admin@phapluatdansu.edu.vn

RẮC RỐI THỜI HIỆU KHIẾU NẠI

HOÀNG LAM

Thời hiệu khiếu nại được căn cứ vào thời điểm “biết được có hành vi hành chính” nhưng thế nào là “biết” thì chưa rõ.

Gia đình ông Đoàn Văn M. (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) có cả thảy mười anh em ruột. Khi cha mẹ mất, họ trở thành đồng thừa kế đối với số đất do cha mẹ để lại. Năm 1994, các đồng thừa kế lập “tờ tương phân đất”, có xác nhận của UBND xã. Theo đó, mỗi người được hưởng một phần diện tích đất tương đương nhau; còn hơn 2.500 m2 đất có căn nhà thờ thì được dùng làm đất hương hỏa.

Cấp giấy cho cá nhân

Ông Đoàn Văn C. (con trai út) được giao quyền quản lý đất hương hỏa. “Tờ tương phân đất” ghi rõ ông C. “có trách nhiệm giữ gìn và thờ phượng, không được cầm, bán hay chuyển nhượng cho người khác”. Trường hợp ông C. không bảo quản được thì gia tộc sẽ giao cho người khác trong thân tộc tiếp tục bảo quản.

Cuối năm 2005, khi ông M. nộp đơn xin sửa chữa căn nhà thờ nói trên thì mới biết ông C. đã được cấp “giấy đỏ” cho phần đất hương hỏa từ cuối năm 1998. Theo ông M., tất cả các đồng thừa kế đều không biết “giấy đỏ” mà ông C. được cấp ghi thông tin gì, tròn méo ra sao. Họ yêu cầu ông C. cho xem “giấy đỏ” nhưng ông C. kiên quyết không chịu (!?). Họ yêu cầu ông C. giao “giấy đỏ” cho một thành viên khác trong thân tộc giữ nhưng ông C. cũng không đồng ý. Không còn cách nào khác, ông M. đành nhờ các cơ quan chức năng can thiệp để ông C. giao “giấy đỏ”.

Ngày 11-5-2007, UBND xã Thới Tam Thôn tiến hành hòa giải. Chủ tịch UBND xã kết luận việc ông M. yêu cầu ông C. giao “giấy đỏ” là không chính đáng. Ông C. vẫn tiếp tục đứng tên trên “giấy đỏ”, đồng thời phải thực hiện đúng theo “tờ tương phân đất” do thân tộc lập năm 1994, tức không được cầm cố, thế chấp hay chuyển nhượng cho người khác. Theo ông M. thì trong buổi hòa giải, ông mới biết em trai mình đứng tên trên “giấy đỏ” với tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện cho các đồng thừa kế. Ngày 12-6-2007, ông M. đã gửi đơn khiếu nại về việc UBND huyện Hóc Môn cấp “giấy đỏ” không đúng đối tượng.

Huyện không giải quyết khiếu nại

Đáng lưu ý, UBND huyện Hóc Môn đã từ chối giải quyết khiếu nại của ông M. vì cho rằng thời hiệu khiếu nại đã hết. Theo tính toán của cơ quan này thì vào tháng 12-2005, ông M. biết ông C. được cấp “giấy đỏ” nhưng mãi đến tháng 12-2006, ông M. mới gửi đơn khiếu nại. Theo Luật Khiếu nại, tố cáo (được sửa đổi, bổ sung năm 2005), thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính. Thời gian từ tháng 12-2005 đến tháng 12-2006 đã quá 90 ngày.

Ông M. không đồng ý với cách tính trên của UBND huyện Hóc Môn với lý do: “Tôi biết ông C. được cấp “giấy đỏ” vào tháng 12-2005 nhưng không biết là cấp sai. Mãi đến ngày 11-5-2007, tôi mới biết việc cấp “giấy đỏ” là sai đối tượng nên mới khiếu nại. Thời điểm từ ngày 11-5-2007 (biết là cấp sai) đến ngày 12-6-2007 (nộp đơn khiếu nại) chưa quá 90 ngày”. Xem ra, lập luận của ông M. về thời điểm tính thời hiệu khiếu nại không phải không có cơ sở.

Mới đây, UBND huyện Hóc Môn tiếp tục có văn bản khẳng định khiếu nại của ông M. không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình. Nơi đây cũng đề nghị ông M. nên liên hệ với TAND huyện Hóc Môn để được giải quyết.

Điều 639 Bộ luật Dân sự quy định người quản lý di sản có nghĩa vụ “giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế”. Một luật sư cho rằng các đồng thừa kế nói trên không nên né tránh việc nộp đơn khởi kiện tại tòa án để đòi lại đất hương hỏa. Cụ thể, họ có thể ủy quyền cho một người đại diện nộp đơn đến UBND xã nơi có đất để tiến hành hòa giải. Sau khi hòa giải mà không nhất trí được với nhau, các đương sự có thể tiếp tục nộp đơn đến TAND để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.

SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=212075

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: