admin@phapluatdansu.edu.vn

BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI: THỔI PHỒNG HAY THỰC TẾ?

Người gửi: Hoàng Thụy Miên,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Bất bình đẳng giới-thổi phồng hay thực tế

Gửi anh Hoàng Vĩnh Danh ,
Tôi đã định không tham gia diễn đàn. Tuy nhiên khi đọc phần ý kiến về thổi phồng vấn đề bất bình đẳng giới, tôi xin có đôi điều chia sẻ với anh về ý kiến bất bình đẳng giới có phải là sự thổi phồng hay thực tế.
Đọc bài của anh, tôi cho rằng anh thực sự là người thương yêu vợ con, và ghi nhận những gì mà vợ anh đóng góp cho tổ ấm của gia đình. Tôi cũng đồng ý với anh rằng không phải tất cả nam giới đều phụ công của vợ. Tuy nhiên, liệu đa số phụ nữ Việt Nam đã có cơ hội ngang bằng với nam giới hay chưa trong mọi lĩnh vực thì sẽ là một câu hỏi.
Thử nhìn vào quá trình phát triển của một con người để phân tích. Từ khi lọt lòng, rất nhiều bé gái đã nhận được sự ghẻ lạnh, mặc cảm, thậm chí không có cơ hội ra đời, từ phía bố mẹ, họ hàng vì mình không phải là con trai. Tâm lý này sẽ ảnh hưởng đến mức độ yêu thương, chăm sóc, trò chuyện… mà các em gái nhận được từ người bố và những người họ hàng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bé gái sinh ra từ những gia đình mong đợi có con trai sẽ cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin trong xã hội.
Đến tuổi đi học, nếu gia đình khó khăn về kinh tế, gia đình thường chọn giải pháp trẻ em gái nghỉ học để trẻ em trai được đến trường. Khi nghỉ học, trẻ em gái thường được mong đợi tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập trực tiếp (như chăn trâu, làm ruộng, đóng giầy, bán hàng…), hoặc làm công việc gia đình như giặt quần áo, trông em, lấy nước, lấy củi… để cha mẹ đi làm kiếm thu nhập. Cũng có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tham gia lao động quá sớm sẽ tước mất cơ hội phát triển tối đa năng lực trí tuệ, thể chất và tinh thần của các em (dù là trai hay gái). Bởi vậy, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức lao động quốc tế, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc đã đấu tranh mạnh mẽ để trẻ em trai và gái được đến trường và vui chơi trong suốt thời thơ ấu để phát triển tối đa năng lực bản thân các em. Cần lưu ý rằng, trong quan niệm của người Việt Nam, xã hội đặt những chuẩn mực riêng đối với các em gái như chăm làm, duyên dáng, nấu ăn giỏi, biết may vá, thêu thùa… Phụ nữ cũng không được khuyến khích tham gia vào lĩnh vực chính trị hay trở thành lãnh đạo, bởi theo quan niệm của nhiều xã hội, đó vẫn là vai trò của nam giới. Khi phụ nữ tham gia vào những lĩnh vực này, họ sẽ mất đi vẻ “nữ tính”. Những chuẩn mực đó đã khiến các em gái tập trung phát triển các kỹ năng để sau này làm một người nội trợ giỏi hơn là chú ý đến những kỹ năng để sau này kiếm được việc làm tốt hay đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, khi ra trường và tham gia vào thị trường lao động, phụ nữ nói chung sẽ thấp kém hơn nam giới cùng lứa.
Khi đã có công việc, xã hội Việt Nam mong đợi phụ nữ có gia đình, và dành thời gian chăm sóc cho gia đình. Khái niệm “hạnh phúc” cũng gắn liền với quan niệm này. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc chọn nghề của chị em phụ nữ. Ví dụ, nghề giáo viên được coi là thích hợp với nữ giới một phần vì có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Ngày nay, phụ nữ tham gia vào việc tạo thu nhập ở nhiều lĩnh vực như nam giới nhưng xã hội vẫn mong đợi họ phải làm tốt cả công việc nội trợ trong gia đình, chăm sóc con cái, chăm lo việc họ hàng, trong khi nam giới chỉ cần đi làm kiếm thu nhập là đủ. Điều này lại không được coi là quá sức đối với phụ nữ hay bất bình đẳng trong khi họ được coi là “phái yếu”. Bởi mong muốn làm tốt cả hai vai trò, trong khi quỹ thời gian có hạn, phụ nữ phải gồng mình để học tập, lao động và phấn đấu nếu muốn có vị trí ngang bằng với nam giới; hoặc, đây là quyết định của phần đa phụ nữ, hy sinh phát triển nghề nghiệp để có thời gian chăm sóc gia đình. Để phát triển nghề nghiệp được tốt, ai cũng cần phải cập nhật kiến thức, trao dồi kỹ năng thường xuyên. Thời gian nghỉ ngơi, giải trí MỖI NGÀY (chứ không phải là theo đợt như mùng 8/3) cũng rất cần thiết để tinh thần và thể chất được nạp thêm năng lượng để có thể tiếp tục đương đầu những thách thức mới. Trong khi đương nhiên coi khoảng thời gian nghỉ ngơi này là phù hợp đối với nam giới, quan niệm xã hội lại không cho phép phụ nữ được hưởng quyền đó vì mong đợi họ cống hiến tiếp cho các công việc gia đình. Rõ ràng, quan niệm của xã hội về một người phụ nữ tốt và hạnh phúc đã tước đoạt đi quyền phát triển nghề nghiệp, thể chất và trí tuệ của chị em.
Điều đáng chú ý là có nhiều nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế, Liên Hợp Quốc… đã chứng minh rằng công việc nhà chiếm rất nhiều thời gian (trung bình 6 tiếng), công sức và tinh thần của phụ nữ vì các công việc thường tẻ nhạt, lặp lại, và ở những tư thế không có lợi cho phát triển thể chất. Ví dụ: công việc gánh nước, lấy củi, nhặt cỏ làm ảnh hưởng đến phát triển cột sống. Tuy nhiên, xã hội lại không đánh giá cao những công việc nhà vì chúng không tạo ra thu nhập. Bởi vậy, khi nam giới đóng góp cho thu nhập của gia đình nhiều hơn phụ nữ, họ được coi là chăm lo cho gia đình, đã “hy sinh”, đã thương yêu vợ con…
Có lẽ còn rất nhiều khía cạnh để phân tích. Trong phạm vi chuyên mục, tôi xin dừng tại đây. Hy vọng rằng anh đã có thể rút ra kết luận của riêng mình về câu hỏi liệu bất bình đẳng giới là tồn tại thực tế, hay thổi phồng.
Chúc vui.

SOURCE: VNEXPRESS.NET

TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Bat-binh-dang-gioi-thoi-phong-hay-thuc-te/10948708/478/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading