admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

DDDNTheo thống kê, hiện nay mới có khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam biết tự bảo vệ mình thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Phần lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo hộ các đối tượng SHTT và chỉ khi xảy ra tranh chấp, họ mới nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tài sản SHTT.

Vậy, làm sao để doanh nghiệp định hướng và xác định được những nội dung then chốt, cốt yếu trong chiến lược quản lý tài sản trí tuệ? Để trả lời được câu hỏi này, doanh nghiệp cần phải tiến hành những nghiên cứu sâu rộng, toàn diện phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan tâm trước hết đến 3 nội dung sau:

1. Xác định cụ thể mục tiêu mà doanh nghiệp cần đạt được hoặc hướng tới từ hoạt động quản lý tài sản trí tuệ của mình;

2. Xác định cụ thể vai trò, sức mạnh của từng đối tượng SHTT trong việc hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

3. Lựa chọn và áp dụng chiến lược quản lý phù hợp để đạt được mục tiêu và doanh nghiệp đề ra.

Theo kết quả nghiên cứu của Julie Davis and Suzanne Harrison trong cuốn sách “Các doanh nghiệp lớn đã làm gì để xác định được giá trị tài sản trí tuệ của mình”, mục tiêu của doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược quản lý tàisản trí tuệ được chia làm 5 cấp độ, đó là:

– Bảo vệ: Mục tiêu chính của họ là bảo vệ các thành quả sáng tạo trí tuệ, bảo đảm rằng tài sản trí tuệ của họ không bị xâm phạm, không bị sử dụng, khai thác trái phép cũng như bảo đảm rằng họ không xâm phạm đến quyền SHTT của các chủ thể khác. Đối với các doanh nghiệp này, chi phí cho việc xác lập, thực thi và bảo vệ quyền SHTT thường khá cao.

– Kiểm soát chi phí: Các doanh nghiệp ở cấp độ này bên cạnh mục tiêu bảo vệ quyền SHTT của mình còn tập trung nghiên cứu tìm ra cách thức tốt nhất để tạo ra, bảo hộ, duy trì và khai thác tài sản trí tuệ của mình với mức chi phí thấp nhất.

– Khai thác lợi nhuận: doanh nghiệp ở cấp độ này hướng tới các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT và các hình thức khác nhằm khai thác tài sản trí tuệ, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

– Liên kết hoạt động: Ở cấp độ này, tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được gắn với SHTT. Tài sản trí tuệ được sử dụng như một công cụ nhằm liên kết các khâu trong toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

– Công cụ giám sát: Đây là cấp độ cao nhất của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ. Ở cấp độ này, doanh nghiệp đã có một tầm nhìn và chiến lược hoạt động dài hạn, xác định rõ vai trò, vị trí của doanh nghiệp trên thị trường và trong lĩnh vực hoạt động. Họ có thể sử dụng tài sản trí tuệ như một công cụ hiệu quả nhằm tạo ra các giá trị mang tính chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xác định đâu là cấp độ phù hợp nhất với điều kiện và tình hình thực tế của doanh nghiệp mình tại thời điểm hiện tại.

Một vấn đề quan trọng nữa là doanh nghiệp phải xác định rõ tài sản trí tuệ đóng vai trò như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp từ đó đưa ra chiến lược quản lý phù hợp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia, có 4 nội dung được coi là nền tảng cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng, phát triển chiến lược quản lý tài sản trí tuệ của mình, đó là:

– Xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ như một phương thức để giảm thiểu rủi ro: doanh nghiệp coi tài sản trí tuệ là những công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng, từ đó tập trung xây dựng bộ phận pháp lý của doanh nghiệp để sẵn sàng đối phó với các tranh chấp phát sinh đồng thời bảo vệ một cách hiệu quả nhất các thành quả trí tuệ của doanh nghiệp trên thị trường.

– Xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ như một phương thức giảm chi phí: doanh nghiệp áp dụng các phương pháp nhằm bảo hộ và khai thác hữu hiệu nhất tài sản trí tuệ với chi phí thấp nhất: thường xuyên rà soát lợi nhuận thu được từ các đối tượng SHTT từ đó đưa ra những quyết định tương ứng như: không tiến hành duy trì hiệu lực đối với những đối tượng không còn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đưa ra những yêu cầu bảo hộ thực sự cần thiết đối với sáng chế, lập danh sách các nước thực sự cần thiết để nộp đơn đăng ký bảo hộ…

– Xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ như một phương thức tạo ra giá trị: Với chiến lược này, doanh nghiệp coi đối tượng SHTT vừa là tài sảnkinh doanh vừa là công cụ pháp lý. Quyền SHTT được đặt ở vị trí trung tâm khi doanh nghiệp tiến hành các hoạt động mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh (licence, thành lập liên doanh…). doanh nghiệp tìm cách thu lợi nhuận trực tiếp từ việc sử dụng tài sản trí tuệ trong quá trình hợp tác kinh doanh thay vì thực hiện một cách gián tiếp thông qua các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT.

– Xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ như một phương thức tạo ra giá trị chiến lược: doanh nghiệp theo chính sách này thường coi quyền SHTT như những tài sản kinh doanh và hợp tác có thể tạo ra những giá trị mang tính chiến lược dài hạn. Quyền SHTT được sử dụng nhằm tạo ra hoặc thay đổi định hướng cạnh tranh của doanh nghiệp: dựa trên những sáng chế chiến lược nhằm thu hút hoặc thay đổi quan điểm của khách hàng, của các nhà cung ứng hoặc của công chúng nói chung về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.

SOURCE: http://www.dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Trithuc-Quantri/Quan_ly_tai_san_tri_tue-Nhung_nguyen_tac_nam_long/?SearchTerms=TÀI+SẢN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading