admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài với số tiền mỗi năm gửi về nước khoảng 1,6 tỷ USD, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

So với một số ngành khác, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả cao, vốn đầu tư ít, đem lại lợi ích nhiều mặt… Tuy nhiên, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở nước ngoài. Những vụ việc phát sinh gần đây như việc gần 700 lao động Việt Nam đình công ở nhà máy sản xuất găng tay (Malaysia) năm 2007, vụ 20 tu nghiệp sinh Việt Nam phải về nước trước thời hạn do xí nghiệp của Nhật Bản phá sản cuối năm 2006; thêm vào đó là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và các nước có thu nhập cao đang có xu hướng tăng lên… đã ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường lao động ngoài nước.

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ người lao động đi làm việc tại nước ngoài

Đến nay, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đã tương đối đầy đủ. Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định rõ, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm:

– Trực tiếp tuyển chọn người lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động. Khi tuyển chọn lao động tại địa phương, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo Sở về kết quả tuyển chọn và số lượng người lao động của địa phương đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài;

– Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động;

– Ký hợp đồng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng mẫu quy định.

– Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;

– Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động;

– Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

– Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;

– Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo quy định của pháp luật;

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước: Luật cũng quy định rõ, các cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Ban Quản lý lao động) có trách nhiệm:

– Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xử lý hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;

– Nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại;

– Thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận thị trường để ký kết Hợp đồng cung ứng lao động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại;

– Hỗ trợ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong việc thẩm định các điều kiện và tính khả thi của các hợp đồng trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa vị pháp lý của đối tác nước ngoài;

– Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của đại diện các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong việc quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động.

– Báo cáo và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam;

– Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và cơ quan, tổ chức của nước sở tại để đưa người lao động vi phạm về nước;

Đồng thời, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được cơ quan bảo hiểm, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM)… , luật pháp của nước sở tại bảo vệ.

Có thể nói, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã thể hiện cụ thể cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ, trong đó có sự thống nhất cao về nhận thức từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành và toàn xã hội về XKLĐ, phù hợp với cơ chế mới. Hệ thống này đã thể hiện những ưu điểm sau:

Một là, tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, là cơ sở cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động XKLĐ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục ban những chính sách mới như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường mới; chính sách tín dụng, chính sách đầu tư cho đào tạo nguồn lao động xuất khẩu, chính sách khuyến khích người lao động tái đầu tư thu nhập vào sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới, chính sách miễn giảm thuế, chính sách khen thưởng, chính sách hậu xuất khẩu lao động cho người lao động khi về nước…

Hai là, tạo điều kiện cho việc mở thị trường lao động, phát huy quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, đã phân định được chức năng quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp XKLĐ.

Bốn là, đã thể hiện được sự tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, đồng thời làm rõ và tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh XKLĐ.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật nói trên cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, trong quá trình thực hiện còn chưa thống nhất giữa các Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, thông tin về xuất khẩu lao động chưa đến được với mọi người lao động. Phần lớn người lao động không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Do thiếu thông tin, nhẹ dạ, lại có tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở nước ngoài với thu nhập cao nên người lao động rất dễ bị môi giới, cò mồi và những tổ chức cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động lợi dụng để lừa đảo, thu tiền bất chính…

Ở một số địa phương, việc quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động. Công tác quản lý lao động ở nước ngoài có lúc chưa kịp thời để xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, đặc biệt là đối với những thị trường chưa có Ban Quản lý lao động.

Một số kiến nghị

Để hoạt động xuất khẩu lao động trong thời gian tới phát triển hơn nữa, đồng thời kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một cách đồng bộ, có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm; nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư để hình thành những doanh nghiệp mạnh có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, lao động ở vùng sâu vùng xa tham gia xuất khẩu lao động.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển thị trường và công tác quản lý; sắp xếp lại các doanh nghiệp hiện có; chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc và quan tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh đối với doanh nghiệp. Các địa phương và ngành ngân hàng cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ người lao động và đối tượng chính sách về chi phí đào tạo – bồi dưỡng kiến thức cần thiết và vay vốn đi xuất khẩu lao động; cải tiến thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mô hình liên kết tuyển lao động tại địa phương.

Thứ ba, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trực thuộc tăng cường giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về xuất khẩu lao động; đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp tạo nguồn lao động có chất lượng; tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn, ngăn chặn các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, của các doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu lao động.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm; phát hiện kịp thời và kiên quyết triệt phá các đường dây đưa người đi làm việc bất hợp pháp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo. Tăng cường công tác kiểm soát cửa khẩu để phát hiện và kịp thời ngăn chặn việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và địa phương để có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu; thực hiện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ; các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo – bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài để đảm bảo có nguồn lao động xuất khẩu lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế; Nhà nước hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu việc làm và các chương trình, dự án khác để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động…

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài: Triển khai thoả thuận đã ký về hợp tác lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; thúc đẩy đàm phán và ký kết các thoả thuận với các nước khác; Kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài bảo đảm các điều kiện theo quy định để làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong và ngoài nước, giữa cơ quan đại diện ngoại giao với đại diện các doanh nghiệp tại nước ngoài.

Thứ bảy, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về xuất khẩu lao động đến tận người dân với nhiều hình thức phù hợp. Cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Nhà nước cần quan tâm cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho người lao động ở nước ngoài thông qua việc cung cấp sách, báo và tổ chức các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở các điểm có nhiều người lao động Việt Nam sinh sống và làm việc. Tổng kết và phổ biến các mô hình, cách làm hay, có hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những vi phạm trọng xuất khẩu lao động và chuyên gia đồng thời vẫn đảm bảo quan hệ hợp tác, đối ngoại với các nước, không làm phương hại đến phát triển thị trường./.

Nguồn: Bộ- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

TRÍCH DẪN LẠI TỪ : http://news.vibonline.com.vn/Home/bolaodong/2008/03/1627.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading