Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Advertisements

Cuối năm ngoái, bà Ngô Phương Lan (ở 33 Lương Sử A, HN) mua một hộp đậu Hà Lan ở siêu thị Fivi Mart. Phát hiện trên hộp không ghi địa chỉ sản xuất, lại có 2 hạn sử dụng khác nhau, bà đã nhờ Văn phòng Khiếu nại ở HN can thiệp. Nhưng đến nay, chưa có một lời giải thích hay đền bù nào từ phía nhà sản xuất.

Mỗi năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phải đứng ra giải quyết khoảng 400 vụ khách hàng kiện các nhà sản xuất (trong đó các tỉnh phía nam chiếm 1/4 số vụ). Con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn trường hợp quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm.

Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch VINASTAS, rất nhiều đơn vị cố tình không chịu giải quyết cho người tiêu dùng mặc dù sai sót quá rõ ràng. Những trường hợp này hay rơi vào các ngành độc quyền, nhất là bưu điện. Năm 2000, một khách hàng ở TPHCM gọi một cuộc điện thoại sang Nhật bị tính cước thành 20 cuộc gọi, mỗi cuộc chỉ cách nhau… 20 giây. Vậy mà bưu điện vẫn khẳng định là đã tính đúng. Một khách hàng khác ở Bình Chánh (TPHCM) bị tính cước phí hàng chục cuộc gọi đến Tổng đài 1080, mỗi cuộc chỉ cách nhau vài giây. Bưu điện Bình Chánh cho nhân viên đến đối chứng. Kết quả là không thể nào thực hiện được. Nhưng cho đến nay, bưu điện vẫn không giải quyết, mỗi lần khách hàng nhắc nhở lại được trả lời… “thủ trưởng chưa có ý kiến!”.
Các hình thức xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng rất đa dạng: Sản xuất hàng nhái, hàng giả, không tuân thủ hợp đồng, bảo hành, tuyên bố những chiến dịch khuyến mãi rầm rộ nhưng không thực hiện, quảng cáo chất lượng một cách vô lối không ai kiểm soát…

Theo ông Phan, hoạt động của VINASTAS Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là do trình độ dân trí chưa cao, người tiêu dùng chưa nhận thức được các quyền lợi của mình, bị thiệt thòi mà không dám đấu tranh. Thứ hai, thói quen làm dối, làm ẩu, không trung thực với khách hàng vẫn còn phổ biến trong giới các nhà sản xuất. Các văn bản pháp luật của ta trong lĩnh vực này hoặc thiếu, hoặc còn rất yếu, ví như Pháp lệnh về Bảo vệ người tiêu dùng ra đời từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành nghị định quy định chi tiết.

Thế giới có ngày Quyền người tiêu dùng (15/3). Ở nhiều nước, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nằm trong cơ quan nhà nước (ở New Zealand, Anh là một bộ độc lập, ở Malaysia là Bộ Nội thương và những vấn đề tiêu dùng…). Còn ở Việt Nam, VINASTAS chỉ là một hội quần chúng, tập hợp những người tình nguyện và tâm huyết với lĩnh vực này. Ông Đỗ Gia Phan cũng kiến nghị nên thành lập một cơ quan trực thuộc Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

THAM KHẢO:

1. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

2. Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

SOURCE: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/ArticleDetail.aspx?ArticleID=267

Exit mobile version