admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRƯNG MUA, MỨC BỒI THƯỜNG TÀI SẢN TRƯNG DỤNG VÀ THANH TÓAN, CHI TRẢ

ĐẶNG VĂN THANH

Dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức cá nhân đã được trình ra Quốc hội khoá XII tại kỳ họp thứ 2 và đac được các Đại biểu Quốc hội thảo luận đóng góp nhiều ý kiến. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là giá trị của tài sản trưng mua, mức thiệt hại của tài sản trưng dụng cần được bồi thường. Xác định đúng giá trị tài sản trưng mua, mức thiệt hại cần bồi thừơng đối với tài sản trung dụng là việc làm cần thiết vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, vừa hạn chế thiệt hại cho nhà nước. Chúng tôi xin phân tích sâu hơn cơ sở của các quy định trong dự án Luật và phương án xử lý vấn đề giá trị, mức thiệt hại cũng như cách thức chi trả cho người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng.

Trưng dụng, trưng thu và trưng mua tài sản của các tổ chức và cá nhân để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, vật lực là việc làm cần thiết và được phép ở hầu hết các quốc gia trong những trường hợp xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn hoặc tình huống cấp thiết đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, tài sản của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Vấn đề đặt ra là, việc trưng thu, trưng dụng, trưng mua tài sản của các tổ chức cá nhân cần được thực hiện theo luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp. Cần đảm bảo việc thanh toán hoặc bồi thường cho những tài sản trưng mua, trưng thu, cho sự thiệt hại của tài sản bị trưng dụng theo nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử.

Định giá, thanh toán giá trị tài sản trưng thu, trưng mua, mức bồi thường thiệt hại đối với tài sản trưng dụng – thực tế và những vấn đề đặt ra

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, việc trưng mua, trưng dụng chủ yếu là huy động nguồn nhân lực, vật lực, tài chính để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, đánh giặc, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân hưởng ứng các biện pháp huy động của nhà nước với lòng yêu nước, với tinh thần ủng hộ chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng. Đại bộ phận tài sản mà Chính phủ nhận được là quyên góp và đóng góp tự nguyện của nhân dân, của các thương gia, chỉ một số rất ít là trưng mua, trưng dụng. Lòng dân đối với chính quyền cách mạng thật là thâm hậu. “Quỹ độc lập” (thành lập theo Sắc lệnh số 4 được Hồ Chủ tịch ký ngày 4/9/1945), “Tuần lễ vàng” trong khuôn khổ “Quỹ độc lập” phát động ngày 19/9/1945 đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Với lòng yêu nước nồng nàn và lòng tin vào chính quyền cách mạng, nhân dân đã ủng hộ 20 triệu đồng và 370 kg vàng, tương đương tổng số thuế thân và thuế điền thu trong cả nước, trong một năm của thời kỳ trước đó. Bên cạnh đó rất nhiều hình thức quyên góp khác, chế độ đảm phụ quốc phòng, những đóng góp tự nguyện như “Hũ gạo nuôi quân”, “Quỹ mùa đông chiến sỹ”, “Bán thóc khao quân”, ” Giúp binh sỹ bị nạn”… và nhiều đóng góp không thể tính bằng tiền… đã tập trung và huy động nguồn lực xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, nhà nước cũng đã sớm tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho việc trưng mua và trưng dụng tài sản bằng Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời (Số 68 ngày 30-11-1945), của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo đó, người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng được thanh toán giá trị tài sản trưng mua và bồi thường đối với tài sản trưng dụng bị mất mát, hư hỏng. Việc thanh toán, bồi thường được trả bằng tiền hoặc hiện vật. Sau kháng chiến thắng lợi, nhà nước đã lần lượt thanh toán và bồi thường đối với tài sản đã trưng mua, trưng dụng. Tuy nhiên, việc thanh toán còn chưa thật sự thoả đáng, còn một số trường hợp chưa có đủ căn cứ để làm cơ sở thanh toán.

Từ sau năm 1975 đến nay, việc trung thu, trưng mua chủ yếu thực hiện trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh. Sau thời kỳ này, nhà nước không thực hiện biện pháp trưng thu, việc trưng mua, trưng dụng cũng chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết, như phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn. Các quy định pháp lý về trưng mua, trưng dụng tài sản đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Đê điều… nhưng phần lớn đang dừng lại các quy định mang tính nguyên tắc, chưa có các quy định đầy đủ về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản, đặc biệt là việc xác định giá trưng mua, mức bồi thường thiệt hại tài sản trưng dụng.

Quan điểm và nguyên tắc xác định giá trưng mua tài sản và bồi thường giá trị tài sản trưng dụng.

Xác định chính xác, hợp lý giá của tài sản trưng mua, mức bồi thường thiết hại của tài sản trưng dụng là việc làm cần thiết để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng; đồng thời cũng đảm bảo lợi ích của nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào nhà nước.

Trước hết cần khẳng định, việc trưng mua, trựng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia là cần thiết, nhưng phải thanh toán và bồi thường theo giá thị trường. Đây cũng là điều đã được quy định tại Điều 23 Hiến pháp. Cần phải làm rõ và giới hạn, phạm vi, điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức. Cần tôn trọng các yêu cầu của kinh tế thị trường, nhà nước chỉ buộc phải dùng mệnh lệnh hành chính để mua hoặc mượn tài sản của tổ chức, cá nhân trong tình thế cấp thiết mà không còn cách nào khác. Việc trưng mua, trưng dụng phải đáp ứng 4 điều kiện cơ bản là:

– Để sử dụng vào mục đích chung trong trường hợp cấp thiết;

– Theo các thủ tục và thể thức được quy định bởi luật pháp;

– Không phân biệt đối xử giữa các cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, các vùng miền và cộng đồng dân cư;

– Có sự thanh toán và bồi thường theo giá thị trường.

Hai là, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của người có tài sản được trưng mua, trưng thu. Nhà nước đã công nhận và cam kết bảo vệ quyền sở hữu tài sản cá nhân, pháp nhân và của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ba là, việc định giá tài sản, thanh toán giá trị tài sản trưng mua, đền bù tài sản trưng dụng phải được tiến hành công khai, đảm bảo sự minh bạch.

Một số giải pháp xác định giá tài sản trưng mua, mức bồi thường giá trị tài sản trưng dụng khi bị thiệt hại

Thứ nhất, cần có sự phân biệt giá trị của tài sản trưng mua mức bồi thường thiệt hại đối với tài sản trưng dụng (nếu còn).

– Giá trị của tài sản trưng mua được xác định và thanh toán cho người có tài sản theo nguyên tắc thị trường.

– Số tiền bồi thường đối với tài sản trưng dụng được xác định theo mức thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể do tài sản bị mất, hư hỏng, suy giảm chất lượng, tính năng sử dụng, thiệt hại về thu nhập của người có tài sản bị trưng dụng do việc trưng dung tài sản trực tiếp gây ra.

Thứ hai, về nguyên tắc và phương thức xác định giá tài sản trưng mua

– Trong mọi trường hợp, việc trưng mua tài sản phải được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và tuân theo trình tự, thủ tục quy định của luật pháp. Giá trưng mua của tài sản được ghi ngay trong quyết định trưng mua tài sản nếu có sự thoả thuận giữa người có thẩm quyền quyết định trưng mua và người có tài sản trưng mua.

– Nguyên tắc xác định giá trưng mua tài sản là giá phổ biến trên thị trường địa phương tại thời điểm quyết định trưng mua của tài sản cùng loại, hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ. Nếu là tài sản còn mới chưa dùng thì xác định theo nguyên giá (Giá gốc G). Nếu là tài sản đã, đang sử dụng thì xác định mức độ hao mòn và giá trị còn lại của tài sản theo phương pháp kỹ thuật hoặc kinh tế để làm căn cứ xác định giá trưng mua.

– Phương thức xác định giá trưng mua tài sản là phương pháp thoả thuận giữa người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản và người có tài sản trưng mua. Về nguyên tắc, người có tài sản trưng mua được thanh toán tiền trưng mua tài sản theo nguyên tắc thị trường, nhưng nhà nước cũng khuyến khích và ghi nhận việc các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tự nguyện hiến tặng tài sản cho nhà nước hoặc chỉ nhận một phần giá trị tài sản trưng mua. Bởi lẽ việc trưng mua chỉ xảy ra trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích Quốc gia, trong đó có lợi ích của chính những người có tài sản trưng mua. Nhà nước cần thể hiện sự đánh giá cao, tôn vinh và có hình thức ghi nhận, khen thưởng thoả đáng cho tổ chức, cá nhân có nghĩa cử cao đẹp, hiến tặng, ủng hộ tài sản, tiền của cho đất nước, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp, vì những lý do an ninh, vì lợi ích quốc gia mà nhà nước buộc phải áp dụng biện pháp hành chính để huy động tập trung kịp thời các nguồn nhân lực, vật lực.

– Để đảm bảo giá trị của tài sản trưng mua được xác định hợp lý, có căn cứ không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người có tài sản và không gây thiệt hại cho nhà nước, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản được quyền và nên thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê các tổ chức dịch vụ có chức năng định giá để xác định giá trưng mua tài sản, đặc biệt là đối với những tài sản quý hiếm, có giá trị lớn.

Thứ ba, về nguyên tắc và nội dung bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra.

– Trưng dụng tài sản là việc nhà nước mượn có thời hạn nhất định các loại tài sản trong các trường hợp khẩn cấp và phải hoàn trả cho ngưòi có tài sản theo đúng đối tượng, địa điểm, thời hạn và phương thức quy định tại quyết định trưng dụng. Về nguyên tắc, nhà nước phải đền bù thoả đáng các thiệt hại (nếu có) do việc trưng dụng tài sản gây ra cho người có tài sản. Tuy nhiên, nhà nước cũng khuyến khích và ghi nhận người có tài sản trưng dụng tự nguyện hiến, tặng tài sản cho nhà nước, không nhận hoặc chỉ nhận một phần khoản bồi thường thiệt hại hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đã bị trưng dụng .

– Nội dung các khoản bồi thường liên quan đến tài sản bị trưng dụng, gồm:

+ Toàn bộ giá trị hoặc giá trị còn lại của tài sản trưng dụng đã bị mất hoặc bị phá huỷ không sử dụng được và khoong thể sửa chữa, khôi phục để sử dụng được nữa.

+ Phần thiệt hại do tài sản bị hư hỏng, giảm chất lượng, tính năng, trong đó có chi phí sửa chữa, mua sắm phụ tùng thay thế, giá trị hao mòn, kể cả hao mòn vô hình và hữu hình.

+ Phần thiệt hại vì giảm, mất thu nhập, tốn kém thêm chi phí của người có tài sản bị trưng dụng do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra, như phải ngừng sản xuất, kinh doanh, chậm hoặc không thực hiện được hợp đồng, cam kết đã ký….

Thứ tư, về nguyên tắc xác định mức thiệt hại về tài sản trưng dụng phải bồi thường. Mức thiệt hại về tài sản trưng dụng phải bồi thường cần được xác định theo từng trường hợp cụ thể:

– Trường hợp tài sản trưng dụng bị mất, bị phá huỷ hoàn toàn, bị hỏng không thể sửa chữa, khôi phục để tiếp tục sử dụng được thì phải hoàn trả cho người có tài sản bằng chính tài sản cùng loại đã bị trưng dụng hoặc tài sản cùng chủng loại, cùng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của tài sản trưng dụng. Nếu người có tài sản trưng dụng đồng ý hoặc yêu cầu trả bằng tiền thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã trưng dụng trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Giá trị của tài sản được bồi thừơng được tính trên cơ sở giá mua tại thời điểm thanh toấn trừ đi giá trị đã hao mòn của tài sản. Mức bồì thường không chỉ gồm giá trị tài sản mà bao gồm cả lệ phí trước bạ đã đóng, phí bảo hiểm tài sản đã mua, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến tài sản đã thực hiện.

– Trường hợp tài sản đã trưng dụng bị hư hỏng thì tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tài sản trưng dụng phải sửa chữa, khôi phục tài sản trước khi hoàn trả cho người có tài sản. Nếu người có tài sản đồng ý nhận lại tài sản trưng dụng đã bị hư hỏng để tự sửa chữa, tự khôi phục thì người có tài sản được thanh toán các khoản chi phí sửa chữa, khôi phục tài sản theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán.

– Đối với những tài sản trưng dụng không bị hư hỏng, chỉ bị giảm chất lượng, giảm tính năng thì được bồi thường theo mức chất lượng giảm, mức hao mòn của tài sản. Mức hao mòn của tài sản trưng dụng được xác định theo tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp không có mức hao mòn tương ứng của tài sản cùng loại thì xác định trên cơ sở các yếu tố kỹ thuật và yếu tố kinh tế. Có thể và nếu cần thì xác định cả giá trị hao mòn hữu hình và vô hình (ví dụ như các tài sản chỉ sử dụng hoặc đem lại thu nhập, thu nhập cao trong các dịp có tính thời vụ hay lễ tết).

Thứ năm, về nguyên tắc xác định và phương thức bồi thường thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản gây ra

Cùng với việc bồi thường giá trị tài sản bị trưng dụng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng, người có tài sản bị trưng dụng cần được bồi thường thiệt hại về thu nhập bị mất, chi phí phải bỏ ra do tài sản bị trưng dụng gây ra. Bởi vì, tài sản bị trưng dụng trong không ít trường hợp là phương tiện kinh doanh, phương tiện làm ăn, phục vụ sinh hoạt của người có tài sản, do vậy trong thời gian tài sản bị trưng dung thu nhập của người có tài sản có thể bị ảnh hưởng, bị mất hoặc giảm sút, Bên cạnh đó người có tài sản bị trưng dụng có thể phải tốn kém thêm chi phí do không thực hiện được hợp đồng, cam kết đã ký, do chậm trễ trong cung cấp hàng hoá, dịch vụ, do phải điều chỉnh quy trình hoạt động… . Cần có sự bồi thường những tổn thất về thu nhập, về chi phí do việc trưng dụng tài sản gây ra trong thời gian tài sản bị trưng dụng.

– Về nguyên tắc, mức bồi thường phải tương ứng với mức thiệt hại thu nhập thực tế, số chi phí thực tế phải bỏ ra do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây nên trong thời gian tài sản bị trưng dụng.

– Mức thiệt hại thu nhập do việc trưng dụng tài sản gây ra được xác định trên cơ sở mức thu nhập do tài sản trưng dụng có thể mang lại trong điều kiện bình thường, ở mức trung bình, tính trong thời gian bị trưng dụng. Để xác định số thiệt hại thu nhập có thể căn cứ vào hoạt động và thu nhập do tài sản mang lại trong thời gian trước đố hoặc những tài sản cùng loại trong điều kiện bình thường. Trường hợp, trên thị trường có tài sản cùng loại cho thuê, thi để đơn giản, có thể xác định mức thiệt hại thu nhập của tài sản bị trưng dụng phù hợp với mức giá cho thuê trung bình của tài sản cùng loại hoặc khác loại nhưng có cùng tính năng, tác dụng, công suất và chất lượng tại thời điểm trưng dụng tài sản.

– Mức chi phí phải bỏ ra được xác định căn cứ các phát sinh thực tế, hợp lý, phù hợp và có bằng chứng chứng minh.

Thứ sáu, nguyên tắc và phương thức xác định bồi thường thiệt hại đối với người được huy động để vận hành tài sản trưng dụng:

Người được huy động để vận hành tài sản trưng dụng (vận hành và điều khiển phương tiện, thiết bị) cần được bồi thường trong trường hợp xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, về thu nhập. Về nguyên tắc, mức bồi thường được xác địinh trên cơ sở thực tế hợp lý về thu nhập trung bình của công việc được huy động, chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc phục hồi sức khỏe; chi phí mai táng và tiền cấp dưỡng những người phải cấp dưỡng theo quy định. Trường hợp đặc biệt sẽ được xét hưởng chính sách chế độ theo quy định của pháp luật.

Thanh toán tiền trưng mua, chi trả tiền bồi thường thiệt hại do trưng dụng tài sản gây ra – phương thức và nguồn thanh toán

Một là, về nguyên tắc, người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng được thanh toán tiền trưng mua tài sản, được hoàn trả tài sản trưng dụng và nếu không được hoàn trả tài sản trưng dụng thì được bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra. Tiền trưng mua tài sản và tiền bồi thường thiệt hại do trưng dụng tài sản gây ra được thanh toán theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là phải xác định theo giá thực tế, thiệt hại thực tế và thanh toán theo giá thị trường.

Hai là, tiền trưng mua tài sản, tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra được thanh toán một lần cho người có tài sản và cần quy định thời gian cụ thể trong từng trường hợp trưng mua, trưng dụng.

Số tiền thanh toán đối với tài sản trưng mua căn cứ giá trưng mua tài sản ghi trong quyết định trưng mua tài sản,. Nhưng nếu tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản đã trưng mua cao hơn giá mua ghi trong Quyết định trưng mua tài sản thì thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán.

Ba là, những tài sản bị trưng dụng đã tham gia bảo hiểm bị thiệt hại, nhưng vì lý do nào đó doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không thanh toán, chi trả hoặc số tiền được chi trả thấp hơn mức thiệt hại, mức được bồi thường, thì người ra quyết định trưng dụng tài sản phải thanh toán toàn bộ hoặc số chênh lệch thiệt hại không được bảo hiểm chi trả.

Bốn là, kinh phí thanh toán tiền trưng mua tài sản và tiền bồi thường thiệt hại do trưng dụng tài sản gây ra do ngân sách nhà nước đảm nhận. Cơ quan tài chính nhà nước có trách nhiệm chi trả tiền trưng mua tài sản và tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra.

Tóm lại, trưng mua và trưng dụng tài sản là việc làm cần thiết, là biện pháp hành chính nhà nước buộc phải sử dụng trong những tình huống cấp bách vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia. Thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân một mặt để huy động kịp thời, đầy đủ nguồn lực phục vụ cho việc đối phó hoặc chủ động phòng ngừa các nguy cơ, thách thức đối với đất nước, nhân dân; mặt khác cần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản bị trưng mua, trưng dụng thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của họ. Do đó, cần xác định giá cả hợp lý của tài sản trưng mua và xác định mức bồi thường thoả đáng đối với những thiệt hại do trưng dụng tài sản gây ra. Mọi việc xác định giá trưng mua tài sản và mức bồi thường thiệt hại do tài sản bị trưng dụng gây ra và việc thanh toán đều phải xuất phát từ lợi ích của người có tài sản và đảm bảo công khai, minh bạch.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 119, THÁNG 3 NĂM 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading