admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ CƠ QUAN CÔNG TỐ HÀN QUỐC

NÔNG XUÂN TRƯỜNG – Viện khoa học kiểm sát – VKSNDTC

Pháp luật hình sự truyền thống của Hàn Quốc được bắt đầu từ kỷ nguyên Gochosun (2333-108 trước Công nguyên), triều đại cổ xưa đầu tiên trong lịch sử của mình với đạo luật về 8 điều cấm.

Sau đó, các triều đại kết tiếp đã có những cơ quan của riêng mình để thực hiện nhiệm vụ truy tố như Cơ quan Eosadae trong triều đại Koryo (936-1391 sau Công lịch) và Saheonboo trong triều đại Chosun (1392-1910 sau công nguyên). Đặc biệt, trong triều đại Chosun có một cơ quan đặc biệt có tên là Euigumboo để duy trì sự công bằng và điều tra một cách không thiên vị các tội phạm do Hoàng Gia cáo buộc.

Tiếp đó, mặc dù chức năng truy tố và xét xử vẫn chưa được phân chia trong việc giải quyết các vụ án như những quốc gia trong thời kỳ tiền hiện đại trên thế giới, nhưng nguyên tắc xét xử theo 3 cấp đã được thiết lập nhằm tìm hiểu thận trọng những tình tiết thực tế và phương án giải quyết tối ưu vụ án. Nguyên tắc cơ bản này rất tương đồng với nguyên tắc về tính hợp pháp trong luật hình sự hiện đại bao trùm lên toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự , đặc biệt là ở triều đại Chosun.

Hệ thống công tố hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Hàn Quốc là vào năm 1895 với việc ban hành Luật tổ chức Toà án và Sắc lệnh của Hoàng Gia về tổ chức cơ quan công tố. Các công tố viên vào thời điểm này là thành viên của Toà án nhưng thực hiện nhiệm vụ điều tra và truy tố trên cơ sở thẩm quyền và trách nhiệm độc lập. Phân loại về chuyên môn của công tố viên cũng theo những đạo luật này được quy định rất chặt chẽ như hệ thống hiện hành và tiếp tục tồn tại cho đến khi kết thúc triều đại Chosun khi Nhật Bản xâm lược và sát nhập quốc gia này vào Đế quốc Nhật.

Sau khi giải phóng thuộc địa khỏi tay phát xít Nhật năm 1945, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào thành lập một hệ thống tư pháp hiện đại bao gồm cả việc ban hành Luật về Viện công tố 1949, theo đó thành lập một tổ chức công tố độc lập với hệ thống Toà án.

Khung pháp lý cơ bản của Luật tố tụng hình sự Hàn Quốc được hoàn thành vào năm 1945 bằng việc ban hành Bộ luật tố tụng hình sự theo đó tạo ra một cấu trúc điều tra và xét xử đơn nhất bằng việc tiếp nhận một số đặc trưng của hệ thống xét xử Anglo-Saxon thể hiện ở khía cạnh công tố viên tham gia vào quá trình này như một bên tranh tụng chống lại bị cáo.

Hiện nay, hệ thống cơ quan công tố Hàn Quốc được tổ chức theo mô hình Kim tự tháp trong đó bao gồm: Viện công tố tối cao (SPPO), 5 Viện công tố cấp cao (HPPO), 13 Viện công tố cấp quận (DPPO) và 42 Văn phòng chi nhánh của Viện công tố quận.

Các Công tố viên được phân chia thành 4 cấp theo chức trách chuyên môn của mình: Tổng trưởng công tố (PG), Công tố viên trưởng cấp cao (SPC), Công tố viên trưởng (PC) và Công tố viên. Mỗi vị trí được bổ nhiệm bằng một quyết định tương ứng với cấp bậc.

Hệ thống cấp bậc của Công tố viên được phân chia theo cấp bậc của các quan chức Chính phủ khi mà họ có được những quy chế ưu đãi và tôn trọng đặc biệt bao gồm cả việc được bồi thường và chế độ đảm bảo nghiêm ngặt về công tác v.v…giống như chế độ đối với các Thẩm phán.

Địa vị của Tổng trưởng công tố tương đương với Bộ trưởng trong Nội các, Công tố viên trưởng có địa vị ngang hàng Thứ trưởng và Công tố viên cao cấp có vị trí ở giữa hai cấp bậc này. Các Công tố viên được phân ở cấp thứ ba theo năng lực chuyên môn của họ.

I. TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CÔNG TỐ

a.Viện công tố tối cao

Viện công tố tối cao (SPPO) là cơ quan đầu não của tất cả mọi hoạt động công tố có trách nhiệm thiết lập và thực thi những chính sách cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Công tố viên, hướng dẫn,  giám sát và hỗ trợ tất cả các Viện công tố trên toàn quốc. Viện công tố tối cao cũng có trách nhiệm trong các công việc công tố liên quan đến xét xử tại Toà án tối cao.

Tổng trưởng công tố là người đứng đầu của tất cả các Công tố viên, có trách nhiệm chỉ huy và chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan đến công tố. Một Phó Tổng trưởng công tố có nhiệm vụ giúp việc cho Tổng trưởng công tố tại Viện công tố tối cao. Phó Tổng trưởng công tố được bổ nhiệm trong số các Công tố viên cao cấp.

Viện công tố tối cao có 9 Cục, Vụ bao gồm: Vụ kế hoạch và điều phối công tác; Cục điều tra trung ương; Cục hình sự; Cục các tội phạm bạo lực; Cục điều tra ma tuý; Vụ an ninh công cộng; Vụ xét xử hình sự và dân sự; Vụ Thanh tra và Tổng cục hành chính. Mỗi Cục, Vụ lại có các ban thực hiện công việc chuyên môn riêng biệt.

Tổng giám đốc của các Cục, Vụ được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng và các giám đốc thuộc quyền của họ được chọn ra từ những Công tố viên có nhiều kinh nghiệm, những người được biết đến với chức danh Công tố viên cao cấp.

b.Viện công tố cấp cao (HPPO)

Viện công tố cấp cao được thành lập tại 5 thành phố lớn nhất là Seoul, Taejon, Taegu, Pusan và Kwangju. Viện công tố cấp cao thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:

+ Giám sát các Viện công tố quận trong phạm vi địa bàn của mình.

+ Duy trì quyền công tố liên quan đến những vụ án mà các bên chống án lên Toà án cấp cao.

+ Thực hiện hoặc hướng dẫn những hoạt động của các cơ quan khác liên quan đến những vụ kiện mà chính quyền trung ương hay địa phương là một bên trong vụ án.

Một chức năng đặc trưng của Viện công tố cấp cao như một phần của thẩm quyền giám sát đối với Viện công tố cấp quận là xem xét lại những vụ án không được các Công tố viên của quận đưa ra truy tố mà bị nguyên đơn, người đã đưa ra lời cáo buộc kẻ bị tình nghi khiếu nại.

Các Công tố viên của Viện công tố cấp cao có thể ra lệnh cho Viện công tố quận điều tra lại vụ án hoặc Viện công tố cấp cao có thể quyết định buộc tội kẻ bị tình nghi khi có những sai lầm nghiêm trọng hoặc không phù hợp trong quá trình điều tra có liên quan bị phát hiện và điều này làm ảnh hưởng đến quyết định trước đó.

c.Viện công tố quận

Viện công tố quận được đặt tại thủ phủ của 4 thành phố chính và 9 tỉnh và dưới đó là các chi nhánh thực hiện các chức năng tư pháp trong phạm vi 3 hay 4 huyện nhỏ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho mọi công dân.

Viện công tố quận thường có một vài phòng có trách nhiệm trong một lĩnh vực nhất định để tăng cường tính hiệu quả và chuyên môn của các cuộc điều tra, số lượng và nhân sự của các phòng này là khác nhau phụ thuộc vào số dân trong phạm vi thẩm quyền tư pháp của nó.

Các phòng của Viện công tố cấp quận do các giám đốc, người có đủ kinh nghiệm trong công tác công tố lãnh đạo. Họ thường được gọi là Công tố viên cấp cao và có quyền đưa ra các hướng dẫn và giám sát đối với Công tố viên cấp dưới và các thư ký.

Tên của các phòng và nhiệm vụ của chúng được phân chia như sau:

Phòng hình sự: Quyết định và điều tra bổ sung liên quan đến những vụ án do cảnh sát báo cáo lên và đưa ra những hướng dẫn cho cảnh sát về việc điều tra.

Phòng điều tra đặc biệt: Phát hiện và tiến hành điều tra ban đầu đối với những tội phạm nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công lý công cộng bao gồm các tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, tội phạm cổ cồn trắng…

Phòng các tội phạm bạo lực: Có nhiệm vụ đấu tranh chống các tội phạm bạo hành như tội phạm có tổ chức, buôn lậu người và ma tuý v.v…

Phòng an ninh công cộng: Có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh công cộng và nền dân chủ bằng việc ngăn ngừa và kiểm soát các hoạt động do thám, các hành vi gây rối loạn trật tự công cộng, những hành vi xâm phạm đến luật lao động, luật bầu cử v.v…

Phòng án khởi tố theo yêu cầu bị hại: Điều tra chuyên sâu và ở cấp độ rộng những vụ án có tính chất phức tạp do các nạn nhân đệ trình lên mà những vụ án này cần phải được Công tố viên giải quyết đầu tiên một cách công bằng.

Phòng xét xử: Thực hiện các hoạt động tại Toà án, thi hành các bản án và những vấn đề khác liên quan đến xét xử hình sự.

Thêm vào đó, để đối phó với khuynh hướng phát triển của tội phạm hiện nay đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng và thay đổi phức tạp, mang tính chất xuyên quốc gia, cơ quan công tố Hàn Quốc cũng đã thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm những phòng như: Phòng xử lý tội phạm vị thành niên, Phòng đối ngoại và Phòng tội phạm tin học v.v…

Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của tổ chức cơ quan công tố

Tất cả Công tố viên ở Hàn Quốc là bộ phận cấu thành của một tổ chức có thứ bậc nghiêm ngặt, thực hiện nhiệm vụ của mình trong 1 tổng thể dưới sự hướng dẫn và giám sát của Tổng trưởng công tố. Họ có nghĩa vụ tuân thủ những mệnh lệnh của cấp trên, đó là nguyên tắc gọi là: “Nguyên tắc đồng nhất của Công tố viên”.

Nguyên tắc này nhằm mục đích cân bằng giữa hai bản chất có tính xung đột về địa vị của Công tố viên, một mặt thuộc nhánh hành pháp, phải tuân thủ thẩm quyền quản lý của Tổng thống, mặt khác cũng thuộc về cái gọi là nhân viên bán tư pháp, những người mà tính độc lập về chuyên môn phải được bảo đảm. Do đó, nguyên tắc này có khả năng đối xử bình đẳng với tất cả các công dân trên cả nước bằng cách đặt ra 4 tiêu chuẩn đồng nhất trong việc giải quyết các vụ án với cùng một bản chất.

Do Viện công tố ở Hàn Quốc gắn liền với Bộ Tư pháp nên Bộ trưởng Tư pháp có toàn quyền giám sát công tác công tố với tư cách là cấp giám sát cao nhất.

Tuy nhiên, để củng cố và duy trì tối đa quyền độc lập của cá nhân Công tố viên với tư cách là những nhân viên bán tư pháp, thẩm quyền giám sát đối với từng cá nhân Công tố viên của Bộ trưởng Tư pháp bị hạn chế nghiêm ngặt và chỉ được giám sát những vấn đề chung mà thôi. Liên quan đến từng vụ án cụ thể, Bộ trưởng chỉ có thể chỉ đạo Tổng trưởng công tố và Tổng trưởng công tố lại có quyền tự quyết định xem liệu có truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp đến Công tố viên có trách nhiệm trong vụ án đó hay không.

Nguồn nhân lực của Viện công tố Hàn Quốc

Tính đến tháng 8 năm 2001, tổng số Công tố viên ở Hàn Quốc tăng lên theo từng năm, ước tính khoảng 1200 người được một đội ngũ gồm 6300 nhân viên giúp việc bao gồm các điều tra viên, thư ký hành chính và các thư ký.

Số lượng Công tố viên là nữ cũng gia tăng một cách đáng kể, vượt quá 50 người tính đến năm 2001.

Về tiêu chuẩn và chế độ bảo đảm của Công tố viên

Công tố viên được lựa chọn và bổ nhiệm trong số những người có tiêu chuẩn như Luật sư bằng cách vượt qua kỳ thi tốt nghiệp của khoá đào tạo 2 năm trong Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp sau khi đã vượt qua kỳ thi quốc gia của Hiệp hội Luật sư quốc gia và chứng minh được năng lực chuyên môn của mình cũng như những tiêu chuẩn cá nhân được kiểm tra thông qua một quá trình tuyển lựa thận trọng.

Địa vị chuyên môn của Công tố viên được pháp luật đảm bảo và bảo vệ nghiêm ngặt. Họ sẽ không bị buộc thôi việc, đình chỉ công tác hay giảm mức lương trừ khi bị nghi ngờ, buộc tội và bị trừng phạt nặng hơn hình phạt giam giữ hay bỏ tù hoặc phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc bằng những quy định pháp luật trong các đạo luật khác.

Nhìn chung, khối lượng công việc của các Công tố viên đều gia tăng hàng năm. Năm 2000, một Công tố viên giải quyết án trung bình riêng trong lĩnh vực điều tra ước tính khoảng 12 kẻ bị tình nghi một ngày.

Ngoài công tác điều tra, các Công tố viên còn giành một khoảng thời gian đáng kể để xem xét lại những án lệnh và đưa ra các hướng dẫn cho cảnh sát liên quan đến quá trình buộc tội của vụ án.

Ngoài tổng số án đã được thụ lý, tỷ lệ án truy tố mà Công tố viên phải quyết định là sẽ áp dụng thủ tục thông thường hay rút gọn đại khái khoảng 50% và ước tính khoảng 99.9% số bị cáo bị đưa ra truy tố được Toà án tuyên có tội.

II. VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TỐ VIÊN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Vai trò của Công tố viên trong hệ thống tư pháp hình sự của Hàn Quốc có thể được phân thành 3 lĩnh vực: Điều tra, truy tố và những vấn đề khác liên quan đến chứng minh tội phạm và thi hành án.

Thêm vào đó, với tư cách là người đại diện cho lợi ích công, họ cũng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau bao gồm cả vai trò của người bảo vệ nhân quyền trong tố tụng hình sự và Luật sư đại diện cho Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của công chúng.

Vai trò trong hoạt động điều tra

Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự  của Hàn Quốc đề cập tới thẩm quyền của Công tố viên khởi đầu và kết luận về quá trình điều tra vụ án hình sự  theo nguyên tắc pháp quyền giống như các nước Châu Âu tiên tiến như Pháp hay Cộng hòa liên bang Đức.

Do đó, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm duy nhất là thực hiện điều tra hình sự và cảnh sát được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công tố viên.

Nguyên do của quy định như đã nêu trên là để buộc trách nhiệm của Công tố viên phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát và tiến hành tố tụng công bằng bằng cách đưa ra những chỉ đạo tiến bộ, đồng thời ngăn ngừa cảnh sát có những hành vi vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công tố viên không hướng dẫn chỉ đạo cảnh sát trong tất cả những vụ án mà chỉ hướng dẫn trong những vụ án có tầm quan trọng hay có ý nghĩa nhất định như liên quan đến quyền con người của công dân. Ví dụ như những vụ án có áp dụng biện pháp tạm giam kẻ bị tình nghi v.v…

Hơn thế, đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại cần điều tra chuyên sâu hơn (những vụ án chỉ được thụ lý theo đơn kiến nghị của các nạn nhân nhằm tìm cách trừng phạt bằng biện pháp hình sự chống lại một bị cáo) mà có ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích của nạn nhân và tội phạm, Hàn Quốc đã thực hiện một chương trình lớn từ năm 2001 mà theo đó quy định cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ hướng dẫn của Công tố viên trong suốt cuộc điều tra và chuyển những vụ án đó sau khi nhận được cho Công tố viên.

Tuy vậy, vì việc điều tra chỉ có thể do Công tố viên kết luận nên trong tất cả những vụ án do cảnh sát điều tra đều phải được gửi đến Công tố viên để ra quyết định cuối cùng.

Khi vụ án đã được chuyển cho Công tố viên, thì Công tố viên sẽ mở cuộc kiểm tra toàn diện để xem xét những biện pháp điều tra của cảnh sát có thích hợp hay không và tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng sẽ được thẩm định. Nếu những vấn đề nêu trên không có trong vụ án, Công tố viên sẽ ra lệnh cho cảnh sát điều tra lại  hoặc thực hiện việc khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra.

Thêm vào đó, Công tố viên có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội bằng cách trực tiếp điều tra một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo kinh tế, tham nhũng của công, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v…

Phát động và duy trì quyền công tố

Khi đã kết thúc điều tra vụ án, Công tố viên phải đưa ra quyết định có đưa ra lời buộc tội hay không. Nếu Công tố viên không đưa ra cáo trạng thì hành động này thông thường được gọi là không truy tố.

Có hai hình thức cấu thành lên việc truy tố. Đó là truy tố theo thủ tục thông thường và truy tố theo thủ tục rút gọn. Truy tố theo thủ tục thường là bị cáo phải ra hầu tòa và bị xét xử bởi một Thẩm phán, còn truy tố theo thủ tục rút gọn là Thẩm phán chỉ ra phán quyết về bản án sau khi đã kiểm tra hồ sơ điều tra được trình lên và bị cáo không cần phải ra Tòa.

Thủ tục truy tố rút gọn luôn được thực hiện khi Công tố viên xác định rằng bị cáo chỉ đáng bị xử phạt tiền. Tuy nhiên, trong những vụ án khi bị cáo chống án bằng kháng cáo hoặc khi Thẩm phán cho rằng phạt tiền là hình phạt không thích hợp thì vụ án sẽ được chuyển lại để xét xử theo thủ tục thông thường.

Truy tố theo thủ tục thông thường được chia làm một số loại bao gồm quyết định “không có tội” khi hành vi không cấu thành tội phạm được luật pháp quy định hoặc không chứng minh được bằng những chứng cứ hợp pháp và quan trọng và việc đình chỉ truy tố xảy ra khi không thể phát hiện ra tình tiết của vụ án do thiếu sự hiện diện của kẻ bị tình nghi hoặc nhân chứng.

Công tố viên cũng có thể thực hiện quyền tự quyết là không buộc tội mà không cần quan tâm đến chứng cứ trong khi xem xét đến những trường hợp cụ thể của kẻ bị tình nghi và bản chất của tội phạm thông qua một thủ tục gọi là đình chỉ buộc tội.

Khi có sự khác nhau của khuynh hướng này, việc đình chỉ buộc tội theo điều kiện như hướng dẫn có thể được Công tố viên lựa chọn đối với những bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng dưới 20 tuổi, những người cho thấy họ có khả năng cải tạo. Những người vị thành niên như vậy được những người láng giềng đã trưởng thành tình nguyện giúp đỡ. Nếu họ tuân thủ những điều kiện và đáp ứng được trong vòng 6 tháng thì sẽ không bị coi là tái phạm, những người chưa thành niên này nói chung sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Biện pháp này chiếm một tỷ lệ cao và đóng góp đáng kể vào sự thành công trong việc cải tạo người phạm tội có tuổi đời trẻ do sự tham gia tích cực của những tình nguyện viên có nhiệm vụ giáo dục những thành viên trong cộng đồng mình.

Thi hành án

Tại Hàn Quốc, pháp luật cũng trao nhiệm vụ cho Công tố viên thi hành bản án hình sự của Toà án và chỉ đạo những quan chức liên quan cho những mục đích như cải tạo, phạt tù, thu tiền phạt trong những cơ quan lao động công ích khi sự thay thế của nó được thực hiện bởi thư ký hoặc các giám sát viên của Viện công tố theo lệnh Công tố viên.

Công tố viên với vai trò là người bảo vệ nhân quyền

Công tố viên Hàn Quốc được yêu cầu là người đứng ra bảo vệ nhân quyền của mọi công dân với tư cách là người đại diện cho lợi ích công.

Họ có quyền đệ trình lên Toà án tất cả những chứng cứ không chỉ thiên về có tội mà cả những chứng cứ thiên về phía bị cáo. Công tố viên cũng yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật một cách công bằng và không thiên vị để bảo đảm rằng bị cáo sẽ không nhận được sự đối xử bất công hay quá mức. Điều này được gọi là “nghĩa vụ biện hộ ảo”, và được coi là một phẩm chất cần thiết của Công tố viên.

Công tố viên cũng đến thăm và kiểm tra những nhà tạm giữ trong các đồn cảnh sát một cách bất ngờ mỗi tháng một lần để ngăn ngừa và khắc phục những sai phạm có khả năng xâm phạm đến quyền con người bằng cách kiểm tra xem có bất kỳ ai bị bắt giữ không qua một thủ tục tố tụng hợp pháp hay không hay có bất kỳ vụ án nào được tiến hành không đúng luật không.

Vai trò với tư cách Luật sư Nhà nước

Khi thực hiện nhiệm vụ với tư cách Luật sư Nhà nước, các Công tố viên Hàn Quốc có trách nhiệm tham gia vào việc dự thảo và tranh luận về những dự luật, thực hiện hay hướng dẫn chiến lược kiện tụng cho chính quyền trung ương hay địa phương nếu như chính quyền ở các cấp này có liên quan đến vụ kiện.

Thêm vào đó, Công tố viên còn cung cấp những lời khuyên pháp lý miễn phí cho những công dân để đảm bảo rằng họ có đại diện phù hợp và thoả mãn với những thủ tục tố tụng công minh. Khi cần thiết, các Công tố viên có thể phân công người bản địa của Tập đoàn trợ giúp pháp lý Hàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Công tố viên cũng có trách nhiệm trợ giúp những cơ quan Chính phủ khác bao gồm cả các đại sự quán ở nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế ở nước ngoài khi họ yêu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý.

Nghiên cứu và đào tạo

Nói đến tầm quan trọng về vai trò của Công tố viên là nói đến các áp lực liên tục được đặt ra để nhằm tăng cường tính chuyên môn và cạnh tranh của tất cả những Công tố viên tham gia vào hệ thống cơ quan công tố thông qua những khoá đào tạo tương ứng và thích hợp.

Nhằm mục đích này, trước khi bổ nhiệm và trong suốt sự nghiệp của mình, tất cả các Công tố viên và trợ lý của họ phải trải qua những chương trình đào tạo khác nhau cũng như các cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp tổ chức, nơi có trách nhiệm đào tạo cho tất cả những nhân viên gắn với Bộ Tư pháp. Chương trình này bao gồm các khoá đào tạo cơ bản và nâng cao nhằm cải thiện khả năng chuyên môn trong một số lĩnh vực đặc trưng như tội phạm tài chính, tội phạm bạo lực, tội phạm về an ninh công cộng, tội phạm về sức khoẻ và môi trường.

Mỗi Công tố viên cũng được yêu cầu phải qua một khoá đào tạo nghề nghiệp trong những ngành khác nhau bao gồm cả lĩnh vực tin học. Hơn nữa, hiện nay, hàng năm có hơn 40 Công tố viên được gửi đến các trường đại học danh tiếng để nghiên cứu luật so sánh và những kiến thức tổng quát về những vấn đề của thế giới.

Viện công tố tối cao của Hàn Quốc đã có những nỗ lực to lớn trong việc phát triển và cập nhật thông tin quản lý của mình cũng như hệ thống tin học đã được thành lập từ năm 1994.

Tất cả các dữ liệu hay vật chứng của Viện công tố được lưu trữ trong kho dữ liệu điện tử trong máy tính chủ ở Viện công tố tối cao. Bằng việc xây dựng lên một hệ thống thông tin liên lạc tốc độ cao có khả năng kết nối với tất cả các Viện công tố, các thư viện điện tử, quản lý thông tin và hệ thống thống kê tự động, quá trình tin học hoá đã đã trở nên dễ dàng với tất cả các Công tố viên vào năm 2001.

Trong quá rình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các Công tố viên Hàn Quốc luôn cố gắng tìm hiểu sự thật của vụ án và bảo vệ các quyền con người của công dân thông qua việc thu thập và phân tích chứng cứ bằng cách sử dụng các phương pháp khoa học.

Từ những nhu cầu đó, Viện công tố tối cao Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập ra một số Phòng thí nghiệm về một vài lĩnh vực như: phân tích ADN, kiểm tra tài liệu, phân tích âm thanh và thử kiểm tra mạch tim (máy kiểm tra nói dối v.v…).

Hợp tác quốc tế

Trong thời đại toàn cầu hóa, các Công tố viên Hàn Quốc đã tăng cường những nỗ lực của mình để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mà ngày nay đã trở nên mang tính xuyên quốc gia cũng như tổ chức chặt chẽ và phức tạp hơn cùng năm tháng bằng biện pháp hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ nước ngoài.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ký nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm với một số quốc gia trên thế giới và Viện công tố tối cao cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng những thoả thuận song phương với rất nhiều Cơ quan công tố trong khu vực và trên thế giới.

Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng tham gia một cách tích cực vào các Hội nghị quốc tế cũng như các diễn đàn giải quyết những vấn đề về một số tội phạm như buôn bán ma tuý, vi phạm nhân quyền, tội phạm môi trường, gian lận thương mại quốc tế, ván đề trẻ vị thành niên phạm pháp và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia v.v… để gia tăng hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm.

Về dẫn độ tội phạm, Hàn quốc đã ký Hiệp ước song phương với một số nước lớn trên thế giới và trong khu vực như Australia, Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Canada, Thailand, Tây Ban Nha, Philippin, Chile…Còn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự Hàn Quốc đã ký hiệp ước song phương với Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Hong Kong, Trung Quốc… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong cuộc đấu tranh chống tội phạm chung trên phạm vi toàn cầu.

Kết luận

Nói chung, có thể khái quát về thẩm quyền và nhiệm vụ của Công tố viên Hàn Quốc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như sau:

Theo quy định của Luật về Cơ quan công tố Hàn Quốc thì Công tố viên có những nhiệm vụ, quyền hạn trong khi thực thi công vụ là:

– Tiến hành những biện pháp cần thiết để điều tra tội phạm cũng như thực thi và duy trì quyền công tố;

– Hướng dẫn và giám sát cơ quan cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác liên quan đến quá trình điều tra tội phạm.

– Yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật một cách đúng đắn;

– Hướng dẫn và giám sát việc thi hành các phán quyết của Toà án;

– Đệ trình, chỉ đạo và giám sát các vụ kiện dân sự, hành chính mà trong đó Chính phủ hoặc các cơ quan thuộc Chính phủ là một bên trong vụ án hay là bên tham gia vụ án.

Phần việc lớn nhất của Công tố viên khi thực thi chức năng công tố nằm trong tiến trình tố tụng hình sự. Nhận thức về tầm quan trọng của vai trò của Công tố viên, Luật về cơ quan công tố đã quy định rằng Bộ trưởng Tư pháp, với tư cách là người giám sát cao nhất chức năng công tố có hể hướng dẫn và giám sát chung đối với các Công tố viên nhưng không được chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn và giám sát Tổng trưởng công tố. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho địa vị của Công tố viên với tư cách là một quan chức bán tư pháp bằng việc bảo vệ tính độc lập cho từng Công tố viên khỏi những ảnh hưởng liên quan đến vụ án mà họ đang giải quyết.

Tổng thống có quyền bổ nhiệm và phân công công tác đối với các Công tố viên theo sự đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Các tiêu chuẩn của Công tố viên và Thẩm phán giống hệt nhau, đó là: Phải trải qua kỳ thi tư pháp quốc gia và tiếp đó là một khóa 2 năm đào tạo trong Học việc nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Ngoài những yêu cầu này, một số kinh nghiệm chuyên môn cũng là yếu tố cần thiết khi bổ nhiệm Công tố viên ở cấp bậc cao. Nhìn chung là Công tố viên có 4 cấp: Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng và Công tố viên.

Địa vị của Công tố viên giống như Thẩm phán được pháp luật bảo đảm. Công tố viên không thể bị bãi nhiệm hay đình chỉ công tác khi thực thi quyền hạn của mình hoặc không thể bị cắt giảm lương trừ khi bị hình thức kỷ luật, buộc tội hình sự và trừng phạt bằng hình phạt tù hoặc những hình thức trừng phạt nghiêm khắc hay những hành động kỷ luật trên cơ sở những quy định của pháp luật.

SOURCE: THÔNG TIN KHOA HỌC KIỂM SÁT

TRÍCH DẪN TỪ: http://www.vksndtc.gov.vn/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading