admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐIỀU CHỈNH QUI ĐỊNH VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ

MINH NHẬT

Trong định hướng đến năm 2012, Nhà nước đã tính đến việc xây dựng quỹ nhà để phục vụ Việt kiều và người nước ngoài tại Việt Nam. “Người có quốc tịch Việt Nam, người vẫn còn quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam đều được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã khẳng định như vậy khi cho biết, Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 90/2006/CP-NĐ ngày 6/9/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Ông Nam cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/CP-NĐ, một số vướng mắc đã phát sinh, cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với thực tế. Cụ thể, về vấn đề Việt kiều sở hữu nhà trong nước, Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung một số quy định liên quan đến các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ quy định, giải thích rõ những đối tượng nào được sở hữu nhà trong nước theo Luật Nhà ở. “Nghị định sửa đổi lần này không chỉ hướng dẫn cụ thể Luật Nhà ở về vấn đề mua nhà của bà con Việt kiều, mà còn điều chỉnh cả quy định về quyền sở hữu nhà ở thông qua việc tặng, cho, nhận thừa kế nhà ở của người Việt Nam định cư tại nước ngoài nữa”, ông Nam nói.
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam), thì đương nhiên họ có các quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam sinh sống ở trong nước. Do vậy, người có quốc tịch Việt Nam và kể cả người mang hộ chiếu nước ngoài, nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam cũng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước (không hạn chế về số lượng nhà ở được sử hữu). “Có như vậy, mới bảo đảm tính công bằng, hợp lý trong việc áp dụng pháp luật. Đa số các bộ được gửi xin ý kiến đều nhất trí cho rằng, hướng giải quyết như trên là phù hợp”, ông Nam nhấn mạnh.
Riêng những người định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam, theo quy định của Luật Quốc tịch là những người đã từng có quốc tịch Việt Nam; người có một trong những đối tượng là cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam. Đối với những đối tượng này, ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng cũng đề nghị được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng sẽ bị khống chế ở mức độ một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư.
Vấn đề xác định như thế nào là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam cũng đã được Bộ Xây dựng dự thảo rõ. Cụ thể, đối với người có quốc tịch Việt Nam, ngoài trường hợp người định cư ở nước ngoài vẫn mang hộ chiếu của Việt Nam, thì trường hợp người mang hộ chiếu nước ngoài, nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam được xác định bằng các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận đăng ký công dân; bản sao trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; bản sao trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo tìm hiểu của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, gồm cả những người định cư lâu dài, những người sang nước ngoài học tập, sinh sống trong một thời gian nhất định… Ông Nam nhận xét: “Thống kê sơ bộ đến lúc này, lượng bà con Việt kiều cũng như người nước ngoài có nhu cầu và đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam không lớn. Do vậy, dự báo cũng không tác động nhiều đến việc tăng quỹ nhà ở cho các đối tượng này”.
Mặt khác, cũng theo ông Nam, rất nhiều dự án nhà ở của chúng ta đang triển khai xây dựng, bình quân hàng năm tại các đô thị trên cả nước xây dựng được 35 triệu m2 sàn nhà ở và còn tăng nhanh trong thời gian tới. Như vậy, trong định hướng nhà ở đến năm 2012, Nhà nước cũng đã tính đến việc xây dựng quỹ nhà để phục vụ bà con Việt kiều và người nước ngoài tại Việt Nam.
Việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Cụ thể hoá chủ trương này, nhiều quy định cởi mở, thông thoáng đã được các cơ quan chức năng ban hành. Ông Nam cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ sớm được Chính phủ xem xét thông qua, đồng thời khẳng định: “Những ai là chủ sở hữu nhà ở đều được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu, Luật Nhà ở không phân biệt nhân thân chủ sở hữu là ai: người trong nước hay Việt kiều định cư tại nước ngoài… nếu được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và thực tế là chủ sở hữu của căn nhà đó, thì đều được Nhà nước bảo hộ như nhau”.

SOURCE: http://www.vir.com.vn/Client/Dautu/dautu.asp?CatID=6&DocID=15896

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading