NGUYỄN VĂN CƯƠNG – VIỆN NGHIÊN CỨU NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết thỏa đáng trong dự án Luật Cạnh tranh. Ở mỗi nước, vấn đề này được xử lý rất khác nhau: Mỹ là Ủy ban Thương mại liên bang, Anh là Văn phòng Thương mại công bằng, Nhật Bản là Ủy ban Thương mại công bằng… Tất cả đều thuộc khối hành pháp. Mỗi phương án đều có ưu – nhược điểm riêng.
Sau 16 năm chuyển đổi từ nền kinh tế đơn cực – doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, sang nền kinh tế thị trường – đa cực về sở hữu, các nhà lập pháp bắt đầu quan tâm đến việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam. Họ hiểu rằng cạnh tranh tự do, bình đẳng, công bằng là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đang chuyển đổi. Chỉ doanh nghiệp nào phục vụ khách hàng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất, tôn trọng khách hàng nhất mới xứng đáng nhận được sự ủng hộ từ khách hàng thông qua lá phiếu bằng tiền của mình. Ngược lại, độc quyền ở bất cứ ngành kinh tế, thị trường nào cũng sẽ làm cùn khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, và người tiêu dùng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Tuy nhiên cũng phải hơn 1 năm nữa, Luật Cạnh tranh – đạo luật đầu tiên về lĩnh vực này – mới được Quốc hội thông qua. Từ nay đến đó, ban soạn thảo sẽ phải hoàn thiện 2 vấn đề cơ bản của đạo luật: Thứ nhất là làm rõ hơn 4 nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh, gồm (1) thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (2) lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường (thường là vị trí độc quyền); (3) tập trung sức mạnh kinh tế trên thị trường thông qua thỏa thuận hợp nhất, sáp nhập; và (4) các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thứ hai, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính thực thi đạo luật, được coi là điều kiện cốt tử đảm bảo hiệu lực của đạo luật này, nhưng đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhìn ra nước ngoài, sẽ thấy mỗi quốc gia có lời giải khác nhau cho vấn đề này. Tại Mỹ, quê hương của Luật Cạnh tranh (luật chống tờ rớt) và có lẽ cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm nhất về xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh là Ủy ban Thương mại liên bang (Federal Trade Commission). Cơ quan này thuộc ngành hành pháp nhưng có vị trí hoàn toàn độc lập với các bộ trong chính phủ, kể cả Bộ Thương mại. Việc bổ nhiệm các ủy viên cơ quan này do tổng thống thực hiện, nhưng phải được sự phê chuẩn của thượng viện. Cơ quan đặc biệt này có văn phòng ở trung ương, và 7 chi nhánh ở 7 vùng khác nhau trên toàn quốc. Ủy ban Thương mại liên bang có nhiệm vụ điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời đảm trách thi Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại Anh quốc, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng thuộc ngành hành pháp, là Văn phòng Thương mại công bằng (Office of Fair Trading). Là cơ quan của chính phủ nhưng Văn phòng Thương mại công bằng được tổ chức độc lập, không nằm trong bộ nào. Tuy nhiên, bộ trưởng thương mại lại có quyền trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên của văn phòng. Ngoài chức năng thực thi Luật Cạnh tranh, cơ quan này còn nhận trách nhiệm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giống như Ủy ban Thương mại liên bang của Mỹ.
Tại Đan Mạch, cơ quan quản lý cạnh tranh lại là một bộ phận trực thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp. Ngoài việc thực thi Luật Cạnh tranh, cơ quan này còn phụ trách cả việc quản lý hoạt động đấu thầu của chính phủ.
Tại Nhật Bản, quản lý nhà nước về cạnh tranh là Ủy ban Thương mại công bằng (Fair Trade Commission), là một cơ quan nằm trong một bộ có tên dài dằng dặc – Bộ Nội vụ, quản lý công, bưu chính và viễn thông. Tuy nhiên, Ủy ban này lại có một quy chế đặc biệt để đảm bảo tính độc lập. Luật Chống độc quyền Nhật Bản quy định các ủy viên phải do thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm với sự phê chuẩn của nghị viện.
Một số nước trong khu vực cũng có cách tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh khác nhau. Như Thái Lan công việc này giao cho Bộ Nội thương, Hàn Quốc thành lập riêng một ủy ban giống như của Nhật Bản… Còn Trung Quốc, đây vẫn là đề tài tranh cãi bởi thị trường đông dân nhất thế giới này cũng mới có Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh từ năm 1993, và đang tạm giao quyền xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cho Bộ Công nghiệp và thương mại.
Mỗi quốc gia có cách thức tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh khác nhau nhưng đều thống nhất mục đích rằng mấu chốt là phải đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của cơ quan này. Bởi quyết định xử lý hành vi vi phạm hoặc giải quyết tranh chấp liên quan đến cạnh tranh – thường ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích doanh nghiệp – cần được đưa ra vô tư, khách quan. Vấn đề là độc lập với ai? Các nước có kinh nghiệm quản lý cạnh tranh đều đặt ra yêu cầu trước tiên là cơ quan quản lý cạnh tranh phải độc lập với doanh nghiệp, và với cả những cơ quan có lợi ích gắn bó mật thiết doanh nghiệp.
Ở Việt Nam đang có ý kiến đề xuất lập cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại. Ý kiến khác cho rằng phải một cơ quan ngang bộ mới đảm bảo tính độc lập. Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm riêng.
Phương án thành lập cơ quan ngang bộ, ưu điểm rõ nhất là đảm bảo được tính độc lập của cơ quan này đối với các bộ – đang là cơ quan chủ quản với nhiều doanh nghiệp nhà nước. Tiếng nói của cơ quan quản lý cạnh tranh này sẽ có trọng lượng hơn về các vấn đề của cạnh tranh. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là sự tốn kém, cồng kềnh trong cơ cấu tổ chức, nhất là trong bối cảnh cải cách hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra có thể giai đoạn đầu chuyển đổi, nền kinh tế còn quy mô nhỏ, các hành vi cần quản lý như sáp nhập để thống lĩnh thị trường, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh còn ít, chưa tương xứng với cơ quan ở tầm ngang bộ.
Phương án lập cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại có ưu điểm dễ nhận thấy là dễ thực hiện, không phải tăng đầu mối các cơ quan thuộc chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính. Song đối lập với nó là khó có thể đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của cục khi mà Bộ Thương mại còn nắm giữ trong tay hàng chục doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn. Điểm khác biệt lớn nhất này khiến Việt Nam khó có thể học theo mô hình quản lý cạnh tranh của Thái Lan, Nhật Bản, Đan Mạch.
So sánh hai phương án trên thấy mô hình cơ quan ngang bộ vẫn là phù hợp nhất để đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh với bất cứ hoạt động nào liên quan đến doanh nghiệp. Chi phí cao của giải pháp này sẽ được đáp lại bởi những lợi ích của xã hội khi lạm dụng vị thế độc quyền được dần dần loại bỏ, ngăn chặn các hành vi vận động chính sách chạy theo lợi ích cục bộ của ngành, của các doanh nghiệp, và đặc biệt là tạo niềm tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chính các doanh nghiệp nhà nước làm ăn chân chính. Niềm tin vào sự gương mẫu tôn trọng pháp luật của cơ quan nhà nước có thể phải trả bằng chi phí không nhỏ, nhưng đó là tiền đề đầu tiên để luật pháp được ban hành không bị coi thường, vô hiệu hóa.
SOURCE: VNEXPRESS.NET
TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Mo-hinh-nao-cho-co-quan-quan-ly-canh-tranh-o-Viet-Nam/10821189/218/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 6. Pháp luật cạnh tranh |
Leave a Reply