admin@phapluatdansu.edu.vn

CÓ CÒN QUYỀN KHỞI KIỆN?

THỤY CHÂU

Cha mẹ của bà Phạm Thị Kiều (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) mất mà không để lại di chúc. Cụ ông mất năm 1950. Cụ bà mất năm 1999. Di sản họ để lại gồm ba phần đất. Phần một có diện tích hơn 3.300 m2. Phần hai có diện tích gần 4.800 m2. Phần ba là 40 cao đất (chừng 4.000 m2).

Phần một lại có hai phần nhỏ. Trong đó, chừng 800 m2 đã được cấp “giấy đỏ” vào ngày 2-7-1993 (khi Luật Đất đai năm 1987 còn hiệu lực). Ông L. (anh ruột của bà Kiều) đứng tên trên giấy. Có một căn nhà ngói trên phần đất này. Phần nhỏ còn lại chưa được cấp “giấy đỏ” nhưng ông L. cũng đứng tên trong sổ địa chính.

Phần đất thứ hai thuộc quy hoạch. Khi nhận gần 100 triệu đồng tiền đền bù, ông L. có chia cho mỗi nguyên đơn gần chín triệu đồng và giữ lại hơn 63 triệu đồng.

Riêng diện tích 40 cao đất thì ông L. đã bán vào năm 1990.

Cho rằng ông L. không thể hưởng di sản một mình mà phải chia thành bốn phần bằng nhau, bà Kiều cùng hai đồng nguyên đơn khác kiện ông L. ra tòa.

Chia rồi hủy

Tháng 8-2005, TAND huyện Trảng Bàng xử sơ thẩm vụ án. Viện lẽ vào năm 1989, mẹ cùng anh chị em đã làm tờ tương phân giao toàn bộ tài sản trên cho mình cúng giỗ và toàn quyền sử dụng, ông L. không đồng ý chia di sản. Vì không giám định được chữ ký và chữ viết trong tờ tương phân, hội đồng xét xử quyết định chia di sản. Theo đó, phần đất đã được cấp giấy và căn nhà trên đó được chia làm đôi. Ông L. là người lo cúng giỗ nên được hưởng một nửa . Nửa còn lại cùng toàn bộ tài sản tranh chấp khác được chia làm bốn phần. Ông L. kháng cáo.

Tháng 5-2006, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ án. Theo cấp phúc thẩm, phần đất thứ hai (thuộc quy hoạch) có 1.000 m2 là của riêng ông L. Khi nhận tiền đền bù, ông L. đã chia cho các nguyên đơn một phần nên họ không thể đòi chia nữa. Tại phiên tòa, phía nguyên đơn rút yêu cầu chia 40 cao đất. Cấp phúc thẩm quyết định phía nguyên đơn chỉ được chia phần đất thứ nhất cùng căn nhà ngói.

Tiếp tục không đồng ý, ông L. khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Tháng 2-2007, Tòa dân sự TAND tối cao ban hành quyết định giám đốc thẩm. Theo hội đồng giám đốc thẩm, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ ông đến ngày 10-3-2003 là không còn. Vì vậy, hội đồng giám đốc thẩm hủy hai bản án trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Trảng Bàng xét xử sơ thẩm lại.

Tính sao cho đúng?

Tháng 6-2007, TAND huyện Trảng Bàng xử sơ thẩm lại vụ án. Cấp sơ thẩm không chia phần di sản của cụ ông vì cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết, chỉ chia di sản của cụ bà làm bốn phần đều nhau. Riêng căn nhà ngói có trên đất thì ông L. được hưởng.

Tháng 9-2007, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ án. Cấp phúc thẩm viện dẫn điểm 2 mục I Nghị quyết 02 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán để tính thời hiệu khởi kiện đối với di sản của cụ ông và theo đó thì thời hiệu đã hết.

Điều luật mà cấp phúc thẩm viện dẫn quy định thời hiệu khởi kiện là 10 năm tính từ ngày 10-9-1990. Tuy nhiên, vì di sản có nhà ở nên khoảng thời gian từ ngày 1-7-1996 đến ngày 1-1-1999 (khoảng thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết 58 về giao dịch dân sự nhà ở phát sinh trước ngày 1-7-1991) không tính vào thời hiệu khởi kiện. Vì vậy theo các cấp tòa, thời hiệu khởi kiện đến ngày 10-3-2003 là hết. Trong khi đó, đến ngày 15-6-2003, các nguyên đơn mới khởi kiện.

Có ý kiến cho rằng Nghị quyết 02 năm 2004 chỉ dùng để giải quyết những tranh chấp đối với các di sản khác, không phải là quyền sử dụng đất. Vì Nghị quyết 02 năm 1990 đã nêu: “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công dân chết”. Một khi nghị quyết này không công nhận quyền sử dụng đất là di sản thì không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong nghị quyết này để tính thời hiệu khởi kiện đối với di sản là quyền sử dụng đất của cụ ông.

Chưa biết khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm của bà Kiều có được chấp nhận hay không. Thế nên, một luật sư lưu ý rằng các nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu chia phần di sản của cụ ông theo dạng tài sản chung như quy định tại Nghị quyết 02 năm 2004. Bởi sau khi hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, di sản chưa chia trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Tài sản chung đó sẽ được chia theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Vẫn còn thời hiệu khởi kiện

Xác định thời hiệu khởi kiện như các cấp tòa là sai. Luật Đất đai năm 1987 và Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 chưa công nhận quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Vào thời điểm đó, tòa sẽ từ chối giải quyết đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất. Khi Luật Đất đai năm 1993 ra đời và phát sinh hiệu lực vào ngày 15-10-1993, việc thừa kế quyền sử dụng đất mới được công nhận. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về quyền thừa kế dù đất đã được cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 1987 cũng được tính từ ngày 15-10-1993.

Cụ ông mất trước năm 1990 nên khoảng thời gian 10 năm để khởi kiện chia thừa kế phải được tính từ ngày 15-10-1993. Tức đến ngày 15-10-2003, thời hiệu khởi kiện mới hết. Trong khi đó, bà Kiều và các đồng nguyên đơn khởi kiện vào tháng 6-2003 là còn trong thời hiệu.

SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=214341

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: