1. Vụ ông Nguyễn Tấn Triều yêu cầu bồi thường 26 tỉ đồng do bị truy tố oan
Ông Nguyễn Tấn Triển (46 tuổi, ngụ tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vừa gửi đơn đến Viện KSND TP.HCM yêu cầu bồi thường trên 26 tỉ đồng do bị Viện KSND TP.HCM truy tố oan. Đây là số tiền yêu cầu bồi thường kỷ lục từ trước đến nay.
Theo đơn trình bày của ông Triển, năm 1995, từ đơn thư tố cáo của giám đốc một doanh nghiệp làm ăn chung cho rằng ông Triển (lúc ấy đang là Phó giám đốc Công ty TNHH Công Bình, có trụ sở tại tỉnh Bình Dương) đã chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp này, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM đã khởi tố và ra lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Tấn Triển về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Sau đó, ông Triển bị truy tố ra trước TAND TP.HCM với tội danh khác là “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.
Tuy nhiên, mặc dù vụ án được đưa ra xét xử đến 5 lần nhưng Hội đồng xét xử của TAND TP.HCM cho rằng vẫn chưa có cơ sở để khẳng định ông Triển có tội nên tiếp tục trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 1/2/1999, Viện KSND TP.HCM đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án và trả tự do cho ông Triển nhưng bản thân ông Triển đã bị giam oan đến 3 năm 3 tháng. Số tiền mà ông Triển yêu cầu Viện KSND TP.HCM bồi thường chủ yếu là những thiệt hại về tài sản bị mất trong lúc bị giam oan.
Minh Thuận – Thanhnien
2. Vụ bà Nguyễn Thị Ước – Bình Phước kiện bồi thường do bị truy tố oan
Bà Nguyễn Thị Ước (ngụ ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có đơn gửi Viện KSND huyện yêu cầu bồi thường trên 106 triệu đồng cho hơn 2 năm bị truy tố oan.
Trước đây, bà Ước từng bị TAND huyện Chơn Thành tuyên phạt 10 tháng tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Không đồng ý với án sơ thẩm, bà Ước kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29-9-2004, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để giải quyết lại. Sau quá trình điều tra, Viện KSND huyện Chơn Thành đã rút quyết định truy tố và tòa án đã quyết định đình chỉ xét xử vụ án đối với bà Ước.
Theo Thanh niên
3. Vụ ông Vũ Duy Hà – TPHCM kiện bồi thường do bị bắt giam oan
Ông Vũ Duy Hà (phường 10, quận 5) vừa gửi đơn đến phòng cảnh sát điều tra TP HCM yêu cầu bồi thường hơn 7,5 tỷ đồng do bị bắt giam oan. Đây là trường hợp oan sai đầu tiên đề nghị cơ quan này bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong yêu cầu đòi bồi thường cho 1.045 ngày bị truy nã, khởi tố, bắt giam oan, ông Hà đề nghị bồi thường 4 tỷ đồng cho tiền thiệt hại về tinh thần, 3 tỷ đồng về thu nhập thực tế bị mất và 400 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần của các con ông vì phải bỏ hai năm học. “Thời điểm năm 1997, trong tay tôi có trên chục tỷ đồng, là chủ của ba cây xăng”, ông Hà nói.
Tháng 5/1997, ông Vũ Duy Hà không tin vào mắt khi thấy trên báo đăng lệnh truy nã đối tượng chính là mình về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Lúc này, ông đang là nhà kinh doanh thành đạt và hoạt động buôn bán đang tiến triển bình thường.
Khi ông ra trình diện, công an TP HCM đã còng tay, áp giải đưa vào trại tạm giam Chí Hòa. Tại đây, ông được biết mình bị truy nã vì một tờ giấy ủy quyền. Năm 1997, ông Hà ký một hợp đồng làm ăn, ủy quyền cho ông Nhan Nhuận Trạch đứng ra kinh doanh một cây xăng do ông làm chủ. Bù lại ông Trạch phải trả cho ông Hà 250 triệu đồng, hợp đồng sẽ chấm dứt vào tháng 11/2000. Do có thông tin cây xăng bị giải tỏa nên phía đối tác “tố cáo” với cơ quan công an vì sợ ông lừa, chiếm đoạt số tiền đó.
Phía công an ra lệnh truy nã đã không đến địa phương hay gia đình ông tìm hiểu cụ thể vụ việc mà lại tiếp tục cho rằng ông đã chiếm đoạt số tiền 15.000 USD của ông Lê Nam Hải, một người bạn làm ăn khác. Thực ra, số tiền này, ông đã trả và có hóa đơn hẳn hoi.
Ngày 5/6/2001, cơ quan điều tra công an TP HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Vũ Duy Hà.
Theo Pháp luật TPHCM
4. Vụ ông Nguyễn Đình Chiến – Cần Thơ
Ông Nguyễn Đình Chiến, nạn nhân của vụ án oan suốt 10 năm qua đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, tài sản, thu nhập, bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên 292 tỷ đồng. Ông còn yêu cầu tính lãi suất phát sinh của ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan, do vụ án kéo dài gây với số tiền trên 160 tỷ đồng, tổng cộng trên 452 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hải Phòng (Vimproco) bị TAND tỉnh Cần Thơ (cũ) tuyên án 18 năm tù giam, bắt tạm giam 28 tháng. TAND tối cao tại TP.HCM trong phiên phúc thẩm ngày 30/1/1999 đã tuyên ông Chiến vô tội và trả tự do tại Tòa. Thế nhưng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Cần Thơ (cũ) và TP Cần Thơ vẫn tiếp tục kháng nghị.
Sau 5 lần xét xử cùng nhiều lần hoãn, ngày 3/3/2006, TAND TP Cần Thơ trong phiên xét xử sơ thẩm đã tuyên không đủ cơ sở để chứng minh ông Nguyễn Đình Chiến phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Viện KSND TP Cần Thơ lại tiếp tục kháng nghị. Ngày 10/7/2006, tại Cần Thơ, TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “Nguyễn Đình Chiến bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”, nhưng ngay khi vào phần xét xử, vị đại diện Viện KSND tối cao đã rút toàn bộ kháng nghị của Viện KSND TP Cần Thơ, được tòa phúc thẩm TAND tối cao khẳng định bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, thừa nhận ông Nguyễn Đình Chiến vô tội, bị kết án oan sai.
Theo TTXVN
5. Vụ bà Phạm Thị Út – TPHCM yêu cầu bồi thường 470 triệu do bị ngồi tù oan
Thông tin từ TAND TP HCM cho biết, cơ quan này vừa nhận được đơn của bà Phạm Thị Út (sinh 1943, ngụ Hóc Môn) đòi bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, bà Út yêu cầu được bồi thường số tiền gần 470 triệu đồng cho những ngày ngồi tù oan.
Bà Út từng là nghi can số 1 trong kỳ án đốt nhà chiếm đoạt 2 chỉ vàng, làm chết 2 người xảy ra hồi tháng 9/1993 tại quận Gò Vấp, TP HCM. Vụ án được TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu vào ngày 28/9/1999 và tuyên phạt bà Út 20 năm tù về hai tội giết người và hủy hoại tài sản.
Đến năm 2000, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tiếp tục xử y án sơ thẩm. Nhưng qua nhiều lần khiếu kiện, kêu oan, tháng 9/2002, Ủy ban Thẩm phán của TAND tối cao đã lật lại hồ sơ và xác định việc kết tội bà Út là chưa có cơ sở vững chắc. Vì vậy, cơ quan này đã quyết định hủy cả 2 bản án sơ và phúc thẩm trả hồ sơ về cho cấp sơ thẩm để điều tra lại.
Sau quá trình điều tra và truy tố lại, trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 tháng 9/2004, TAND TP HCM vẫn tuyên phạt bà Út mức án 20 năm tù về hai tội như trên.
Ngày 13/6/2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 để xem xét đơn kêu oan của bà Út. Hội đồng xét xử đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và tuyên bố bị cáo Út không phạm tội như án sơ thẩm đã quy kết, tuyên trả tự do ngay tại tòa cho bị cáo Phạm Thị Út.
Theo vnexpress.net
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT, Trách nhiệm dân sự |
Leave a Reply