Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRANH CHẤP DO GIAO HÀNG CÓ KHUYẾT TẬT

Advertisements

VŨ ÁNH DƯƠNG

CÁC BÊN:

Nguyên đơn: Người mua VN

Bị đơn: Người bán Hàn Quốc

Các vấn đề được đề cập:

Hàng hoá được giao có khuyết tật không?

Thay thế hàng hay trả lại hàng, đòi lại tiền

Tính toán thiệt hại

Tóm tắt vụ việc:

Ngày 3/8/1997 nguyên đơn và bị đơn đã ký hợp đồng mua bán quốc tế số 0014/97, theo đó nguyên đơn mua của bị đơn hai máy thêu trị giá 136.000 USD theo điều kiện CIF cảng TP HCM, bảo hành 12 tháng sau khi hoàn thành lắp đặt. Thực hiện hợp đồng, ngày 16/8/1997 bị đơn đã giao hai máy thêu cho nguyên đơn, máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, máy có nhiều hỏng hóc, bị đơn đã cử chuyên gia sang VN sửa chữa nhưng không thành công. Bị đơn cam kết sẽ sửa chữa xong vào ngày 4/4/1998 và sẽ bồi thường 29.202 USD cho 40 ngày máy ngừng hoạt động nhưng sau đó bị đơn chỉ bồi thường 4.302 USD và không tiếp tục sửa chữa máy nữa. Nguyên đơn đã trưng cầu SGS VN giám định tình trạng hai máy thêu. Biên bản giám định ngày 1/9/1998 của SGS ghi: “hai máy không thể sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của nguyên đơn”. Do máy ngừng hoạt động, nguyên đơn đòi bị đơn đổi hai máy mới và bồi thường thiệt hại phát sinh cho nguyên đơn. Trong Văn thư gửi nguyên đơn ngày 12/2/1999, bị đơn cho rằng: nguyên đơn đã đơn phương mời SGS VN làm giám định nên kết quả không ràng buộc bị đơn.

Ngày 15/10/1998 nhân viên của bị đơn đến thăm phân xưởng của nguyên đơn thì thấy một trong hai máy vẫn hoạt động. Vì vậy, bị đơn đề nghị cho trưng cầu giám định bởi một Cty giám định quốc tế, đồng thời bị đơn chấp nhận đề nghị của nguyên đơn về việc đổi hai máy. Ngày 18/4/1999 bị đơn thông báo cho nguyên đơn việc tái giám định sẽ được tiến hành từ ngày 22 đến ngày 28/4/1999 bởi Vinacontrol có sự chứng kiến của luật sư A của nước nguyên đơn. Nguyên đơn không phản đối. Ngày 28/4/1999 Vinacontrol cấp Biên bản giám định số 095/1999G, trong đó kết luận máy bị hỏng hóc, tình trạng lắp ráp, căn chỉnh hai máy chưa hoàn tất, vào thời điểm giám định, cả hai máy đều không thể vận hành được. Ngày 4/5/1999 nguyên đơn kiện bị đơn ra trọng tài, đòi: Trả lại hai máy thêu, lấy lại tiền. Bồi thường thiệt hại, gồm: Chi phí nhân công trong thời gian máy ngừng hoạt động; Lãi suất trên số tiền hàng 136.000 USD kể từ ngày thanh toán đến ngày Trọng tài xét xử; Chi phí giám định trả cho SGS VN; Thiệt hại do mất khách hàng, thiệt hại mất doanh thu, thiệt hại tinh thần.

Phán quyết của Trọng tài:

Việc bị đơn giao hai máy có khuyết tật máy bị hư hỏng trong thời hạn bảo hành và sau đó không vận hành được đã được chứng minh bởi các bằng chứng sau:

Thứ nhất, bị đơn đã cam kết sửa chữa xong hai máy vào ngày 4/4/1998 và sẽ bồi thường 29.292 USD cho 40 ngày máy không hoạt động được, thực tế đã bồi thường 4.302 USD. Thứ hai, bị đơn đã đề nghị và trực tiếp chỉ định Vinacontrol giám định lại hai máy, kết quả giám định trong Biên bản giám định là máy hỏng hóc, hai máy không vận hành được và bị đơn không hề phản đối kết quả này, tức thừa nhận máy hỏng hóc. Thứ ba, bị đơn đã chấp nhận đề nghị đổi máy hỏng hóc bằng hai máy đúng phẩm chất. Việc này chứng tỏ bị đơn đã công nhận hai máy kém phẩm chất, không sử dụng được.

Trọng tài kết luận bị đơn giao hai máy có khuyết tật và phải chịu trách nhiệm trước nguyên đơn về việc này.

Về yêu cầu trả lại hai máy, đòi lại tiền hàng của nguyên đơn:

Trọng tài không chấp nhận yêu cầu trả lại hai máy, đòi lại tiền hàng của nguyên đơn, mà quyết định buộc bị đơn phải thay thế hai máy mới phù hợp với quy định của Hợp đồng cho nguyên đơn và phải chịu các chi phí thay thế.

Về tiền thiệt hại do nguyên đơn đòi bồi thường. Trọng tài thừa nhận các thiệt hại sau đây và buộc bị đơn phải bồi thường: Chi phí nhân công trong thời gian hai máy ngừng hoạt động, vì máy ngừng hoạt động, công nhân không có việc làm, nguyên đơn vẫn phải trả lương cho số công nhân này; Lãi suất của 136.000 USD tính cho thời gian kể từ ngày máy ngừng hoạt động cho đến ngày trọng tài xét xử. Trọng tài coi đây là khoản thiệt hại do đọng vốn vì không sử dụng được máy. Thời gian kể từ ngày thanh toán cho đến ngày máy không vận hành được không tính lãi suất; Chi phí giám định trả cho SGS Việt Nam. Vì khuyết tật của máy phát sinh trong thời gian bảo hành, làm cho máy móc không hoạt động được, buộc nguyên đơn phải mời SGS làm giám định, kết quả là máy có khuyết tật, không vận hành được. Bị đơn phải thay thế máy, cho nên bị đơn phải bồi thường chi phí giám định cho nguyên đơn. Trọng tài bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại do mất khách hàng, thiệt hại mất doanh thu, thiệt hại tinh thần, bởi vì đây không phải là thiệt hại tài sản trực tiếp thực tế, không phải do máy móc có khuyết tật trực tiếp gây ra.

Bình luận và lưu ý:

Khi có khiếu nại của người mua về vấn đề như trên, người bán trước hết bằng chi phí của mình phải sửa chữa khuyết tật, thay thế các linh kiện, bộ phận để làm cho máy móc thiết bị hoạt động bình thường. Nếu không sửa chữa được khuyết tật, thì người bán buộc phải thay thế máy móc thiết bị hoặc nhận lại máy móc thiết bị, trả lại tiền. Trong trường hợp người bán có thể thay thế máy móc thiết bị có khuyết tật bằng máy móc thiết bị có phẩm chất đúng như quy định của hợp đồng và đồng ý phương án này, thì phải tạo điều kiện cho người bán thực hiện. Vì vậy, việc Trọng tài không chấp nhận yêu cầu của bị đơn đòi trả lại hai máy, lấy lại tiền hàng mà quyết định buộc bị đơn phải thay thế hai máy là phù hợp với pháp luật và thực tế.

Việc máy móc không vận hành được, phải thay thế làm phát sinh thiệt hại cho người mua, thì người bán phải có trách nhiệm bồi thường. Những thiệt hại đó phải phát sinh trong thời gian máy không hoạt động được và trong thời gian thay thế. Từ đó, những chi phí đã chi ra khi chưa nhận máy, trong khi nhận máy, trong thời gian máy vận hành được sẽ không được bồi thường, vì đây không phải là thiệt hại trực tiếp của việc máy không vận hành được và của việc thay thế máy. Nếu người bán chấp nhận trả lại tiền hàng, lấy lại máy có khuyết tật thì lúc đó người mua mới có quyền đòi bồi thường tất cả các chi phí đã chi ra để mua máy nhưng cuối cùng lại không có máy.

Theo pháp luật VN và pháp luật các nước, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng dân sự, cũng như hợp đồng thương mại là trách nhiệm tài sản, tức là trách nhiệm vật chất. Bên vi phạm hợp đồng không chịu trách nhiệm tinh thần. Vì vậy, khi đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì không được đòi bồi thường thiệt hại tinh thần, nếu có đòi thì toà án, trọng tài cũng bác.

SOURCE: http://www.dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Diendan-Luatphap/Tranh_chap_do_giao_hang_co_khuyet_tat_Phan_1/

Exit mobile version