THS. NGUYỄN NGỌC SƠN – ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM
Người Việt Nam mới chỉ làm quen với phương thức bán hàng đa cấp trong vài năm gần đây. Trong khi đó, các nhà làm luật và những người có trách nhiệm quản lý kinh tế của chúng ta chỉ quan tâm đến việc điều chỉnh pháp luật sau khi xảy ra hàng loạt các vụ việc lừa đảo, chiếm dụng vốn liên quan đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế – xã hội. Do chỉ được tiếp nhận từ mặt trái của hiện tượng, nhiều nhà quản lý đã gay gắt cho rằng cần phải cấm đoán triệt để việc xây dựng hệ thống kinh tiêu đa cấp. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, hệ thống này vẫn cứ phát sinh, hoạt động và lôi kéo được rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở nhiều địa phương tham gia. Do đó, vấn đề được đặt ra cho khoa học pháp lý và cho công tác xây dựng pháp luật là cần nhanh chóng nghiên cứu, thiết kế khuôn khổ pháp lý phù hợp để điều tiết có hiệu quả hoạt động này, đồng thời ngăn ngừa các toan tính sử dụng phương thức bán hàng đa cấp như một công cụ lừa đảo, xâm hại lợi ích của xã hội. Ngày 24/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, hoạt động tiêu thụ hàng hoá bằng mạng lưới đa cấp được nhìn nhận như một trong các phương thức mà các doanh nghiệp sử dụng để tìm kiếm, mở rộng vị trí của họ trên thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Với đặc thù tiếp cận từ mặt trái, pháp luật cạnh tranh của nhiều nước đã coi hành vi bán hàng đa cấp là một dạng thuộc đối tượng điều chỉnh của nó khi hành vi mang bản chất bất chính (không lành mạnh). Vấn đề cần phải làm rõ là phân tích bản chất không lành mạnh của hành vi dưới góc độ của lý luận cạnh tranh, từ đó xác định cơ chế điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, do tuổi đời còn quá non trẻ của Luật Cạnh tranh Việt Nam, nên trong quá trình thực thi cần phải có những phân tích thực tế để tìm kiếm những khúc mắc mà thị trường đặt ra, hy vọng có được những dự báo phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.
1. Bán hàng đa cấp và ý nghĩa của nó
Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, bán hàng đa cấp được hiểu là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hoá đáp ứng được các yêu cầu sau:
– Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
– Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
– Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Từ những điều trên, ta thấy hành vi bán hàng đa cấp có những dấu hiệu nhận dạng sau:
Thứ nhất, bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa . Dấu hiệu này được xem xét ở hai nội dung. Một là, nó là phương thức bán lẻ hàng hóa, nói cách khác, thông qua mạng lưới tiếp thị doanh nghiệp tổ chức bán hàng đa cấp sẽ thiết lập được mối quan hệ mua bán sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng mà không tốn phí các khoản đầu tư thành lập, duy trì mạng lưới phân phối dưới dạng cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoặc các đại lý phân phối theo pháp luật thương mại. Đồng thời, người tiêu dùng có cơ hội mua được sản phẩm từ gốc sản xuất, tránh những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phân phối như nạn hàng giả, giá cả không trung thực… Do đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa được tiếp thị và bán lẻ bằng phương thức đa cấp hoặc chỉ là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa do doanh nghiệp khác sản xuất. Hai là, bán hàng đa cấp chỉ xảy ra trong thị trường hàng hóa. Luật Cạnh tranh năm 2004 và Nghị định 110/2005/NĐ-CP đều xác định đối tượng áp dụng của hành vi này là thị trường hàng hóa mà không đặt ra đối với thị trường dịch vụ. Có thể do tính chất vô hình của dịch vụ, nên hoạt động của khu vực thị trường này còn rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ, đang được các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, một khi bán hàng đa cấp được hiểu như phương thức tiếp thị để tiêu thu, thì đương nhiên, hoạt động tiếp thị để cung ứng trong thị trường dịch vụ sẽ không thể là bán hàng đa cấp. Vì thế, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của mạng lưới tiếp thị bảo hiểm đang rầm rộ trên thị trường Việt Nam hiện nay không là bán hàng đa cấp, và cũng sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 48 Luật Cạnh tranh.
Thứ hai, doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp thị hàng hoá thông qua những người tham gia được tổ chức ở nhiều cấp khác nhau. Khi phân tích về tổ chức của mạng lưới đa cấp, cần phải làm rõ một số vấn đề sau:
– Người tham gia bán hàng đa cấp được hiểu đơn giản là những cộng tác viên trong việc tiếp thị, bán lẻ hàng hóa cho doanh nghiệp cho dù họ được gọi với những tên gọi như đại lý, nhà phân phối độc lập, trực tiêu viên… Trong hoạt động của mình, người tham gia thực hiện việc giới thiệu và bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng mà không nhân danh doanh nghiệp. Như vậy, khi giới thiệu và bán lẻ sản phẩm, doanh nghiệp đã không phải là người trực tiếp thiết lập quan hệ với người tiêu dùng mà thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia, cho nên họ độc lập trong quan hệ với khách hàng. Mặt khác, người tham gia bán hàng đa cấp không là nhân viên của doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm về hành vi của người tham gia trước khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ giới hạn trong phạm vi chất lượng sản phẩm và các thông tin liên quan đến sản phẩm do họ cung cấp.
– Khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, người tham gia không phải là các đại lý phân phối theo quy định của Luật Thương mại, không là các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp thành lập. Luật Cạnh tranh quy định người tham gia tiếp thị hàng hóa tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng mà không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hay của người tham gia. Tức là, người tham gia trực tiếp gặp gỡ người tiêu dùng để giới thiệu và bán lẻ sản phẩm, và họ không phải đăng ký kinh doanh khi tham gia bán hàng đa cấp.
– Người tham gia được tổ chức thành những cấp khác nhau theo phương thức: mỗi người tham gia tổ chức một mạng lưới phân phối mới, khi được doanh nghiệp chấp nhận. Mạng lưới mới tạo ra cấp phân phối tiếp sau cấp phân phối của người đã tạo ra chúng. Vì thế số người tham gia ở cấp sau luôn nhiều hơn so với cấp trước nó. Vô hình trung, phương thức kinh doanh này đã tạo ra một hệ thống phân phối theo hình tháp. Trong quan hệ nội bộ, người tham gia ở cấp trên có vai trò tổ chức và điều hành hoạt động của những người trong mạng lưới cấp dưới.
Thứ ba, người tham gia được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình và của người tham gia khác trong mạng lưới do họ tổ chức ra. Cách thức phân chia lợi ích như trên không chỉ kích thích người tham gia tích cực tiêu thụ hàng hóa mà còn kích thích họ tích cực tạo lập hệ thống phân phối cấp dưới .
Bán hàng đa cấp có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng như: mua được hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nên tránh được nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đối với doanh nghiệp, bán hàng đa cấp tiết kiệm được chi phí quảng cáo, cắt giảm được hàng loạt các chi phí khác như chi phí thuê mặt bằng trưng bày, chi phí vận chuyển; mặt khác do mạng lưới phân phối được tổ chức để đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng nên có nhiều thuận lợi trong việc quảng bá hàng hóa một cách trực tiếp và hữu hiệu. Bên cạnh đó, bán hàng đa cấp còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội vì cơ chế hoạt động của phương thức kinh doanh này không giới hạn số lượng người tham gia.
2. Tính không lành mạnh của hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Pháp luật của các nước tự thân nó không lên án phương thức bán hàng đa cấp. Bán hàng đa cấp chỉ bị coi là đối tượng của pháp luật cạnh tranh khi có dấu hiệu không lành mạnh.
Tại Việt Nam, trong các cuộc tranh luận về thái độ cần có của nhà nước và pháp luật đối với bán hàng đa cấp, đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải cấm hình thức truyền tiêu đa cấp bởi nó có quá nhiều khiếm khuyết và bằng chứng là những hậu quả về kinh tế xã hội mà các vụ việc liên quan đã, đang xảy ra trên thị trường. Quan điểm thứ hai đưa ra nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với bán hàng đa cấp. Theo đó, bán hàng đa cấp chỉ là cách thức được doanh nghiệp sử dụng để tiêu thụ hàng hóa, nên pháp luật chỉ cần xây dựng cơ chế kiểm soát hợp lý, đảm bảo cho nó tồn tại, phát huy hiệu quả và hạn chế các khiếm khuyết. Trong quan điểm thứ hai, cũng có những ý kiến khác nhau về lĩnh vực pháp luật điều chỉnh loại hành vi này. Có ý kiến cho rằng nên coi bán hàng đa cấp như một hành vi thương mại, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thương mại. Ý kiến này không được nhiều người ủng hộ, do bán hàng đa cấp không là một dạng hoạt động kinh doanh mà chỉ đơn giản là một phương thức tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, không thể coi nó là hành vi thương mại giống như các hành vi quảng cáo, khuyến mại, đại lý hay đại diện thương mại… Ý kiến còn lại nhận được nhiều sự ủng hộ khi đưa ra yêu cầu cần phải xây dựng một văn bản pháp luật riêng quy định về hoạt động quản lý nhà nước đối với bán hàng đa cấp, và khi có các biểu hiện không lành mạnh sẽ dùng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh. Như vậy, ý kiến này đã đặt ra nhiệm vụ phối hợp điều chỉnh giữa pháp luật quản lý hành chính về bán hàng đa cấp, trong đó xác định thủ tục đăng ký, cơ chế kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp cũng như quyền và nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan,… với pháp luật cạnh tranh – một bộ phận pháp luật đặc thù của kinh tế thị trường. Lý lẽ mà quan điểm này đưa ra là: hệ thống truyền tiêu đa cấp được xem như cách thức đặc thù để xây dựng mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Nói cách khác, mục đích của doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức bán hàng đa cấp là tạo lập vị thế cạnh tranh của mình trên thương trường. Vì vậy, nó được lý thuyết cạnh tranh xem như một thủ pháp cạnh tranh trong kinh doanh. Một khi hành vi thiết lập hoặc vận hành hệ thống bán hàng đa cấp ẩn chứa trong mình nó những toan tính thiết lập một mạng lưới phân phối ảo xâm phạm đến lợi ích của những người tham gia, của người tiêu dùng và của các doanh nghiệp khác, thì chính sách cạnh tranh coi là không lành mạnh, cần phải cấm đoán và trừng phạt. Khi đó, pháp luật cạnh tranh xuất hiện để bảo vệ trật tự và sự lành mạnh trong thị trường cạnh tranh. Trên thế giới có nhiều quốc gia quy định một số hành vi kinh doanh đa cấp bị coi là bất chính và thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh như: Luật Thương mại lành mạnh của Đài Loan, Luật Cạnh tranh của Canada… Pháp luật của Việt Nam đang theo xu hướng này.
Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, việc bán hàng đa cấp bị coi là bất chính khi đáp ứng đủ hai điều kiện: (1) thực hiện một trong các hành vi mà luật liệt kê; (2) nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới. Các hành vi được liệt kê bao gồm :
– Yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
– Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
– Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
– Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Như vậy, dấu hiệu khách quan (dấu hiệu vật chất) của hành vi bán hàng đa cấp bất chính là việc thực hiện một trong bốn hành vi trên; và dấu hiệu chủ quan của nó là mục đích thu lợi bất chính mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp mong muốn thụ hưởng. Luật Cạnh tranh của chúng ta đã sử dụng đồng thời cả hai dấu hiệu này để làm cơ sở cấu thành hành vi vi phạm. Dưới góc độ so sánh, Luật Cạnh tranh của Việt Nam có những quy định khá tương đồng với các nước trong việc mô tả dấu hiệu khách quan của hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Tuy nhiên, khi xác định các dấu hiệu chủ quan để kết luận về tính bất chínhcủa sự vi phạm, các nhà làm luật Việt Nam có cách tiếp cận rất đặc thù. Pháp luật của chúng ta xác định sự bất chính dựa vào mục đích của các hành vi vi phạm là nhằm thu lợi bất chính. Trong khi đó, pháp luật của một số nước khác như Canada, Đài Loan tập trung phân tích về bản chất gian dối của hành vi vi phạm. Trong đó các nhà làm luật ở những quốc gia này tập trung mô tả các thủ đoạn gian dối của doanh nghiệp khi đưa ra thông tin về (i) lợi ích mà những người đang tham gia được hưởng, hoặc (ii) lợi ích sẽ được hưởng khi tham gia vào mạng lưới, để từ đó thiêt lập được hệ thống phân phối đa cấp. Trở lại với các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, mặc dù Luật đã xác định tương đối rõ ràng về hành vi vi phạm và bản chất bất chính của nó, song lại chưa làm rõ được thế nào là nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo tác giả, có một số vấn đề cần bình luận khi bàn đến mục đích thu lợi bất chính. Một là, mục đích thu lợi thuộc phạm trù chủ quan, nếu coi nó là một trong hai căn cứ pháp lý để kết luận có hay không có sự vi phạm, pháp luật cần đưa ra được những dấu hiệu pháp lý cụ thể, rõ ràng, khách quan và thống nhất. Nếu không, sự suy đoán của người thực thi pháp luật khi kết luận về mục đích của hành vi sẽ làm sai lệch hiệu quả của pháp luật và dễ dàng tạo ra sự tùy tiện khi áp dụng pháp luật. Hai là, phải trả lời được câu hỏi mục đích thu lợi có nhất thiết đã đạt được hay chưa? Luật Cạnh tranh chỉ sử dụng cụm từ cấm thực hiện những hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… mà chưa trả lời được câu hỏi trên. Nếu đòi hỏi mục đích thu lợi đã đạt được, người điều tra vụ việc phải xác định chính xác, cụ thể các khoản lợi mà doanh nghiệp đã gặt hái được từ hành vi bất chính. Ngược lại, nếu không đòi hỏi mục đích đã hoàn thành, mà chỉ coi như là dự định, mong muốn của doanh nghiệp khi thực hiện hành vi, thì pháp luật cũng cần phải có cơ sở xác thực để kết luận về mục đích của hành vi, bởi mục đích mới chỉ tồn tại trong ý chí chủ quan của người vi phạm. Ba là, về nguồn gốc của các khoản lợi bất chính, Luật Cạnh tranh xác định các khoản lợi bất chính mà doanh nghiệp vi phạm có thể thu được từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới đa cấp. Tác giả cho rằng, nội dung này đã làm tối nghĩa quy định tại Điều 48 của Luật Cạnh tranh. Bởi trong bốn hành vi vi phạm mà Luật Cạnh tranh dự liệu, mỗi hành vi đều đã là nguồn gốc của những khoản lợi bất chính, ví dụ như hành vi không cam kết mua lại với giá tối thiểu bằng 90% giá đã bán cho người tham gia; hành vi bắt đặc cọc một khoản tiền mới được tham gia…, khoản tiền đặt cọc hoặc mức chênh lệch giữa giá đã bán và giá mua lại là lợi ích mà doanh nghiệp thu được. Bốn là, Luật Cạnh tranh chưa xác định được các khoản lợi bất chính mà doanh nghiệp muốn thu được là lợi ích vật chất hay phi vật chất. Xem xét các hành vi vi phạm mà Điều 48 liệt kê, có trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tốn tiền khi thực hiện hành vi, ví dụ như cho người tham gia nhận hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích vật chất khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Do đó, việc xác định các khoản lợi bất chính là vật chất sẽ không đơn giản. Tuy nhiên, nếu cho rằng lợi ích thu được là những gì khác ngoài vật chất, có lẽ việc xác định mục đích bất chính một lần nữa lại có đất sinh tồn cho sự tùy tiện và suy đoán. Năm là, bàn về tính bất chính của các khoản lợi ích. Theo Từ điển tiếng Việt, bất chính được hiểu là trái với đạo đức, không chính đáng. Xác định tính trái đạo đức, không chính đáng của các khoản lợi, người ta cần phải dựa vào nguồn gốc của chúng. Có nghĩa là, phải trả lời được câu hỏi, doanh nghiệp có thể thu được các khoản lợi từ đâu? Phân tích các hành vi mà Điều 48 Luật Cạnh tranh quy định, có thể kết luận rằng việc thực hiện hành vi vi phạm có thể đem lại cho doanh nghiệp những khoản lợi bất chính. Như vậy, nguồn gốc của các khoản lợi bất chính là những nghĩa vụ của người tham gia phải thực hiện, hoặc những thủ đoạn mà doanh nghiệp đã áp dụng khi xây dựng mạng lưới bán hàng đa cấp.
Dưới góc độ lý thuyết về cạnh tranh, sự không lành mạnh của hành vi cạnh tranh được xác định căn cứ vào khả năng gây thiệt hại của nó đối với thị trường, đối với đời sống xã hội và bản chất trái đạo đức, tập quán kinh doanh hơn là dựa vào khả năng thu lợi cho người thực hiện. Mặt khác, tự thân bốn hành vi bị cấm đoán đã bao hàm trong đó mục đích bất chính của người thực hiện. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một trong bốn hành vi đã liệt kê tại Điều 48 nói trên, đã là bán hàng đa cấp bất chính. Pháp luật không nên coi mục đích thu lợi bất chính từ việc dụ dỗ tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp là một căn cứ độc lập để xác định về sự vi phạm. Cách tiếp cận này đã được Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp sử dụng khi quy định về các hành vi bị cấm đoán. Vì vậy, xác định tính không lành mạnh của bán hàng đa cấp bất chính phải được thực hiện dựa trên việc phân tích các biểu hiện của các hành vi vi phạm; trong đó nổi bật lên các dấu hiệu về sự chiếm dụng vốn, dồn hàng cho người tham gia và lừa dối.
2.1 Bán hàng đa cấp bất chính mang bản chất của sự chiếm dụng vốn
Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Lập luận mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đưa ra để bảo vệ cho những yêu cầu của mình là các nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền của người tham gia được coi như biện pháp bảo đảm an toàn, uy tín, bình đẳng trong kinh doanh, là ràng buộc vật chất để bảo đảm người tham gia phải tôn trọng uy tín của doanh nghiệp và của sản phẩm. Tuy nhiên dưới góc độ lý thuyết, sự chiếm dụng của hành vi được lý giải thông qua các căn cứ sau: (i) Người tham gia mạng đa cấp chỉ là người tiếp thị để bán lẻ sản phẩm giúp cho doanh nghiệp. Với tư cách của mình, người tham gia tiến hành tiếp thị sản phẩm đến với khách hàng. Doanh nghiệp không ký gửi hàng hóa cho người tham gia để bán dùm. Khi người tham gia trực tiếp bán lẻ hàng hóa cho khách hàng, họ phải thực hiện theo phương thức mua đi bán lại để hưởng phần chênh lệch. Vì vậy, nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền cho việc tham gia là không có căn cứ; (ii) Bản chất của bán hàng đa cấp là người tham gia tiếp thị sản phẩm giúp doanh nghiệp và được hưởng lợi ích từ kết quả tiếp thị, bán hàng của mình và của mạng lưới do mình tổ chức ra. Do đó, quan hệ qua lại về lợi ích và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp với người tham gia thực sự chỉ phát sinh khi người tham gia thực hiện việc tiếp thị sản phẩm. Việc gia nhập mạng lưới chưa đem lại cho người tham gia bất cứ lợi ích gì, nên chưa thể ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với họ; (iii) Về bản chất, đặt cọc trong các giao dịch phát sinh trên thị trường là biện pháp bảo đảm vật chất mà các chủ thể phải thực hiện với nhau nhằm đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ; việc trả tiền là nghĩa vụ thanh toán của một chủ thể cho việc được hưởng một lợi ích ngang giá. Vì vậy, việc doanh nghiệp buộc người muốn tham gia phải thực hiện các nghĩa vụ nói trên như một điều kiện để xem xét việc có được tham gia mạng lưới hay không là trái với bản chất của việc đặt cọc hay của nghĩa vụ trả tiền trong các thương vụ. Từ các lý lẽ trên, những khoản tiền mà doanh nghiệp có được từ nghĩa vụ vô lý đã áp đặt cho người muốn tham gia là những khoản tài chính mà doanh nghiệp đã chiếm dụng được.
Nghi án về chiến lược chiếm dụng vốn trong bán hàng đa cấp là vụ việc của Công ty TNHH Thế Giới Mới, trụ sở tại số 4B2 đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội. Công ty Thế Giới Mới là công ty chuyên phân phối não bạch kim Melatonin và tảo xoắn Spirulina với tên gọi là“Thực phẩm bổ dưỡng”. Theo phương thức kinh doanh của công ty này, những người muốn tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp phải đặt một khoản tiền cọc mới có quyền tham gia đồng thời khoản tiền cọc này có sự phân biệt giữa các vùng, miền trên cả nước tùy theo mức độ hấp dẫn và phát triển của thị trường. Theo đó, những người tham gia ở các tỉnh phía Nam thì phải đặt 240 USD, còn ở phía Bắc là 120 USD tiền đặt cọc mới được cấp giấy ủy quyền làm đại lý trong một năm cùng với 3 hợp thực phẩm bổ dưỡng đi tiếp thị, mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Hợp đồng được thực hiện theo 9 đợt, mỗi đợt kéo dài 10 ngày. Sau 6 kỳ nộp tiền thì người tham gia sẽ được thưởng ở kỳ thứ bảy 33 USD; đồng thời nếu giới thiệu được hai đại lý mới sẽ được thưởng 36 USD, số tiền thưởng mỗi năm sẽ tăng lên theo số đại lý mới và doanh thu do bán sản phẩm. Nếu người tham gia nào hoàn thành các chỉ tiêu do Công ty đề ra thì ngoài việc nhận lại tiền đặt cọc, sẽ được thêm ít nhất 135 USD. Trong vòng 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng nếu người tham gia không tiêu thụ được sản phẩm nào thì Công ty sẽ hoàn trả lại 120 USD ban đầu dưới dạng “kinh phí quảng cáo theo định kỳ” và được hưởng 3 sản phẩm đã được công ty giao ban đầu. Sau đó Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng. Với những thông tin hấp dẫn đó, Công ty Thế Giới Mới đã thiết lập được một hệ thống đại lý theo kiểu bán hàng đa cấp với hơn 4000 người tham gia và số tiền đặt cọc thu về là rất lớn (trong vòng 4 tháng hoạt động từ tháng 4/2002 đến tháng 8/2002). Sau đó, với lý do các chuyên gia Trung Quốc bỏ trốn, Công ty Thế Giới Mới đã chấm dứt hoạt động và chiếm đoạt số tiền đặt cọc khổng lồ của những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của nó. Qua vụ việc, có thể thấy để những người muốn tham gia đặt cọc hoặc trả một khoản tiền nhất định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường đưa ra những mời chào hấp dẫn về thu nhập trong tương lai. Nếu bình tĩnh trước sự hấp dẫn của đồng tiền sẽ thấy doanh nghiệp không thể kham nổi với chi phí thưởng quá lớn dành cho người tham gia. Từ đó có thể thấy trước được khả năng lừa đảo để chiếm đoạt số tiền đặt cọc là rất cao.
2. 2 Bán hàng đa cấp bất chính phản ánh chiến lược dồn hàng cho người tham gia
Theo Luật Cạnh tranh, chiến lược này được thực hiện thông qua các hành vi: doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; hoặc không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hoá đã bán cho người tham gia để bán lại.
Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những người tham gia chỉ là người giúp doanh nghiệp tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm mà không phải là đại lý bao tiêu hay người tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Vì thế, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp có tính chất của hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp và người tham gia. Người tham gia không là người tiêu dùng trong giao dịch này (trừ phi họ là người có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, khi đó, họ sẽ giao kết một thương vụ khác với doanh nghiệp). Trong quá trình tiếp thị, người tham gia tìm kiếm khách hàng, sau đó mua sản phẩm từ doanh nghiệp để bán lẻ cho người tiêu dùng với mong muốn được hưởng hoa hồng, tiền thưởng… Đương nhiên, khi người tham gia bán không được hoặc bán không hết số sản phẩm đã mua, thì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải mua lại với mức giá hợp lý để không gây thiệt hại quá lớn cho người tham gia. Mức hợp lý được xác định ít nhất bằng 90% giá đã bán cho người tham gia. Tỷ lệ tối đa 10% giá đã mua mà người tham gia phải chịu (nếu không bán được hàng hóa) được coi như khoản vật chất ràng buộc hòng thúc ép họ nỗ lực thực hiện nghĩa vụ tiếp thị đã thoả thuận trong hợp đồng. Hành vi buộc người muốn tham gia phải mua một lượng hàng nhất định ban đầu để được quyền tham gia bán hàng đa cấp, hoặc từ chối mua lại sản phẩm hoặc mua với giá thấp hơn 90% giá đã bán đi ngược lại bản chất và mục đích của hệ thống kinh doanh đa cấp lành mạnh. Lúc đó, doanh nghiệp bị coi là đã thực hiện hành vi dồn hàng cho người tham gia. Việc dồn hàng cho người tham gia được hiểu là bằng hành vi của mình, doanh nghiệp đã biến người tham gia trở thành người tiêu dùng bất đắc dĩ của họ.
Vụ việc của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội là một minh chứng sống động cho trường hợp này. Căn cứ vào Báo cáo kết luận kiểm tra của Sở Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày 04/12/2003 về việc truyền tiêu đa cấp các loại thực phẩm dinh dưỡng và mỹ phẩm được nhập khẩu từ Hoa Kỳ của Công ty Lô Hội, có thể thấy: Khi Công ty yêu cầu người muốn tham gia phải mua một lượng hàng để được gia nhập vào hệ thống truyền tiêu đa cấp,người tiêu dùng đã phải bỏ số tiền lớn đi mua giá trị ảo quá cao so với giá trị thật của sản phẩm và cũng chính những người này tham gia vào mạng lưới tuyên truyền sản phẩm. Kinh doanh theo mạng trong trường hợp này đã tạo ra một tầng lớp dịch vụ ảo, thực chất người tham gia trước hưởng hoa hồng của người tham gia sau. Hậu quả nặng nề cho xã hội không chỉ về mặt kinh tế, hàng chục ngàn người hưởng hoa hồng lẫn nhau trên giá trị ảo…
2.3 Bán hàng đa cấp bất chính tập trung chủ yếu vào việc lôi kéo, dụ dỗ người tham gia
Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp không được thực hiện hành vi cho người tham gia được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo hệ thống bán hàng đa cấp truyền thống, những người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác từ hai nguồn, là: thứ nhất, từ kết quả tiếp thị, bán lẻ sản phẩm của họ; vàthứ hai, từ kết quả tiếp thị, bán hàng hóa của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do họ đã xây dựng và bảo trợ trong một phạm vi nhất định (có một giới hạn về cấp nhất định). Điều này đã giúp cho doanh nghiệp đồng thời đạt được hai mục đích: một là, khích thích người tham gia nỗ lực tiếp thị và bán hàng hóa; hai là, thúc đẩy người tham gia xây dựng, tổ chức và vận hành mạng lưới cấp dưới có năng lực và hoạt động hiệu quả. Mặc dù lợi ích có được từ hai nguồn kể trên, song tất cả đều được tính toán từ kết quả bán hàng của mạng lưới bán hàng mà người tham gia đã xây dựng (trong đó có bản thân họ); bởi lẽ hệ thống bán hàng đa cấp chỉ đơn giản là một dạng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.
Do đó, khi hệ thống bán hàng đa cấp đem lại cho người tham gia những lợi ích chủ yếu từ việc giới thiệu những người tham gia mới mà không từ kết quả tiếp thị và bán hàng của họ, thì mạng lưới đa cấp này bị coi là không bình thường. Với lợi ích được hưởng, người tham gia sẽ chỉ chú trọng đến việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp mà không nỗ lực tiến hành các hoạt động tiếp thị và bán hàng hóa. Với hành vi này, khi thiết lập mạng bán hàng đa cấp, doanh nghiệp dường như đã không quan tâm đến việc tiếp thị và tiêu thụ hàng hóa mà chỉ tìm cách tổ chức mạng lưới đa cấp. Đương nhiên, mạng lưới đa cấp này đã không có được chức năng của mạng bán hàng đa cấp được pháp luật thừa nhận. Trong thực tế, khi thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp phải bỏ ra những khoản tiền lớn để thành lập mạng đa cấp trong khi thu nhập từ việc bán hàng hóa là không đáng kể và không khống chế thế hệ, cấp bán hàng được hưởng hoa hồng, tiền thưởng. Số tiền doanh nghiệp phải trả cho người tham gia sẽ tăng dần theo cấp số lượng người tham gia mới. Lúc này, nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng về tài chính cho doanh nghiệp là tất yếu. Do đó, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để bù đắp khoản chi phí đã trả cho người tham gia. Thông thường, doanh nghiệp bán hàng đa cấp đặt ra những điều kiện về mức hàng hóa tối thiểu mà người muốn gia nhập phải mua hoặc đặt ra mức phí gia nhập đối với thành viên mới.
2.4 Bán hàng đa cấp bất chính mang tính lừa dối
Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp cung cấp những thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Việc đưa ra các thông tin gian dối có thể nhằm mục đích (i) dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia bằng cách tác động vào bản tính hám lợi của con người thông qua những thông tin về lợi ích của người tham gia đang được hưởng hoặc sẽ được hưởng nếu tham gia; (ii) thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm với những thông tin về tính chất công dụng gây ra sự nhầm lẫn để những người tham gia tiếp thị, bán hàng hóa cho người tiêu dùng. Sự lừa dối này không chỉ làm giảm uy tín của người tham gia trước người tiêu dùng mà còn đe dọa đến lợi ích chính đáng của khách hàng, của xã hội, nhất là khi những sản phẩm được tiêu thụ là sản phẩm kém chất lượng.
Liên quan đến các thủ đoạn lừa dối trong bán hàng đa cấp, có thể kể đến một số vụ việc mà báo chí cũng như các cơ quan nhà nước đã làm rõ trong những năm vừa qua. Một điều đáng lưu ý là các vụ việc có liên quan đến hành vi đưa thông tin gian dối trong bán hàng đa cấp chủ yếu tập trung vào các loại sản phẩm là thực phẩm và thuốc chữa bệnh – những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ con người. Nghi án lớn nhất được báo giới đưa tin là vụ việc những người tham gia mạng lưới truyền tiêu cho sản phẩm NONI của Công ty Tahitan Noni International tuyên truyền và phổ biến các tài liệu về sản phẩm nước trái nhàu nhãn hiệu Noni, đã được giới truyền thông đề cập đến trong tháng 5 và tháng 6/2005. Theo đó, những thông tin đã và đang được hàng chục ngàn người tham gia truyền đi trong xã hội với nội dung: cây nhàu được trồng ở đảo TAHITIAN cho trái rất tốt khác với trái nhàu ở những nơi khác vì nó được sống trong môi trường có mật độ dân số thấp và trong môi trường đất đen như ngọc trai, nước tốt, không khí trong lành. Vì thế với kết quả thử nghiệm của 16.000 người (trong đó có 160 người là bác sĩ) đã trực tiếp sử dùng thức uống dinh dưỡng TAHITIAN NONI kết quả tốt với 32 căn bệnh, trong đó có cả các bệnh nan y như ung thư, HIV, tiểu đường…, kết quả thấp nhất là 51% (với bệnh giảm đau). Những thông tin này chưa được bất cứ cơ quan hữu quan nào kiểm tra và xác định tính xác thực của nó, trong khi người dân vẫn sử dụng hòng mong chữa được bệnh tật của mình với quan niệm mang bệnh thì vái tứ phương.
Về phía cơ quan nhà nước, thời gian vừa qua dù còn nhiều lúng túng nhưng cũng đã xử lý được một số vụ việc về bán hàng đa cấp. Phần lớn các công ty bị xử lý đều có hành vi cung cấp thông tin gian dối cho khách hàng và cho người tham gia. Ví dụ, trong Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Sinh Lợi, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã kết luận: Công ty cổ phần Sinh Lợi đã có những chỉ dẫn bằng các thông tin sai lệch, thiếu trung thực, không đầy đủ cho khách hàng, người tiêu dùng…; hoặc một trường hợp khác, trong Báo cáo kết quả kiểm tra trình Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đối với hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Âu Việt Á, Giám đốc Sở Thương mại khẳng định: Công ty đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng các kiểu quảng cáo truyền miệng của mạng lưới cộng tác viên đông đảo để giới thiệu, thổi phồng quá mức các sản phẩm của Vision chữa trị được nhiều bệnh….
Từ những vụ việc nói trên, việc đưa thông tin gian dối trong bán hàng đa cấp đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, đa dạng về phương thức truyền bá thông tin. Mặt khác, do đặc thù của bán hàng đa cấp là tính truyền tiêu dưới hình thức rỉ tai, cho nên tính xã hội trong việc xây dựng mạng lưới cũng như tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Một khi có sự gian dối để lôi kéo người tham gia và lôi người tiêu thụ, hậu quả gây ra cho xã hội không ai có thể lường trước được. Vì thế, tính gian dối của thông tin và khả năng gây hậu quả của nó đối với đời sống xã hội là cơ sở thực tế để kết luận về tính bất chính của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tính độc lập trong hoạt động của người tham gia đặt ra một vài vấn đề cho việc xác định trách nhiệm. Trong bán hàng đa cấp, người tham gia tiến hành tiếp thị để bán lẻ sản phẩm một cách độc lập. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ chỉ biết đến người đã trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm cho họ, là người tham gia. Do đó, việc đổ trách nhiệm qua lại giữa người tham gia và doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất dễ xảy ra. Ví dụ, các thông tin trong tờ rơi hay tài liệu mà người tham gia phân phối sản phẩm nước trái nhàu NONI cung cấp cho người tiêu dùng không thể xác định là do người tham gia hay do doanh nghiệp bịa ra. Chỉ biết rằng, khi báo giới và cơ quan chức năng vào cuộc, người đứng đầu văn phòng đại diện của Công ty Tahitan Noni International tại Việt Nam đã phủ nhận mọi trách nhiệm, và cho rằng các thông tin nói trên do người tham gia tự nghĩ ra mà Công ty không được biết. Công ty chỉ kiểm soát số lượng sản phẩm được bán ra từ những người tham gia. Từ vụ việc này có thể thấy rằng, để kết luận về hành vi lừa dối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ không đơn giản.
3. Những vấn đề đặt ra cho cơ quan nhà nước khi đấu tranh với việc bán hàng đa cấp bất chính tại Việt Nam
Từ thực tiễn diễn biến của phương thức bán hàng đa cấp trong những năm vừa qua, tác giả có thể đưa ra một số nhận xét chủ quan như sau:
Thứ nhất, bán hàng đa cấp thường được sử dụng để tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Trung Quốc,… là những sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam chưa từng biết đến trước đó. Điều đó cho thấy, các thông tin về công dụng, về thành phần, về nguồn gốc… của sản phẩm gần như chưa từng được kiểm định trong thói quen sử dụng và trong các kết luận của giới chuyên môn. Thậm chí, có những sản phẩm mà các cơ quan chức năng chưa biết xếp vào loại nào, thực phẩm hay thuốc chữa bệnh, hoặc chưa có một tên gọi thống nhất để có thể nêu rõ được công dụng hoặc tác hại của nó. Ví dụ như các sản phẩm của Tập đoàn Vision trong vụ việc của Công ty Âu Việt Á.
Thứ hai, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay chỉ là những doanh nghiệp phân phối sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài. Nói cách khác, các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm tổ chức mạng lưới đa cấp và thực hiện việc truyền tiêu đa cấp thông qua các công ty trong nước. Thông thường, các công ty trong nước sẽ ký các hợp đồng phân phối độc quyền với công ty nước ngoài, sau đó dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài do doanh nghiệp sản xuất gửi đến, công ty phân phối của Việt Nam sẽ thiết lập mạng lưới đa cấp và đào tạo đội ngũ người tham gia cũng như thúc đẩy sự vận hành của mạng lưới này. Cách thức tổ chức theo kiểu liên kết như trên đã giúp cho các nhà sản xuất nước ngoài thoát được mọi trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ cũng như các trách nhiệm khác đối với mạng đa cấp.
Thứ ba, tính độc lập trong hoạt động của người tham gia đặt ra một vài vấn đề cho việc xác định trách nhiệm. Trong bán hàng đa cấp, người tham gia tiến hành tiếp thị để bán lẻ sản phẩm một cách độc lập. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ chỉ biết đến người đã trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm cho họ, là người tham gia. Do đó, việc đổ trách nhiệm qua lại giữa người tham gia và doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất dễ xảy ra. Ví dụ, các thông tin trong tờ rơi hay tài liệu mà người tham gia phân phối sản phẩm nước trái nhàu NONI cung cấp cho người tiêu dùng không thể xác định là do người tham gia hay do doanh nghiệp bịa ra. Chỉ biết rằng, khi báo giới và cơ quan chức năng vào cuộc, người đứng đầu văn phòng đại diện của Công ty Tahitan Noni International tại Việt Nam đã phủ nhận mọi trách nhiệm, và cho rằng các thông tin nói trên do người tham gia tự nghĩ ra mà Công ty không được biết. Công ty của họ chỉ kiểm soát số lượng sản phẩm được bán ra từ những người tham gia.
Thứ tư, hành vi bán hàng đa cấp bất chính thường sử dụng các thủ đoạn tác động đến bản tính hám lợi của người tham gia, thông thường là những khu vực dân cư có đời sống khó khăn, ít thông tin, trình độ dân trí không cao, những tầng lớp dân cư có thời gian nhàn rỗi nhiều, là những đối tượng dễ tác động và có nhiều cơ hội thực hiện việc truyền tiêu bằng biện pháp rỉ tai. Là một quốc gia có tỷ lệ nông nghiệp chiếm đa số trong cơ cấu kinh tế cũng như việc phân bố dân cư, những đối tượng nói trên chủ yếu tập trung ở nông thôn, có thu nhập không cao, đa số còn nghèo. Do đó, hậu quả xảy ra khi có sự bất chính trong bán hàng đa cấp sẽ là rất lớn đối với đời sống kinh tế – xã hội.
Từ những nhận định trên, tác giả cho rằng, để kết quả chống các hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để cạnh tranh bất chính, cần phải phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp kinh tế – xã hội khác nhau, trong đó, (i) nâng cao trình độ tiêu dùng cho người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục; (ii) cần phải có quy chế về minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm được tiêu thụ theo phương thức bán hàng đa cấp, và xác định trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể có liên quan trong việc xây dựng, truyền bá thông tin, bao gồm doanh nghiệp và người tham gia; (iii) cuối cùng, đối với những loại sản phẩm đặc biệt, có khả năng gây ảnh hưởng lớn đối với đời sống xã hội, như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng,… cơ quan quản lý kỹ thuật (Bộ Y tế…) cần có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, về chất lượng của sản phẩm; đồng thời thông tin kịp thời cho xã hội về công dụng, chất lượng và những khả năng gây hại của sản phẩm. Đối với những người tham gia, khi truyền tiêu những sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, họ không chỉ đơn giản là người bán hàng. Thực tế cho thấy, để bán được sản phẩm những người tham gia đã kiêm luôn chức năng tư vấn cho khách hàng về công dụng và cách thức sử dụng sản phẩm. Do đó, trong quản lý các lĩnh vực nhạy cảm đó, cần thiết phải đặt ra điều kiện về trình độ chuyên môn cho người tham gia.
Còn gọi là kinh tiêu đa cấp hoặc truyền tiêu đa cấp…
Gọi tắt là Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Xem khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh và Điều 3 Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Xem thêm Điều 5 Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Lợi ích kinh tế khác có thể là nhà ở, phương tiện đi lại, các chuyến du lịch…
Ở các nước, pháp luật của họ khống chế số cấp phân phối để người tham gia đầu tiên được chia lợi ích từ các cấp dưới là cấp 5 hoặc cấp 6.
Các ý kiến này được đăng tải trên website www.laodong.com.vn các số 359 ngày 25/12/2003 và số 53 ngày 22/ 2/2004.
Tại Đài Loan, ngoài các quy định tại Điều 21, 23, 24, 41, 42 Luật Thương mại lành mạnh, họ còn ban hành văn bản pháp luật riêng để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp là Bản quy định giám sát bán hàng đa cấp.
Luật Cạnh tranh được Quốc hội Nước CHXNCH Việt Nam khoá IX thông qua ngày 03/12/2004, có hiệulực ngày 01/ 07/2005.
Điều 48 Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2004, Điều 7 Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Tác giả chỉ sử dụng cụm từ khá tương đồng vì ở nhiều nước hành vi quảng cáo hay khuyếch trương hệ thống đa cấp ảo cũng bị coi là bất chính.
Có thể tham khảo Điều 55 và 55.1 Luật Cạnh tranh Canada.
Xem thêm Bộ Thương mại Việt Nam – cơ quan phát triển quốc tế Canada, Luật Cạnh tranh Canada và bình luận, 2004, tr. 95 – 96.
Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, năm 1997, tr. 47.
Xem Điều 7 Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 về quản lý bán hàng đa cấp.
Các thông tin về vụ việc trên được lấy từ: http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2003/09/3B9CBC5C/
Báo cáo số 4283/BC-TM-TTr của Sở Thương mại trình Thường trực Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh ngày 04/12/2003, tr. 5.
Xem khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh.
Tác giả trích trực tiếp tài liệu được cung cấp từ người tham gia mạng lưới đa cấp của Công ty.
Sự việc này đã được báo chí đưa tin trong khoảng thời gian cuối năm 2004.
QĐ số 622/QĐ-UB ngày 14/0 2/2005 của UBND TP HCM về xử lý vi phạm hành chính đối với công ty Sinh Lợi; và Báo cáo kết quả thanh tra Công ty Âu Việt Á, ngày 29/9/2004.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3 (34) NĂM 2006
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 2. Chủ thể kinh doanh, 3. Hợp đồng thương mại, 6. Pháp luật cạnh tranh |
Leave a Reply