admin@phapluatdansu.edu.vn

TÒA LÀM MẤT CHỨNG CỨ?

PHAN GIA HI

Trong ba lần đầu, tòa dựa vào “giấy gia hạn hứa bán vườn” để xử, đến lần cuối thì tòa bảo giấy đó… không có trong hồ sơ.

Đầu năm 2001, bà N. kiện đòi bà T. trả lại vườn cây cao su tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đó là miếng vườn mà cha của bà N. đã cho bà T. mướn cây cao su để cạo mủ vào năm 1980.

Hồ sơ ban đầu có giấy gia hạn

Theo trình bày của bà N, tháng 10-1994, cha bà N. đã ký giấy hứa bán vườn cao su này cho bà T. với giá 280 triệu đồng. Tháng 11-1995, cha bà N. lại cùng bà T. ký tiếp giấy gia hạn việc hứa bán vườn với nội dung bà T. còn phải thanh toán 220 triệu đồng (tức bà T. đã thanh toán được 60 triệu đồng). Nhưng rồi bà T. đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Sau khi cha mất, bà N. khởi kiện đòi lại vườn.

Mặc dù vụ án đã qua hai phiên xử sơ thẩm và hai phiên xử phúc thẩm nhưng nguyên đơn đang khiếu nại cấp tối cao xem xét giám đốc thẩm vì cho rằng tòa án hai cấp đã làm mất chứng cứ quan trọng của vụ án. Theo nguyên đơn, trong ba lần xét xử ban đầu, tòa đều sử dụng giấy “gia hạn giấy hứa bán” có chữ ký của cha bà và bà T. để làm căn cứ xét xử. Tuy nhiên, đến lần xử thứ tư (phiên xử phúc thẩm lần hai), tòa lại nói hồ sơ vụ án không có chứng cứ này.

Trước đó, nhằm làm rõ việc mua bán vườn cao su, Công an huyện Chơn Thành đã thu thập tất cả các giấy tờ liên quan đến miếng vườn. Năm 2004, vụ việc được chuyển sang TAND tỉnh Bình Phước giải quyết. Tòa án tỉnh đã đề nghị cơ quan công an chuyển hết các tài liệu trên cho tòa nghiên cứu. Theo biên bản bàn giao hồ sơ ngày 31-8-2004, tập hồ sơ có 16 danh mục và cả thảy đều là bản gốc. Trong đó, có giấy “gia hạn giấy hứa bán” như nguyên đơn đã nêu. Năm 2002, giấy này cũng đã được Công an huyện Bình Long (Bình Phước) đưa đi giám định và theo kết quả thu thập được thì chữ ký trong giấy đúng là chữ ký của hai bên.

Đến phiên xử sau cùng lại không có

Tháng 10-2004, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm nhận định giấy gia hạn trên thể hiện hai bên có giao dịch đất với số diện tích, số tiền cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán giữa hai bên vô hiệu nên hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tháng 3-2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử hủy án sơ thẩm do bản án ghi không chính xác tổng diện tích đất… Hồ sơ vụ án được giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đáng lưu ý là lần xử phúc thẩm này, Tòa phúc thẩm TAND tối cao cũng nhận xét giấy gia hạn trên là một trong những chứng cứ quan trọng thể hiện diện tích đất và số tiền hai bên giao dịch…

Xử sơ thẩm lại vào giữa năm 2007, TAND tỉnh Bình Phước cũng căn cứ vào giấy trên để chấp nhận một phần yêu cầu của phía bị đơn, cho phép bị đơn sử dụng một phần vườn cao su tương ứng với số tiền đã đưa trước.

Bất ngờ, đến phiên xử ngày 7-3-2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại cho rằng “không có giấy gia hạn hứa bán nào trong hồ sơ”! Cho nên, việc cấp sơ thẩm căn cứ vào giấy “ảo” để giải quyết vụ án là không có cơ sở. Cuối cùng, tòa xử cho nguyên đơn thua kiện, bị đơn được sử dụng vườn, nhà theo hiện trạng.

Nguyên đơn thắc mắc: “Tôi đã gửi cho cơ quan công an tất cả các giấy tờ bản gốc liên quan đến miếng vườn tranh chấp. Giấy hứa bán và giấy “gia hạn giấy hứa bán” cũng đã được Phân viện Khoa học hình sự – Tổng cục Cảnh sát giám định và kết luận. Biên bản giao nhận hồ sơ từ phía công an sang tòa cũng thể hiện có tài liệu này. Ở ba phiên tòa đầu, các tòa cũng đều thống nhất có giấy gia hạn. Tại sao đến giờ phút chót, tòa lại nói không có gì?”.

Nhiều khả năng giấy đó đã bị thất lạc trong quá trình chuyển giao hồ sơ. Nó “mất tích” vào thời điểm tòa án tỉnh Bình Phước chuyển hồ sơ lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao hay “tan biến” khi hồ sơ đã nằm ở tòa phúc thẩm? Nguyên đơn đề nghị cấp tối cao xem xét thêm tình huống hy hữu này vì bản thân bà không còn lưu giữ bản gốc nên không thể trưng ra theo yêu cầu.

SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=213709

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading