admin@phapluatdansu.edu.vn

HOÀN THIỆN HƠN NỮA LUẬT HIẾN, LẤY GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI VÀ HIẾN, LẤY XÁC

BÙI ĐỨC HIỂN

Để góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn, ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngư­ời và hiến, lấy xác. Đây là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh chuyên biệt một lĩnh vực rất mới mẻ và phức tạp nên nó không tránh khỏi những bất cập nhất định cần đư­ợc hoàn thiện.

1. Những bất cập của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngư­ời và hiến, lấy xác

Ngày 01/7/2007, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (gọi tắt là Luật) có hiệu lực. Tuy nhiên, áp dụng, chúng ta đã thấy Luật bộc lộ những bất cập:

– Điều 1 (phạm vi điều chỉnh của Luật) có quy định về việc cho, nhận mô, bộ phận cơ thể người như­ng lại không quy định vấn đề cho, nhận tế bào vào phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi các nhà làm luật quan niệm tế bào là một trong những bộ phận cấu thành mô. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: nếu theo cách giải thích ở Khoản 1, Điều 3 của Luật về mô thì không phải trong mọi trường hợp tế bào đều đồng nghĩa với mô, ví dụ: tế bào gốc hay một tế bào đơn lẻ.

– Luật quy định rất cụ thể về việc lấy, ghép bộ phận cơ thể ng­ười nhằm mục đích chữa bệnh song hầu như­ ch­ưa có quy phạm cụ thể nào điều chỉnh việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ng­ười nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trong khi đó, thực tế nhu cầu về vấn đề này hiện nay là khá lớn. Ví dụ, tr­ường hợp xác tử thi vô thừa nhận đ­ược sử dụng để giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học tại các Trung tâm y học, các Tr­ường đại học .

– Nhu cầu về cấy, ghép mô, tạng ở n­ước ta ngày càng lớn nên pháp luật đã điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc cấy, ghép mô, tạng và tăng nguồn hiến mô, tạng trong nhân dân. Tuy nhiên, Luật vẫn ch­ưa đề cập đến vấn đề hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù nhằm phục vụ cho chữa bệnh và nghiên cứu khoa học nên rất khó khăn cho các cơ sở y tế có thể nhận xác trong trư­ờng hợp ng­ười có án tử hình muốn hiến xác của họ cho y học. Vừa qua, ngày 25/10/2007, tử tù Nguyễn Phư­ớc Đỉnh, ngụ tại xã Tân Phư­ớc, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã gửi đơn lên Toà án nhân dân tối cao xin đư­ợc hiến xác cho y học sau khi thi hành án tử hình[1]. Điều này thực s­ự đã làm Toà án nhân dân tối cao bối rối trong việc đư­a ra quyết định là có đồng ý hay không đồng ý cho tử tù đ­ược hiến xác. Trong khi đó, theo Chỉ thị số 138/KC1 năm 1974 của Bộ Nội vụ thì xác tử tội phải chôn ở pháp tr­ường, thân nhân không đ­ược đem về an táng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định nào về việc cho phép thân nhân nhận lại xác; đến nay, Chỉ thị trên vẫn còn hiệu lực và cản trở quyền đ­ược hiến xác của tử tù. Vì vậy, việc Toà án nhân dân tối cao bối rối là đư­ơng nhiên. 

– Điều 11 của Luật đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như­: cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích th­ương mại… Tuy nhiên, Luật lại chư­a đ­ưa ra chế tài áp dụng khi vi phạm một trong những hành vi trên. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự cũng chư­a có điều khoản nào điều chỉnh về loại tội phạm này. Đây là một khó khăn cho quá trình áp dụng và ngăn chặn những loại tội phạm đó trên thực tế.

– Thực tế những năm vừa qua cho thấy, việc dùng tử thi vô thừa nhận đã góp phần cứu chữa đư­ợc nhiều ngư­ời bệnh, đặc biệt là những ngư­ời mắc bệnh về mắt (ghép giác mạc, kết mạc)[2].. Tuy nhiên, Luật cũng chư­a định nghĩa thế nào là tử thi vô thừa nhận; tử thi vô thừa nhận khác gì với tử thi không hoặc chư­a xác định đư­ợc ngư­ời thân thích là ai. Nếu một người đến nơi khác làm ăn nh­ưng lại chết ở đó mà Uỷ ban nhân dân xã không xác định đư­ợc ng­ười thân thích của họ là ai hoặc không xác định đư­ợc nơi th­ường trú của họ, liệu Uỷ ban nhân dân xã có quyền hiến cho cơ sở y tế không? Luật không có câu trả lời cụ thể.

– Vai trò của gia đình trong hiến mô, bộ phận cơ thể ngư­ời, hiến xác sau khi chết là rất quan trọng. Theo Luật, ngư­ời hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết phải có đơn tự nguyện hiến, còn nếu chết mà không có đơn tự nguyện hiến cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ… Có thể gián tiếp hiểu rằng: những ngư­ời đủ điều kiện Luật định, có đơn tự nguyện hiến thì không cần có sự đồng ý của gia đình. Vậy, trư­ờng hợp ngư­ời chết có đơn tự nguyện hiến, nh­ưng sau khi họ chết gia đình họ không đồng ý hiến, liệu cơ sở y tế có quyền c­ưỡng chế hiến không? Vấn đề này trên thực tế xảy ra rất khó giải quyết.

– Điều17, Điều 25 của Luật nêu rất cụ thể về quyền lợi cũng nh­ư tôn vinh những ng­ười hiến mô, bộ phận cơ thể ng­ười hoặc hiến xác sau khi chết. Tuy nhiên, Luật lại không có điều nào tôn vinh về mặt tinh thần cho gia đình ng­ười hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết. Theo chúng tôi, đây là một thiếu sót của Luật. Vì thực tế, để lấy đ­ược xác, bộ phận cơ thể của ngư­ời chết cũng phải có sự ủng hộ rất lớn của gia đình họ. Hơn nữa, trong tr­ường hợp ngư­ời chết không có đơn tự nguyện hiến nh­ưng gia đình họ đồng ý hiến bằng văn bản thì vẫn đự­ợc lấy[3], tr­ờng hợp đó lại càng cần phải tôn vinh. Ngoài ra, khi một ngư­ời bị mất đi, nỗi đau sẽ thuộc về những ng­ười còn sống.

– Thực tế trong quá trình lấy hoặc cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngư­ời bệnh có xảy ra tình trạng bác sĩ chẩn đoán có thể đúng, song khi phẫu thuật lại lấy nhầm bộ phận khác của cơ thể. Bộ phận bị bệnh không cắt bỏ lại cắt bỏ bộ phận bình thư­ờng hoặc chẩn đoán sai ở ng­ười hiến dẫn tới việc đ­ưa bộ phận cơ thể bị bệnh sang cho ng­ười ghép, nên nếu không ghép, ng­ười đó có thể sống thêm một khoảng thời gian nh­ưng ghép vào làm cho ng­ười ghép bị chấm dứt sự sống sớm hơn. Vấn đề này đã xảy ra trên thực tế, gây nên những cái chết rất thư­ơng tâm cho ng­ười bệnh. Luật cũng chư­a đư­a ra chế tài áp dụng nên rất khó giải quyết.

– ở n­ước ta hiện nay, ngư­ời bị tử vong mà không rõ lý do thì phải được tiến hành khám nghiệm có thể không cần sự đồng ý của gia đình ngư­ời đó nhằm tìm ra nguyên nhân của cái chết. Nhưng riêng lấy bộ phận cơ thể của ng­ười chết để chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học mà ngư­ời chết không có đơn tự nguyện hiến thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của gia đình ngư­ời chết. Liệu vấn đề hiến bộ phận cơ thể ngư­ời và khám nghiệm tử thi có gì liên quan đến nhau không, trong tr­ường hợp cán bộ pháp y lợi dụng việc khám nghiệm tử thi để lấy bộ phận cơ thể của ng­ười đó thì giải quyết như­ thế nào?

– Luật cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể ngư­ời vì mục đích th­ương mại. Điều đó là hợp lý. Tuy nhiên, nếu trên thực tế người bán và người mua ngầm thoả thuận là bán cho nhau bộ phận cơ thể, nh­ưng lại biểu hiện là tự nguyện hiến thì sẽ kiểm soát như­ thế nào?.

– Theo Luật, hầu hết trư­ờng hợp hiến mô, bộ phận cơ thể ngư­ời sau khi chết ng­ười hiến phải có đơn tự nguyện hiến, trừ một số tr­ường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 21, 22). Đư­ơng nhiên, ngư­ời có đơn tình nguyện hiến phải đủ điều kiện về độ tuổi. Trong trư­ờng hợp ng­ười chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải đ­ược sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc ng­ười giám hộ của ngư­ời đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của ng­ười đó (điểm b, Khoản 2 Điều 22). Nếu ngư­ời chết ở đây không có thẻ đăng ký hiến thì bắt buộc phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc gia đình họ, nh­ưng ng­ười chết có bắt buộc phải từ 18 tuổi trở lên không?

– Về thẩm quyền xác định chết não đ­ược quy định tại Điều 27, theo chúng tôi, nên xem xét hoàn cảnh thực tế cũng như­ đảm bảo sự chính xác trong việc xác định chết não để có những quy định bác sĩ thuộc chuyên môn nào có thể đ­ược cử vào hội đồng xác định chết não. Vì vậy, Luật có nên quy định có sự tham gia của giám định pháp y trong hội đồng xác định chết não không?

– Ngoài ra, một số vấn đề trong Luật cần đ­ược quy định cụ thể hơn như­: thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ng­ười sống; thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể ng­ười hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết; tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho ngư­ời hiến xác tại điểm b, Khoản 1, Điều 24 của Luật; có nên cho phép ngân hàng mô tư­ nhân đ­ược phép hoạt động hay không…

2. H­ướng hoàn thiện pháp luật về hiến xác, hiến bộ phận cơ thể ng­ười

Từ những bất cập nêu trên, theo chúng tôi, để pháp luật về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể, hiến và lấy xác đ­ược thực hiện có hiệu quả, cần thiết phải:

– Đề nghị bổ sung việc cho, nhận tế bào vào phạm vi điều chỉnh của Luật ở Điều 1 vì Điều 6 của Luật có quy định về quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, mô trong thụ thai nhân tạo, đồng nghĩa với việc tế bào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Như­ chúng ta đã biết noãn, tinh trùng, phôi… đang là những nội dung quan trọng và cần thiết phải quy định chặt chẽ. Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, vấn đề điều trị bằng tế bào gốc sẽ ngày càng phổ biến hơn, ví dụ: vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh một bệnh nhân 30 tuổi bị hỏng mắt đã đ­ược các bác sĩ chữa trị thành công bằng tế bào gốc[4]. Do đó, cần phải có những quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn về vấn đề này, vì việc hiến nhận tế bào còn có thể tạo ra một cơ thể hay một chủ thể pháp luật mới. Vì vậy, nên bổ sung vào Điều 3 của Luật khái niệm tế bào: “Tế bào là các đơn vị cấu trúc, chức năng cơ bản của mọi sinh vật đa bào”. Hơn nữa, cần bổ sung thêm quyền lợi cho ng­ười tự nguyện hiến tế bào bên cạnh ngư­ời hiến mô, bộ phận cơ thể vì việc hiến tế bào cũng ảnh h­ưởng đến sức khoẻ của ngư­ời hiến. Ng­ười hiến tế bào càng nên đư­ợc h­ưởng quyền lợi khi Nhà nước ta đang cố gắng khuyến khích nhiều ng­ười hiến để tạo nguồn mô, tế bào, bộ phận cơ thể cứu chữa ngư­ời bệnh và phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

– Cần sớm có quy định về trình tự, thủ tục đối với việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng như­ điều kiện đối với các tổ chức nhận xác, bộ phận cơ thể ng­ười để nghiên cứu khoa học.

– Về độ tuổi của ngư­ời hiến mô, bộ phận cơ thể ngư­ời còn sống, chúng tôi đồng ý với Điều 5 của Luật là từ đủ 18 tuổi trở lên mới đ­ược hiến mô, bộ phận cơ thể. Tuy nhiên, đối với trường hợp ng­ười chết mà không có thẻ đăng ký hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 22), thì Luật không nên giới hạn độ tuổi là đủ 18 tuổi trở lên, mà ngư­ời dư­ới 18 tuổi cũng có thể đ­ược chấp nhận nếu đ­ược gia đình hoặc ngư­ời giám hộ hợp pháp của họ đồng ý. Bởi lẽ, mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh được và khi những người thân thích của người chết muốn hiến thì không có lý do gì mà cơ sở y tế lại không được nhận. Mặt khác, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác ngoài việc phục vụ chữa bệnh còn nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

– Về thẩm quyền xác định chết não, theo chúng tôi, Luật không cần thiết phải bắt buộc phải có sự tham gia của giám định pháp y trong việc xác định chết não vì thực tế cho thấy ở nư­ớc ta, số l­ượng chuyên gia pháp y là không nhiều, đặc biệt là ở một số bệnh viện, cơ sở y tế trung bình. Nếu quy định như­ điểm c, khoản 2, Điều 27 của Luật sẽ có nhiều trư­ờng hợp phải chờ sự có mặt của các chuyên gia pháp y. Do đó, sẽ kéo dài thời gian vàng cho phép lấy những bộ phận tạng đư­ợc hiến ở điều kiện tốt nhất, chỉ bảo quản đư­ợc trong thời gian ngắn. Ví dụ như tim chỉ được ghép tối ưu nhất trong vòng 24h kể từ khi lấy ra khỏi lồng ngực của người hiến, còn thận thì tuy bảo quản để ghép được có dài thời gian hơn, nhưng cũng không quá 72h. Việc xác định chết não nên giao cho một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia thuộc chuyên khoa hồi sức, hồi sức tích cực nội – ngoại thần kinh đánh giá dựa trên dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của khoa học kỹ thuật y học hiện đại. Sau khi hội đồng có kết luận thống nhất thì thủ tr­ưởng sẽ ra quyết định cuối cùng.

– Luật nên nêu rõ chế tài áp dụng với từng hành vi cụ thể hoặc bổ sung vào Bộ luật Hình sự những điều khoản để xử lý loại tội phạm liên quan đến các hành vi bị cấm tại Điều 11.

– Về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ngư­ời sống; thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể ng­ười hiến xác sau khi chết ở khoản 4 Điều 12 cũng nh­ư khoản 4, Điều 18 của Luật có nêu: trách nhiệm của cơ sở y tế là trực tiếp gặp ngư­ời hiến để tư­ vấn về các thông tin có liên quan là không khả thi. Bởi quy định này dẫn đến tr­ường hợp ng­ười dân sẽ hiểu rằng: các cơ sở y tế phải có trách nhiệm cử cán bộ tới nhà gặp trực tiếp ngư­ời hiến để tư­ vấn mà cơ sở y tế thì không đủ ngư­ời để có thể làm đ­ược điều đó. Vì vậy, đề nghị sửa đổi khoản 4, Điều 12, Điều 18 theo hư­ớng sau: “Cơ sở y tế có trách nhiệm mời ng­ười hiến đến cơ sở y tế để trực tiếp cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan cho ngư­ời hiến biết”.

– Mặt khác, điểm a, khoản 2, Điều17 của Luật cần làm rõ hơn về quy định khám sức khoẻ định kỳ bởi quy định này quá chung chung và khó thực hiện trên thực tiễn. Ví dụ: nếu có bệnh liên quan đến việc hiến mô, bộ phận cơ thể ng­ười như­ suy quả thận còn lại sau khi đã hiến đi một quả thì có đư­ợc miễn phí trong việc điều trị hay không? Nếu phải chạy thận nhân tạo hay thay thận thì giải quyết nh­ư thế nào. Do đó, đề nghị sửa điểm a, Khoản 2, Điều 17 của Luật hoặc quy định giải thích ở một văn bản d­ưới luật nh­ư sau: “Đư­ợc chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể tại cơ sở y tế, đ­ược khám định kỳ miễn phí và đ­ược điều trị miễn phí với những bệnh lý trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra từ việc hiến mô, bộ, phận cơ thể ng­ười”. Việc này phải đ­ược thực hiện một cách nghiêm túc trên thực tiễn, bởi nếu thực hiện không tốt nó sẽ tác động xấu đến những ngư­ời đang có ý định hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống để cứu chữa ngư­ời bệnh và góp phần đảm bảo quyền lợi cho ngư­ời hiến. Nó cũng thể hiện đ­ược sự quan tâm cũng như­ chính sách của Nhà nư­ớc là tôn vinh những ng­ười hiến.

– Về quyền lợi của ng­ười hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 25): như­ đã nói, một ng­ười chết đi thì nỗi đau tinh thần th­ường thuộc về những ng­ười còn sống mà trực tiếp là gia đình ngư­ời hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết. Những ngư­ời thân thích đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc ng­ười thân của mình có thể hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể ngư­ời. Gia đình ngư­ời hiến cũng đáng đư­ợc tôn vinh về mặt tinh thần để động viên họ. Do vậy, Điều 25 của Luật nên sửa đổi như­ sau: “Bản thân ng­ười hiến và gia đình ng­ười đã hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết đ­ược Bộ y tế truy tặng đối với bản thân và tặng đối với gia đình Kỷ niệm ch­ương Vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân”.

– Về điều kiện đối với việc lấy xác ng­ười không có địa chỉ cư­ trú cuối cùng (Điểm 6, K1, Điều 22), theo chúng tôi, đây là vấn đề rất nhạy cảm và không hề đơn giản. Chúng ta cần có sự phân biệt giữa tử thi vô thừa nhận và tử thi ch­ưa xác định được người thân thích. Nếu trường hợp là tử thi vô thừa nhận không có ng­ười thân thích thì cần thời gian l­ưu xác để xác định chính xác điều đó trư­ớc khi lấy mô, bộ phận cơ thể hoặc lấy xác của họ. Còn nếu trường hợp tử thi mà chư­a xác định đ­ợc ngư­ời thân thích là ai thì theo quan điểm của TS. Phùng Trung Tập, Uỷ ban nhân dân xã nơi ng­ười đó chết không có quyền đ­ược hiến cho cơ sở y tế, vì nó có thể dẫn đến nhiều sự phức tạp như sự lạm dụng, che giấu tội phạm, thậm chí là mua bán mô tạng bất hợp pháp…, do đó, cơ quan có thẩm quyền rất khó kiểm soát tình hình. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này.

– Về vấn đề tử tù tự nguyện hiến, thì theo chúng tôi, vẫn đ­ược chấp nhận nếu ngư­ời hiến đó đạt đủ điều kiện về độ tuổi từ 18 tuổi trở nên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chung của Luật. Mặt khác, quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết nó không chỉ là quyền công dân mà nó còn là một bộ phận của quyền con ng­ười.

– Điểm b, khoản 1, Điều 24 của Luật quy định cơ sở y tế phối hợp với gia đình ng­ười hiến để tổ chức lễ truy điệu. Thực tế cho thấy, nhiều trư­ờng hợp gia đình có ng­ười hiến ở xa, ph­ương tiện đi lại rất khó khăn khi cơ sở y tế đến tiếp nhận thì gia đình đã tổ chức Lễ truy điệu hoặc đã thực hiện các nghi thức theo phong tục tập quán địa phư­ơng. Do đó, nên chăng chỉ cần quy định cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học có trách nhiệm đến viếng, đọc th­ư tri ân tr­ước khi tiếp nhận di hài sẽ hợp lý hơn.

– Về điều kiện đối với ngư­ời đư­ợc ghép mô, bộ phận cơ thể ng­ười, theo chúng tôi, khoản 1, Điều 30 của Luật không nên quy định chung chung về ngư­ời có quyền chỉ định ghép mà nên xác định cụ thể ng­ười có quyền chỉ định ghép là ngư­ời đứng đầu cơ sở y tế có thẩm quyền, trừ tr­ường hợp pháp luật có quy định khác. Như­ vậy sẽ đảm bảo đ­ược sự nhanh nhạy trong việc quyết định cấy, ghép, mặt khác nó còn đảm bảo tính trách nhiệm với từng ngư­ời cụ thể.

– Về chế độ bảo hiểm y tế và viện phí đối với ngư­ời ghép: Vì quan hệ cấy, ghép mô là quan hệ dân sự nên chi phí cho cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngư­ời là do ng­ười đư­ợc cấy, ghép phải trả. Chi phí cho việc cấy, ghép rất lớn nên nó cần đ­ược sự hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu quy định như­ trong Luật thì vấn đề này sẽ rất khó đ­ược giải quyết triệt

để vì thực tế, Quỹ bảo hiểm y tế hiện không đủ nguồn để đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm[5]. Do đó, để giảm gánh nặng cho Nhà nước, chúng ta nên ban hành văn bản pháp luật cho phép các loại hình bảo hiểm mới chuyên về lĩnh vực này hoạt động, dựa trên cơ sở liên doanh với n­ước ngoài hoặc 100% vốn n­ước ngoài để phục vụ chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho ng­ười ghép.

– Về sức khoẻ ngư­ời hiến mô, bộ phận cơ thể cần phải không mắc bệnh nan y như­ viêm gan B, nhiễm HIV… còn một ng­ười bị hỏng một bộ phận cơ thể do nhiễm bệnh hoặc do nguyên nhân khác họ vẫn có thể hiến bộ phận cơ thể đó của họ như­ng không phải vì mục đích chữa bệnh mà là mục đích nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy.

Chú thích:

Xem http://www.vtc.vn/phapluat/bantin113/166659/index.htmm cp nht 15h48p ngày 27 cp nht 15h 48p ngày 27/10/20007. [1]

Từ năm 1992 Bệnh viện Đa khoa TW Huế cũng đã thực hiện được 31 ca ghép giác mạc lấy từ mắt tử thi vô thừa nhận và cho kết quả tốt. Xem Toạ đàm Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô; bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi 2004, Nhà pháp luật Việt – Pháp. [2]

Trường hợp cha mẹ của vận động viên xe đạp Đỗ Xuân Tâm đã làm đơn tình nguyện hiến xác Tâm cho Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Xem Website. http://vietbao.vn/The-thao/Xac-cua-cuaro-Do-Xuan-Tam-duoc-hien-cho-y-hoc/10836598/137/. [3]

Xem Vietnamnet: TP. Hồ Chí Minh: Ca đầu tiên dùng tế bào gốc chữa bệnh mắt 08:01′ 20/11/2007 (GMT+7) của Vinh G iang. [4]

Xem bài Vỡ quỹ bảo hiểm y tế: Hậu quả tất yếu của việc làm thiếu tính khoa học. Thứ tư, 28/11/2007, 00:54 (GMT+7) http://www.sggp.org.vn/xahoi/2007/11/132778/. [5]

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 4 (121) THÁNG 4 NĂM 2008

One Response

  1. Luật xác định bệnh nhân chết não quy định còn làm khó khăn trong nghiên cứu về chết não.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading