admin@phapluatdansu.edu.vn

KINH NGHIỆM THI TUYỂN CÔNG CHỨC CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

TRẦN THỊ MINH CHÂU – Viện khoa học Tổ chức Nhà nước

Đối với mỗi quốc gia, việc tuyển chọn người tài phục vụ cho nền công vụ là việc làm cần thiết và quan trọng. Một trong những hình thức phổ biến để tuyển chọn công chức có đủ năng lực, trình độ phục vụ cho nền công vụ là tổ chức thi tuyển. Có thể hiểu thi tuyển công chức là chọn người mới xứng đáng vào làm việc trong nền công vụ, hoặc chọn những người có đủ tiêu chuẩn đang làm việc trong nền công vụ chuyển sang làm một vị trí khác còn thiếu. Quá trình thi tuyển bao gồm: Xác định vị trí, công việc cần tuyển; mô tả hoàn thiện nội dung công việc; thu hút những ứng cử viên cho phù hợp với vị trí công việc; đánh giá và lựa chọn những ứng cử viên thích hợp nhất.

Tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà có các quy định khác nhau về thi tuyển công chức. Qua tìm hiểu công tác thi tuyển công chức của các nước như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Thái-lan và một số quốc gia khác, trong phạm vi bài biết này chúng tôi xin đề cập đến một số kinh nghiệm của các nước trong việc tổ chức thi tuyển để tuyển dụng người mới xứng đáng đảm nhận những vị trí còn thiếu trong cơ quan nhà nước.

1. Nguyên tắc tổ chức thi tuyển công chức

Luật Công vụ của Thái-lan “Luật Công vụ B.E.2535 (A.D.1992)”, Luật liên bang về những cơ sở công vụ nhà nước của Liên bang Nga 1995 cũng như Luật Công vụ của nhiều nước đều quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn và nguyên tắc thi tuyển . Do đó, việc tiến hành thi tuyển công chức phải bảo đảm hai nguyên tắc

– Nguyên tắc bình đẳng: Tất cả công dân đều có quyền và cơ hội ngang nhau khi có mong muốn làm việc cho cơ quan nhà nước miễn là đáp ứng những yêu cầu theo quy định của pháp luật và các yêu cầu cụ thể của vị trí công việc cần tuyển dụng.

Điều 5 của Luật Liên bang về những cơ sở công vụ nhà nước của Liên bang Nga quy định: “Nguyên tắc công dân được quyền bình đẳng gia nhập nền công vụ tuỳ theo khả năng và trình độ đào tạo chuyên môn của mỗi người”, trong quá trình tổ chức thi tuyển phải bảo đảm tính công khai, công bằng và căn cứ vào thành tích tức là kết quả phản ánh thực chất của người thi, hoàn toàn loại bỏ yếu tố tình cảm trong khi thi tuyển.

Hoặc điều 47 của Luật Công chức Nhật Bản quy định: “kỳ thi thâu nhận (tức tuyển dụng) cần phải có điều kiện bình đẳng và phải công khai đối với người dân”; “thông báo về kỳ thi thâu nhận phải được công bố rộng rãi trên báo chí”.

– Nguyên tắc xứng đáng: Tức là thông qua cạnh tranh công khai giữa các ứng viên để nhà nước tuyển dụng được những cá nhân giỏi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, vị trí công tác. Thực hiện nguyên tắc này nhằm loại trừ thái độ thiên vị chính trị, ảnh hưởng tình cảm cá nhân và xếp hạng thí sinh theo thứ tự xứng đáng, đảm bảo cho nền công vụ tuyển dụng được những ứng cử viên giỏi nhất. Việc đánh giá năng lực thí sinh được thực hiện qua các vòng thi như: viết, nói, kinh nghiệm làm việc, thậm chí cả xét bằng cấp và việc xếp hạng được thực hiện bởi một hội đồng giám khảo độc lập với cơ quan hành chính.

2. Điều kiện thi tuyển

Điều kiện thi tuyển của các nước thường quy định rõ điều kiện chung và điều kiện riêng.

Điều kiện chung thường có yêu cầu về quốc tịch, độ tuổi dự thi, sức khoẻ, bằng cấp… Ở Mỹ điều kiện để thí sinh tham dự thi tuyển là: công dân Mỹ, đã sống trên đất Mỹ một năm trở lên.

Ở Thái-lan, công dân muốn tham dự thi tuyển phải bảo đảm các điều kiện: Công dân mang quốc tịch Thái-lan; từ 18 tuổi trở lên, trung thành với thể chế dân chủ của Chính phủ thông qua Hiến pháp với nhà Vua là người đứng đầu đất nước; không phải là quan chức chính trị, không bị ảnh hưởng tâm thần; không bị tàn phế bệnh tật…

Luật Liên bang về những cơ sở công vụ nhà nước của Liên bang Nga không quy định những điều kiện dự tuyển cụ thể mà chỉ quy định về những trường hợp công dân không được tham gia nền công vụ như: Không có năng lực hành vi hoặc năng lực hành vi bị hạn chế theo quyết định đang có hiệu lực của toà án; bị tước quyền đảm nhiệm các chức danh nhà nước của nền công vụ trong thời hạn nhất định theo quyết định đang có hiệu lực của toà án; có kết luận của cơ quan y tế là đang mắc bệnh gây trở ngại đối với việc thực thi chức trách hoặc mang quốc tịch nước ngoài ngoại trừ các trường hợp được phép tham gia công vụ trên cơ sở thoả thuận lẫn nhau giữa các quốc gia…

Điều kiện thi tuyển riêng thường được các quốc gia quy định tuỳ thuộc vào từng vị trí công việc cần tuyển. Nhật Bản điều kiện về độ tuổi dự thi tuyển theo từng loại công chức. Công chức loại I phải có độ tuổi từ 21 đến 23 tuổi; công chức loại II có độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi; công chức loại III có độ tuổi từ 17 đến 25 tuổi.

Cộng hoà liên bang Đức, điều kiện về trình độ dự tuyển của các ngạch khác nhau: ngạch sơ cấp cần có điều kiện là tốt nghiệp phổ thông chính quy hoặc một trình độ giáo dục tương đương và có sự chuẩn bị để đảm nhiệm chức trách; ngạch trung cấp cần có điều kiện là tốt nghiệp một trường trung học hoặc cao đẳng, có thời gian chuẩn bị công vụ một năm, đỗ kỳ kiểm tra sát hạch; ngạch cao cấp cần điều kiện là có trình độ đại học, thời gian chuẩn bị công vụ là ba năm, đỗ kỳ kiểm tra sát hạch.

Ở Anh, điều kiện dự thi ở mỗi cấp công chức là khác nhau. Đối với công chức cấp cao là có trình độ đại học trở lên; Đối với công chức cấp chấp hành là trình độ trung cấp; Đối với công chức cấp thấp là người đã có bằng trung học.

3. Hình thức thi tuyển

Hình thức thi viết, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm, thi thao thác thực tế… là những hình thức thi phổ biến nhất của các quốc gia. Tuy nhiên, thi viết vẫn là hình thức truyền thống và được nhiều quốc gia áp dụng. Hình thức thi này đạt hiệu quả cao trong việc kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh, đồng thời kiểm tra được khả năng tư duy và phân tích thể hiện trong bài viết. ở Nhật Bản: thi viết có thể được thực hiện bằng lối thi trắc nghiệm và thi viết luận.

Hình thức thi vấn đáp có thể kiểm chứng được những kiến thức mà thí sinh hiểu được và có thể biết được trình độ, khả năng ứng xử và xử lý tình huống của thí sinh. Hình thức thi này được áp dụng rộng rãi ở Anh, Đức, Mỹ và một số quốc gia khác. Đề thi vấn đáp thường có kiến thức và phạm vi rộng buộc thí sinh phải có kiến thức và am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở Anh, đề thi vấn đáp được chọn từ hơn 70 đề mục, thí sinh phải trình bày dưới dạng trả lời trực tiếp hoặc bài luận; ở Pháp sau khi thí sinh đỗ ở kỳ thi viết mới được chuyển qua hình thức thi nói (vấn đáp) và được đánh giá, xếp loại từ cao đến thấp tuỳ theo trình độ và khả năng diễn thuyết của mình.

Hình thức thi thao tác thực tế thường được áp dụng đối với việc thi tuyển công chức vào các chuyên ngành phù hợp bởi hình thức thi này có thể kiểm tra cụ thể năng lực thực tế, trình độ kỹ thuật của thí sinh.

Có một số quốc gia, hình thức thi tuyển có thể thực hiện dưới hình thức kiểm tra văn bằng chứng chỉ. Ơã Liên bang Nga, công dân muốn gia nhập nền công vụ đăng ký dự thi và hội đồng tuyển chọn đánh giá các thí sinh trên cơ sở văn bằng về trình độ đào tạo, về quá trình công vụ và hoạt động khác.

Một số quốc gia quy định thí sinh phải vượt qua nhiều vòng thi khác nhau. Ơã Nhật Bản, muốn được trúng tuyển, thí sinh phải vượt qua ba kỳ thi là: Thi sơ tuyển; thi kỳ hai và thi vấn đáp tại cơ quan mà ứng viên có thể được nhận vào làm việc. Hay ở Anh, việc tuyển dụng được tiến hành theo ba bước. Bước một, cho phép thí sinh được chọn một trong các đề mục như: chính trị, kinh tế, xã hội… làm chủ đề viết luận văn. Bước hai, sát hạch chuyên môn. Bước ba, thi vấn đáp nhằm thể hiện khả năng nói và trình độ hiểu biết của thí sinh.

4. Nội dung thi tuyển

Nội dung thi tuyển là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của kỳ thi. Việc tuyển chọn công chức không chỉ dựa vào khả năng học vấn của họ mà còn đánh giá dựa trên thiên hướng nghề nghiệp, năng lực thực tế và tiềm năng của thí sinh.

Nội dung thi tuyển phải hợp lý, chú trọng trước hết đến kiến thức chuyên ngành và năng lực công tác của thí sinh sau khi trúng tuyển. Kiến thức đưa vào nội dung sát hạch trong kỳ thi là nội dung quan trọng, thông thường gồm có hai phần: Kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên môn (kiến thức chuyên ngành). Các kiến thức cơ bản được đề cập ở những vấn đề có liên quan đến luật công như: Hiến pháp, Luật Hành chính… Kiến thức chuyên môn có liên quan đến vị trí công tác của thí sinh sau khi trúng cử được đảm nhận. Nội dung đánh giá thí sinh thường dựa trên tiêu chí: hiểu biết, tức là kiến thức đo đếm được thể hiện ở bài thi; biết cách làm (khả năng hành động và phát triển trong tiến trình nghề nghiệp hoặc thực hiện những chức năng khác), biết cách đối xử (tức hành vi xã hội, thích nghi với môi trường xã hội, khả năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo).

Ở Pháp, nội dung môn thi thường có bốn vấn đề phù hợp với nghề nghiệp vị trí ứng viên và có tương quan tới việc đào tạo sau khi thí sinh được tuyển dụng. Các môn thi thường để thí sinh tự trình bày nhận định của mình về các vấn đề được hỏi hơn là kiểm tra trí nhớ. Bao gồm các môn thi nhằm đánh giá trình độ nghiệp vụ; các môn thi nhằm đánh giá kiến thức; các môn thi nhằm đánh giá năng khiếu chuyên môn; các môn thi nhằm đánh giá khả năng ứng xử.

Ở Thái-lan, nội dung thi tuyển bao hàm ba lĩnh vực: kiến thức chung; kiến thức chuyên ngành và khả năng thích ứng với công việc được tuyển chọn. Điểm tối thiểu cho mỗi phần thi là 60%, có nghĩa thí sinh nào đạt trên 60% cho toàn bộ ba phần thi thì được công nhận là trúng tuyển.

Kiến thức chung tập trung vào hai lĩnh vực gồm các câu hỏi liên quan tới khả năng tổng quát về khả năng tiếp nhận thông tin, phân tích, nhận xét và các câu hỏi nhằm kiểm tra trình độ hiểu biết, khả năng thể hiện ngôn ngữ Thái.

Kiến thức chuyên ngành tập trung vào việc đánh giá những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho chuyên ngành công tác của thí sinh đó, bao gồm: kiến thức chuyên môn và những khả năng có lợi cho vị trí công việc, kiến thức về các vấn đề an ninh quốc gia, kinh nghiệm, lời nói, thái độ, cá tính và sự sắc sảo của ứng viên…

5. Cơ quan có trách nhiệm tổ chức và quản lý thi tuyển

Tuỳ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế – xã hội mà cơ quan có trách nhiệm trong tổ chức và quản lý thi tuyển được quy định khác nhau.

Ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp… việc tuyển dụng công chức ở trung ương do một cơ quan trung ương đứng ra tổ chức (có nhiều tên gọi khác nhau như Uỷ ban công vụ; Văn phòng quản lý nhân sự; Hội đồng quản lý nhân sự công; Bộ Công vụ…). Các cơ quan này thường được hiến định và có nhiệm vụ ban hành các văn bản quy định về chế độ thi cử và trực tiếp tổ chức và quản lý thi tuyển các công chức hành chính nhà nước.

Đối với công chức của các ngành chuyên môn như cảnh sát, giáo viên, công chức ở cấp khu vực… sẽ do các bộ, ngành quản lý nhà nước tổ chức thi hoặc có uỷ ban phụ trách riêng về tuyển dụng. Ơã Anh, ấn Độ và một số quốc gia khác, việc thi tuyển công chức phù hợp với vị trí từng bộ phận công việc đều do bộ đứng ra tổ chức theo tiêu chí, điều kiện của bộ, ngành đó. Thành viên của hội đồng thi tuyển thường bao gồm giáo sư của các trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, các cán bộ nghiên cứu…

Một số quốc gia phân loại công chức khá rõ ràng thành công chức trung ương và công chức địa phương và từ đó có quy định thi tuyển khác nhau.Việc thi tuyển công chức địa phương có thể do cơ quan nhân sự cấp tỉnh phụ trách. Các tỉnh có thể thành lập các “Uỷ ban công vụ” để tổ chức thi tuyển lựa chọn công chức cho bộ máy hành chính của địa phương (cấp tỉnh), còn công chức cấp cơ sở được một tổ chức cấp cơ sở chịu trách nhiệm tuyển dụng. Ở Thái-lan, cơ quan chịu trách nhiệm trong việc tuyển chọn công chức cho cơ quan hành chính cấp tỉnh là Tiểu ban công vụ cấp tỉnh.

6. Công tác tổ chức thi tuyển

Công tác tổ chức thi tuyển ở các nước thường được chuẩn bị khá chu đáo giúp thí sinh dự thi có thể nắm bắt mọi thông tin cần thiết về cuộc thi. Việc công khai hoá thông tin không chỉ thể hiện ở trước cuộc thi mà sau khi có kết quả, các thí sinh đỗ hay trượt cũng đều được công khai. Đây là một hoạt động rất quan trọng, tạo tâm lý tốt và thể hiện tính công khai, minh bạch của các quốc gia khi tiến hành tổ chức thi tuyển.

Ở Pháp, việc tổ chức thi tuyển phải được công bố công khai trên công báo, phải tuyên truyền rộng rãi thông qua hình thức áp phích, kèm theo bản hướng dẫn thi tuyển. Đối với đối tượng là sinh viên đại học, thông tin được truyền đến các trường để giải thích nghiệp vụ toạ đàm với sinh viên hướng dẫn họ lựa chọn nơi xin thi phù hợp với khả năng và trình độ…

Ở Nhật Bản, sau khi trải qua ba kỳ thi, tên và điểm thi của những thí sinh trúng tuyển được ghi vào danh sách chính thức công khai. Danh sách chính thức này có giá trị trong một giai đoạn nhất định (từ một đến ba năm).

7. Chế độ làm việc sau khi trúng tuyển

Thí sinh sau khi trúng tuyển có thể tiếp nhận ngay công việc, tuy nhiên ở một số quốc gia thí sinh phải qua thời kỳ tập sự hoặc qua các khoá đào tạo.

Ở Pháp, các thí sinh đỗ được ban giám khảo lập danh sách, xếp loại từ cao đến thấp. Căn cứ vào danh sách xếp loại của ban giám khảo, các cơ quan hành chính phân bổ thí sinh đảm nhận công việc. Nhưng trước khi bổ nhiệm, thí sinh được gửi đến các trường đào tạo và thực tập một năm tuỳ thuộc vào công việc sau này đảm nhiệm. Sau đó thí sinh được chính thức biên chế vào cơ quan nhà nước theo cấp.

Ở Liên bang Nga, công dân lần đầu tiên đảm nhận chức danh nhà nước theo kết quả tuyển chọn bằng văn bằng đều phải trải qua thời gian thử việc từ ba tháng đến sáu tháng. Thời gian thử việc công chức vẫn nằm trong diện điều chỉnh của Luật công vụ liên bang và trước khi kết thúc thời gian thử việc, công chức nhà nước chưa được xếp vào bậc nghề kế tiếp.

Ở Thái-lan, những thí sinh trúng tuyển được xếp thứ tự theo điểm số và đưa vào danh sách để chỉ định vào chức danh mà họ đăng ký. Danh sách này được lưu giữ trong hai năm và những người đăng ký được triệu tập vào làm việc tại các vị trí công việc còn khuyết theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Ở Mỹ, việc sử dụng công chức sau khi trúng tuyển phức tạp và khắt khe hơn. Tuyển dụng công chức ở Mỹ được phân thành ba loại: Tuyển dụng theo hợp đồng. Thời hạn nói chung không vượt quá một năm, hết thời gian đó có thể tiếp tục ký hợp đồng song không được trợ cấp cũng như hưởng đãi ngộ hưu. “Công chức có điều kiện” thời hạn làm việc trong ba năm, hết thời hạn chuyển thành công chức chính thức. Công chức chuyên nghiệp sau ba năm công tác thì trở thành công chức chuyên nghiệp chính thức.

Ở Việt Nam hiện nay, việc thi tuyển công chức tiến hành phổ biến, tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều bất cập trong các quy định pháp luật cũng như về nội dung, hình thức tổ chức cuộc thi; thiếu hệ thống các quy định rõ ràng thống nhất và cụ thể về yêu cầu, nội dung và hình thức thi tuyển công chức.

Nội dung thi tuyển chưa hợp lý, thường chủ yếu dựa vào việc kiểm tra trí nhớ, những kiến thức đã có trong tài liệu sách vở, thậm chí rất ít liên quan đến kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; chưa chú ý đến thiên hướng nghề nghiệp và tiềm năng phát triển của người trúng tuyển.

Về hình thức thi tuyển: Chủ yếu là thi viết, còn các hình thức thi vấn đáp và thi trắc nghiệm chưa được phổ biến rộng rãi. Đây là hình thức thi cần được nghiên cứu và áp dụng ở nước ta bởi đối với các hình thức thi này có ưu điểm lớn là có thể kiểm tra chính xác hơn về kiến thức, độ nhạy bén và tiềm năng của thí sinh trước những vấn đề được hỏi. Hình thức thi thao tác thực tế cũng nên được áp dụng đối với thi tuyển công chức đảm nhận vị trí công việc mang tính chuyên ngành có kỹ thuật cao.

Kinh nghiệm thi tuyển công chức của các nước trên thế giới là rất đa dạng và phong phú, do đó không có một mô hình thống nhất, tối ưu áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên mục đích chung cao nhất của việc thi tuyển công chức là chọn được người có tài và năng lực thực sự cho nền công vụ.

Nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu:

1. Luật Công chức Nhật Bản

2. Luật Liên bang về những cơ sở công vụ nhà nước của Liên bang Nga

3. Luật Công vụ Thái-lan

4. Cải cách nền công vụ – Văn kiện tham vấn. UNDP – Ban TCCB Chính phủ.

5. Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới. NXB Chính trị Quốc gia – 2004.

6. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. NXB Chính trị Quốc gia – 2003.

SOURCE: Tạp chí Tổ chức Nhà nước số tháng 5 năm 2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading