admin@phapluatdansu.edu.vn

CỔ PHẦN HÓA VÀ CƠ CẤU QUYỀN SỞ HỮU

Đổi mới cơ cấu quyền sở hữu trong doanh nghiệp cổ phần hoá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với quốc sách phát huy tiềm lực toàn xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) ngày càng trở thành vấn đề thời sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế. Khác với hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp (corporate management) hàng ngày của ban lãnh đạo Công ty, quản trị doanh nghiệp là cách thức để các cổ đông giám sát Công ty nhằm đảm bảo ban lãnh đạo điều hành Công ty một cách có hiệu quả và vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông (hay chủ sở hữu).

Một trong những yếu tố căn bản quyết định cấu trúc quản trị doanh nghiệp chính là cơ cấu quyền sở hữu. Theo tiến sỹ Rolf – E.Breuer, phát ngôn viên của Ban Giám đốc Ngân hàng Deutsche AG (Đức), phát hiện các nguyên tắc về lợi ích của các cổ đông tại Đức gần đây đã chứng minh rằng cơ cấu vốn đã trở thành vấn đề quan trọng trong quá trình phân bổ tài sản và ra quyết định của Công ty. Ở nhiều quốc ghia thuộc Đông Âu và Cộng động các quốc gia độc lập (SNG), tư nhân hoá là phương tiện để thiết lập quyền sử hữu tư nhân. Ở Việt Nam, tình hình có đôi chút khác biệt vì khu vực tư nhân đã tồn tại và phát triển từ trước năm 1998 – thời điểm chương trình cổ phần hoá được đẩy mạnh.

Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đến nay đã bước sang năm thứ 14, tuy nhiên, cơ cấu sở hữu ở Việt Nam vẫn không thay đổi bao nhiêu. Nhìn vào kết quả thống kê của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp, hiện nay cả nước có 3.107 doanh nghiệp được cổ phần hoá trên tổng số 5.700 doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, dù đã cổ phần hoá khoảng 54,5% tổng số các doanh nghiệp nhà nước, vốn của các doanh nghiệp này vẫn chỉ chiếm từ 15-17% tổng số vốn của cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy, tính chung cho cả nền kinh tế, cổ phần hoá ở Việt Nam hầu như chưa có tác động đến cấu trúc sở hữu của nền kinh tế. Trong thời gian qua, nhà nước luôn giữ một tỷ lệ cổ phần cao trong các doanh nghiệp cổ phần hoá (trung bình khoảng 30% trong giai đoạn 1998-2002). Đặc biệt, từ năm 2002, tỷ lệ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hoá có chiều hướng tăng lên. Năm 2003, nhà nước nắm giữ 55,4% tổng cổ phần phát hành bởi các doanh nghiệp cổ phần hoá và tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2004 (50%). Nhìn vào biểu đồ 1 và 2, ta thấy nhà nước và nội bộ doanh nghiệp nắm giữ đa số cổ phần, còn lượng cổ phần được bán ra bên ngoài chỉ khoảng 15%. Nguyên nhân chính của hiện tượng tăng đột ngột tỷ lệ cổ phần giữ lại này là do từ năm 2002, nhà nước đẩy mạnh việc cổ phần hoá đối với các doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế trọng điểm và các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá này thường có quy mô lớn hơn, và có lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp đã được cổ phần hoá trong những năm trước đó.

Việc nhà nước duy trì tỷ lệ cổ phần đa số vô hình trung đã tạo ra một số khó khăn trong việc điều hành Công ty của các doanh nghiệp cổ phần hoá, đồng thời làm nảy sinh một số vấn đề pháp lý mới. Cụ thể là: cổ phần hoá vẫn chưa tạo ra được sự rạch ròi giữa quyền quản lý nhà nước và quyền sở hữu, vì nhà nước vừa là người ban hành các quy định, vừa là cổ đông lớn. Khi sở hữu đa số cổ phần, những người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền phủ quyết các quyết định quản lý và đầu tư quan trọng, và điều này có thể dẫn đến trường hợp can thiệp một cách duy ý chí vào hoạt động điều hành của doanh nghiệp. Ở tầm vĩ mô, việc nhà nước đóng vai trò kép – vừa là người chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp cổ phần hoá, vừa là cơ quan hành pháp tối cao – tạo ra khả năng một số cơ quan của nhà nước bị thao túng. Một vấn đề cần quan tâm khác là khả năng và nguồn lực của cơ quan quản lý vốn nhà nước rất hạn chế trong khi cơ quan này phải giám sát cùng lúc rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá.

Hệ quả là cho dù trở thành cổ đông lớn (nếu không nói là lớn nhất) trong nhiều doanh nghiệp thì nhà nước cũng không thể sử dụng quyền điều hành và giám sát một cách đúng đắn. Điều này, cùng với việc người lao động thường chỉ có tiếng nói yếu ót, dẫn tới tình trạng ban Giám đốc không bị giám sát và trong nhiều trường hợp có thể tự do làm theo ý mình, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng quyền của tập thể để phục vụ lợi ích cá nhân. Một đặc điểm nổi bật nữa của cổ phần hoá ở Việt Nam là có tính khép kín và nội bộ cao. Trong số các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, có tới 860 doanh nghiệp chưa bao giờ bán cổ phần ra bên ngoài. Lý do chủ yếu của hiện tượng này có thể là do ở đây có sự bất cân xứng thông tin đáng kể giữa những nhà đầu tư bên trong và bên ngoài doanh nghiệp về giá trị thực và giá trị tương lai của doanh nghiệp sẽ được cổ phần hoá. Khi thông tin không minh bạch và/hoặc không đầy đủ, đồng thời quyền lợi của các nhà đầu tư thiểu số không được bảo vệ một cách thích đáng thì hệ quả là đa số các nhà đầu tư bên ngoài sẽ không chấp nhận rủi ro và không mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Kết quả là trong nhiều trường hợp, cổ phiếu tập trung vào tay ban Giám đốc, họ hàng và người quen của họ, tức là những người có thông tin nội bộ. Ngoài ra, việc khống chế tỷ lệ cổ phần bán cho các nhà đầu tư nước ngoài càng làm cho cổ phần hoá nội bộ trở nên phổ biến hơn. Điều này giải thích tại sao ban Giám đốc của nhiều doanh nghiệp nhà nước không muốn tiết lộ thông tin chân thực về doanh nghiệp của mình.

Mặt khác, hiện đang có một rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư chiến lược, là không phải doanh nghiệp nào cũng muốn có nhà đầu tư chiến lược tham gia. Bởi vì một khi nhà đầu tư chiến lược tham gia và có tiếng nói trong các quyết định của doanh nghiệp thì quyền lực của những người điều hành hiện tại bị giảm đi rất nhiều và khả năng bị sa thải vì năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc là điều khó tránh khỏi. Do đó, có thể nói, chính cổ phần hoá nội bộ là nguyên nhân của sự thất bại trong việc thu hút lượng vốn vô cùng lớn từ nguồn tiết kiệm trong nước. Thêm vào đó, không có sự tham gia hiệu quả của các chủ sở hữu ở bên ngoài (đặc biệt là các cá nhân và tổ chức nước ngoài), chất lượng quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hoá sẽ rất khó được cải thiện. Đáng chú ý, một cuộc điều tra 261 doanh nghiệp cổ phần hoá do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện vào năm 2002 cho thấy, ban Giám đốc cũ được duy trì trong gần 90% doanh nghiệp nhà nước trong thời gian cổ phần hoá, và trong hơn 80% doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá.

Theo báo cáo gần đây của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp cổ phần hoá có tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trên 50%. Tỷ lệ này đang kìm hãm đà phát triển của nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá. Theo chúng tôi, sở hữu nhà nước thấp hơn 51% không có nghĩa nhà nước mất quyền kiểm soát doanh nghiệp, bởi nếu vẫn nắm vai trò cổ đông chi phối thì vẫn kiểm soát được. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta có thực sự cần thiết để một doanh nghiệp nào đó có hơn 51% vốn thuộc sở hữu của nhà nước hay không. Và ngày cả trong trường hợp, việc chiếm giữ đa số đó là cần thiết, chúng ta cần một lộ trình rõ ràng hơn về cơ cấu vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hoá. Cần nhận thức được rằng, với việc nhà nước vẫn giữ tỷ lệ 51% hoặc hơn nữa ở doanh nghiệp sau khi đã cổ phần hoá, việc đưa công nghệ và kỹ năng quản lý điều hành hiện đại, đặc biệt là quản trị rủi ro vào những doanh nghiệp này sẽ có khả năng gặp nhiều khó khăn hơn trong khi quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày một nhanh ở hầu hết các ngành kinh tế quốc dân. Mặt khác, nhà đầu tư bao giờ cũng muốn nắm giữ nhiều hơn ở những doanh nghiệp hoạt động tốt, và đó là nguyện vọng chính đáng. Như vậy tình trạng tỷ lệ sở hữu của nhà nước cao không thể kéo dài mãi được.

Hơn nữa, nguyện vọng chính đáng này của các nhà đầu tư cũng tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư và huy động mọi nguồn lực để phát triển thị trường vốn của đất nước. CPH là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, một bộ phận quan trọng của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Để cổ phần hoá thực sự phát huy được hiệu quả, huy động được tiềm lực toàn xã hội, những nghiên cứu về việc xây dựng cấu trúc quyền sở hữu phù hợp với môi trường quản lý của Việt Nam trong doanh nghiệp cổ phần hoá đã và đang trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện này.

TRÍCH DẪN TỪ: http://www.moi.gov.vn/BForum/detail.asp?Cat=10&id=1745

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading