuẩn bị mọi thứ!” Một cô hỏi “Thế các anh đi đâu?” “Chúng tôi đi câu, sau đó vào rừng săn và tắm nắng ở thác nước đằng kia” “Tại sao các anh lại được vui chơi nhiều thế trong khi chúng tôi phải ở đây nấu ăn?” Các anh chị biết câu trả lời không? “Vì chúng tôi có một cái CHIM”.
Tôi vốn là một đứa con gái hiếu động và thông minh. Bởi thế mà bố mẹ tôi luôn sợ tôi không lấy được chồng vì tôi: luôn hỏi tại sao; học giỏi và không hề giấu giếm là mình có khả năng học giỏi; hiếu động và không dịu dàng. Không thấy tôi lấy chồng, bố mẹ họ hàng giục giã, gây sức ép kỳ đến khi tôi cưới, cưới xong là gây sức ép bằng được để tôi có con. Tôi có cảm giác như với xã hội xung quanh tôi, phụ nữ không có việc gì khác ngoài việc lấy chồng và… sinh con.
Sau khi tôi lấy chồng, tôi đấu tranh quyết liệt để được chia sẻ công việc nhà, để được phát huy khả năng của mình… Nhưng đúng là điều đó không đơn giản. Thứ nhất là vì ông xã nhà tôi chẳng biết làm cái gì cả, và còn thú nhận “anh muốn giúp lắm nhưng từ bé đến giờ có phải làm gì ngoài học đâu”. Thứ hai là chúng tôi sẽ bị chê cười, tôi bị chê là ghê gớm (vì để chồng làm việc nhà), hãnh tiến (vì dám học nhiều), còn anh ấy bị chê là sợ vợ. Khi về quê, nếu chồng tôi theo tôi vào bếp để ngỏ ý giúp đỡ, ngay lập tức tôi sẽ là người bị quát mắng nặng nề: Sao con này lại để chồng vào đây?! Và sau đó sẽ là những bài khuyên nhủ nhỏ to (sau lưng chồng tôi): Mày vừa vừa thôi không thì chồng nó bỏ, mày phải thế này, thế này…
Từ khi tôi tỏ ra đấu tranh vì bình đẳng cho phụ nữ, tự nhiên tôi trở nên đơn độc, bởi đàn ông thì tất nhiên là ghét tôi rồi (thậm chí họ còn nghĩ vì tôi mà vợ hoặc bạn gái họ trở nên “bất trị”), phụ nữ thì không phải ai cũng hiểu như tôi, và thậm chí có hiểu họ cũng không dám làm như tôi. Còn họ hàng nhà tôi, thì như câu chuyện tôi vừa kể đó.
Tôi rất đồng ý với ý kiến rằng cần phải thay đổi từ từ bởi suy nghĩ về giới đã được cố kết lâu đời. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ cần ý thức được giá trị của mình, và trong khả năng có thể, hãy cố gắng cải tạo những gì gần mình nhất. Điều rất quan trọng là phụ nữ chúng ta cần ủng hộ nhau nữa.
Xin cảm ơn TS đã tạo ra một diễn đàn để chúng tôi được bày tỏ và chia sẻ những bức xúc bấy lâu nay của mình.
Minh Nguyệt
SOURCE: VNEXRESS.NET
TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Phu-nu-Viet-Nam-bi-phan-biet-doi-xu/10948630/478/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Dư luận xã hội về BĐG |
Leave a Reply