admin@phapluatdansu.edu.vn

NGUYÊN TẮC CÔNG BẰNG SỐ HỌC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LÀM LUẬT

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Nguyên tắc đặt cơ sở cho việc thiết lập trật tự, an toàn xã hội và công bằng xã hội được các nhà hiền triết thời cổ gọi đó là nguyên tắc công bằng số học trong giao tiếp giữa người và người.
Nếu không có một nguyên tắc như thế, thì chẳng ai dám sống trong không gian chung, do không thể biết trước khi nào sẽ có ai đó lù lù xuất hiện và trút tai hoạ lên đầu mình mà mình cứ phải cam chịu; để tránh rủi ro và hiểm nguy tiềm tàng, mỗi người sẽ tạo cho mình một không gian riêng, biệt lập, ngăn cách với những người còn lại; xã hội sẽ không thể hình thành và phát triển.
Chi phối hành vi của tất cả thành viên xã hội một cách bình đẳng, nguyên tắc công bằng số học cũng mang ý nghĩa một lời cảnh báo đối với mỗi thành viên. Đó là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải thận trọng, biết giữ chừng mực, đàng hoàng trong giao tiếp, ứng xử để tránh gây thiệt hại đáng tiếc cho thành viên khác.  

Ý nghĩa này phải được đặc biệt nhấn mạnh đối với những thành viên được xã hội phân công đảm nhận các chức năng hoạch định chính sách, xây dựng chuẩn mực pháp lý. Đây là những người có quyền dùng sức mạnh của nhà chức trách để áp đặt khuôn mẫu ứng xử lên toàn xã hội; mỗi hành vi của họ, thực hiện trong khuôn khổ tác nghiệp chuyên môn, có ảnh hưởng sâu rộng đối với cuộc sống xã hội. 

Trong xã hội được tổ chức tốt, mọi thành viên được bảo đảm thụ hưởng trong bình yên các lợi ích thuộc về mình. Bởi vậy, mỗi khi thành viên nào đó bỗng nhiên chịu một mất mát mà không phải do lỗi của chính mình, thì phải tiến hành điều tra làm rõ ngọn ngành. Nếu thiệt hại do rủi ro khách quan, nói nôm na là do ông trời, thì thôi đành chịu; nhưng nếu không phải vậy, thì cần đi tìm cho được người nào trên đời này đã gây ra thiệt hại, bắt họ nhận lãnh trách nhiệm bồi thường.

Thời gian vừa qua, có khá nhiều trường hợp chính sách, quy tắc pháp lý được đề ra chưa thấy đem lại lợi ích xã hội gì rõ ràng, nhưng đã gây thiệt hại nhận thấy được cho người này, người kia. Một trong những ví dụ tiêu biểu là các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu các chủ ô tô vận tải phải chuyển hẳn phương tiện cho hợp tác xã làm chủ sở hữu mới được phép tiếp tục hành nghề.
Trong một câu chuyện khác xảy ra cuối năm trước, dịch tiêu chảy bùng phát, nhà chức trách nghi mắm tôm là thủ phạm gây dịch và ra lệnh cấm sản xuất, lưu hành đối với loại nước chấm này. Dịch qua đi, lệnh cấm được dở bỏ. Cuối cùng, mắm tôm được chính thức minh oan trên cơ sở các kết quả xét nghiệm do nhà chức trách y tế thực hiện; nhưng thiệt hại mà người sản xuất, mua bán phải gánh chịu do lệnh cấm trước đây thì chẳng người nào trong giới có thẩm quyền muốn nhắc tới. 
Một cách tự nhiên, khi được hưởng quy chế siêu chủ thể và đứng trên các hệ thống chuẩn mực, con người sẽ có xu hướng phát triển tính cách độc đoán và tuỳ tiện trong quan hệ giao tiếp. Người làm luật mà không sợ chế tài sẽ có thể thoải mái đề ra quy tắc pháp lý theo ý mình; nếu có lỡ làm sai, thì nhiều lắm cũng chỉ cần xoá đi làm lại. Thái độ dửng dưng, có vẻ như muốn thách đố dư luận của một số quan chức ngành giao thông vận tải trước phản ứng quyết liệt của những người bị thiệt hại do quyết định tập thể hoá ô tô vận tải nói trên, là một minh chứng. 
Hiện dự thảo Luật bồi thường nhà nước đang được xây dựng. Đây là luật có tác dụng đặt cơ sở pháp lý cho việc quy trách nhiệm vật chất của Nhà nước trong trường hợp viên chức nhà nước gây thiệt hại cho dân trong quá trình thực thi công vụ. Việc ban hành luật này sẽ phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân về một bộ máy công quyền hữu hiệu với một đội ngũ công chức trong sạch, có năng lực, mẫn cán và có trách nhiệm. Đặc biệt, nó giúp khai thông bế tắc trong nhiều trường hợp người dân thường bị thiệt hại do hành vi sai trái hoặc thiếu trách nhiệm của cơ quan công quyền: quy hoạch treo; lề mề, chậm trễ trong việc xúc tiến thủ tục hành chính; bắt bớ, xử phạt bừa bãi, gây oan ức;…      
Đáng tiếc là dù đã có nhiều ý kiến đóng góp, bản dự thảo Luật gần nhất vẫn chưa ghi nhận việc qui trách nhiệm của người ra quy tắc ứng xử pháp lý trái luật gây thiệt hại cho xã hội.

Gần đây, nhiều người chua chát nói đó là “hậu”…cấm xe lôi, xe ba gác. Cực chẳng đã người ta phải quay lại tận dụng xe trâu, xe bò, xe thồ để gồng gánh lúa từ ngoài đồng về, chở heo gà vịt cá rau ra chợ. Nhếch nhác và chậm chạp không sao chịu nổi.Còn tìm loại xe thay thế thì chuyện như đùa. Chứng tỏ, những tổ chức ra lệnh cấm không chịu trách nhiệm nghiêm túc để có quá trình chuẩn bị thỏa đáng cho người dân. Rồi như chuyện lạ, giữa lúc lệnh cấm còn “tranh tối tranh sáng” thì lập tức xe lôi của Trung Quốc  đã lù lù có mặt đó đây. Hỏi ai cho phép nhập thì câu trả lời thật “lập vập”. Thế rồi nó cũng lần lượt được cấp phép lưu hành trót lọt. Mà nào có phải xe lôi Trung Quốc đẹp đẽ và an toàn lắm đâu, nếu không nói còn xấu hơn và chất lượng an toàn không hơn gì xe lôi, xe ba gác máy của ta. Nhiều người nói vui “Tự mình đá thủng lưới nhà một cách ngoạn mục” (!). Còn các loại xe tải nhỏ trong nước thì có chiếc nào dưới trăm triệu đâu, hỏi làm sao người chạy xe lôi, xe ba gác mua nổi. Vả lại, nếu có mua được thì nó cũng khá kềnh càng rất khó thay thế cho xe lôi, xe ba gác vốn quen bà con mình, bởi từ lâu thích hợp với đường ngang ngõ tắt và những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ hẹp. Thực trạng này không chỉ người chạy xe kêu trời mà cả những chủ bán vật liệu xây dựng cũng chẳng biết nói vào đâu cho thấu, dẫn tới việc bán buôn ế ẩm. Chẳng lẽ mua một bao xi măng, vài mươi viên gạch lại phải mướn chiếc xe tải cả tấn để chở? Bài toán thất thu do trở ngại, ách tắc trong vận chuyển hàng hóa chắc chắn không thể tính bằng triệu được.

SOURCE: http://www.tiasang.com.vn/news?id=2670

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading