admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CÁC QUI ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM VÀ CÔNG CHỨNG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

PHÒNG PHÁP CHẾ – NGÂN HÀNG CPTM NHÀ HÀ NỘI

      A. Đánh giá tác động của quá trình hoàn thiện pháp luật bảo đảm tiền vay đối với hoạt động của ngân hàng

      Trong vòng một thập kỷ từ khi Bộ luật Dân sự 1995 được ban hành, lĩnh vực pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có những cải cách không ngừng, đến nay về cơ bản đã hình thành khung pháp lý về hoạt động giao dịch bảo đảm, về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng (TCTD).

      Sau Bộ luật Dân sự 1995, việc ban hành các nghị định về giao dịch bảo đảm, bảo đảm tiền vay, đăng ký giao dịch bảo đảm là các mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các văn bản này đã bộc lộ không ít bất cập như: mâu thuẫn trong quy định về giao dịch bảo đảm giữa Bộ luật dân sự và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, sự song hành tồn tại của 2 quy chế về giao dịch bảo đảm áp dụng đối với các chủ nợ nói chung và đối với tổ chức tín dụng nói riêng (Nghị định 165/1999/NĐ-CP và Nghị định 178/1999/NĐ-CP) gây khó khăn khi lựa chọn luật áp dụng; các hạn chế đối với TCTD khi nhận tài sản bảo đảm là động sản, hàng lưu kho, tài sản hình thành trong tương lai; quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch chưa thực sự được tôn trọng; thứ tự ưu tiên thanh toán không rõ ràng…       Để khắc phục phần nào các bất cập và hoàn thiện hơn pháp luật về giao dịch bảo đảm, Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/12/2006 được ban hành. Các văn bản này đã giải quyết các khúc mắc của các bên nhận tài sản bảo đảm nói chung và các TCTD nói riêng với các quy định tiến bộ về trình tự, thủ tục thiết lập bảo đảm; quyền tự do thỏa thuận cho các chủ thể tham gia giao dịch được mở rộng; thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các loại chủ nợ khác nhau được xác định rõ.v.v. Tuy nhiên, đến nay trong quá trình hoạt động các TCTD vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao dịch bảo đảm và công chứng, do rất nhiều nguyên nhân như có sự không thống nhất trong việc áp dụng các quy định pháp luật có liên quan của các cán bộ tác nghiệp tại phòng công chứng và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm….

      B. Bất cập của pháp luật về giao dịch bảo đảm và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

      Với các quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế về giao dịch bảo đảm, Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của các TCTD. Tuy nhiên, còn nhiều khâu của quá trình bảo đảm tiền vay như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm hiện còn chứa đựng nhiều bất cập trên cả phương diện luật pháp và thực tiễn áp dụng. Tại Hội thảo này, chúng tôi xin trao đổi về các bất cập trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật giao dịch bảo đảm của hệ thống đơn vị mình, của cơ quan công quyền, từ đó đề xuất ý kiến, góp phần hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, về thủ tục công chứng.

      1. Về phương diện luật pháp

      Hệ thống các quy định hiện hành về công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, đa phần ở dạng Thông tư và hiệu lực của một số văn bản còn chưa xác định rõ ràng, có văn bản đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế.

      – Về công chứng: Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất – hiệu lực chưa xác định do một trong các căn cứ ban hành là Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực đã hết hiệu lực.

      – Về đăng ký giao dịch bảo đảm: Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở; Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28/9/2006 hướng dẫn một số vấn đề về thẩm  quyền, trình tự thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Thông tư 03/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 sửa đổi Thông tư 06/2006/TT-BTP; Thông tư 04/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về Hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu, Hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ… với mỗi một loại tài sản bảo đảm thì thủ tục đăng ký giao dịch lại khác nhau và được quy định ở mỗi văn bản riêng thậm chí cơ quan đăng ký cũng khác nhau như đăng ký về quyền sử dụng đất thì đăng ký ở Phòng tài nguyên môi trường của Quận, còn đăng ký một số tài sản lại ở Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm…, điều này làm cho các TCTD rất khó khăn trong việc nghiên cứu để thực hiện cho phù hợp. Quy định như thế này rõ ràng là rất cồng kềnh, phức tạp làm cho bản thân các bên tham gia giao dịch ngại đi đăng ký giao dịch và cũng không biết là thực hiện như thế nào cho chính xác…  

      – Về xử lý tài sản bảo đảm: Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng – hết hiệu lực do căn cứ ban hành là Nghị định 178/1999/NĐ-CP đã bị bãi bỏ.

      Đây là giai đoạn quá độ giữa văn bản mới (Nghị định 163/2006/NĐ-CP) với các văn bản đã hết hiệu lực (Nghị định 178, Nghị định 185) và các văn bản hướng dẫn các nghị định này. Do vậy, cán bộ tín dụng không khỏi lúng túng trong quá trình ký kết, hoàn thiện hợp đồng bảo đảm cũng như xử lý tài sản bảo đảm.

      2. Về thực tiễn áp dụng

      Nhiều quy định của pháp luật dịch bảo đảm, đặc biệt pháp luật về công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm không được áp dụng thống nhất và nhất quán. Nhiều yêu cầu của công chứng viên, đăng ký viên về hồ sơ, thủ tục, phí ngoài quy định pháp luật.

      Thứ nhất, về công chứng hợp đồng giao dịch bảo đảm:

      Về cầm cố, thế chấp một tài sản bảo đảm của khách hàng để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ của cùng một khách hàng tại TCTD:

      Trên thực tế, TCTD thường thỏa thuận với khách hàng về việc cầm cố/thế chấp một tài sản để đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng trong hạn mức tín dụng đã thỏa thuận phát sinh trong một khoảng thời gian xác định và thời hạn của Hợp đồng bảo đảm sẽ có hiệu lực từ ngày ký hợp đồng bảo đảm đến ngày khách hàng thực hiện hết các nghĩa vụ phát sinh từ các khoản vay nêu trên. Trong trường hợp này, yêu cầu phải lặp lại thủ tục công chứng đối với từng khoản vay mới là không thực sự cần thiết, gây lãng phí thời gian và chi phí cho TCTD cũng như bên bảo đảm. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền quy định rõ: chỉ cần công chứng 1 lần đối với hợp đồng bảo đảm cho các khoản vay của cùng một khách hàng tại một TCTD phát sinh trong một khoảng thời gian xác định với tổng giá trị khoản vay xác định đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm.

Về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:

      Cơ sở pháp lý của việc nhận loại tài sản bảo đảm này là hết sức rõ ràng (Điều 342 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP). Ngày 05/5/2007, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 2057/BTP-HCTP đã yêu cầu các Phòng Công chứng cần linh hoạt khi xác định đâu là các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, không thể cứng nhắc yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu vì điều này là khó khăn thậm chí bất khả thi đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu công chứng đối với loại hợp đồng này vẫn bị đa số Phòng công chứng từ chối thực hiện.

      Về cầm cố/thế chấp tài sản có giá trị nhỏ hơn một nghĩa vụ:

      Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã quy định giá trị một tài sản dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ có thể nhỏ hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, cả Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP đều không quy định liệu tài sản có giá trị nhỏ hơn giá trị 1 nghĩa vụ thì có thể được sử dụng để bảo đảm cho nghĩa vụ đó hay không. Theo Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật ngân hàng khác, TCTD có quyền tự quyết định việc cho vay có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm căn cứ vào mức độ rủi ro của khoản vay. Trong thực tế, đối với khách hàng có uy tín, TCTD hoàn toàn có thể chấp thuận khoản vay với tài sản bảo đảm có giá trị thấp hơn giá trị khoản vay.

      Tuy nhiên, trong thực tế, không ít công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng bảo đảm trong đó giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị khoản vay do áp dụng máy móc các quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 1623/2006/NĐ-CP mà không xem xét các quy định có liên quan của Luật các Tổ chức tín dụng. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể vấn đề này hoặc xem xét bổ sung quy định trên vào Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

      Về yêu cầu của các Phòng công chứng đối với TCTD, bên bảo đảm:

      Một số Phòng công chứng yêu cầu cung cấp các giấy tờ, tài liệu không đúng quy định và không cần thiết, chẳng hạn như: khi công chứng giao dịch bảo đảm, đơn vị của Ngân hàng được yêu cầu lập văn bản xác nhận khoản vay và tài sản bảo đảm là có thực dù đã có hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm. Có công chứng viên yêu cầu đại diện pháp luật của Ngân hàng đem con dấu đến tận trụ sở Phòng công chứng để ký vào sổ đăng ký chữ ký mẫu.

      Phí công chứng cũng là một vấn đề gây bức xúc khi nhiều nơi đặt ra khoản phí bất hợp lý như phí soạn hợp đồng trong khi hợp đồng do Ngân hàng cung cấp, giá photo cao gấp đôi giá thị trường; nơi khác thu phí cao hơn mức quy định, thậm chí một số khoản thu không có hóa đơn hay phiếu thu.

      Các yêu cầu, quy định mang tính chất “lệ” hơn là luật nêu trên không chỉ gây tốn kém thời gian, chi phí của TCTD, doanh nghiệp mà còn gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh bình thường, giảm khả năng tiếp cận các cơ hội kinh doanh của các bên tham gia giao dịch bảo đảm.

      Thứ hai, về đăng ký giao dịch bảo đảm:

      Đến lượt mình, việc đăng ký giao dịch bảo đảm lại gây phiền hà cho ngân hàng, doanh nghiệp ở một góc độ khác. Không hiếm đăng ký viên hành xử như công chứng viên: đặt ra những câu hỏi bất hợp lý, mang tính chất nghiệp vụ ngân hàng như “tại sao số tiền vay lớn, mục đích vay là gì, tại sao chia thành nhiều hợp đồng tín dụng mà không gộp thành một”…

      Một thực trạng tương đối phổ biến khác là mỗi cơ quan đăng ký lại yêu cầu hoặc quy định hồ sơ, thủ tục khác nhau: nơi yêu cầu giấy ủy quyền cho cán bộ ngân hàng, nơi khác yêu cầu phải có giấy giới thiệu. Với các yêu cầu bất nhất và khó dự đoán như vậy, cán bộ ngân hàng mất thời gian và công sức cho việc đăng ký giao dịch. Mặt khác, trong khi Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT (khoản 6 Mục I) quy định một thời gian hạn hẹp là 5 ngày cho việc nộp hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng; thời hạn để cơ quan đăng ký xem xét và ra quyết định chấp thuận (trong ngày và tối đa là 3 ngày) thường không được tuân thủ nghiêm chỉnh.

      Việc tra cứu thông tin về các quyền lợi trên tài sản bảo đảm nhằm phục vụ việc xem xét xác lập giao dịch bảo đảm còn mất thời gian do không thực hiện qua mạng, kết quả tra cứu không đảm bảo chính xác.

      Thứ ba, về xử lý tài sản bảo đảm:

      Trong thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các TCTD cũng gặp nhiều vướng mắc.

      Về xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa TCTD và bên bảo đảm, Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá. Tuy nhiên, trong thực tế, việc TCTD tự xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận gặp nhiều khó khăn do các trình tự, thủ tục xử lý còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của bên bảo đảm, bên giữ tài sản, TCTD chưa được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm trong khuôn khổ pháp luật.

       Việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở đặc biệt gây khó khăn cho TCTD. Trước hết, bản thân các quy định tại Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự không thống nhất về phương thức xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không có thỏa thuận. Luật Đất đai 2003 quy định quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý được bán đấu giá (Điều 68). Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2005 quy định nếu không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án (Điều 721). Mặt khác, thủ tục xử lý tài sản thông qua khởi kiện ra Tòa án còn chậm, đặc biệt là thủ tục thi hành án thông thường phải kéo dài ít nhất 2 năm. Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến hiệu quả thu hồi vốn vay cũng như kết quả kinh doanh của TCTD.

      Thứ tư, về bản thân quá trình triển khai thực hiện của Habubank:

      Nghị định 163/2006/NĐ-CP được ban hành với nhiều nội dung mới đòi hỏi hầu hết các TCTD phải thay đổi hệ thống các tài liệu nội bộ, quy trình triển khai thực hiện cũng như chương trình phổ biến, đào tạo cho cán bộ tín dụng và Habubank cũng không nằm ngoài yêu cầu này. Do đó, để việc triển khai áp dụng một cách thống nhất, có hiệu quả các quy định mới về giao dịch bảo đảm trên toàn hệ thống, Habubank phải có một thời gian để các cán bộ thực sự thấm nhuần và áp dụng vào các tác nghiệp cụ thể trong hoạt động ngân hàng có liên quan.

      C. Một số kiến nghị, đề xuất

      Trên cơ sở nhận diện các bất cập trong thực tiễn thực hiện pháp luật về giao dịch bảo đảm nêu trên, chúng tôi kiến nghị như sau:

      – Đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo kiên quyết và tăng cường kiểm tra các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan công chứng trong việc thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP và các văn bản về công chứng chứng thực; kiên quyết xử lý các vi phạm gây phiền hà cho các tổ chức và cá nhân khi thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.

      – Đề nghị nghiên cứu, nhanh chóng ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch 03/2001/TTLT-BTP-BCA-BTC-TCĐC về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các TCTD; ban hành các văn bản xử lý các vướng mắc nêu tại Mục B nói trên.

      – Pháp điển hóa các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm cần được xây dựng trong tương quan với Nghị định 163 và các quy định về công chứng giao dịch bảo đảm. Dự thảo luật (hoặc nghị định hướng dẫn) có các quy định cụ thể, rõ ràng và các chế tài phù hợp để hạn chế tối đa tình trạng diễn giải luật không thống nhất cũng như kéo dài thủ tục đăng ký.

      – Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chung trong cả nước về giao dịch bảo đảm giúp truy cập, đăng ký nhanh và cung cấp thông tin kịp thời về tài sản bảo đảm.

      – Pháp luật tố tụng cần quy định thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ kiện yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm.

      Kết luận: Tại Hội thảo này, chúng tôi xin có một số ý kiến về các vướng mắc, khó khăn của Habubank trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo đảm tiền vay. Hy vọng được cùng các đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ và đề xuất ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay.

SOURCE: http://www.vnba.org.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=524&Itemid=65

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d