admin@phapluatdansu.edu.vn

SẼ THÍ ĐIỂM TƯ NHÂN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

LÊ MINH – VTC

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thì chưa thể đưa quy định xã hội hoá công tác thi hành án vào dự án Luật thi hành án dân sự (THADS) vì cho đến nay các cơ quan tư pháp chưa tổ chức thí điểm, nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn để đánh giá và áp dụng.

Theo đề xuất của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, trước khi đi vào thảo luận chi tiết cần phải xem xét và bỏ Điều 14 của dự thảo Luật liên quan đến vấn đề xã hội hoá hoạt động thi hành án. Đồng thời đề nghị quy định vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết của QH về thi hành Luật THADS, làm cơ sở cho việc thí điểm.

Cụ thể, dự thảo đề xuất khuyến khích tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hoá trong hoạt động thi hành án, theo đó cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được cấp phép hành nghề thi hành án.

Ban soạn thảo cho rằng, đề xuất này dựa trên quan điểm của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là: “Quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Ba, về nguyên tắc những quan hệ tương đối ổn định, rõ ràng mới được đưa vào quy định của luật, trong khi đó nội dung xã hội hoá trong thi hành án dân sự là hoàn toàn mới, Nghị quyết 49 của Bộ chính trị cũng xác định phải làm thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm rồi mới bổ sung vào luật.

Cho đến nay các cơ quan tư pháp chưa tổ chức thí điểm, nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn để đánh giá và áp dụng. Hơn nữa, quy định chung như Điều 14 gây ra mâu thuẫn trong các quy định về cơ quan THADS và chấp hành viên (CHV).

Theo đó các cơ quan THADS và CHV được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án được cơ cấu tổ chức theo hệ thống, còn cá nhân được hành nghề thi hành án có nghĩa vụ như CHV và có một số quyền hạn của CHV, nhưng lại không rõ cơ cấu tổ chức của loại hình này.

Chấp hành viên phải có trình độ đại học luật?

Theo dự thảo Luật THADS mà Chính phủ đề xuất, quy định CHV có 3 ngạch: Sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp đều tán thành quan điểm này bởi, nếu tiếp tục duy trì quy định chức danh CHV theo cấp hành chính như hiện nay (CHV cấp huyện, cấp tỉnh) sẽ là một trở ngại đáng kể cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án, nhất là việc điều động, luân chuyển cán bộ.

Mặt khác, theo bà Lê Thị Thu Ba, các bản án THADS nhiều năm qua cho thấy các vụ án do TAND tối cao xét xử như các vụ Tân Trường Sanh, Minh Phụng EPCO, Năm Cam, Tamexco… đều do cơ quan THADS cấp tỉnh thi hành và đòi hỏi phải có đội ngũ CHV có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và giàu kinh nghiệm để tổ chức thi hành án.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng ngạch CHV làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu ngạch CHV ở cấp huyện và cấp tỉnh để bổ nhiệm từng chức danh và yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với hệ thống các chức danh tư pháp.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh trên, dự thảo luật quy định các chức danh này có thể bổ nhiệm người có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Theo bà Lê Thị Thu Ba, việc quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV sơ cấp cần phải có trình độ đại học luật. Việc vận dụng tiêu chuẩn trung cấp luật chỉ nên đặt ra đối với việc tuyển dụng công chức của cơ quan THADS các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo nguồn cho những nơi còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ.

CHV có quyền khám xét, phong toả tài khoản của đương sự

Về vấn đề bổ sung biện pháp bảo đảm thi hành án, đa số ý kiến của Chính phủ cho rằng, CHV cần phải có quyền chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án (phong toả tài sản; tạm dừng việc chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản) nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án mà không cần phải thông báo trước cho đương sự.

Nhất trí với quan điểm trên song bà Lê Thị Thu Ba cũng lưu ý thêm, đối với việc phong toả tài khoản có cần quy định số tiền có trong tài khoản tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành, không nên phong toả cả tài khoản, như vậy sẽ làm mất khả năng giao dịch hạn chế quyền của người có tài khoản hoặc làm mất khả năng thi hành án.

Còn một vấn đề mà bà Thu Ba còn băn khoăn là nếu chỉ quy định quyền áp dụng các biện pháp xử lý sau khi thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án, mà không quy định trách nhiệm của CHV đối với các quyết định được áp dụng… thì sẽ tạo kẽ hở, không bảo đảm sự chặt chẽ và dễ gây sự lạm dụng trong quá trình áp dụng.

Một số ý kiến cho rằng ngoài thẩm quyền áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án, cần quy định CHV có quyền khám người, khám nơi cất giấu để thu giữ đồ vật, tài liệu, phương tiện của người phải thi hành án.

Có như vậy mới khắc phục được tình trạng nhiều trường hợp CHV biết người phải thi hành án có tài sản cất dấu ở một nơi nhất định nhưng không thể buộc họ giao tài sản để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Se-thi-diem-cho-tu-nhan-thi-hanh-an-dan-su/75180015/218/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: