NGUYỄN HẢI
Không dễ thỏa thuận mức bồi thường, không thực hiện tốt việc cải chính trên báo, sự xuất hiện của “nhân vật thứ 3” cùng việc xác định thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường… là những tồn tại chưa được giải quyết trong quá trình thực hiện Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai (áp dụng từ năm 2003).
Rắc rối rõ nhất trong bồi thường oan sai là việc xác định khoản tiền bồi thường không thống nhất. Nhiều trường hợp, người bị oan sai đưa mức bồi thường lên đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng. Con số được xem là cao hiện nay là mức tiền đòi bồi thường gần 9 tỷ đồng của vợ chồng ông Cao Văn Bạch – Tôn Thị Na yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang phải bồi thường bao gồm cả những khoản do tổn thất về mặt tinh thần.
Trên thực tế, có rất nhiều những trường hợp gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề bồi thường. Đối với những số tiền bồi thường quá cao, cơ quan trực tiếp bồi thường và người bị oan phải gặp nhau nhiều lần để tính toán, xác định, thỏa thuận mức bồi thường. Và kết quả “đàm phán” thường không thành công. Điển hình là vụ ông Hoàng Minh Tiến yêu cầu VKSND Hà Nội bồi thường 4,072 tỷ đồng cho 13 khoản mà ông và gia đình phải gánh chịu trong thời gian vướng vào vòng lao lý. Trong số này có tiền tổn thất tinh thần, tiền lương, tổn thất do không triển khai được hợp đồng với đối tác khi ông bị bắt giam… Giữa VKSND Hà Nội và ông Hoàng Minh Tiến đã có nhiều buổi thương lượng, nhưng mới thống nhất được một số khoản tiền cơ bản. Theo đó, phía VKS chỉ chấp nhận bồi thường gần 28 triệu đồng, vì thế ông Tiến đã kiện VKSND Hà Nội và nhờ tòa án quận Hai Bà Trưng – Hà Hội phán quyết.
Một vấn đề khác là việc xin lỗi, cải chính đăng trên báo của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với những người bị oan sai cũng chưa được thực hiện triệt để. Tại điều 4, Nghị quyết 388 quy định: “…Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc của người bị oan, có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị can làm việc, đại diện một tổ chức chính trị, xã hội mà người bị oan là thành viên; đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo…”. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cảnh chính công khai theo quy định. Tuy nhiên, có rất ít các vụ án mà người bị oan được các cơ quan tố tụng xin lỗi, cải chính công khai trên mặt báo.
Trao đổi với VnExpress, anh Phạm Việt Nam Hòa Bình cho biết, anh được VKSND TP HCM hỗ trợ 30 triệu đồng một cách lặng lẽ mà không được xin lỗi công khai trên báo chí. Ngoài việc bồi thường về vật chất, anh muốn “danh dự phải được khôi phục để mọi người biết đến nỗi oan ức của mình cũng như gây dựng lại niềm tin trong xã hội”. Từ hành động giúp một người bị tai nạn giao thông đưa vào viện nhưng ngay ngày hôm sau anh lại bị bắt tạm giam vì chính anh Bình là thủ phạm gây ra vụ tại nạn. Ròng rã qua bốn năm, 18 tháng ngồi tù và 17 lần ra tòa với ba phiên tòa của các cấp xét xử tuyên anh Bình không phạm tội, anh mới được minh oan, nhưng giờ đây quyền lợi hợp pháp, chính đáng vẫn chưa trọn vẹn.
Theo quy định nêu trên của nghị quyết, việc xin lỗi, cải chính công khai tại nơi làm việc của người bị oan cũng không phải dễ dàng thực hiện vì đôi khi lại có sự “xuất hiện” của “nhân vật thứ 3”. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Thành Hải và Nguyễn Thị Thơm. TAND TP HCM đã thống nhất sẽ xin lỗi vợ chồng họ tại nơi bà Thơm từng làm việc là Viện tim TP HCM. Theo bà Thơm, Viện Tim là nơi bà làm việc và là nơi bà “bị tổn thương và mất danh dự nhiều nhất” nên bà yêu cầu được công khai xin lỗi tại địa điểm trên. Thế nhưng vấn đề chưa thể thực hiện vì nảy sinh vướng mắc, phía Viện Tim từ chối việc xin lỗi công khai tại đây với lý do sự việc có liên quan tới một trong hai phẫu thuật chính. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM cũng không đồng ý vì theo họ, “bà Thơm không còn là người của viện”, hơn nữa vụ án lại xảy ra bên ngoài Viện Tim và khi được minh oan thì bản thân bà Thơm không chịu làm việc khác theo sự phân công của cơ quan.
Trả lời cho quan điểm trên, bà Thơm cho rằng, theo quy định, việc xin lỗi, cải chính được thực hiện công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan theo sự thỏa thuận của giữa người bị oan và cơ quan tố tụng nên Viện Tim không có lý do gì để từ chối. Việc bà không vào làm việc tại viện sau khi vụ án được làm sáng tỏ là do viện đã không bố trí bà vào công việc cũ là trưởng phòng mổ mà lại chuyển sang phòng khám quốc tế làm việc với chức danh y tá là không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không đúng theo quy định pháp luật. Bởi những rắc rối phát sinh trên, nên việc xin lỗi công khai tưởng chừng đơn giản vẫn chưa được thực hiện.
Nghị quyết 388 chỉ áp dụng để bồi thường cho những trường hợp có bản án hoặc quyết định xác định bị oan kể từ 1/7/1996 (tức ngày Bộ Luật Dân sự có hiệu lực thi hành). Đối với những trường hợp bị oan trước thời điểm đó nhưng đã có đơn yêu cầu bồi thường mà chưa được giải quyết thì vẫn được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có những trường hợp người bị oan đã nộp đơn yêu cầu bồi thường nhưng lại “quên” mất giấy biên nhận nên phải chịu cảnh “tạm xếp lại” để chờ hướng dẫn. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Trọng Long (ngụ quận Tân Bình), được trả tự do năm 1991 sau gần 3 năm bị giam oan về tội giết người, đã liên tiếp gửi hàng chục lá đơn qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến công an và VKS để yêu cầu bồi thường nhưng tất cả đều không có biên nhận. Như vậy, áp theo Nghị quyết 388 thì ông Long phải chứng minh được việc mình đã gửi đơn trước 1/7/1996 nếu không phải chờ hướng dẫn cụ thể.
Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhằm bù đắp những thiệt hại về vật chất, tinh thần cho mỗi cá nhân bị oan được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Về phía tòa án, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho biết, trước hết, cơ quan tòa án sẽ đứng ra giải quyết vụ việc, sau đó sẽ thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm từng các nhân đã “cầm cân nảy mực” làm oan người vô tội. Việc bồi thường phải dựa theo chứng cứ có tại phiên tòa, nếu xử oan do lỗi của HĐXX thì họ phải liên đới bồi thường cho người bị oan. Thẩm phán khi xét xử mà bị cấp trên hủy án do lỗi chủ quan phải làm kiểm điểm trước lãnh đạo cơ quan, nếu tái diễn sẽ bị xem xét tư cách thẩm phán, còn chủ quan xử oan phải bỏ tiền túi bồi thường. Đối với vấn đề không thỏa thuận bồi thường được, người bị oan có quyền khởi kiện ra tòa và “tòa án này sẽ đảm bảo khách quan vì không thể để người bị oan bị thiệt hại thêm một lần nữa”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan tố tụng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, vướng mắc. Làm thế nào để tinh thần Nghị quyết được thực hiện hiệu quả đang là vấn đề được đặt ra một cách thiết thực đòi hỏi phải sớm giải quyết trong thời gian tới.
SOURCE: VNEXPRESS.NET
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Trách nhiệm dân sự |
Leave a Reply