admin@phapluatdansu.edu.vn

LUẬT CẠNH TRANH: CẦN ĐỊNH NGHĨA RÕ KHÁI NIỆM "THỊ TRƯỜNG"

LÊ NẾT

1. Điều 7.2 (về định nghĩa “thị trường”): đây là khái niệm quan trọng nhất trong luật (không định nghĩa được thị trường thì không định nghĩa được thị phần và các hậu quả tiếp theo), tuy nhiên từ ngữ chưa ổn. Thị trường trước tiên là môi trường. Chỉ có khái niệm thị trường hàng hoá (product market) chứ hàng hoá không phải là thị trường (như dự thảo định nghĩa).

Xin xem định nghĩa thị trường theo luật cạnh tranh châu Âu ( http://europa.eu.int/comm/competition/general_info/r_en.html ) sau đây:

“A relevant market is defined according to both product and geographic factors. In general terms, a relevant product market comprises all those products and/or services which are regarded as interchangeable or substitutable (substitutability) by reason of product characteristics, prices and intended use. Products and/or services that could readily be put on the market by other producers without significant switching cost or by potential competitors at reasonable cost and within a limited time span also need to be taken into account. The relevant geographic market comprises the area in which the undertakings concerned are involved in the supply and demand of products or services, in which the conditions of competition are sufficiently homogeneous and which can be distinguished from neighbouring areas, because the conditions of competition are appreciably different in those areas.”

Để luật cạnh tranh có thể thi hành được ngay, định nghĩa thị trường cần phải chính xác ngay từ đầu. Hoặc chúng ta dịch nguyên văn đoạn văn trên đưa vào luật (như vậy bảo đảm tính đồng nhất của luật VN và luật các nước, an toàn hơn khi gia nhập WTO), hoặc giữ lại định nghĩa đầu tiên, sửa lại đôi chút như sau:

Thị trường liên quan là một môi trường được xác định bởi hai yếu tố: sản phẩm (hàng hoá, dịch vụ) và khu vực địa lý của sản phẩm. Sản phẩm bao gồm toàn bộ hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế một cách hợp lý cho hàng hoá, dịch vụ mà cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét. Khu vực địa lý của sản phẩm là khu vực ở đó các điều kiện cung và cầu của các sản phẩm nói trên được coi là đồng nhất.”

Theo như định nghĩa trong dự thảo hiện nay, kể cả bỏ qua các vấn đề về ngôn từ, thì người đọc cũng không hiểu thế nào là “liên quan” (trực tiếp hay gián tiếp), “với nhau” là với ai (lấy sản phẩm nào làm tâm điểm), đứng dưới góc độ nào mà xem xét (người sản xuất hay người tiêu dùng). Thí dụ thị trường phụ tùng vỏ bánh xe hơi có hai loại: hàng ngoại nhập và hàng nội. Nếu đọc câu “khu vực địa lý liên quan đến quá trình thay thế”, người đọc có thể hiểu là Việt nam và các nước có sản xuất vỏ bánh xe. Tuy nhiên nếu sử dụng định nghĩa như trong gợi ý thì “khu vực địa lý” của thị trường vỏ bánh xe hơi là Hà nội và TP HCM (nơi tập trung tiêu thụ xe hơi nhiều nhất), thị trường sản phẩm bao gồm những người đang sở hữu hay sử dụng xe hơi.
2. Điều 63 khoản 1 và 3: khoản 1 không nói rõ người khiếu nại có quyền yêu cầu người vi phạm luật cạnh tranh bồi thường thiệt hại. Luật hình sự thì chưa có điều khoản nào về tội vi phạm các qui định về cạnh tranh. Nghị định xử phạt hành chính hiện nay theo tôi biết thì chỉ qui định mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng (hơn 6000 USD), không đáng là bao so với các doanh nghiệp thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Như vậy chế tài không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi, doanh nghiệp không hề được “dạy cho một bài học” một cách đáng nhớ, cơ quan quản lý về cạnh tranh sẽ bị coi thường. Chỉ có bồi thường thiệt hại là chế tài hiệu quả nhất đối với hành vi vi phạm. Luật ở Mỹ qui định doanh nghiệp vi phạm luật cạnh tranh bị buộc bồi thường tối đa gấp 3 lần số thiệt hại họ gây ra. Nếu Việt nam qui định tương tự, các công ty đầu tư nước ngoài sẽ không phản đối, vì nó giống hệt như qui định tại chính quốc.
Trong trường hợp Việt nam không muốn các doanh nghiệp vi phạm luật cạnh tranh phải bồi thường nhiều (thí dụ vì ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài), thì qui định về bồi thường cũng nên rõ, hơn là khoản 3 hiện nay “bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật”: là luật nào (dân sự, kinh tế hay thương mại)? toà nào thụ lý (dân sự, kinh tế hay hành chính, cấp huyện hay cấp tỉnh, tỉnh của nguyên đơn hay bị đơn)? làm sao chứng minh thiệt hại? khi nào thì được khởi kiện (trước hay sau khi có quyết định xử phạt hành chính)?
Hiện tại, pháp lệnh giải quyết các vụ án dân sự hay kinh tế đều chưa cho thẩm quyền toà án giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Theo tôi nên cho phép toà dân sự cấp tỉnh nơi cư trú bị đơn, hoặc TAND Hà nội/TP. HCM nếu vụ án có yếu tố nước ngoài giải quyết, vì vụ bồi thường do vi phạm luật cạnh tranh có thể qui về bồi thường ngoài hợp đồng. Thiệt hại của nguyên đơn là các khoản thu nhập chính đáng bị mất kể từ khi bị đơn vi phạm luật cạnh tranh. Để luật cạnh tranh không “lấn sân” các luật khác, xin gợi ý khoản 3 được thêm vào như sau:
“… pháp luật. Người bị thiệt hại nếu không phải là Nhà nước có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.”

SOURCE: http://vnexpress.net/Vietnam/Ban-doc-viet/2003/06/3B9C87C3/

One Response

  1. bai viet nay da dang tu nam 2003, khi Luat Canh tranh dang con la du thao, den nay da ap dung thuc tien va co nhieu giai kien ve van de ma Le Net da de cap, thong tin co con tinh thoi su khong!?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: