admin@phapluatdansu.edu.vn

CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn

QUANG CẬN

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được thực hiện một cách phổ biến trên phạm vi cả nước. Vậy đó có phải là kết quả của đổi mới tư duy về sở hữu nhà nước, là khâu đột phá vào sở hữu nhà nước hay không? Sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đó có còn thuộc thành phần kinh tế nhà nước nữa không? Vai trò làm chủ của người lao động được thể hiện như thế nào ở doanh nghiệp đó?… Bài viết sẽ góp phần giải đáp các câu hỏi trên.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là đột phá vào sở hữu nhà nước của chủ nghĩa xã hội (CNXH) mô hình cũ, theo tư duy mới của Đảng ta về sở hữu xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm và cụ thể hóa con đường đi lên CNXH ở nước ta. Vì thế, cổ phần hóa DNNN thực sự là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, rất nhạy cảm.

Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận trong thành phần kinh tế nhà nước. Việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN là nhằm trực tiếp nâng cao hiệu quả của DNNN, bảo đảm DNNN làm tốt nhiệm vụ nòng cốt, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, và qua đó, phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế khác.

Cổ phần hóa DNNN cũng như cổ phần hóa các doanh nghiệp nói chung trong các thành phần kinh tế khác là xử lý về mặt quan hệ sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất, kết hợp chặt chẽ lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Cổ phần hóa góp phần tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH): các doanh nghiệp động viên và tập trung được những khoản vốn lớn để đổi mới công nghệ, đào tạo và đào tạo lại nhân lực… Đẩy mạnh CNH, HĐH, tiếp cận những thành tựu của lực lượng sản xuất, làm động lực đẩy mạnh cổ phần hóa, không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất cho phù hợp. Như vậy, giữa cổ phần hóa và CNH, HĐH có mối liên quan chặt chẽ, không thể tách rời.

Tiêu chí quan trọng nhất đánh giá thành công của cổ phần hóa DNNN là hiệu quả của các DNNN đã cổ phần hóa. Hiệu quả này phản ánh lợi ích không chỉ của bản thân DNNN mà của cả các thành phần kinh tế khác, đồng thời cũng là tác động tích cực trở lại của các thành phần kinh tế khác đối với DNNN đã cổ phần hóa. Đương nhiên, cổ phần hóa mới chỉ là xử lý về mặt sở hữu; còn phải xử lý về mặt quản lý và phân phối, mà then chốt là quản lý, mới phát huy được hiệu quả của DNNN cổ phần hóa.

Thành công của cổ phần hóa DNNN là một thành công “kép”, nghĩa là nó làm cho lực lượng sản xuất không chỉ phát triển theo hướng hiện đại, mà còn theo định hướng XHCN. Bởi vì, đây là những doanh nghiệp cổ phần thuộc thành phần kinh tế nhà nước, với vị trí, vai trò và trách nhiệm của chúng. Vấn đề là, trong quá trình huy động các nguồn vốn để cổ phần hóa DNNN, phải xác định cơ cấu sở hữu và chủ sở hữu của doanh nghiệp cổ phần như thế nào đó cho hợp lý, để doanh nghiệp cổ phần vẫn thuộc thành phần kinh tế nhà nước, không phải thuộc thành phần kinh tế khác – điều mà dư luận rộng rãi rất quan tâm.

Tôi cho rằng, trong đổi mới tư duy về CNXH, có lẽ điều khó khăn nhất, nhưng quyết định là đổi mới tư duy về sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, mà ta vẫn gọi là “công hữu XHCN” (không phải là công hữu cộng sản chủ nghĩa phủ định chế độ tư hữu mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”). Chế độ sở hữu XHCN “truyền thống” đã phát huy rõ rệt mặt tích cực trong những điều kiện nhất định, nhưng lại bộc lộ mặt tiêu cực trong những điều kiện khác, dần dần được coi là “vô chủ”, thiếu động lực, và do vậy, nó nhất thiết phải đổi mới. Cổ phần hóa DNNN chính là đột phá vào mặt tiêu cực này. Cho nên, giải quyết nó không hề đơn giản. Trong quá trình giải quyết nó, phải thực sự cầu thị, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, luôn luôn giữ vững định hướng XHCN, nhất là khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO.

1 – Trước hết, xin có đôi điều về cổ phần hóa nói chung. Như đã biết, kinh tế cổ phần là hình thức kinh tế ra đời trong chế độ tư bản từ thế kỷ XIX, nhằm động viên những nguồn vốn lớn trong các nhà tư sản có tài sản lớn, cả trong các tầng lớp dân cư; qua đó, hình thành nên những doanh nghiệp “đa chủ sở hữu”, dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khái niệm doanh nghiệp cổ phần, công ty cổ phần … – những tổ chức sản xuất, kinh doanh đa chủ sở hữu nói chung, chưa nói lên những doanh nghiệp đó thuộc thành phần kinh tế nào. Nó có thể thuộc những thành phần kinh tế khác nhau, tùy theo hình thức sở hữu chi phối khác nhau của các doanh nghiệp. Việc phân loại các doanh nghiệp đa chủ sở hữu theo thành phần kinh tế (cách tiếp cận theo thành phần kinh tế) là nhằm hiểu đúng bản chất chính trị – xã hội của tổ chức sản xuất, kinh doanh, của các hiện tượng kinh tế. Bởi vậy, Đại hội X của Đảng đã phân biệt rõ các thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay, thể hiện việc vận dụng phương pháp luận mác-xít vào giải quyết vấn đề lực lượng sản xuất trong mối quan hệ với quan hệ sản xuất phù hợp, nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Cần phân biệt hai thuật ngữ “đa sở hữu” và “đa chủ sở hữu”. “Đa sở hữu” là chỉ nói về hình thức sở hữu, còn “đa chủ sở hữu” là nói cả chủ sở hữu gắn với hình thức sở hữu. Doanh nghiệp cổ phần “đa chủ sở hữu” có thể có trong nhiều hình thức sở hữu tạo nên cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp (trong đó hình thức sở hữu chi phối quyết định việc doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào); nhưng cũng có thể chỉ có trong một hình thức sở hữu.

Doanh nghiệp cổ phần “đa chủ sở hữu” có trong một hình thức sở hữu lại bao gồm nhiều loại. Có loại cổ đông là tư nhân, những nhà tư bản, thuộc thành phần kinh tế tư nhân (tư bản). Ph. Ăng-ghen từng nói đến “công ty cổ phần của nhà tư bản tập thể”(1). Lại có loại, theo Ph. Ăng-ghen, là “công ty cổ phần trực tiếp mang hình thức tư bản xã hội, đối lập với tư bản tư nhân”(2). Vậy loại này thuộc hình thức sở hữu nào, xếp vào thành phần kinh tế nào? Chỉ biết rằng, nó “đối lập với tư bản tư nhân”. Có thể nó thuộc sở hữu tập thể, sở hữu hợp tác (chưa vội gọi là sở hữu XHCN). Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp cổ phần nhiều chủ (là người lao động); cổ đông là các xã viên hợp tác xã. Do vậy, nó thuộc thành phần kinh tế tập thể. Ph. Ăng-ghen còn cho rằng, “xí nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa cũng như những nhà máy hợp tác, đều phải được coi là những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể”(3). ở đây, Ph.Ăng-ghen không nói là “phương thức sản xuất XHCN”. Bởi vì, ngay trong chế độ tư bản, như ở Mỹ, có đến hàng triệu doanh nghiệp của tập thể những người lao động, có thể được coi là thuộc “phương thức sản xuất tập thể”.

Doanh nghiệp cổ phần “đa chủ sở hữu” có trong nhiều hình thức sở hữu (đa sở hữu) cũng bao gồm nhiều loại. Có loại cổ đông gồm những nhà tư bản và những người lao động (không nói đến những người lao động làm thuê); nhưng nếu do hình thức sở hữu tư nhân chi phối thì thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Có loại cổ đông gồm nhà nước, người lao động và tư nhân, như những doanh nghiệp cổ phần đã hình thành trong quá trình cổ phần hóa DNNN ở nước ta trong thời gian qua. Nhưng về mặt lý luận, không phải doanh nghiệp cổ phần nào gồm ba chủ sở hữu như vậy đều là DNNN, mà có thể thuộc các thành phần kinh tế khác, tùy theo hình thức sở hữu nào chi phối trong cơ cấu sở hữu của những doanh nghiệp cổ phần đó.

Doanh nghiệp cổ phần có nhiều loại hình rất phong phú và thường có nhiều biến động trong kinh tế thị trường. Có những trường hợp khó xếp vào thành phần kinh tế nào. Người ta thường lấy hình thức sở hữu chi phối làm tiêu chí chủ yếu để phân chia loại hình doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, không nên rập khuôn, máy móc khi áp dụng tiêu chí này.

Trong quá trình cổ phần hóa DNNN, cần tiếp tục có chủ trương, chính sách làm cho người lao động trong doanh nghiệp có cổ phần giữ được và phát triển cổ phần, phát triển cổ đông là những người lao động trong doanh nghiệp; bảo đảm quyền sở hữu trực tiếp của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần – cơ sở vật chất của quyền làm chủ doanh nghiệp cổ phần của người lao động.

Trong nền kinh tế thị trường, vốn xã hội dành cho sản xuất, kinh doanh được lưu thông trong toàn xã hội, trong các tầng lớp dân cư. Nhiều người dân, cả những người lao động có tài sản, tham gia đầu tư, sở hữu cổ phiếu. Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần đều tham gia thị trường chứng khoán, và tùy theo diễn biến của thị trường chứng khoán mà thay đổi về chủ sở hữu, trong đó có thể có cả hình thức sở hữu chi phối của doanh nghiệp. Do yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại…, yêu cầu tập trung những khoản vốn lớn, rất lớn, nên đã hình thành dần những công ty cổ phần, những tập đoàn tư bản độc quyền xuyên quốc gia và đa quốc gia. Lịch sử hình thành và phát triển của công ty cổ phần đã trải qua một thời gian dài, gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong văn minh công nghiệp và từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, trong sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản truyền thống sang chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản hiện đại.

2 – Trong quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua, đã hình thành những doanh nghiệp cổ phần bao gồm ba chủ sở hữu: nhà nước, người lao động trong doanh nghiệp và cổ đông ngoài doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tuy gồm ba chủ sở hữu nói trên, nhưng nếu hình thức sở hữu chi phối trong mỗi doanh nghiệp khác nhau hoặc thay đổi, thì sẽ hình thành những doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Vậy thế nào là doanh nghiệp cổ phần thuộc thành phần kinh tế nhà nước?

Tôi cho rằng, nếu sở hữu nhà nước chi phối, hoặc sở hữu nhà nước và sở hữu người lao động cùng chi phối thì doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Hai loại doanh nghiệp cổ phần này đã thể hiện tư duy mới về sở hữu nhà nước. Bởi vì, tư duy “truyền thống” về DNNN, sở hữu nhà nước chỉ coi Nhà nước là người đầu tư, do vậy, chỉ có một chủ là nhà nước, còn người lao động trong DNNN thực chất là người làm thuê cho Nhà nước (chỉ làm chủ về mặt lý thuyết thông qua Nhà nước của mình). Nay người lao động đã trở thành chủ sở hữu trong doanh nghiệp, đồng sở hữu với Nhà nước và cổ đông ngoài doanh nghiệp (khác với CNXH mô hình cũ chỉ thừa nhận sở hữu cá nhân về tư liệu sinh hoạt, coi sở hữu cá nhân về vốn, tư liệu sản xuất… là sở hữu tư nhân, trái với công hữu). Như vậy, cùng với sở hữu nhà nước, sở hữu của người lao động trong doanh nghiệp là bộ phận cấu thành phổ biến của doanh nghiệp cổ phần thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Cùng với đồng sở hữu là cổ đông ngoài doanh nghiệp nữa, nhưng không chi phối, chúng ta còn động viên được các nhà đầu tư khác ở trong nước và nước ngoài tham gia cổ phần trong DNNN.

Trong những doanh nghiệp cổ phần có ba chủ sở hữu, nếu sở hữu của tập thể người lao động chi phối thì doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể; nếu sở hữu nhà nước và sở hữu tư bản tư nhân chi phối thì doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư bản nhà nước. Còn trường hợp sở hữu tư bản tư nhân chi phối thì doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư bản tư nhân (ở đây, Nhà nước và người lao động đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân). Đó thường là tình hình sau cổ phần hóa, người lao động không có điều kiện mua và giữ cổ phiếu của mình, thậm chí phải bán cổ phiếu để cải thiện đời sống (chứ không phải không nhận thức được quyền làm chủ của mình), nên trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp cổ phần, sở hữu tư nhân dần dần chi phối (một hoặc nhiều chủ tư nhân). Và như vậy, cổ phần hóa biến thành tư nhân hóa!

Về vấn đề quan trọng này, Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX của Đảng đã nhắc nhở; dư luận cán bộ, đảng viên, quần chúng và các phương tiện thông tin đại chúng rất quan tâm. Đây không phải là vấn đề kỳ thị với kinh tế tư nhân, tư bản tư nhân. Như đã biết, phát triển mạnh mẽ thành phần kinh tế tư nhân – được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng, là một chủ trương rất đúng. Còn trong sắp xếp, đổi mới DNNN, cùng với cổ phần hóa là chính, có chủ trương bán một số DNNN, cho cả tư nhân, tư nhân hóa là vấn đề khác, không phải là vấn đề của cổ phần hóa.

Tuy nhiên, cần lưu ý, ngay trong biện pháp cổ phần hóa, cùng với hình thức thứ nhất là bán một phần vốn nhà nước hiện có trong doanh nghiệp kết hợp với phát hành thêm cổ phiếu (là hình thức phổ biến nhất) và hình thức thứ hai là giữ nguyên phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp kết hợp với phát hành thêm cổ phiếu, còn có hình thức thứ ba là bán toàn bộ vốn nhà nước trong doanh nghiệp, và Nhà nước không nắm giữ phần trăm cổ phần nào trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa theo hình thức thứ ba này thuộc diện “cổ phần hóa” nhưng cũng là “bán”, và là bán toàn bộ. Có thể gọi đây là hình thức “phi nhà nước hóa”, vì qua đó, doanh nghiệp không còn thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Đương nhiên, vì nhiều lý do, Nhà nước không cần hoặc không nên nắm giữ những DNNN này nữa, đem ra “phi nhà nước hóa”, là rất đúng. Hơn nữa, nếu trong số những doanh nghiệp “phi nhà nước hóa” này, có những doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp cổ phần thuộc thành phần kinh tế tư nhân, tư bản tư nhân, “tư nhân hóa”, thì hẳn nên coi cái “tư nhân hóa” này cũng góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống DNNN!

Sau cùng, còn phải nói đến những cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, những cơ sở này sẽ trở thành những “trí nghiệp” (“intelprise” – khác với xí nghiệp truyền thống). Qua việc xử lý vấn đề sở hữu như thế nào đó (liên quan đến cả vấn đề quản lý và phân phối), sẽ ra đời những doanh nghiệp cổ phần mà chủ sở hữu gồm Nhà nước và tập thể những người lao động trí óc (những nhà khoa học, những cán bộ nghiên cứu khoa học). Những doanh nghiệp cổ phần này thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Nếu “trí nghiệp” nào không có vốn nhà nước, chỉ có sở hữu tập thể những người lao động trí óc thì “trí nghiệp” đó thuộc thành phần kinh tế tập thể.

Những doanh nghiệp cổ phần là những “trí nghiệp” có tương lai rực rỡ trong kinh tế tri thức. Với giá trị chất xám của mình, những “trí nghiệp” có tác dụng giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Đương nhiên, mọi doanh nghiệp đều phải tiếp cận những thành tựu của cách mạng tin học, từng bước góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tri thức, nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại.

Từ sự phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng, trong nhiệm vụ cổ phần hóa DNNN, vai trò chủ sở hữu của người lao động trong doanh nghiệp là một vấn đề cực kỳ quan trọng, là cốt lõi trong tư duy mới về sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, hay về công hữu của chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, đã có sự thống nhất cao về vấn đề này chưa? Một thực tế đã được nêu lên và cần thừa nhận là: qua hoạt động sôi nổi trên thị trường chứng khoán, sẽ có nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phần của công ty cổ phần nhưng không làm việc tại công ty đó; ngược lại, do nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, công ty cổ phần ngày càng tiếp nhận thêm nhiều lao động mới không sở hữu một cổ phiếu nào của công ty.

Vậy vấn đề người lao động chủ sở hữu trong công ty cổ phần sẽ ra sao? Có ý kiến cho rằng, “đặt vấn đề người lao động phải nắm giữ cổ phần mới là “người chủ thực sự”… là một nhận thức ấu trĩ”, và phải “làm rõ điều này mới bớt đi một trở ngại trong cổ phần hóa DNNN”. Tôi không chia sẻ với quan điểm này. Như đã phân tích, đơn giản là vì nếu những công ty của Nhà nước sau khi cổ phần hóa chỉ có sở hữu của những nhà đầu tư tư nhân và những người lao động làm thuê thì những công ty cổ phần ấy thuộc thành phần kinh tế tư nhân, tư bản tư nhân; còn nếu có cả sở hữu nhà nước nữa thì chúng thuộc thành phần kinh tế tư bản nhà nước. Tất nhiên, thực tế cho thấy, cổ phần hóa DNNN ngày càng tiềm ẩn nhiều khả năng tư nhân hóa, tư bản hóa ngoài ý muốn của chúng ta (dù rằng đó cũng là những thành phần kinh tế cần phát triển trong nền kinh tế quốc dân).

Tôi cho rằng, vấn đề người lao động làm chủ sở hữu không đơn thuần là một vấn đề ý thức hệ, mà là một tất yếu khách quan, đương nhiên mang tính nhân văn sâu sắc. Thực ra, vốn không phải là vấn đề ý thức hệ mà chính là do yêu cầu phát triển sản xuất của xã hội. Người lao động làm thuê là sự tha hóa của con người trong lịch sử phát triển của xã hội loài người thành giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ở đây, sự phủ định của phủ định – người lao động trở lại làm chủ sở hữu là tất yếu, không thể khác. Vấn đề là thời gian, gắn liền với những điều kiện khách quan và sự nỗ lực chủ quan của con người trong việc giải quyết tính tất yếu đó.

Ít nhất cũng có thể thấy là, ngay dưới chế độ tư bản, người lao động cũng đã là chủ sở hữu: trong kinh tế cá thể, tiểu chủ; trong hợp tác xã, doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa mà người lao động có cổ phần; trong những doanh nghiệp của tập thể mà người lao động, người dân có sở hữu cổ phiếu. Có điều là, dưới chế độ tư bản, quan hệ tư bản – lao động, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ chủ – thợ đều là các quan hệ chi phối. Biện chứng là ở chỗ, người lao động làm chủ sở hữu như vậy nhưng lại góp phần củng cố chế độ tư bản, làm dịu phần nào những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng chế độ tư bản, đồng thời là những mầm mống phủ định chế độ tư bản, những mầm mống của một chế độ xã hội mới, trong đó những người lao động làm chủ sở hữu khi được liên hiệp lại sẽ chiếm vị thế chi phối trong các quan hệ sản xuất, kinh doanh (mà không phủ định các hình thức sở hữu khác).

Người lao động tất yếu được giải phóng khỏi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời phải được giải phóng khỏi lao động cơ bắp, nặng nhọc trong CNH, HĐH, trong kinh tế tri thức, trong văn minh trí tuệ, để trở thành những người lao động tri thức. Kết hợp một cách khéo léo và hợp lý hai cuộc giải phóng này mới có thể giải phóng người lao động một cách hoàn toàn và triệt để, bảo đảm giai cấp công nhân đại biểu cho phương thức sản xuất mới(4). Ở nước ta, đó là quá trình đưa người lao động lên làm chủ sở hữu trong doanh nghiệp cổ phần, kết hợp với quá trình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực mới, mà nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước, xây dựng kinh tế tri thức đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quá trình đó. Giai cấp công nhân nước ta sẽ dần dần được trí thức hóa, sẽ kết hợp với một bộ phận ngày càng quan trọng trong giới trí thức gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân, để trở thành giai cấp công nhân trí thức.

Do vậy, trong quá trình cổ phần hóa DNNN, cần tiếp tục có chủ trương, chính sách làm cho người lao động trong doanh nghiệp có cổ phần, giữ được và phát triển cổ phần, phát triển cổ đông là những người lao động trong doanh nghiệp; bảo đảm quyền sở hữu trực tiếp của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần – cơ sở vật chất của quyền làm chủ doanh nghiệp cổ phần của người lao động. Đây chính là tư duy mới về sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu của CNXH. Sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu theo tư duy mới về CNXH – khác với CNXH mô hình cũ – không phủ định mà phải là sự cấu thành của sở hữu cá nhân những người lao động liên hiệp lại. Có như vậy mới tạo nên động lực mới của sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu. Tư duy mới về sở hữu XHCN nói chung là: toàn dân sở hữu, nhân dân lao động làm chủ sở hữu trực tiếp trong sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, công hữu, trong tất cả các thành phần kinh tế, trên cơ sở những thành tựu của CNH, HĐH, của kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ.

Có một vấn đề cần làm rõ: kinh tế cổ phần xuất hiện từ thế kỷ XIX, dựa vào cổ phần của những người hữu sản và phân phối theo cổ phần, thuộc hình thức kinh tế cổ phần của chủ nghĩa tư bản. Hình thức cổ phần này rất cần được áp dụng và mở rộng trong điều kiện nền kinh tế ở nước ta hiện nay.

Thế nhưng, người lao động không có tài sản thì làm thế nào? Phải chăng người lao động chỉ có thể có tài sản tham gia cổ phần bằng chính sức lao động của mình? Ở đây, có thể đưa ra một đề xuất: ngoài tiền công làm thuê như trong doanh nghiệp tư bản và DNNN của CNXH mô hình cũ, có thể dành một phần giá trị thặng dư (m) của người lao động – do chính họ làm ra, thuộc vốn riêng của doanh nghiệp cổ phần, để lập thành cổ phần của tập thể những người lao động trong doanh nghiệp, làm cho những người lao động “vô sản” trong doanh nghiệp cổ phần trở thành cổ đông chủ sở hữu trong doanh nghiệp cổ phần. Như vậy, cổ phần của tập thể người lao động không chia nhưng vẫn hình thành cổ phần riêng của từng người lao động trong doanh nghiệp; được phân phối theo cổ phần, tức là hưởng cổ tức; cổ tức được tích tụ, tập trung để không ngừng phát triển sở hữu tập thể, mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là để phát triển sở hữu cá nhân người lao động trong sở hữu tập thể đó (không phải sở hữu tư nhân). Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX của Đảng cũng đã nêu: Nghiên cứu sử dụng một phần vốn tự có của doanh nghiệp để hình thành cổ phần của người lao động; người lao động được hưởng lãi nhưng không được rút cổ phần này khỏi doanh nghiệp”. Đã từng có những chủ trương như: bán cổ phiếu ưu đãi, bán chịu cổ phiếu cho người lao động trong doanh nghiệp… Đó cũng là những hình thức dành một phần (m) của doanh nghiệp cho người lao động. Tôi tin rằng, những người lao động trí óc và lao động chân tay trong doanh nghiệp cổ phần sẽ tìm ra nhiều giải pháp khả thi, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, trong tấm lòng và bàn tay của “bà đỡ” Đảng Cộng sản và Nhà nước pháp quyền XHCN.

Từ lao động đến lao động như thế, là hình thức kinh tế cổ phần của CNXH. Sự kết hợp của hai hình thức kinh tế cổ phần XHCN và tư bản chủ nghĩa có lẽ là phương hướng cổ phần hóa DNNN và cổ phần hóa doanh nghiệp nói chung theo định hướng XHCN ở nước ta.

Giới lý luận Trung Quốc coi “cổ phần hóa là đột phá vào công hữu”. Tôi nhất trí với quan điểm đó và hiểu rằng, có thể đột phá vào công hữu, đổi mới tư duy về công hữu XHCN để đi lên CNXH theo tư duy mới; nhưng cũng có thể thiên về phát triển kinh tế tư nhân và đi vào chủ nghĩa tư bản.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng còn có chủ trương đúng là phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cổ phần; thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và phát triển các doanh nghiệp cổ phần khác trong các thành phần kinh tế, để hình thức kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế nước ta. Qua đây, chúng ta có điều kiện huy động nhiều, rất nhiều vốn trong các tầng lớp dân cư, cả vốn nước ngoài, tạo nên chế độ đa sở hữu, đồng sở hữu, sự xen kẽ các hình thức sở hữu khác nhau trong các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, giữa các thành phần kinh tế. Từ đó, tạo nên sự thống nhất về lợi ích kinh tế, làm cơ sở vật chất cho sự thống nhất dân tộc và hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp nói chung, các DNNN nói riêng cần tìm những đối tác chiến lược trong và ngoài nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh theo đường lối kinh tế của Đảng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đương nhiên, mặt thống nhất nào cũng có mặt đối lập của nó trong mâu thuẫn, do đó cần có cách xử lý khôn ngoan để phát triển mặt thống nhất là chính.

Phát huy hiệu quả của DNNN cổ phần hóa, làm nòng cốt phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cổ phần trong tất cả các thành phần kinh tế, lấy kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể làm nền tảng, chính là thực hiện về mặt kinh tế đại đoàn kết dân tộc, lấy liên minh công nhân, nông dân và trí thức làm nền tảng. Hơn thế, đó còn là nhằm thực hiện mục tiêu đưa nhân dân lao động lên làm chủ, bảo đảm mọi người lao động đều có cơ sở vật chất của mình; bảo đảm nền dân chủ XHCN được xây dựng và củng cố bằng cơ sở vật chất của CNXH, dù còn ở trình độ phát triển chưa cao.

3 – Trước mắt chúng ta là cả một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn nhưng rất vẻ vang. Đó là tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mấy nghìn DNNN, chủ yếu là những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế, những tổng công ty nắm giữ phần vốn chủ yếu của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc cổ phần hóa doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế khác.

Tôi cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ này, cần qua thực tiễn, tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nhất là đổi mới tư duy về sở hữu nhà nước, về sở hữu toàn dân, công hữu, gắn liền với việc bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, chú ý vấn đề chủ sở hữu cổ phần của cá nhân và tập thể người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, tập trung nghiên cứu xử lý vấn đề quản lý tại những DNNN cổ phần hóa, và cả quản lý những tài sản thuộc sở hữu toàn dân, công hữu – là vấn đề không ít khó khăn và phức tạp, liên quan đến nhiều bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị.

Trên con đường quán triệt và không ngừng hoàn thiện đường lối kinh tế của Đảng, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO, cần tổng kết đúng đắn quá trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua cũng như toàn bộ nhiệm vụ đó sau này. Đó sẽ là một cơ sở thực tiễn phong phú và một cơ sở lý luận có tính thuyết phục để xây dựng chiến lược doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng, kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng kinh tế tri thức, góp phần tích cực khắc phục lạc hậu, nghèo nàn, xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc, đồng thời góp phần quan trọng tiếp tục làm rõ thêm con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Chú thích:

(1), (2) Xem: C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t 25, Phần I, tr 667

(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, tr 673

(4) Xin xem thêm: Quang Cận: Tư duy mới về giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản, Tạp chí Cộng sản, số 778 (8-2007)

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 6 (150) NĂM 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading