admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO ĐỘNG VỀ TÌNH TRẠNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM: AI BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG?

THANH THANH

Vấn đề không mới song nói như ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì tình hình đang rất nghiêm trọng và hầu như đang đi vào ngõ cụt. Một cuộc hội thảo với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng” đã được Vinastas tổ chức trong bối cảnh như vậy…

MỐI LO CANH CÁNH…

Không khó khăn để liệt kê những loại thực phẩm đang có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng (NTD) hiện nay, song không dễ dàng để trả lời câu hỏi: Biết ăn cái gì cho an toàn? “Trong bữa ăn của mọi người, từ thịt cá, rau quả đến nước chấm… không thứ gì là không bị ô nhiễm, mất vệ sinh. Thế nhưng liệu có ai có thể không ăn được không? Không ai cả, nhưng vừa ăn lại vừa run…”–  Ông Đỗ Gian Phan  nói lên tâm trạng chung cua người dân hiện nay. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối lo cánh cánh, thương trực của NTD. Ngay cả nhưng nơi tưởng có thực phẩm an toàn như các vùng trồng rau sạch, hay các siêu thị, các cửa hàng rau sạch…, theo ông Đỗ Gia Phan “có thực sự an toàn hay không, vẫn chưa có ai dám khẳng định rõ”. Thực tế không ít người sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua nhưng mớ rau trong thật ngon mắt để đổi lấy sự an toàn cho mình, nhưng sau đó lòng tin của họ cứ nhạt dần do không đủ rau an toàn để bán và có nhiều loại rau bán ngoài chợ đã được trà trộn để bán trong các cửa hàng rau an toàn mà chẳng ai kiểm soát, xử lý.

Số liệu của Cục Quản lý chất lượng VSATTP cho thấy, các vụ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm nông nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, từ năm 2000 đến năm 2006, về ngộ độc thực phẩm do thủy sản là 271 vụ với 5.230 người mắc và 142 người chết; Ngộ độc do cá nóc là 125 vụ với 726 người mắc và 120 người chết; Ngộ độc thực phẩm do rau, củ, quả là 168 vụ với 3.082 người mắc và 16 người chết; Ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực phẩm là 13 vụ với 2.615 người mắc phải và 6 người chết; Ngộ độc do nấm độc là 99 vụ với 473 người mắc phải và 81 người chất. Số liệu của Cục Quản lý chất lượng VSATTP cũng cho thấy có đến 86,6% việc chế biến thực phẩm chủ yếu là hộ gia đình, cá thế, trong đó có đến 86,7% không đạt yêu cầu về điều kiện VSATTP (chủ yếu về điều kiện cơ sở và con người). Đặc biệt, tình hình chế biến thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố còn vi phạm rất nghiêm trọng về VSATT: Tỷ lệ bốc thức ăn bằng tay là 67,3%; Tỷ lệ không rửa tay là 46,1%; Tỷ lệ bàn tay nhiễm E.coli (ô nhiễm phân) là 50- 90% (tùy địa phương); Tỷ lệ giò chả có hàn the là 30- 70%. Bên cạnh đó là tình hình hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng còn khá phổ biến…
TRÁCH NHIỆM… CHIA ĐỀU (!?)

Theo PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng VSATTP, theo khuyến cáo của WHO và FAO, các hoạt động kiểm soát VSATTP phải được đảm bảo “từ trang trại đến bàn ăn”, tức là phải đảm bảo VSATTP ngay từ khi nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khi chế biến, phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Có lẽ đó cũng là lý do mà vấn đề này được “chia chung” cho các cơ quan QLNN. Theo một cơ quan chức năng, hiện có đến 11 cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về từng khâu như sản xuất do Bộ NN & PTNT phụ trách chế biến thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, trên bàn ăn thuộc bộ Y tế… “Việc phân công như vậy làm cho ranh giới mỗi khâu không rõ ràng, có khâu có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm, nhưng có khâu lại không có ai. Vì có nhiều người chịu trách nhiệm mà lại không có ai chịu trách nhiệm chính nên công việc chung không ai lo, nẩy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kết quả là công việc không tiến triển được…”– Ông Đỗ Gia Phan nhận xét. Theo đề xuất của Vinastas, nhà nước cần có các quy định rõ ràng trách nhiệm cho từng khâu, đồng thời giao trách nhiệm cho một cơ quan chịu trách nhiệm chung trong cả quá trình từ đồng ruộng tới bàn ăn. Cơ quan này có trách nhiệm và có quyền điều phối công việc có liên quan và chịu trách nhiệm chung với nhà nước và NTD.
“Tháng 1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một hội nghị toàn quốc để chuyên bàn về bảo đảm thực phẩm an toàn cho NTD, nhiều ý kiến đã được nêu ra, nhưng cho đến nay, tình hình vẫn không mấy khả quan hơn…” – Ông Phan thẳng thắn. Là một trong các cơ quan đảm nhiệm một khâu trong quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”, PGS.TS Trần Đáng cũng thừa nhận, hiện công tác đảm bảo VSATTP ở Việt Nam  mới triển khai được một chu kỳ chương trình mục tiêu với sự đầu tư còn quá hạn hẹp (năm 2006 mới đạt 50 tỷ đồng cho toàn quốc), và chúng ta vẫn đang phải đối mặt vói một thực trạng với những thách thức, bất cập rất lớn, cần phải quan tâm giải quyết.  PGS. TS Trần Đáng cũng cho rằng, quy định pháp lý về quản lý VSATTP cơ bản  là đầy đủ song biến các quy định này thành thực tế còn rất hạn chế. Vi du, theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh phải tổng kết công tác VSATTP giai đoạn 2001- 2005 và xây dựng kế họach 2006- 2010 nhưng đến nay mới có 22/64 tỉnh, TP có tổng kết có báo cáo và kế hoạch do lãnh đạo UBND ký. Trên toàn quôc có 10.876 xã, phường thì đến hết năm 2006 mới có 5.950 xã phường có Ban chỉ đạo (54,6%) và mới chỉ có 30- 40% xã phường có kế hoạch và chỉ đạo về VSATTP ở xã, phường mình… “Như vậy, ngay cả ở tuyến cơ sở đã không có sự chỉ đạo về VSATTP thì chắc chắn không thể có thực phẩm an toàn từ trang tại được…”– Cục trường Cục Quản lý chất lượng VSATTP Trần Đáng nhận định.
Cũng dễ hiểu khi tổ chức cuộc hội thảo này đại diện của Vinastas- một tổ chức phi chính phủ, cho biết, Vinastas cũng không có tham vọng gì hơn là “một lần nữa muốn gióng lên một tiếng chuông báo động về vấn đề VSATTP đang rất nghiêm trọng hiện nay…”

SOURCE: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=1806

———————————————————————————————————–

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG: Phải làm gì?

Tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng” mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật đều cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện một cách hệ thống ác quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi NTD, đặc biệt là trước khi Việt nam chính thức mở cửa cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hãng bán lẻ lớn trên thế giới tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam (thời điểm ngày 1/1/2009). PLVN xin trích giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

TS Đinh Thị Mỹ Loan – Tổng thư lý Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Muốn hoàn thiện pháp luật về bảo vệ NTD thì các nhà làm luật cần xác định NTD là trung tâm của hệ thống nói trên, pháp luật phải vì NTD, cần bảo vệ NTD ở trạng thái động, trong bối cảnh phát triển nhanh cóng của khoa học – kỹ thuật và tác động tích cực lẫn tiêu cực của quá trình hội nhập. Chú trọng cơ chế nâng cao khả năng tự bảo vệ của NTD, cơ chế hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy bảo vệ NTD bao gồm cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước lẫn hệ thống các tổ chức xã hội. Giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD cần tập trung và các khía cạnh: Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD; đổi mới công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực bộ máy về bảo vệ quyền lợi NTD, tạo ra các chế tài đủ mạnh (trao thẩm quyền xử phạt) cho các cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh đó, việc nâng pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD lên thành Luật bảo vệ quyền lợi NTD sẽ tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD, nâng cao tính khả thi, tính minh bạch của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và tạo hành lang pháp lý lành mạnh để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh, NTD.

PGS-TS Đinh Ngọc Vượng (Viện Nhà nước và Pháp luật):

Muốn hoàn thiện một cách hệ thống các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi NTD, nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD mà trước hết là ban hành Luật bảo vệ quyền lợi NTD vì chỉ khi có luật và trên cơ sở đó các văn bản dưới luật, các văn bản pháp quy khác để điều chỉnh thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có cơ sở triển khai thực hiện, sức mạnh của bộ máy chính trị mới phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, cũng cần đơn giản hoá thủ tục khiếu kiện của NTD để nếu doanh nghiệp không giải quyết khiếu nại chính đáng của NTD, NTD có quyền nhờ cơ quan chức năng (cơ quan quản lý nhà nước, các cấp toà án) can thiệp kịp thời. Tuyên truyền phổ biến đề NTD biết được các quyền của mình theo quy định của pháp luật để NTD chủ động bảo vệ quyền của mình khi bị xâm phạm cũng là chuyện không thể lơi là.

Ông Tưởng Duy Lượng – Chánh toà Dân sự TANDTC:

Để nâng cao vai trò của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, hệ thống Toà án cần thực hiện một số biện pháp như: Áp dụng chế độ án phí đặc biệt đối với các vụ kiện do NTD hoặc Hội bảo vệ NTD khởi kiện theo hướng không buộc những người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí khi tiến hành khởi kiện và dù có thua kiện họ cũng không phải chịu án phí; nghiên cứu để bổ sung quy định quyền khởi kiện của NTD theo hướng NTD có thể khởi kiện bất cứ ai trong chuỗi phân phối sản phẩm (nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ) mà NTD thấy hợp lý và có khả năng đòi bồi thường thành công cao; nghiên cứu việc áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể khi doanh nghiệp gây thiệt hại cho NTD ở phạm vi rộng; quy định rõ việc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các chi phí cho người khởi kiện (chi phí đi lại, thời gian theo kiện, chi phí thuê luật sư) vì thực tế hiện nay hầu hết các tranh chấp dân sự. Toà án Việt Nam chưa xem xét thiệt hại này…

Theo Xuân Hoa – Báo pháp luật Việt Nam ngày 10/3/2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: