BÙI VĂN DŨNG & NGUYỄN THỊ LUYẾN
Trong hơn mười lăm năm vừa qua, pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập trong công tác cổ phần hóa và đã có tác động tích cực đến tiến độ, chất lượng cổ phần hóa công ty nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán ở nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay cổ phần hóa công ty nhà nước nói chung, nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn, các tổng công ty nhà nước vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và giải quyết theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa IX và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.
1. Quan hệ giữa tiêu chí xác định danh mục doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và việc hình thành công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế
Kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước ở nhiều quốc gia và nhất là ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi cho thấy, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp nhà nước rất lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhiều địa bàn với quy mô, hiệu quả và mục tiêu hoạt động rất khác nhau, thì việc đầu tiên và cực kỳ quan trọng là phải xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp một cách đúng đắn, có cơ sơ khoa học, phù hợp với thực tế, làm cơ sở cho bước tiếp theo là xây dựng và thực hiện biện pháp sắp xếp, tái cơ cấu phù hợp với từng loại doanh nghiệp đã được phân loại. Tuy nhiên, ở nước ta, quan hệ giữa tiêu chí phân loại, xác định danh mục cổ phần hóa và hình thành công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế thường có một số bất cập như sau:
– Thứ nhất, để khắc phục những hạn chế, bất cập, đặc biệt về vấn đề pháp nhân trong pháp nhân, vấn đề sở hữu vốn tại tổng công ty và doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập (Nhà nước là chủ sở hữu vốn của tổng công ty và của cả doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty thuộc mô hình tổng công ty nhà nước), Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 đã thiết chế mô hình tổng công ty do các công ty tự đầu tư thành lập (tổng công ty theo mô hình công ty mẹ – công ty con). Trong đó, quy định rõ công ty mẹ được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn do Nhà nước đầu tư tại công ty mẹ, vốn tự tích luỹ, vốn vay các tổ chức tài chính, ngân hàng…) đầu tư thành lập công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc nắm giữ phần vốn góp, cổ phần chi phối ở doanh nghiệp khác (kể cả doanh nghiệp thành viên được cổ phần hóa) để hình thành các công ty con (từ quá trình đó, tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con hoặc tập đoàn kinh tế). Vì vậy, chính công ty mẹ (chứ không phải Nhà nước) là chủ sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, là thành viên, cổ đông tại công ty có phần vốn góp, cổ phần chi phối của công ty mẹ, còn Nhà nước chỉ là chủ sở hữu công ty mẹ.
Tuy nhiên, tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước lại quy định “Nhà nước nắm giữ 100% vốn đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau” hoặc “Những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần” bao gồm cả những doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế. Như vậy là đã có sự nhầm lẫn về khái niệm, về ranh giới giữa việc Nhà nước trực tiếp đầu tư, sở hữu vốn với việc công ty mẹ trực tiếp đầu tư, sở hữu vốn tại một công ty khác để hình thành nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con. Đồng thời, nếu thực hiện đúng tiêu chí phân loại tại Quyết định này thì sẽ phá vỡ nguyên tắc hình thành công ty mẹ – công ty con (công ty mẹ trực tiếp đầu tư, sở hữu hoặc chi phối công ty con) và sẽ không thể hình thành nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con.
– Thứ hai, kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi cho thấy, nội dung tiêu chí Nhà nước (cơ quan công quyền vừa có tư cách quản lý toàn xã hội và vừa có tư cách chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp) cần nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc phần vốn góp, cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu hoặc góp vốn, luôn có sự khác biệt nhất định với nội dung tiêu chí một pháp nhân doanh nghiệp – công ty mẹ cần nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc phần vốn, cổ phần chi phối ở các công ty con. Đó là, đối với Nhà nước thì tiêu chí phân loại doanh nghiệp cần nắm giữ cổ phần chi phối chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ thiết yếu của người dân, cộng đồng xã hội và ở những ngành, lĩnh vực mà thị trường hoạt động không hiệu quả, còn đối với việc hình thành nhóm công ty, tập đoàn kinh tế thì tùy theo tầm quan trọng của công ty con đối với toàn bộ nhóm công ty mẹ – công ty con, tập đoàn mà công ty mẹ quyết định nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc tỷ lệ vốn, cổ phần chi phối.
– Thứ ba, thực tế cho thấy, không phải chỉ có hai mức độ chi phối là nắm giữ 100% vốn điều lệ và trên 50% tổng số cổ phần mà trên thực tế, có tới bốn dạng chi phối chủ yếu bằng vốn gồm: (i) chi phối tuyệt đối khi công ty mẹ nắm giữ tỷ lệ vốn trên mức quy định của pháp luật để quyết định mọi vấn đề quan trọng của doanh nghiệp mà không có cổ đông, thành viên hoặc nhóm cổ đông, thành viên khác nắm quyền phủ quyết; (ii) chi phối tương đối khi công ty mẹ nắm giữ tỷ lệ vốn trên mức quy định của pháp luật để quyết định những vấn đề quan trọng và có thể có cổ đông, thành viên hoặc nhóm cổ đông, thành viên khác nắm quyền phủ quyết; (iii) chi phối thực tế trong trường hợp công ty mẹ tuy nắm giữ tỷ lệ vốn dưới mức quy định của pháp luật nhưng vẫn chi phối các quyết định quan trọng của công ty; và (iv) chi phối phủ quyết khi một công ty nắm giữ tỷ lệ vốn ở mức quy định của pháp luật để có thể phủ quyết khi quyết định các vấn đề quan trọng của công ty khác.
Vì vậy, ngoài những quy định về phân loại doanh nghiệp do Nhà nước trực tiếp nắm giữ 100% vốn hoặc trên 50% vốn điều lệ, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc phân loại các loại công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, phần vốn góp, cổ phần chi phối (các công ty con, các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty khi chuyển sang mô hình công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế) và về các mức độ chi phối của công ty mẹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành tập đoàn kinh tế mạnh, nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con.
Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Quyết định này, cần thống nhất cách hiểu cụm từ “Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” và “Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần” đối với trường hợp công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là “công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ” và “công ty mẹ nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần”. Đồng thời cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không áp dụng một cách cứng nhắc các tiêu chí khi chuyển đổi các công ty con, công ty thành viên sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà Đề án chuyển đổi các công ty con và hình thành công ty mẹ cần phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Chủ trương tạo điều kiện cho người lao động có cổ phần gắn bó và làm chủ thực sự doanh nghiệp
Một trong những tư tưởng xuyên suốt các chủ trương, chính sách về cổ phần hóa thời gian qua là “ưu tiên bán cổ phần cho người lao động” nhằm tạo điều kiện cho người lao động được sở hữu cổ phần, gắn bó và được làm chủ doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành (Nghị định 109/2007/NĐ-CP) thì người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng) cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với mức giá ưu đãi bằng 60% giá đấu giá thành công bình quân. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này đã nảy sinh một số vấn đề bất cập sau đây:
– Thứ nhất, chính sách ưu đãi cho người lao động được tính chủ yếu theo thời gian làm việc cho Nhà nước dẫn đến tình trạng những người có thời gian làm việc lâu năm nhất cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước – người sắp về hưu, sẽ không thể tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp – lại là người được hưởng chính sách ưu đãi để có thể sở hữu cổ phần nhiều nhất; còn những lao động trẻ – những người có thể làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp – sẽ sở hữu ít cổ phần hơn. Như vậy, mục tiêu tạo điều kiện cho người lao động – những người gắn bó lâu dài, có điều kiện làm chủ doanh nghiệp – rất khó đạt được.
– Thứ hai, để thể chế hóa mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia vào quá trình cổ phần hóa, đặc biệt là của người lao động, các quy định về cổ phần hóa quy định người lao động trong doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lãi nhiều hoặc lỗ nhiều) đều được mua tối đa 100 cổ phần cho một năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước với mức giá ưu đãi bằng 60% giá đấu giá thành công bình quân. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận không cao, thậm chí thua lỗ nhưng có lợi thế về đất đai (không phải yếu tố do công lao, đóng góp của người lao động) lại được đấu giá với giá đấu thành công rất cao nên người lao động ở những doanh nghiệp này sẽ được hưởng phần chênh lệch khá lớn do được giảm tới 40% giá đấu giá thành công bình quân. Trong khi đó cũng xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận khá cao, nhưng lại không có lợi thế về đất đai lại thường có giá đấu giá thành công không cao bằng trường hợp nêu trên, nên mặc dù đội ngũ lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp rất cố gắng kinh doanh, có lợi nhuận cao, nhưng lại được hưởng lợi ích thấp hơn.
Đồng thời, việc quy định ưu đãi mua cổ phần tính theo thời gian làm việc cho khu vực nhà nước cũng không đảm bảo sự công bằng giữa những người có nhiều năm làm việc tại doanh nghiệp và có nhiều cống hiến cho doanh nghiệp với những người có nhiều năm làm việc ở các cơ quan nhà nước (cống hiến cho cơ quan ngoài doanh nghiệp) mới chuyển về làm việc tại doanh nghiệp và không đúng mục tiêu “đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp… và người lao động trong doanh nghiệp”; đồng thời, cũng chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng này với những cán bộ công nhân viên đã và đang làm việc cho khu vực nhà nước khác không được hưởng ưu đãi tương tự. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, nếu vẫn giữ quy định ưu đãi nêu trên thì trong thời gian tới nên cân nhắc việc cho cả các công chức, viên chức nhà nước được cũng được mua cổ phần ở các doanh nghiệp cổ phần hóa với mức ưu đãi gần bằng người lao động tại doanh nghiệp này.
– Thứ ba, do người lao động được mua cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu giá thành công bình quân (tức là được giảm 40% so với mức giá đấu giá thành công bình quân) mà giá đấu này được tính gộp cả giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế về đất đai của doanh nghiệp. Như vậy, người lao động cũng đã được hưởng giảm giá cả giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế về đất đai của doanh nghiệp.
– Thứ tư, thực tế cho thấy cổ phần của phần lớn các doanh nghiệp được các nhà đầu tư đấu giá rất cao, làm cho giá mua cổ phần ưu đãi của người lao động cũng cao theo, thậm chí là giá thị trường ảo[1], dẫn đến việc nhiều người lao động tại doanh nghiệp khó có đủ tiền để mua hết cổ phần ưu đãi. Điều này đã dẫn đến tình trạng thu gom, mua lại cổ phần với số lượng lớn để biến doanh nghiệp thành sở hữu của một nhóm người hoặc một tổ chức, còn một bộ phận không nhỏ người lao động trong doanh nghiệp trở thành người làm công ăn lương. Như vậy, khó có thể bảo đảm được chủ trương tạo điều kiện cho người lao động được sở hữu cổ phần, gắn bó và làm chủ doanh nghiệp.
Vì vậy, nếu đặt mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động theo hướng tạo điều kiện cho người lao động sở hữu cổ phần, gắn bó và làm chủ doanh nghiệp cổ phần hóa thì cần cân nhắc sửa đổi một số chính sách ưu đãi như sau:
– Tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động trẻ, có đủ trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp – những người lao động sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp – thông qua việc cho họ được mua một số lượng cổ phần thích hợp, với giá hợp lý, nếu họ cam kết làm việc lâu dài và có cống hiến cho doanh nghiệp.
– Cân nhắc việc tách phần ưu đãi cho người lao động theo các mức: mức ưu đãi cho thời gian làm việc ở doanh nghiệp cao hơn mức ưu đãi cho thời gian làm việc ở các cơ quan nhà nước.
– Xem xét cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp cổ phần hóa được mua trả chậm cổ phần theo giá ưu đãi so với giá đấu giá thành công bình quân bán cho nhà đầu tư khác.
– Tính giá trị quyền sử dụng đất sát với giá thị trường và tách phần này khỏi giá ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp.
3. Các loại cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Thực tế cho thấy, mục tiêu mua cổ phần của các nhà đầu tư tại phần lớn các doanh nghiệp quy mô lớn trên thế giới là khá đa dạng. Có nhà đầu tư mua một số lượng cổ phần đủ để chi phối các quyết định quan trọng của doanh nghiệp; có nhà đầu tư mua số lượng cổ phần đủ để được tham gia quản lý doanh nghiệp; nhưng mục tiêu của phần lớn các nhà đầu tư nhỏ (chủ yếu là các cá nhân) mua cổ phần không phải là tham gia quản lý doanh nghiệp mà là thu lợi tức từ cổ phiếu hoặc chênh lệch thị giá cổ phiếu, nên họ đều mua cổ phần ưu đãi hoặc nếu buộc phải mua cổ phần phổ thông thì cũng từ bỏ quyền tham dự Đại hội cổ đông hoặc uỷ thác cho một tổ chức ngân hàng hoặc quỹ thực hiện quyền bỏ phiếu thay. Đồng thời, ngay Luật Doanh nghiệp năm 2005 của nước ta cũng quy định tương đối đa dạng các loại cổ phần, đó là công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông và có thể có cổ phần ưu đãi, gồm ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và các ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định. Tuy nhiên, quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chỉ có một loại cổ phần duy nhất là cổ phần phổ thông sẽ không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư như đã nêu trên, làm hạn chế việc đạt được mục tiêu “…huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, …nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Hơn nữa, do những nhà đầu tư nhỏ này không có mục tiêu tham gia quản lý doanh nghiệp, nên nếu phát hành loại cổ phần này sẽ dễ dàng hơn trong việc vừa đạt được mục tiêu huy động tối đa nguồn vốn trong xã hội theo nhu cầu của doanh nghiệp và vừa đạt được mục tiêu vẫn giữ quyền chi phối của Nhà nước, của công ty mẹ tại doanh nghiệp cổ phần hóa, mà không phải đầu tư thêm vốn để nắm giữ cổ phần chi phối tại những doanh nghiệp mà Nhà nước hoặc công ty mẹ cần nắm giữ.
Vì vậy, cần cân nhắc việc bổ sung loại cổ phần ưu đãi, nhất là ưu đãi hoàn lại trong quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để mở rộng thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và có thể vẫn bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước, công ty mẹ với lượng vốn đầu tư ít hơn.
4. Xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa
Cho đến nay, các văn bản về cổ phần hóa đều quy định và hướng dẫn áp dụng hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp chủ yếu, đó là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Trong đó, phương pháp dòng tiền chiết khấu được áp dụng cho các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, tư vấn, thiết kế xây dựng, tin học và chuyển giao công nghệ, có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm liền kề trước khi cổ phần hoá cao hơn lãi suất trả trước của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cả hai phương pháp nêu trên đều mang lại những kết quả về giá trị doanh nghiệp khác nhau và nếu chỉ sử dụng một trong hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp nêu trên là chưa phù hợp với việc xác định giá trị doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, các doanh nghiệp quy mô lớn, các tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước…, những doanh nghiêp sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới. Do đó, cần xem xét hướng dẫn thêm một số phương pháp khác như phương pháp phân tích chiết khấu cổ tức, phương pháp phân tích các giao dịch mua, bán /sáp nhập tương đồng… để có hướng áp dụng hoặc sử dụng phối hợp đồng thời các phương pháp khác nhau cho phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, đảm bảo tránh thất thoát cho Nhà nước và giá hợp lý cho nhà đầu tư.
5. Về lợi thế kinh doanh, lợi thế đất đai
Trong thời gian tới, phần lớn những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đều thuộc loại doanh nghiệp quy mô lớn, có nhiều địa điểm kinh doanh ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có những khu vực đã nằm trong quy hoạch và sẽ triển khai quy hoạch trong tương lai gần. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định lợi thế hiện tại của vị trí khu đất, mà chưa tính đến yếu tố vị trí khu đất đang nằm trong quy hoạch và sẽ triển khai quy hoạch trong tương lai gần; vì vậy, có thể gây tổn thất cho Nhà nước. Do đó, cần xem xét bổ sung yếu tố nêu trên khi xác định lợi thế kinh doanh, lợi thế đất đai (thể hiện bằng giá đất xác định đưa vào giá trị doanh nghiệp) hoặc chưa chuyển quyền sử dụng đất cho những doanh nghiệp có lợi thế nêu trên và chỉ chuyển quyền sử dụng đất sau khi đã thực hiện quy hoạch.
Hơn nữa, trong thời gian tới, việc cổ phần hóa sẽ được tiến hành đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có mạng lưới chi nhánh và các công ty thành viên hạch toán độc lập rộng khắp ở hầu hết các địa phương, vùng lãnh thổ[2], nên việc xác định lợi thế kinh doanh (trong đó có lợi thế đất đai) cần tính theo thực trạng của từng lô đất và theo điều kiện của từng địa phương cho phù hợp.
[1] Có những trường hợp, cổ phiếu được các nhà đầu tư trả giá tới 20 triệu, 40 triệu, 70 triệu đồng /cổ phiếu để rồi bỏ không mua, kéo giá đấu giá bình quân cao ngất ngưởng. Mới đây là trường hợp một nhà đầu tư đặt lệnh mua 100 cổ phiếu Bảo Việt với giá ngất ngưởng 30 tỷ đồng /cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan quản lý thị trường, được sự chấp thuận của cấp trên đã quyết định không nhập lệnh đó vào hệ thống. Bởi nếu được nhập, giá trị cổ phiếu đấu giá sẽ tăng thêm 3.000 tỷ đồng và giá trúng thầu bình quân sẽ bị biến dạng (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
[2] Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có 26 chi nhánh trong nước, Ngân hàng Công thương Việt Nam có 130 chi nhánh và trên 700 điểm giao dịch, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có 103 chi nhánh và gần 400 điểm giao dịch, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam có đến 1568 chi nhánh trên toàn quốc (Trích theo Trang tin điện tử của các ngân hàng trên).
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 118, THÁNG 3 NĂM 2008
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Cổ phần hóa |
Leave a Reply