admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐÒI BỒI THƯỜNG VÌ BỊ ĐÓNG CỬA SẠP

THỤY CHÂU

Khi lấy lại sạp, chủ sạp bị bạn hàng kiện đòi nợ và bị người mượn sạp đòi bồi thường thiệt hại.

Năm 1994, bà N. cho bà O. mượn một sạp hàng ở chợ Bình Tây (quận 6) để kinh doanh quần áo may sẵn mà không tính tiền.

Lấy lại sạp cho mượn

Đầu năm 2004, bà N. muốn lấy lại sạp để sang nhượng cho người khác nhưng gặp rắc rối.

Theo bà N., ban quản lý chợ yêu cầu bà phải đóng cửa sạp để làm thủ tục thông báo xem có tranh chấp gì không rồi mới có thể sang nhượng. Vì thế, bà yêu cầu bà O. dọn hàng ra ngoài để lấy lại sạp. Thế nhưng bà O. vẫn tiếp tục kinh doanh mà không chịu trả sạp.

Ngày 15-6-2004, bà N. quyết định đóng cửa sạp như đã báo trước. Hôm ấy, bà O. có đến nhưng bảo rằng “Tôi chỉ là người làm công, hàng này không phải của tôi” rồi bỏ đi. Tiếp đó, em gái của bà O. tự động dọn hàng vào trong sạp, tự kéo cửa để bà N. khóa và niêm phong. Để chắc ăn, bà N. lập giấy xác nhận vụ việc và nhờ những chủ sạp chứng kiến ký tên.

Bị kiện đòi nợ tiền mua hàng

Cuối tháng 1-2007, bất ngờ bà N. bị “lôi” ra tòa trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản với tư cách bị đơn. Bà O. cũng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn là một bạn hàng cho biết lâu nay mình vẫn giao và nhận hàng trực tiếp với bà O. Nhưng không hiểu sao từ ngày 15-6-2004, sạp hàng này lại đóng cửa. Trong khi đó, số tiền hàng chưa thanh toán lên đến 36 triệu đồng. Biết bà N. là chủ sạp, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bà N. thanh toán nốt tiền hàng.

Trình bày tại phiên tòa, bà N. khẳng định mình không có quan hệ làm ăn buôn bán với nguyên đơn. Bà đóng cửa sạp vì muốn đòi lại sạp và không muốn bà O. tiếp tục buôn bán tại sạp của mình. Phía bà O. nại rằng mình chỉ là người làm công, bà N. phải chịu trách nhiệm trả nợ vì là chủ sạp.

Xét xử vụ án, TAND TP.HCM xác định bà N. chỉ đứng tên sạp hàng, còn bà O. mới trực tiếp kinh doanh. Bản thân bà O. cũng đã trả cho nguyên đơn một khoản tiền hàng rất lớn trước đó. Ngay tại phiên tòa, bà O. đồng ý trả tiền còn nợ cho nguyên đơn, đồng thời yêu cầu bà N. mở cửa sạp để lấy hàng về. TAND TP.HCM đã ra bản án công nhận sự thỏa thuận trên của các đương sự.

Hết thời hiệu khởi kiện?

Ngày 15-7-2007, bà N. mở cửa sạp để bà O. lấy hàng.

Mọi chuyện tưởng chừng xong xuôi thì vào tháng 12-2007, bà N. nhận được thông báo từ TAND quận 6 về việc đã thụ lý đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của bà O. Cụ thể, bà O. yêu cầu bà phải N. bồi thường gần 245 triệu đồng vì có hành vi “đóng cửa sạp giữ hàng hóa gây thiệt hại”. Theo bà N., bà O. đòi bồi thường vì hàng để trong sạp hơn ba năm nên đã bị lỗi thời, không bán được, một số đồ dùng của phụ nữ đã tự bể, giãn hoặc bị gián, chuột cắn. “Bà O. không lấy hàng trong sạp ra là do lỗi của bà O., đâu phải lỗi của tôi mà bắt tôi bồi thường!” – bà N. bất bình.

Theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Bà N. đóng cửa sạp ngày 15-6-2004. Nhưng đến ngày 26-11-2007 (tức gần ba năm sau), bà O. mới có đơn khởi kiện vì bà N. “đóng cửa sạp giữ hàng hóa gây thiệt hại”. Từ ngày đóng cửa sạp đến ngày khởi kiện đã quá thời hiệu khởi kiện từ rất lâu. Theo phía bà N., nếu đã lỡ thụ lý vụ án thì tòa nên đình chỉ giải quyết vụ án, xóa tên vụ án trong sổ thụ lý và trả lại đơn kiện cho bà O.

Mới đây, TAND quận 6 có văn bản khẳng định việc khởi kiện của bà O. vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện. Tòa này không xác định thời hiệu khởi kiện theo ngày đóng cửa sạp như cách tính của phía bà N. mà tính từ ngày mở cửa sạp lấy hàng hóa ra. Theo TAND quận 6, vào ngày mở cửa sạp lấy hàng hóa thì bà O. mới biết được tài sản bị thiệt hại…

Bà N. không đồng ý với nội dung trả lời này viện lẽ “Hành vi xâm phạm của tôi (nếu có) phải là ngày tôi đóng cửa sạp chứ không phải ngày mở cửa sạp”. Theo Điều 159 Bộ luật trên, thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của một chủ thể bị xâm phạm chứ không phải kể từ ngày biết được quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Muốn thắng kiện, bà O. phải cố gắng chứng minh

Có thể lâu nay bà O. vẫn đinh ninh số hàng trong sạp còn nguyên chứ không bị xâm phạm gì. Nhưng đến khi mở sạp lấy hàng, bà O. mới thấy hàng bị hư hỏng nên phát sinh yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, theo một luật sư thì bà O. rất khó chứng minh được thiệt hại nếu không xuất trình được biên bản kiểm kê số lượng, chất lượng… của từng loại hàng hóa khi bà N. niêm phong đóng cửa sạp. Nếu chỉ dựa vào biên bản ghi nhận việc lấy hàng hóa, bảng kê hàng hóa thiệt hại khi nhận lại hàng (mà bà O. đã nộp tại tòa) thì không có cơ sở đối chiếu để chứng minh thiệt hại.

SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=213934

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d