TP
Ông NĐK nguyên là chủ sở hữu căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Năm 1981, trước khi xuất cảnh sang Pháp để chữa bệnh, ông K. đã làm thủ tục ủy quyền cho ông B. được thay mặt vợ chồng ông quản lý, sử dụng căn nhà trên.
Lúc đó, Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng đã ký công văn chấp thuận việc ủy quyền này.
Đến năm 1999, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với căn nhà trên theo diện “nhà vắng chủ”. Không đồng ý, ông B. đã khiếu nại… Năm 2003, Bộ Xây dựng đã có văn bản nhận định việc UBND TP xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà trên là không có cơ sở pháp luật. Bộ này đề nghị “UBND TP hủy bỏ quyết định quản lý nhà, giữ nguyên hiện trạng nhà như tại thời điểm trước đó”.
Do UBND TP cho biết sẽ thay thế quyết định quản lý nhà bằng quyết định tạm thời quản lý nhà nên Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn thêm cách thức xử lý vụ việc. Theo Bộ Tư pháp, chính quyền TP.HCM “cần giữ nguyên hiện trạng của việc thực hiện hợp đồng ủy quyền quản lý nhà cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước ngày 1-7-1991”. Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xem xét lại vụ việc theo hướng yêu cầu UBND TP “thu hồi và hủy bỏ quyết định quản lý nhà, đồng thời cũng không ban hành quyết định tạm quản lý nhà”.
Tháng 7-2003, sau khi được Thủ tướng chấp thuận đệ trình, Bộ Xây dựng đã gửi công văn đề nghị UBND TP thực hiện các nội dung trên. Tuy nhiên, UBND TP vẫn tiếp tục giữ nguyên quyết định quản lý nhà. Theo UBND TP, do không có quan hệ bà con với vợ chồng ông K. nên ông B. không thuộc đối tượng được ủy quyền nhà. Sở QLNĐ&CTCC đã làm sai khi cấp giấy phép ủy quyền nhà cho ông B.
Cuối năm 2007, UBND TP đã chính thức bác đơn khiếu nại đòi lại nhà của vợ ông K. Bởi lẽ theo Nghị quyết 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội thì nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991.
Thực ra những trường hợp bị mất nhà oan uổng như vợ chồng ông K. không phải hiếm. Khi thực hiện các quy định về cải tạo, quản lý nhà, đất được ban hành trước đây, nhiều địa phương đã “lỡ tay” quản lý sai rất nhiều căn nhà. Việc sửa sai không hề đơn giản khi hầu hết các căn nhà đều đã được bố trí sử dụng ổn định trong khoảng thời gian dài. Nhưng giá như trước đây Sở QLNĐ&CTCC kịp thời có ý kiến về đối tượng được ủy quyền để ông K. có thể thay người phù hợp. Hay giá như UBND TP sớm xem xét lại quyết định quản lý nhà như yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng…
Xem ra cả chủ cũ của căn nhà và nhiều bộ chức năng đã phải nhọc công vô ích trong việc muốn thay đổi số phận pháp lý của một căn nhà sao cho hợp tình, hợp lý hơn.
SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=212442
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply