admin@phapluatdansu.edu.vn

TUYÊN HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP, CẦM CỐ TÀI SẢN VÔ HIỆU LIỆU TÒA ĐÃ XEM XÉT ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ?

NGUYỄN CAO KHÔI

Trong những năm trước đây, khi nước ta mới chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế mới. Cho nên, các doanh nghiệp này vẫn tìm cách để được nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức hoạt động kinh doanh, kể cả việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và huy động vốn. Đầu những năm 90, nếu căn cứ quy chế cho vay của ngân hàng đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định, thì nhiều DNNN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng vì hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, dự án/phương thức sản xuất kinh doanh không hiệu quả, tính khả thi và không có/không đủ tài sản để thế chấp, cầm cố bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay…

Đối với DNNN có tài sản thế chấp, cầm cố, thì phần lớn tài sản thế chấp, cầm cố của các doanh nghiệp này không có đầy đủ giấy tờ về sở hữu/sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật. Giấy tờ về tài sản thế chấp, cầm cố của các DNNN được thành lập từ năm 1990 trở về trước phổ biến và chủ yếu là quyết định thành lập, trong đó có đề cập đến vốn và tài sản được cơ quan chủ quản (đại diện cho Nhà nước – cơ quan ra quyết định thành lập) giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Do vậy, nếu cứng nhắc và nguyên tắc áp dụng đúng quy định của pháp luật để xem xét, cho vay đối với các DNNN, thì quyết định thành lập các doanh nghiệp này chưa đủ cơ sở để ngân hàng cho vay có bảo đảm bằng tài sản thế chấp, cầm cố của doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến DNNN chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu/sử dụng tài sản khi thành lập, trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại (Nhà nước buông lỏng sự quản lý về vấn đề này trong một thời gian dài) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu tài sản, quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước chưa hoàn thiện. Ngay cả thời gian gần đây (năm 2004), Chính phủ đã quyết tâm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất trước ngày 01/01/2007 theo quy định tại Điều 184 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật Đất đai 2003, nhưng quyết tâm này của Chính phủ đã không thể thực hiện được trên thực tế. Cho nên, ngày 25 tháng 5 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, trong đó có quy định bãi bỏ Điều 184 của Nghị định số 181 nêu trên nhằm bảo đảm cho người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất nếu những người này có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003.

Xuất phát từ thực trạng trên, các ngân hàng thương mại nhà nước (ngân hàng) đã cho DNNN vay vốn có tài sản thế chấp, cầm cố mà các tài sản này chỉ có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng chứ không có giấy tờ về sở hữu/sử dụng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, thời kỳ đầu của những năm 90, hệ thống ngân hàng nước ta mới được phân thành hai cấp: cấp quản lý (Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương) và cấp kinh doanh (các ngân hàng thương mại), nên các ngân hàng chưa thật sự thực hiện được quyền chủ động kinh doanh theo kế hoạch và phương án đề ra của mình. Nhiều trường hợp, các ngân hàng phải thực hiện việc cho vay DNNN theo chỉ định hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thậm chí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn ban hành văn bản quy định về việc cho vay không phải thế chấp tài sản áp dụng riêng đối với các DNNN (như Nghị quyết số 49/CP ngày 6 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ…). Chính vì vậy mà thời kỳ này, các DNNN được vay vốn tại ngân hàng theo các điều kiện ưu đãi và thông thoáng hơn so với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Thực tế, sau khi vay được vốn tại ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, một số DNNN đã không có khả năng trả được nợ đến hạn cho ngân hàng (nợ gốc, lãi và các khoản phí khác). Do đó, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp thu xếp, tìm nguồn khác để trả nợ và/hoặc bàn giao tài sản thế chấp, cầm cố cho ngân hàng xử lý theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không thực hiện yêu cầu của ngân hàng mà đề nghị Chính phủ xem xét, cho hoãn nợ, khoanh nợ hoặc giãn nợ. Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Chính phủ đã xem xét và đồng ý cho khoanh nợ đối với một số DNNN. Theo quy định của pháp luật, trong thời gian khoanh nợ, DNNN không phải trả lãi nợ vay ngân hàng nhưng khi kết thúc thời hạn được khoanh nợ, ngân hàng phải tiếp tục tính lãi trên cơ sở dư nợ gốc và lãi suất theo thuận trong hợp đồng tín dụng. Nếu sau khi kết thúc thời hạn khoanh nợ mà DNNN vẫn không thu xếp được nguồn trả nợ đến hạn cho ngân hàng và không có thiện chí phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản thế chấp, cầm cố để trả nợ, thì ngân hàng có quyền khởi kiện doanh nghiệp đó ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mới đây, khi tiến hành xét xử một vụ án kinh doanh – thương mại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội (Tòa án) đã không chấp nhận bổ sung yêu cầu của ngân hàng tại phiên tòa về việc yêu cầu doanh nghiệp trả một phần nợ lãi phát sinh từ hợp đồng tín dụng mà đơn khởi kiện chưa đề cập đến và tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản ngày 04/04/1995 do Hợp đồng này chưa được công chứng. Nghĩa vụ được bảo đảm trong hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản nói trên là khoản vay thuộc Hợp đồng tín dụng số 01BL95/E ngày 24 tháng 5 năm 1995 giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Sau khi xem xét Bản án số 69/2007/KDTM-ST ngày 14/6/2007 của Tòa án, đối chiếu với những quy định có liên quan của pháp luật và hồ sơ vụ tranh chấp, chúng tôi thấy rằng việc Tòa án không chấp nhận việc bổ sung yêu cầu của nguyên đơn (ngân hàng) tại phiên tòa và tuyên hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu với lý do nêu trên là chưa thỏa đáng và không có căn cứ pháp lý thuyết phục.

1) Hiểu như thế nào về quy định “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện” trong trường hợp kiện đòi nợ theo hợp đồng tín dụng?

ở nước ta, hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để thu nợ nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết khác mà không có kết quả. Điều này hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Theo quy định của pháp luật, đối với các vụ án kinh doanh – thương mại, thì ngân hàng với tư cách là nguyên đơn phải chuẩn bị tài liệu, chứng từ liên quan để gửi kèm theo đơn khởi kiện đến Tòa án. Tùy theo điều kiện, chính sách và nhân sự của từng ngân hàng để có thể tự mình hoặc thuê luật sư chuyên nghiệp soạn thảo đơn khởi kiện và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đơn khởi kiện phải có nội dung phù hợp với Điều 164 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phải được đại diện hợp pháp của ngân hàng ký tên, đóng dấu (đại diện hợp pháp của ngân hàng là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền). Một trong những nội dung chính của đơn khởi kiện là phải có những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đối với các vụ kiện đòi nợ theo hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, thì khi lập đơn khởi kiện, ngân hàng chỉ có thể xác định được dư nợ gốc và lãi đến thời điểm ký đơn khởi kiện. Cho nên, số nợ mà ngân hàng yêu cầu Tòa án xem xét, tuyên buộc doanh nghiệp trả nợ (bao gồm nợ gốc và lãi) thường nhỏ hơn số nợ được quy định trong bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, số nợ ghi trong đơn khởi kiện chỉ là con số tạm tính chứ không phải là số nợ chính thức và thực tế mà doanh nghiệp phải thanh toán cho Ngân hàng khi thực thi bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Trong vụ án nói trên, ngân hàng khởi kiện doanh nghiệp để đòi số nợ gốc và lãi chưa thanh toán. Do đó, trong đơn khởi kiện, lẽ ra ngân hàng phải yêu cầu doanh nghiệp thanh toán cả khoản lãi phát sinh trước thời điểm khoanh nợ, nhưng do sơ suất trong quá trình soạn thảo, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh sau thời điểm kết thúc thời hạn khoanh nợ cho đến ngày ký đơn khởi kiện. Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, ngoài số nợ lãi phát sinh sau thời hạn khoanh nợ, doanh nghiệp còn phải trả cho ngân hàng số nợ lãi phát sinh trước thời điểm khoanh nợ. Mức lãi suất được xác định tương ứng với từng thời hạn nhất định phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng tín dụng. Nếu đến hạn trả nợ mà doanh nghiệp không trả được nợ và không được gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thì ngân hàng có quyền chuyển toàn bộ dư nợ sang nợ quá hạn và tính lãi quá hạn đối kỳ hạn thực tế đến hạn theo lãi suất quá hạn đã được thỏa thuận. Do khoản nợ vay thuộc hợp đồng tín dụng số 01BL95/E nêu trên đã không được doanh nghiệp trả đúng hạn, nên ngân hàng phải chuyển khoản nợ đó sang nợ quá hạn. Trong khi đang làm các thủ tục liên quan để chuyển sang nợ quá hạn, thì ngân hàng nhận được văn bản của Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp được khoanh nợ trong 3 năm để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Trong thời gian khoanh nợ, doanh nghiệp không phải trả lãi vay cho ngân hàng. Khi kết thúc thời hạn khoanh nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng áp dụng lãi suất quá hạn đối với dư nợ gốc thực tế quá hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Nợ lãi sau thời kỳ khoanh nợ được xác định trên cơ sở tổng dư nợ gốc nhân với lãi suất quá hạn và thời gian thực tế quá hạn.

Mặc dù có sơ suất trong quá trình soạn thảo đơn khởi kiện nhưng ngân hàng vẫn kịp phát hiện đơn khởi kiện chưa nêu số lãi mà doanh nghiệp phải trả trước khi khoanh nợ. Cho nên, khi đến tham dự phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, đại diện hợp pháp của ngân hàng đã nộp văn bản bổ sung đơn khởi kiện nêu rõ yêu cầu doanh nghiệp thanh toán bổ sung số nợ lãi tính từ ngày nhận nợ đến trước ngày khoanh nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận yêu cầu của ngân hàng vì yêu cầu bổ sung của ngân hàng “vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện” được quy định tại Điều 218 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004.

Việc Tòa án không chấp nhận yêu cầu bổ sung nói trên của ngân hàng tại phiên Tòa là không phù hợp vì những lý do sau đây:

Thứ nhất: Tranh chấp giữa ngân hàng với doanh nghiệp là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng. Cho nên, số nợ mà ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp thanh toán là số nợ phát sinh từ hợp đồng tín dụng (bao gồm cả gốc và lãi). Trong đơn khởi kiện, không có chỗ nào nêu rõ ngân hàng từ bỏ quyền đòi số nợ lãi phát sinh trước khi khoanh nợ. Do vậy, nợ lãi mà doanh nghiệp phải thanh toán cho ngân hàng là toàn bộ số nợ lãi được tính trên dư nợ gốc từ thời điểm nhận nợ cho đến thời điểm thực tế thanh toán (không bao gồm thời gian khoanh nợ).

Thứ hai: Tại thời điểm lập đơn khởi kiện, ngân hàng chưa thể ấn định được dư nợ cụ thể của doanh nghiệp (gốc, lãi) vì thời gian tính dư nợ của Doanh nghiệp phải kéo dài đến thời điểm thực tế thanh toán chứ không phải là thời điểm ký đơn khởi kiện. Cho nên, số nợ ghi trong đơn khởi kiện chỉ là nợ tạm tính ở thời điểm ký đơn khởi kiện chứ không phải là số nợ mà doanh nghiệp bị buộc phải thanh toán cho ngân hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện hợp pháp của ngân hàng (nguyên đơn) đã trình bày với hội đồng xét xử về số nợ mà bị đơn (doanh nghiệp) phải trả tính đến thời điểm xét xử và cơ sở tính nợ phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng tín dụng cũng như quy định của pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét, tuyên buộc doanh nghiệp thanh toán nợ cho ngân hàng. Do đó, số nợ ghi trong bản án, quyết định của Tòa án đã tăng lên so với số nợ ghi trong đơn khởi kiện (ngoại trừ doanh nghiệp trả được một phần hoặc toàn bộ dư nợ trong thời gian từ lúc ngân hàng lập đơn khởi kiện cho đến ngày Tòa án đưa vụ án ra xét xử nhưng những trường hợp này rất ít xảy ra trên thực tế). Vì vậy, nếu Tòa án coi số nợ ghi trong đơn khởi kiện là “phạm vi yêu cầu khởi kiện”, thì số nợ được tuyên trong bản án của Tòa án cũng vượt quá “phạm vi yêu cầu khởi kiện” của ngân hàng.

Thứ ba: Ngay cả bản thân Tòa án không thể biết trước được vào thời gian cụ thể nào vụ án được đưa ra xét xử vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp do vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 1 tháng. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Cho nên, về lý thuyết, thời hạn tối đa (bao gồm cả gia hạn) để Tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh – thương mại là 5 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Hơn nữa, Bộ luật Tố tụng Dân sự chỉ quy định khoảng thời gian để đưa vụ án ra xét xử (quy định khung) chứ không quy định một thời điểm cụ thể nào trong khoảng thời gian 5 tháng nói trên. Do vậy, Toà án không có cơ sở để yêu cầu ngân hàng tính trước và ghi vào đơn khởi kiện số lãi đến thời điểm đưa vụ án ra xét xử mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán cho ngân hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Thứ tư: Bộ luật Dân sự 2005 quy định trong trường hợp người có nghĩa vụ (doanh nghiệp vay vốn) chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 305). Trước đó, ngày 19 tháng 6 năm 1997, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (văn bản này đang còn hiệu lực), trong đó có quy định: để bảo đảm quyền lợi của bên được thi hành án (ngân hàng), hạn chế việc bên phải thi hành án (doanh nghiệp) cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, tòa án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời hạn chưa thi hành án. Do đó, ngoài số lãi phải trả tính đến thời điểm xét xử vụ án và được ghi trong bản án hoặc quyết định của Tòa án, doanh nghiệp còn phải trả cho ngân hàng số lãi theo mức lãi suất quá hạn tính đến thời điểm thực tế thi hành án phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc Tòa án coi số nợ ghi trong đơn khởi kiện, trong đó có nợ lãi, là “phạm vi yêu cầu khởi kiện” cũng không phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 01 nói trên.

2)Tuyên hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu – liệu Tòa án đã xem xét đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Trong vụ án nói trên, Tòa án đã tuyên vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vì hợp đồng này không tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng (hợp đồng chưa được công chứng hoặc chứng thực). Cơ sở pháp lý để Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu là quy định của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự và Bộ luật Dân sự. Cụ thể, khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991 quy định “Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản và được cơ quan công chứng nhà nước chứng thực”; khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991 quy định “Văn bản cầm cố tài sản phải có chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước, nếu pháp luật có quy định”. Ngoài quy định nêu trên của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, trong Bản án số 69/2007/KDTM-ST ngày 14 tháng 6 năm 2007, Tòa án còn nhận định Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng có quy định tương tự như quy định của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991. Do vậy, Tòa án thấy yêu cầu của ngân hàng “tuyên giao cho ngân hàng quản lý khai thác, phát mại toàn bộ tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp cầm cố để thu nợ” như đơn khởi kiện là không chấp nhận được.

Tuy nhiên, lý do mà Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu nói trên là không phù hợp và không chính xác. Điều này được thể hiện ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất: Tài sản thế chấp, cầm cố trong vụ án nêu trên là trụ sở làm việc của doanh nghiệp, nhà kho, ô tô và dây chuyền sản xuất. Hợp đồng thế chấp, cầm cố các loại tài sản này được các bên ký kết ngày 4 tháng 4 năm 1995. Vào thời điểm đó, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ngày 29 tháng 4 năm 1991 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh này, thì việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản và được cơ quan công chứng nhà nước chứng thực. Đối với tài sản cầm cố, thì việc cầm cố tài sản cũng phải được lập thành văn bản (hợp đồng) và không bắt buộc phải có chứng thực của cơ quan công chứng nhà nước, nếu pháp luật không có quy định (khoản 1 Điều 36). Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991 phân biệt cầm cố tài sản và thế chấp tài sản bằng tiêu chí tài sản được giao cho bên nào giữ. Nếu thế chấp tài sản, thì bên thế chấp được giữ tài sản; ngược lại, tài sản cầm cố (không bao gồm nhà cửa, công trình xây dựng, cây lâu năm) phải được giao cho bên nhận cầm cố giữ, ngoại trừ các bên có thỏa thuận khác. Do vậy, rất khó có thể phân định được đâu tài sản thế chấp, đâu là tài sản cầm cố trong trường hợp các tài sản nói trên đều được giao cho doanh nghiệp giữ để tiếp tục quản lý, sử dụng và việc thế chấp, cầm cố các tài sản nói trên được lập thành một hợp đồng chung với tên gọi là “Hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản” chứ không lập thành hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng cầm cố tài sản. Cho nên, nếu Tòa án tuyên Hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản nói trên vô hiệu do Hợp đồng không được công chứng, thì quyết định của Tòa án chỉ đúng đối với phần tài sản thế chấp trong Hợp đồng theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng dân sự.

Thứ hai: Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 không hoàn toàn có những quy định như Tòa án tuyên tại Bản án số 69 nêu trên. Cụ thể, Điều 330 và Điều 347 của Bộ luật Dân sự 1995 quy định: Việc thế chấp, cầm cố phải được lập thành văn bản và phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Điều 327 và Điều 343 của Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Việc thế chấp, cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Đối với tài sản cầm cố, thì việc cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ (Điều 328). Do đó, việc Tòa án nhận định Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 cũng có quy định tương tự như khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự là không phù hợp. Hơn nữa, cả Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 đều có hiệu lực sau ngày ký Hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản ngày 04 tháng 4 năm 1995 và không có hiệu lực hồi tố đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước đó (Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực kể từ 01/7/1996 và Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực kể từ 01/01/2006). Cho nên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, Tòa án không thể áp dụng quy định của hai Bộ luật Dân sự này để xem xét tính hợp pháp về hình thức của Hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản ngày 04 tháng 04 năm 1995.

Thứ ba: Từ năm 1986 đến năm 2000, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực cả về lượng và chất để đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới đất nước. Đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ… với các lộ trình cụ thể về việc mở cửa hội nhập lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thì bên cạnh những cơ hội kinh doanh mới, các ngân hàng thương mại nhà nước đã và đang gặp không ít khó khăn và thách thức mới. Do đó, ngay từ năm 2000, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nợ tồn đọng giai đoạn 1 (2001 – 2005) nhằm nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị điều hành của từng ngân hàng, xây dựng mô hình hoạt động, mô hình tổ chức quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, làm tiền đề cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm 2006. Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nợ tồn đọng đã giúp cho các ngân hàng xử lý được những tồn tại theo cơ chế hành chính bao cấp trước đây và làm trong sạch, minh bạch các hoạt động của Ngân hàng theo cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại (Quyết định số 149), thì phạm vi xử lý nợ tồn đọng là các khoản nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại còn dư nợ đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2000. “Đối với những tài sản bảo đảm nợ vay chưa đầy đủ thủ tục pháp lý và hiện không có tranh chấp: các ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Ban Chỉ đạo cơ cấu lại tài chính ngân hàng thương mại xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục pháp lý để các ngân hàng thương mại bán nhanh tài sản, thu hồi nợ” (tiết c điểm 3.1, khoản 3, Điều 1, Quyết định số 149). Điều 139 của Bộ luật Dân sự 1995 quy định “Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu, nếu không thể hiện bằng văn bản, không được công chứng nhà nước chứng thực, đăng ký hoặc cho phép, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu”. Hiện nay, Điều 134 của Bộ luật Dân sự 2005 cũng có quy định tương tự như Điều 139 của Bộ luật Dân sự 1995.

Khoản nợ vay theo Hợp đồng tín dụng số 01/BL95E ngày 24 tháng 5 năm 1995 mà doanh nghiệp phải thanh toán cho ngân hàng theo Bản án số 69 nêu trên là khoản nợ tồn đọng trước thời điểm 31/12/2000. Do đó, các tài sản thế chấp, cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 149. Vì vậy, lẽ ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phải xem xét, yêu cầu các bên thực hiện việc công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản trong một thời hạn hợp lý nhất định theo quy định của Bộ luật Dân sự và Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong Bản án số 69 nêu trên, Tòa án đã tuyên hợp đồng hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu mà “dường như” không xem xét đến quy định tại Điều 139 của Bộ luật Dân sự 1995, Điều 134 của Bộ luật Dân sự 2005 và Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của ngân hàng. Việc Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản vô hiệu như trường hợp nói trên không chỉ làm cho ngân hàng không thu được nợ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà còn có thể làm cho một cán bộ có liên quan của ngân hàng bị xử lý theo quy định của pháp luật (trách nhiệm hình sự) hoặc theo quy định nội bộ của ngân hàng.

Hiện nay, còn nhiều khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước tại ngân hàng thương mại nhà nước thuộc Đề án xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại theo Quyết định số 149 đã đến hạn, quá hạn (đặc biệt là các khoản vay trung, dài hạn) nhưng chưa trả hết cho ngân hàng. Do đó, không ai dám bảo đảm rằng các khoản nợ vay này sẽ được thanh toán đầy đủ cho ngân hàng trong thời gian tới mà các bên không phải đưa nhau ra giải quyết tại toà án. Vì vậy, các ngân hàng thương mại nhà nước cần rà soát, báo cáo Ngân hàng Nhà nước những khoản nợ vay nói trên theo quy định của Quyết định số 149. Trên cơ sở đó, các Vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, đề xuất với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn đường lối xét xử thống nhất, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các ngân hàng thương mại nói chung và ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng trong các vụ án tương tự như trên.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 1/2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: