admin@phapluatdansu.edu.vn

VỤ ÁN TRANH CHẤP SỞ HỮU BA BỤI TRE

Cấp sơ thẩm tuyên ba bụi tre là của nguyên đơn, còn cấp phúc thẩm thì tuyên ngược lại…

Cách đây hơn 50 năm, ông nội của ông Hồ Thanh T. (An Nhơn, Bình Định) mua hai sào đất vườn gò có trồng 10 bụi tre. Người ông đã sử dụng thửa đất và các bụi tre này cho đến năm 1974 thì qua đời. Trước đó, ông này đã lập phân thư giao cho người cháu đích tôn Hồ Văn C. (anh ruột ông T.) toàn quyền sử dụng…

Năm 1978, thực hiện chủ trương của nhà nước, gia đình ông T. đã tự nguyện giao một phần đất vào hợp tác xã. Phần đất còn lại và 10 bụi tre gia đình ông tiếp tục sử dụng. Ông T. cho biết trong thời điểm này, ông Hồ Đình P. đã tự rào và chiếm đoạt ba bụi tre của phía nhà ông. Năm 1998, khi phát hiện ra sự vi phạm, ông đã gửi đơn khiếu nại.

Tre là của nguyên đơn

Xử sơ thẩm, TAND huyện An Nhơn cho rằng qua nhiều đợt điều chỉnh, biến động đất đai, hiện thửa đất của gia đình ông T. và ông P. được chia thành ba thửa nhỏ. Trong đó có một thửa gò mồ mả của đình ông T. do địa phương quản lý. Các bụi tre mà gia đình ông T. đang sở hữu và ba bụi tre đang tranh chấp với ông P. đều nằm trong thửa đất gò.

Tòa sơ thẩm xét thấy một số nhân chứng đã khai rõ việc mua bán, chuyển nhượng đất trước đây và họ thừa nhận có một hàng tre nằm ở phía tây thửa vườn gò. Điều này phù hợp với tập quán của nông dân thường trồng tre ở trên bờ đê, trên phần đất không canh tác được hoặc trồng trên đường đi để giữ đất chứ không ai trồng tre ở trên ruộng lúa. Qua đó xác định được rằng việc ông P. rào lấy ba bụi tre là không đúng vì các bụi tre này đều nằm trên thửa đất vườn gò của ông T. Tòa sơ thẩm quyết định gia đình ông P. phải giao lại cho gia đình ông T. ba bụi tre đang chiếm dụng.

Phải giao tre cho bị đơn

Không bằng lòng với phán quyết của tòa sơ thẩm, ông P. kháng cáo. Ngày 16-1-2008, TAND tỉnh Bình Định xử phúc thẩm bất ngờ tuyên ngược lại án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm cho rằng căn cứ để các bên tranh chấp ba bụi tre là giấy tờ mua bán đất trước đây của ông bà, cha mẹ các bên để lại. Cấp sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của nguyên đơn bảo ba bụi tre nằm trên thửa đất của mình và lời khai của các nhân chứng cho rằng hàng tre nằm trên thửa đất vườn gò để xác định ba bụi tre đang tranh chấp của nguyên đơn là không phù hợp. Bởi lẽ giấy tờ mua bán đất đai trước đây mà ông T. xuất trình không thể hiện có các bụi tre nằm trên đất.

Mặt khác, ông P. lại xuất trình “văn khế bán đoạn” giữa gia đình ông và gia đình ông T. thể hiện đất không có tre nằm trên đất. Một điểm quan trọng nữa là phía dưới “văn khế”, người bán đất (phía gia đình ông T.) có xác nhận đồng ý giao các bụi tre đang tranh chấp nằm trên vườn gò cho phía ông P. Như vậy chứng tỏ các bụi tre trên là của người bán cho gia đình người mua. Sự việc này cũng được nhiều nhân chứng ở địa phương xác nhận. Do đó, tòa khẳng định ông P. được quyền sở hữu ba bụi tre trên.

Sử dụng nhân chứng sai

Sau khi tòa tuyên án, ông T. đã gửi đơn yêu cầu cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng cấp phúc thẩm đã không khách quan, thiếu thực tế khi sử dụng lời khai các nhân chứng. Theo ông, các nhân chứng mà tòa phúc thẩm sử dụng, do phía ông P. đưa ra, đều là những người nhỏ tuổi, sinh sau thời điểm mà ông bà ông T. mua bán đất. Bản thân những nhân chứng này không biết gì về nguồn gốc đất nên không thể có hiểu biết đầy đủ về nguồn gốc các bụi tre trên. Tòa sử dụng lời khai các nhân chứng này làm cơ sở cho việc xét xử là không phù hợp. Ông đã tha thiết yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại để phía gia đình được sở hữu ba bụi tre trên…

SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=214013

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d