admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP DO TỪ CHỐI NHẬN HÀNG

VŨ ÁNH DƯƠNG

Các bên

  • Nguyên đơn: Người bán Singapore
  • Bị đơn: Người mua Việt Nam

Các vấn đề được đề cập

  • Việc từ chối nhận hàng của bị đơn
  • Số tiền thiệt hại do nguyên đơn đòi bồi thường
  • Việc giao hàng chậm của nguyên đơn
  • Số tiền thiệt hại do bị đơn kiện lại đòi bồi thường

Tóm tắt vụ việc:

Nguyên đơn và bị đơn đã ký hợp đồng ngày 29/6/1994, theo đó nguyên đơn bán cho bị đơn giấy gói kẹo có in nhãn và tên cụ thể theo điều kiện CIF Hải Phòng: giao hàng từng đợt. Mở L/C và giao hàng đợt một: theo Annex 1. Mở L/C và giao hàng đợt hai và các đợt khác: Bị đơn sẽ thông báo cho nguyên đơn bằng Telex hoặc Fax. Thời gian giao hàng là 20 ngày sau khi mở L/C.

Sau hai đợt giao hàng, ngày 11/2/1995 nguyên đơn fax cho bị đơn là đã sản xuất xong lô hàng trị giá 77.705 USD và yêu cầu bị đơn mở L/C để giao hàng tiếp. Ngày 17/5/1995, bị đơn telex đồng ý nhận lô hàng đó làm hai lần: lần đầu vào giữa tháng 6/1995 còn lần hai thì sau lần đầu. Nhưng ngày 19/6/1995, bị đơn lại điện cho nguyên đơn từ chối nhận lô hàng nêu trên với lý do là kẹo không bán được trên thị trường Hà Nội, số lượng kẹo đã sản xuất của bị đơn rất lớn, dây chuyền sản xuất kẹo ngừng hoạt động nên không thể nhập khẩu giấy gói kẹo nữa. Vì vậy, lô hàng của nguyên đơn vẫn nằm lại trong kho. Ngày 31/12/1996, nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn bồi thường thiệt hại gồm: 83.185 USD trị giá lô hàng đã được sản xuất xong chờ để giao nhưng bị từ chối nhận; 39.989 USD trị giá số nguyên liệu dự trữ trong kho nhằm thực hiện hợp đồng; 20.000 USD chi phí chung như chi phí pháp lý, chi phí cho mất thời gian.Sau khi nhận được đơn kiện, bị đơn kiện lại nguyên đơn về việc nguyên đơn giao hàng chậm đợt một và đợt hai. Thời hạn giao hàng đợt một chậm nhất ngày 22/8/1994 nhưng nguyên đơn đã không thực hiện đúng. Lô hàng cuối cùng của đợt một đến Hải Phòng ngày 9/11/1994, hơn nữa, hàng bị giao thiếu là 5.820 USD. Nguyên đơn giải thích rằng theo thoả thuận sau khi mở L/C mới cho sản xuất hàng nên xin cáo lỗi về sự chậm trễ và giao hàng thiếu. Thời hạn giao hàng đợt hai chậm nhất ngày 25/2/1995 nhưng mãi đến ngày 7/4/1995 hàng mới về đến Hải Phòng, đồng thời hàng bị giao thiếu trị giá 11.641 USD và giao không đồng bộ. Bị đơn đòi nguyên đơn bồi thường do hàng giao chậm gây thiệt hại cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là: Đợt một: 398.862.000 VND theo Biên bản xác định tổn thất được lập giữa bị đơn và XN sản xuất kẹo trực thuộc bị đơn. Đợt hai: 502.585.000 VND theo Biên bản xác định tổn thất được lập giữa bị đơn và XN sản xuất kẹo.

Phán quyết của trọng tài: 1. Về việc từ chối nhận hàng của bị đơn:

Để tiến hành mở L/C và giao hàng đợt ba, hai bên phải ký kết Annex 3. Tuy hai bên chưa ký Annex 3, nhưng bằng fax ngày 11/4/1995, nguyên đơn đã đề nghị giao lô hàng đợt ba và bằng telex ngày 17 /5/1995, bị đơn đã đồng ý mua lô hàng này và nhận hàng giao hai lần. Như vậy, có thể kết luận là giữa các bên đã có thoả thuận mua lô hàng thứ ba. Từ đó, bị đơn phải có nghĩa vụ mở L/C và nhận lô hàng này. Việc bị đơn từ chối nhận lô hàng đợt ba bằng telexlà vi phạm thoả thuận mua bán đợt ba giữa hai bên. Lý do mà bị đơn nêu ra để từ chối nhận hàng không được UBTT chấp nhận là căn cứ miễn trách nhiệm bởi vì kẹo không bán được trên thị trường Hà Nội, số lượng kẹo do bị đơn sản xuất ra còn rất lớn, dây chuyền sản xuất kẹo ngừng hoạt động không phải là trường hợp bất khả kháng và cũng không phải do lỗi của nguyên đơn gây nên. Từ đó, bị đơn phải có trách nhiệm bồi thườngcho nguyên đơn thiệt hại phát sinh.

2.Về số tiền thiệt hại NĐ đòi: Về 83.185 USD là giá trị lô hàng bị từ chối nhận:Tuy nhhiên, NĐ không chứng minh thiệt hại thực tế phát sinh, không cung cấp các chứng từ làm bằng chứng cho thiệt hại mà coi trị giá lô hàng bị từ chối nhận là thiệt hại để đòi BĐ bồi thường.Nhưng trong trường hợp này giấy gói kẹo được sản xuất ra đã mang nhãn, tên cụ thể nên NĐ không thể bán cho ai khác, bởi không ai có thể sử dụng được, trừ BĐ. Vì thế, NĐ có quyền đòi BĐ trả tiền toàn bộ trị giá lô hàng với điều kiện là NĐ phải giao lô hàng đó cho BĐ. Vì lô hàng còn đang nằm trong kho của NĐ nên UBTT quyết định buộc BĐ bồi thường cho NĐ trị giá lô hàng là 77.705 USD chứ không phải là 83.185 USD như NĐ đòi, đồng thời buộc NĐ phải giao lô hàng ứng với 77.705 USD theo điều kiện CIF Hải Phòng trừ khi BĐ không muốn nhận nữa. Về số nguyên liệu dự trữ trong kho: Theo bản fax ngày 15/9/1996 của NĐ gửi cho BĐ thì số nguyên liệu có trị giá 39.989 USD đã được NĐ dùng vào sản xuất ra thành phẩm có trị giá là 77.705 USD nhưng chưa giao được. Như vậy, trị giá của số nguyên liệu này đã nằm trong trị giá của lô hàng bị từ chối nhận, do đó NĐ không có căn cứ hợp lý để đòi bồi thường số tiền này. Từ đó, UBTT bác yêu cầu đòi bồi thường của NĐ. Về chi phí chung: Chi phí pháp lý cho vụ kiện như chi phí tư vấn pháp lý, chi phí thuê luật sư, NĐ có quyền đòi BĐ bồi thường nhưng đã không xuất trình các chứng từ chứng minh, cũng không chỉ ra được chi phí cụ thể là bao nhiêu trong số 20.000 USD. Chi phí do mất thời gian là chi phí gì, gồm bao nhiêu. Do vậy, UBTT bác yêu cầu đòi bồi thường chi phí chung.

3.Về việc giao hàng chậm của NĐ: NĐ đã giao chậm cả lô hàng theo Annex (giao chậm đợt một), hơn nữa còn giao thiếu hàng trị giá 5.820 USD. Tại phiên họp xét xử, NĐ trình bày nguyên nhân giao hàng chậm là do BĐ đề nghị tăng lượng hàng. UBTT không chấp nhận vì NĐ không có văn bản đồng ý tăng số lượng và hai bên cũng không sửa đổi số lượng của Annex 1. Vì vậy, NĐ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc giao hàng chậm gây ra. NĐ đã giao chậm lô thứ hai (thuộc đợt hai) là 24 ngày, giao thiếu hàng trị giá 11.641 USD, nhưng không chứng minh được là đã có căn cứ miễn trách thì NĐ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại phát sinh.

4.Về 398.862.000 VND do giao chậm và giao thiếu hàng đợt một: UBTT xác định được rằng việc giao chậm và giao hàng thiếu của NĐ chỉ làm cho BĐ ngừng sản xuất trong 6 ngày, không sản xuất được 11.720 kg kẹo để giao đủ cho khách hàng nội địa. Từ đó, UBTT tính số tiền thiệt hại thực tế, hợp lý mà BĐ đang phải chịu là 57.380.200 VND và quyết định buộc NĐ phải bồi thường số tiền này cho BĐ.Về 502.585.000 VND do giao chậm và giao thiếu hàng đợt hai: UBTT xác định rằng việc giao hàng chậm và giao thiếu hàng của NĐ làm cho BĐ không thực hiện được kế hoạch SX và tiêu thụ trong thời gian 30 ngày, không sản xuất được 47.620 kg kẹo để giao cho khách hàng nội địa. UBTT quyết định buộc NĐ phải bồi thường cho BĐ 227.197.000 VND và bác các yêu cầu còn lại của BĐ.

Bình luận và lưu ý: Khi vi phạm hợp đồng, bên vi phạm luôn nêu ra các lý do để thoái thác trách nhiệm, kể cả lý do chủ quan và khách quan. Do vậy, bên bị vi phạm phải căn cứ vào hợp đồng và luật áp dụng cho hợp đồng để bác những lý do đòi miễn trách không xác đáng. Chỉ khi nào việc vi phạm hợp đồng do chính những căn cứ miễn trách được qui định trong hợp đồng hoặc trong luật gây nên thì bên vi phạm mới được miễn trách nhiệm.

SOURCE:

http://www.dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Diendan-Luatphap/Tranh_chap_do_tu_choi_nhan_hang_Phan_2/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d