HOÀNG HÀ
SHTT được coi như hàn thử biểu thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế quốc gia. Nhìn vào số lượng và tính chất của các tranh chấp quyền SHTT, người ta có thể xác định được tình trạng cũng như hướng phát triển của nền kinh tế đất nước trong từng giai đoạn nhất định. Thiết lập hệ thống toà SHTT đồng nghĩa với việc tạo ra một môi trường bình đẳng cho việc giải quyết các tranh chấp về SHTT.
Tranh chấp quyền SHTT phát sinh từ các đối tượng SHTT hoặc từ các giao dịch thương mại, quá trình khai thác các đối tượng của SHTT. Về bản chất, các tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực SHTT là một dạng đặc thù của tranh chấp dân sự. Các tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực SHTT phần lớn đều là những tranh chấp phức tạp, gắn liền với các yếu tố kỹ thuật chuyên sâu, do đó, việc đánh giá bản chất tranh chấp là vấn đề không đơn giản, thậm chí ngay cả đối với các bên trong tranh chấp. Trên thực tế, có không ít tranh chấp xảy ra hoàn toàn không do chủ ý của các bên mà là do hạn chế về nhận thức đối với hành vi vi phạm của mình. Các tranh chấp quyền SHTT thường có yếu tố liên quốc gia, do tính vô hình của tài sản trí tuệ và phạm vi khai thác, sử dụng của loại tài sản này trên thực tế. Cũng xuất phát từ tính đặc thù của tài sản trí tuệ mà tranh chấp quyền SHTT thường đòi hỏi tính bảo mật rất cao.
Khi cơ chế thị trường tác động tới các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hoá thì những tranh chấp về quyền SHTT cũng gia tăng. Để tạo sự bình ổn và thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì việc giải quyết hiệu quả, công bằng, “thấu tình, đạt lý” các tranh chấp đó là điều không thể thiếu. So với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, các hình thức xử phạt của toà án đối với hành vi vi phạm dường như nghiêm khắc và có khả năng răn đe hơn cả. Tuy nhiên, hiện nay, những vụ việc vi phạm SHTT ít được đưa ra giải quyết tại toà án.
Theo số liệu thống kê từ năm 2000-2005, mỗi năm trung bình có khoảng trên 10 vụ tranh chấp quyền SHTT được giải quyết bởi hệ thống tòa án (chiếm khoảng 10% tổng số các vụ tranh chấp được giải quyết tại tòa án). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thủ tục xử lý vi phạm quyền SHTT thông qua tòa án hiện nay tốn rất nhiều thời gian và công sức; phán quyết của toà nhiều khi không thấu tình, đạt lý; mức đền bù đối khi thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế; số lượng thẩm phán hiểu biết chuyên sâu về SHTT còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, xuất phát từ những tập quán mang tính truyền thống, người Việt Nam thường không muốn đưa vụ kiện ra toà án. Chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm xuất hiện ở tòa án là điều không tốt và có thể gây tổn hại đến uy tín của cá nhân, DN. Vì vậy, các chủ sở hữu quyền SHTT bị vi phạm thường chọn biện pháp hành chính hơn là biện pháp dân sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, biện pháp xử lý hành chính không phải là biện pháp hữu hiệu để có một cơ chế thực thi quyền sở hữu trí hiệu quả. Để bảo đảm thực thi quyền SHTT, về căn bản, cần thiết phải sử dụng hệ thống tòa án chuyên trách. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam hiện nay là cần phải xây dựng cơ chế nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho hệ thống thực thi quyền SHTT. Hiện Việt Nam vẫn chưa có các toà án SHTT chuyên trách. Do tính phức tạp của các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT, các vụ kiện về sở hữu công nghiệp hiện do các toà án cấp tỉnh thụ lý và xét xử theo thủ tục chung. Nếu vụ việc có yếu tố nước ngoài thì toà án có thẩm quyền sẽ là TAND TP HCM hoặc TAND thành phố Hà Nội theo yêu cầu của nguyên đơn. Phán quyết của toà án sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị và xem xét lại bởi Toà phúc thẩm – TAND tối cao theo trình tự và thủ tục tố tụng dân sự. Thời gian để toà án thụ lý và giải quyết tại một cấp xét xử thường mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Luật SHTT được ban hành, trong hoạt động xét xử các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT dưới dạng án Hành chính, Kinh tế, Dân sự hay Hình sự, các cấp toà án đã có sự phối hợp với các cơ quan quản lý ngành. Tuy nhiên, để hoạt động giải quyết các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT thật sự hữu hiệu thì việc xây dựng hệ thống toà chuyên trách về SHTT với các thủ tục tương ứng là cần thiết.
Theo quy định hiện nay, tuỳ theo từng loại vụ việc và nội dung tranh chấp mà thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về từng Toà cụ thể trong hệ thống TAND và khi đó, mỗi toà sẽ áp dụng các quy định pháp luật tố tụng tương đương trong quá trình xét xử.
4 tòa liên quan đến các tranh chấp về quyền SHTT
* Toà Kinh tế:
Theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì Toà kinh tế có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các Hợp đồng kinh tế. Như vậy, Toà Kinh tế hiện chủ yếu giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có mục đích kinh doanh. Thông thường là hợp đồng nghiên cứu chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ.
* Toà Dân sự: Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà Dân sự giải quyết các tranh chấp về hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… Các tranh chấp thường gặp là: tranh chấp quyền tác giả; tranh chấp nhãn hiệu…
* Toà Hành chính: Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Toà Hành chính có thẩm quyền giải quyết các vụ khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật. Liên quan đến lĩnh vực SHTT, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước liên quan thì có quyền khởi kiện hành chính tại Toà án.
* Toà Hình sự: Các tội xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Chương XVI Bộ luật hình sự – các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
SOURCE:
http://dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Baoho-ThuongHieu/Bao_ve_quyen_So_huu_tri_tue_-Can_toa_chuyen_trach/
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ & CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ, Thẩm quyền của Tòa án |
Leave a Reply