admin@phapluatdansu.edu.vn

GỠ VƯỚNG CHO LUẬT NHÀ Ở

MINH NHẬT – BÁO ĐẦU TƯ

Mặc dù Luật Nhà ở đã có những quy định nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, thế nhưng đến nay, Bộ Tài chính mới có văn bản hướng dẫn các ưu đãi về thuế để áp dụng cho trường hợp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội khác, thì chưa có chính sách ưu đãi về thuế.

Hiện nhiều địa phương kiến nghị nên cho phép áp dụng các ưu đãi về thuế đối với các đối tượng tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Trong tờ trình Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng, vấn đề ưu đãi thuế trong xây dựng nhà ở xã hội đã được Luật Nhà ở quy định, nếu Chính phủ không có hướng dẫn ngay, thì sẽ không thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị nên quy định cụ thể chính sách ưu đãi về thuế vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở lần này.

Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị, các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội được ưu đãi thuế thu nhập DN với mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động cho thuê, thuê mua nhà ở; được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Trong trường hợp nhà ở đó được tính vào tài sản cố định của chủ đầu tư dự án, thì chủ đầu tư được khấu trừ toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Về lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, theo Bộ Xây dựng, mặc dù quy định cụ thể các mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng Điều 49 Nghị định 90/2006/NĐ-CP lại chưa có quy định về cơ chế sử dụng khoản lệ phí này, gây ra các quy định khác nhau về cơ chế sử dụng khoản kinh phí này tại các địa phương.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không giống với nhiều công việc có thu lệ phí khác (bao gồm nhiều phần việc cần phải chi phí như: đi xác minh thực tế, thuê đo vẽ, mua giấy chứng nhận, văn phòng phẩm…). Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị trong Nghị định sửa đổi lần này nên có quy định cho phép các địa phương được dùng toàn bộ khoản lệ phí trên để phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận. Nếu cơ quan cấp giấy không sử dụng hết khoản kinh phí trên, thì phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 51 Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định về các trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tại điểm a, khoản 2, Điều 13 Luật Nhà ở cũng đã quy định Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không còn giá trị pháp lý khi nhà ở bị tiêu hủy hoặc phá dỡ. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung nêu trên là chưa phù hợp với thực tế, bởi có nhiều trường hợp nhà và đất đều cùng một chủ mà chỉ bị tiêu hủy, phá dỡ một phần hoặc chỉ bị tiêu hủy, phá dỡ phần nhà, thì chủ sở hữu vẫn có quyền sử dụng Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp để chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hợp pháp còn lại của mình. Đối với trường hợp nhà ở chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, nhưng nhà ở đó chỉ bị thu hồi, phá dỡ một phần thì họ vẫn được cấp Giấy chứng nhận đối với phần còn lại…
Để bảo vệ quyền lợi cho các chủ sở hữu nhà ở và thống nhất việc xử lý hậu quả trong trường hợp nhà đất bị tiêu hủy, thu hồi hoặc phá dỡ, Bộ Xây dựng nhận thấy ý kiến nêu trên là hợp lý, nên đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 51 Nghị định 90/2006/NĐ-CP theo hướng chia làm các trường hợp khác nhau để giải quyết.

Cụ thể, trong trường hợp nhà ở chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, nhưng bị tiêu hủy do thiên tai hoặc bị thu hồi, phá dỡ toàn bộ thì không được cấp Giấy chứng nhận. Nếu bị phá dỡ hoặc bị tiêu hủy một phần, thì chủ sở hữu được cấp Giấy chứng nhận đối với phần còn lại; trường hợp cả nhà và đất cùng một chủ và đã được cấp Giấy chứng nhận, nhưng bị tiêu hủy do thiên tai hoặc bị thu hồi toàn bộ, thì Giấy chứng nhận đã cấp không còn hiệu lực pháp lý. Nếu chỉ có phần nhà bị tiêu hủy hoặc bị phá dỡ thì Giấy chứng nhận đã cấp vẫn còn giá trị pháp lý để chứng minh có quyền sử dụng đất hợp pháp gắn với nhà ở đó.

Trong trường hợp nhà và đất cùng một chủ mà chỉ bị tiêu hủy hoặc bị thu hồi một phần, thì chủ sở hữu được cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc được điều chỉnh trong Giấy chứng nhận đã cấp đối với phần còn lại; trường hợp nhà và đất khác chủ mà chỉ có nhà ở bị tiêu hủy hoặc bị phá dỡ, thì phần nhà ở được xử lý theo hướng nêu trên; phần đất được xử lý theo pháp luật về đất đai.

TRÍCH DẪN TỪ ĐỊA CHỈ:

http://vietnamese-law-consultancy.com/vietnamese/content/browse.php?action=shownews&category=&id=47&topicid=1525

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d