HỒ THẾ HÒE
Cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự có nội hàm rộng lớn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập của cơ chế xét xử vụ án dân sự và cơ chế thi hành án dân sự, từ đó đưa ra giải pháp xoá bỏ tình trạng xử lý các tranh chấp dân sự bằng biện pháp hình sự, nâng cao chất lượng xét xử và thi hành án dân sự hiện nay.
Yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự bằng tố tụng hình sự
Do những bất cập của một số quy định trong pháp luật tố tụng dân sự (thủ tục kéo dài, kết quả giải quyết khó thi hành, chưa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự) và thực tế chất lượng yếu kém trong việc Toà án xét xử một số vụ án dân sự dẫn đến thực trạng một số đương sự trong tranh chấp dân sự từ bỏ phương thức giải quyết theo trình tự, thủ tục dân sự, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp, thủ tục tố tụng hình sự với hy vọng sớm chấm dứt được sự tranh chấp.
Không ít cá nhân, doanh nghiệp đã từ bỏ phương thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp truyền thống của luật tư mà “mượn tay” các cơ quan công quyền, dùng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự (luật công) để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Cơ chế hai cấp xét xử tranh chấp dân sự
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tranh chấp dân sự được giải quyết theo cơ chế hai cấp xét xử:
– Xét xử sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân (TAND) cấp tỉnh và TAND cấp huyện (Xem hộp 1).
Hộp 1:
Việc phân định thẩm quyền Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS)( về thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) như sau:
1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.
2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Bộ luật này;
b) yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 của Bộ luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.
Việc phân định thẩm quyền Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS)( về thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) như sau:
1. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều 33 của Bộ luật này;
b) yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 Điều 33 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 33 của Bộ luật này.
2. Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 33 của Bộ luật này mà Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết
– Toà phúc thẩm TAND tối cao và TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử phúc thẩm đối với quyết định, bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Ngoài hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm như đã nêu trên, pháp luật tố tụng quy định thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm nhằm mục đích xét lại quyết định, bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm hoặc có tình tiết mới và bị kháng nghị của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. (Xem hộp 2).
Hộp 2:
Điều 291 BLTTDS quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm (áp dụng cả cho thẩm quyền tái thẩm) như sau:
1. Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị.
2. Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.
3. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà phúc thẩm, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
4. Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các cấp Toà án khác nhau được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Toà án có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Những quy định cụ thể trên đây cho thấy, ngoài chức năng xét xử vụ án theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm, TAND cấp tỉnh còn có chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài chức năng xét xử phúc thẩm, TAND tối cao còn có chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này dẫn đến tình trạng một cấp xét xử có ở nhiều cấp Toà án và ngược lại, một cấp Toà án có thẩm quyền tiến hành nhiều cấp xét xử. Ngay cả chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm ở TANDTC được thực hiện không phải chỉ một lần mà có thể hai lần.
Những bất cập của các cấp xét xử
Cơ chế xét xử vụ án dân sự nêu trên cho thấy những bất cập:
Thứ nhất, phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử. Thứ hai, mất đi ý nghĩa của thủ tục xét xử đặc biệt là giám đốc thẩm và tái thẩm. Một vụ án dân sự có thể xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần thì không thể coi là thủ tục đặc biệt.
Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng giải quyết vụ án dân sự kéo dài, thiếu hiệu quả.
Trước đây, ở TAND tối cao còn có Uỷ ban thẩm phán TAND tối cao, sau khi có Luật tổ chức TAND năm 2002 và BLTTDS thì không còn Uỷ ban này nhằm giảm bớt một cấp giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng vẫn còn bộc lộ sự bất hợp lý. Đó là việc một vụ án dân sự vẫn có thể bị xét xử tới bốn lần, trong đó có thể tới ba lần xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và kéo dài hàng chục năm (Xem hộp 3).
Hộp 3. Ví dụ:
1- Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Trương Trọng Yên và bà Nguyễn Thị Ngọc ở thị xã Yên Bái bắt đầu từ năm 1985. Ngày 21/3/1986, TAND thị xã Yên Bái xét xử sơ thẩm lần đầu, cho đến ngày 5/7/1996 tạm thời kết thúc bằng trình tự giám đốc thẩm do Uỷ ban Thẩm phán TANDTC tiến hành với tổng số 10 lần xét xử kéo dài 11 năm, trong đó có tới ba lần xét xử sơ thẩm, bốn lần xét xử phúc thẩm.
2- Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại giữa ông Nguyễn Dinh Cần và bà Ngô Thị Hà ở thị xã Ninh Bình kéo dài từ năm 1982, đến cuối năm 1995 mới tạm thời kết thúc bằng bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với tổng số mười phiên xử, trong đó có ba phiên toà sơ thẩm, ba phiên toà phúc thẩm.
Ngoài ra, những số liệu sau đây cũng phần nào nói lên bất cập của cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự:
Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về công tác của ngành Toà án và Kiểm sát tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XI thì tỷ lệ án dân sự bị cải sửa, bị huỷ khá cao: TAND cấp tỉnh tuyên huỷ 829/9.102 vụ (chiếm tỷ lệ 9,1%); sửa 3.113/9.102 vụ (chiếm 36,4%). Toà Phúc thẩm TANDTC tuyên huỷ 116/590 vụ (chiếm 19,7%) và sửa 128/590 vụ (chiếm 21,7%)1
Lượng án dân sự rất lớn bị Toà án cấp trên tuyên huỷ, sửa như trên cộng với cơ chế xét xử nhiều cấp, nhiều lần có thể kéo dài hàng chục năm là điều cho thấy sự bất cập trong hiệu quả xét xử vụ án dân sự hiện nay.
Bất cập của thi hành án dân sự
Hiệu quả thi hành án dân sự đạt được quá thấp cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng giải quyết các tranh chấp dân sự bằng biện pháp hình sự.
Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về Báo cáo công tác của ngành Toà án và Kiểm sát tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI có tới 1.700 vụ án dân sự chưa được thi hành, trong đó có 332 vụ kéo dài qua nhiều năm. Báo cáo đề cập đến trách nhiệm của Thẩm phán ra bản án, quyết định không rõ ràng, thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tế; khi cơ quan thi hành án đề nghị giải thích thì không được Toà án trả lời kịp thời cũng gây kéo dài thời gian thi hành án.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiệu quả của thi hành án dân sự chưa cao, số tài sản thi hành được chỉ đạt 15,5% trên tổng số có điều kiện thi hành. Hiện tượng tiêu cực, cố tình gây phiền hà cho nhân dân còn xảy ra khá phổ biến mà cơ quan quản lý chưa phát hiện và có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời[2].
Giải pháp
Để góp phần khắc phục tình trạng nêu trên, một giải pháp hết sức quan trọng cần phải tiến hành ngay là nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự.
Nội dung của giải pháp này trước hết cần sửa đổi các quy định của pháp luật trực tiếp điều chỉnh cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự một cách triệt để, tạo ra một cơ chế giải quyết thực sự có hiệu quả. Muốn vậy, cần phải đưa chức năng xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm tập trung về TAND tối cao.
Đây là một kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp quốc gia tiên tiến trên thế giới mà chúng ta cần phải nghiên cứu kế thừa. Theo đó, cần phải quy định cho từng cấp Toà án chỉ có một cấp thẩm quyền xét xử: xét xử sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện; xét xử phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh. Như vậy, Toà án cấp tỉnh không có chức năng xét xử sơ thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự, điều này góp phần tạo điều kiện nâng cao hiệu quả xét xử tại Toà án mỗi cấp. Đó cũng chính là chủ trương phân định rõ ràng thẩm quyền xét xử của Toà án trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
Mặt khác, cần nâng cao năng lực và hiệu quả của cơ quan thi hành án dân sự nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định của Toà án được thi hành nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng để bản án dân sự tồn đọng như hiện nay.
Trên đây là một số ý kiến bước đầu về những bất cập của cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự và phương hướng hoàn thiện nhằm khắc phục tình trạng “hình sự hoá” các tranh chấp dân sự vốn là một hiện tượng thời sự nóng bỏng ở nước ta hiện nay, tác giả xin nêu để cùng trao đổi. /.
—————————————————————————————————
1Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý Toà án nhân dân địa phương về tổ chức công tác thi hành án và công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về tội phạm số 66/UBPL ngày 12/11/2002.
2 Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 23/10/2003.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP số 52, tháng 5/2005
TRÍCH DẪN TỪ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/ban-ve-hieu-qua-xet-xu-va-thi-hanh-an-dan-su
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án, 6. Thi hành án dân sự |
Leave a Reply