ANH THƯ
Bản án sơ thẩm buộc Bảo hiểm Viễn Đông bồi thường hơn 900 triệu đồng cho doanh nghiệp vận chuyển lô hàng 72 xe máy vừa bị Tòa án Tối cao tuyên hủy vì không có căn cứ. Cấp phúc thẩm yêu cầu xác định trách nhiệm người đã để lại xăng trong bình xe máy ở chuyến hàng chuyển từ Nam ra Bắc, khiến tất cả bốc cháy .
Nguyên đơn là Công ty Vận tải và công trình giao thông mua bảo hiểm cho lô hàng chuyên chở 72 xe máy xuất xưởng của hãng VMEP của Công ty bảo hiểm Viễn Đông.
Trưa 20/12/2004, trên đường vận chuyển xảy ra hỏa hoạn tại huyện Phù Mỹ (Bình Định). Hàng hóa tổn thất. Điều mấu chốt là việc mua bảo hiểm cho lô hàng không được thực hiện từ trước khi xe bắt đầu chuyển bánh, mà diễn ra ngay trưa hôm xảy ra vụ cháy. Bảo hiểm Viễn Đông không đồng ý bồi thường hơn 900 triệu đồng vì nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Hai bên tranh cãi về thời gian bắt đầu hỏa hoạn, người bảo trước 11h ngày 20/12/2004 (thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực), kẻ bảo sau. Do vậy, đơn vị kinh doanh vận tải kiện Viễn Đông ra tòa. Tháng 5/2005, TAND Hà Nội tuyên nguyên đơn thắng kiện.
Ngày 21/4, tại phiên xét xử phúc thẩm, phụ xe tải Phạm Tuấn Hải cho biết, khi nằm ở hàng ghế phụ anh phát hiện có dấu hiệu phát cháy ở thùng xe. Cùng thời điểm này, tài xế Phan Thành Nhân gọi phụ xe. Anh Hải nhảy xuống xe, còn anh Nhân cố cho xe chạy đến quán cơm gần đó, tri hô mọi người cùng dập ngọn lửa đang bùng lên trong lô hàng 72 xe máy.
11h15 cùng ngày, Công an huyện Phù Mỹ, Bình Định (địa phương xảy ra sự việc) nhận được tin báo cháy và tới hiện trường. Cơ quan chức năng này kết luận, thời gian phát cháy phải trước 11h. Nguyên nhân cháy được Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PC 23) Công an Bình Định xác định nguyên nhân cháy do xăng bị rò rỉ từ những xe máy.
Nhân chứng Phạm Tuấn Hải và Phan Thành Nhân thừa nhận, biết việc nhân viên xếp dỡ xe máy của hãng VMEP xếp xe máy lên thùng xe tải. Họ cũng chứng kiến có một số xe máy được hút xăng ra khỏi bình xăng trước khi chuyển lên ôtô, nhưng không khẳng định là cả 72 xe được được làm như vậy.
Theo phía bị đơn, không thể có sự trùng hợp vào thời điểm lô hàng bị cháy, ông Phạm Văn Minh (trạm trưởng trạm giao nhận số 2 Công ty vận tải và công trình giao thông) gọi điện đến Bảo hiểm Viễn Đông mua bảo hiểm. Theo thỏa thuận của hợp đồng có hiệu lực sau 11h ngày 20/12/2004 nhưng hai bên chỉ trao đổi qua điện thoại, chưa có chữ ký… Bên mua chưa thanh toán tiền, nên chiếu theo quy định thì như vậy là hợp đồng bảo hiểm chưa có hiệu lực.
Cả buổi sáng xem xét chứng cứ, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra từ đầu về thời điểm phát cháy xe để làm căn cứ. Theo cấp phúc thẩm cần xác định, ai là người có trách nhiệm trong việc khi xe máy được vận chuyển nhưng không hút hết xăng ở trong bình dẫn đến việc bị cháy.
SOURCE: VNEXPRESS.NET
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, Hợp đồng, Trách nhiệm dân sự |
Leave a Reply