admin@phapluatdansu.edu.vn

Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN PHÁP LỆNH BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

TS. BÙI NGUYÊN KHÁNH – Viện Nhà nước và Pháp Luật

I. Về sự cần thiết ban hành Nghị định
Việc thừa nhận nền kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới bên ngoài đang làm thay đổi căn bản những vấn đề về nhận thức và phương pháp điều tiết của Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam. Từ vai trò của người buộc phải chấp nhận sản phẩm trong cơ chế kinh tế cũ, người tiêu dùng Việt Nam đã trở thành người chấp nhận giá. Người tiêu dùng là “Thượng Đế” do họ có khả năng, điều kiện và một phạm vi lựa chọn rộng lớn – quyền bỏ phiếu bằng đồng tiền. Song cách hiểu này cũng cần phải có điều kiện vì khả năng lựa chọn của người tiêu dùng không thể vượt quá giới hạn khả năng sản xuất và sự cung ứng của nhà kinh doanh. Bởi vậy, trong điều kiện các thiết chế thị trường chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa được đảm bảo thì „Thượng đế“ luôn có nguy cơ trở thành “nạn nhân” trước sự lạm dụng ưu thế của nhà kinh doanh thông qua phương thức kinh doanh gian dối, thiếu trung thực và được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi. Do đó, bảo vệ người tiêu dùng luôn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Mặc dù đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế về người tiêu dùng (Consumers International – CI)[1] từ tháng 6 năm 1991, song 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng[2] lần đầu tiên mới được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999[3]. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phải đợi đến 2 năm sau, chúng ta mới có Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 2.10.2001 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Tuy nhiên, thực tiễn  trong những năm qua đã chứng tỏ rằng, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nói chung và hai văn bản pháp luật nói trên có vai trò rất hạn chế trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là sự thiết hụt về trình tự, thủ tục cụ thể về xử lý các khiếu nại của người tiêu dùng, về sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng như địa vị pháp lý của các thiết chế hỗ trợ trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta.
Trong bối cảnh chưa xây dựng được Luật bảo vệ người tiêu dùng, thì việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 02.10.2001 là giải pháp tình thế cần thiết và cần được ủng hộ. Do có phạm vi điều chỉnh rộng, nên chúng tôi cho rằng đây là văn bản cần lấy ý kiến rộng rãi không chỉ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề, các Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn cả đông đảo các tầng lớp dân cư.
II. Về yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Nghị định
Cần nhấn mạnh là, Dự thảo Nghị định nhằm thay thế Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 02.10.2001  quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi vậy, nội dung của Nghị định không thể trái với các nguyên tắc và nội dung của Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi của  người tiêu dùng 1999.
Trên tinh thần đó, chúng tôi cho rằng cần phải coi trọng những quan điểm sau đây khi xây dựng Dự thảo Nghị định này:
1. Trách nhiệm sản phẩm của nhà cung ứng
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có sự phân định rõ ràng giữa pháp luật về trách nhiệm sản phẩm (trách nhiệm của nhà sản xuất) và pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm là bộ phận pháp luật quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trước xã hội đối với nguy cơ nảy sinh trong quá trình sử dụng sản phẩm của mình. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần. Theo đó, chế độ trách nhiệm đối với sản phẩm không chỉ dừng lại ở  các quy định về  trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ mà còn bao hàm các quy định về trách nhiệm của người sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong việc đảm bảo tính hợp lý, an toàn và tin cậy trong việc sử dụng sản phẩm mình. Thí dụ như trách nhiệm từ chối bán dược phẩm khi không có đơn thuốc chỉ định của bác sỹ, việc vận chuyển đồ uống có gas phải được thực hiện trong các loại bao bì nhất định … Như vậy, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm là pháp luật công và người sản xuất, cung ứng dịch vụ có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn theo luật định có thể bị áp dụng các chế tài hành chính, hình sự ngay cả khi chưa người tiêu dùng nào bị thiệt hại do sử dụng các sản phẩm đó.
Trong khi đó, pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lại quan tâm đến việc việc ghi nhận và xác lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước sự xâm hại. Trách nhiệm bồi thường của người sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ chỉ phát sinh khi họ có hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, có lỗi, có thiệt hại xảy ra và tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm. Ngay cả trong trường hợp này, người tiêu dùng cũng không mặc nhiên được bảo vệ nếu họ không ý thức được về quyền lợi của mình để khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.  Bởi thế, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thuộc về Luật tư và được duy trì thông qua các chế tài của dân luật.
Thực tiễn đã cho thấy, nhiều hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời là các hành vi vi phạm pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Trong trường hợp này, cần xác định những hành vi này là vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự và sẽ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, hình sự. Việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng chỉ xảy ra khi có thiệt hại và được xem là biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự gây ra. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng có thể được giải quyết đồng thời trong bản án hình sự (phần dân sự trong bản án hình sự), trong quyết định xử phạt hành chính hoặc giải quyết riêng trong một vụ án dân sự.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại những hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng mà không cấu thành tội phạm hoặc vi phạm pháp luật hành chính, thí dự như: vi phạm nghĩa vụ bảo hành, không cho đổi lại hoặc hoàn trả bẳng tiền khi sản phẩm không sử dụng được… Trong trường hợp này, việc giài quyết yêu cầu bồi thường của người tiêu dùng được thực hiện theo cơ chế của Luật tư bằng các biện pháp giải quyết linh hoạt như: thương lượng, hòa giải, hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Bởi thế, việc xây dựng một cơ chế xử lý vi phạm chung cho những hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng như cách làm hiện nay là không phù hợp. Do đó, Dự thảo Nghị định hoàn toàn có thể phân hóa cơ chế xử lý vi phạm như đã trình bày trên và điều này không trái với các quy định của Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng 1999.  
2. Cơ chế giải quyết khiếu kiện của người tiêu dùng
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ mình, huy động mọi lực lượng xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Nghị định cần hướng đến việc xác lập rõ địa vị pháp lý của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và cơ chế khiếu kiện của người tiêu dùng.
Để chuyên nghiệp hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng từ phía các Hội bảo vệ người tiêu dùng, tôi cho rằng cần phải thừa nhận cơ chế khởi kiện tập thể của người tiêu dùng với sản phẩm hoặc một nhóm các sản phẩm của một nhà kinh doanh vì các lẽ sau:
– Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp cho người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận công lý và loại bỏ được những rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình;
–   Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp cho người tiêu dùng không phải chi phí quá lớn để tiếp cận công lý; Với vai trò là người bảo trợ, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ trợ giúp họ với nhiều phương thức và cơ chế hỗ trợ đa dạng như: test miễn phí tại các Trung tâm giám định của tổ chức, trợ giúp kinh phí theo phương thức hoàn trả sau, hỗ trợ tư vấn…;
– Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp cho người tiêu dùng có sức mạnh đáng kể trong quá trình đàm phán, thương lượng với nhà kinh doanh. Trong trường hợp phải giải quyết tranh chấp tại Tòa án, cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành phương thức bồi thường và các mức bồi thường trong từng lĩnh vực tiêu dùng;
– Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng theo đuổi các mục tiêu riêng của mình. Với cơ chế này, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi lúc. Qua đó, nó cũng tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng hiệu quả vũ khí cuối cùng của mình:  tẩy chay các sản phẩm, dịch vụ thiếu an toàn, kém chất lượng; tẩy chay các phương thức kinh doanh lạc hậu, thiếu văn minh…
Tuy nhiên, cần nhận thấy là, đây là cơ chế chưa được phản ánh và ghi nhận trong pháp luật của nước ta. Bởi vậy, việc chuyển hóa yêu cầu này trong các quy định của Dự thảo Nghị định cần chú ý đến các quy định về  pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.
3. Mối liên hệ của Dự thảo Nghị định với các văn bản pháp luật khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cần nhấn mạnh là, quyền lợi của người tiêu dùng còn được ghi nhận và bảo vệ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật cạnh tranh, Luật thương mại, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật bảo vệ môi trường, Luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…
Bởi vậy, Dự thảo Nghị định cần phải tập trung quy định cụ thể về thủ tục giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan chức năng; cụ thể hóa trách nhiệm của nhà cung ứng cũng như địa vị pháp lý của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
4. Trách nhiệm của người tiêu dùng
Pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ không có nhiều điều kiện và cơ hội áp dụng nếu người tiêu dùng không tự ý thức được về các quyền của mình và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết. Thoát thai từ một nền kinh tế tập trung bao cấp, người tiêu dùng Việt Nam đã và đang bảo lưu nhiều tập quán tiêu dùng lạc hậu, tâm lý tiêu dùng kém văn minh và ít có cơ hội được đào tạo để sử dụng các phương tiện và phương thức tiêu dùng hiện đại. Trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng cần phải được khuyến khích, động viên và trong nhiều trường hợp cần thiết phải duy trì bằng những hình thức chế tài nhất định chẳng hạn như cố tình sử dụng hoặc cho người khác sử dụng các thực phẩm bị nhiễm virus có nguy cơ lây lan, sử dụng thiết bị không tuân thủ các quy đinh an toàn gây nguy hiểm cho người khác…
Bên cạnh đó, việc sử dụng quyền tẩy chay và kêu gọi tẩy chay tập thể của người tiêu dùng cũng là vấn đề cần lưu ý đến khi soạn thảo Nghị định này. Vì đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, nên  tôi cho rằng, cần xác định các điều kiện pháp lý để người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng quyền này.
III. Về những nội dung của Dự thảo Nghị định
1. Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định
Về cơ bản, tôi nhất trí với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định này. Tuy nhiên, với những nội dung trình bày trên, có thể thấy rất rõ là, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự thảo cần phải được cân nhắc thêm ở các nội dung sau:
Một là, Dự thảo còn bỏ sót các quy định hướng dẫn về trách nhiệm xã hội của người  tiêu dùng,
Hai là, tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt để chúng ta hướng dẫn chi tiết về thủ tục, trình tự thực hiện các quyền của người tiêu dùng. Như đã nói trên, đặc biệt cần lưu ý đến quyền tẩy chay tập thể của người tiêu dùng. 
2. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ
Mặc dù  Ban soạn thảo có nhiểu nỗ lực trong việc chi tiết hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ (nhà cung ứng) đối với xã hội, song chúng tôi cần thiết phải thận trọng với hai vấn đề sau:
Một là, liệu việc giải đáp kịp thời thắc mắc của người tiêu dùng (Điều 5, khoản 1) có phải là một nghĩa vụ pháp lý?. Cũng cần phải giải thích thêm thế nào là thắc mắc và phạm vi của thắc mắc của người tiêu dùng? Xin lưu ý là,  Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 không quy định nghĩa vụ này.
Hai là, trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người tiêu dùng cần được hiểu thế nào?. Cần phải quy định chi tiết hơn theo hướng cung cấp thông tin có phân hóa theo chủng loại hàng hóa, dịch vụ.
3.  Cơ chế khởi kiện tập thể
Như đề cập ở trên, cơ chế chưa được phản ánh và ghi nhận trong pháp luật của nước ta. Bởi thế, Ban soạn thảo có thiết kế cơ chế này thông qua các quy định đại diện theo ủy quyền (Điều 12, khoản 1, điểm a).
Theo tôi, việc thiết kế như vậy cần phải được xem xét lại vì những nguyên nhân sau:
Một là, trong cơ chế khởi kiện tập thể, thì tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là người đại diện ủy quyền thường xuyên của những người tiêu dùng. Họ sẽ can thiệp vào vụ việc khi tiếp nhận một số lượng đơn yêu cầu nhất định của người tiêu dùng. Với phương thức này, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể chủ động sử dụng các phương tiện pháp lý thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng một cách có hiệu quả.
Với cách thiết kế của Ban soạn thảo, thì đây vẫn là những vụ khiếu nại hay khởi kiện đơn lẻ và có khả năng lặp lại trong những nhóm người tiêu dùng khác nhau với cùng một công việc. Điều này có thể gây lãng phí các nguồn lực xã hội một cách không cần thiết.
Hai là,  Dự thảo Nghị định cũng chưa cho biết, việc ủy quyền này được thực hiện giữa tập thể người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ ngươi tiêu dùng hay của từng người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ người tiêu dùng?
Ba là, Dự thảo Nghị định cũng chưa cho biết, nguồn tài chính nào để tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thực hiện các công việc này? Việc thu phí có ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của các tổ chức này không? (Điều 11 khoản 3).
4. Thủ tục hòa giải  tại cơ quan quản lý Nhà nước
Như đã trình bày trên về yêu cầu phân hóa giữa hành vi vi phạm về trách nhiệm sản phẩm và vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, tôi không ủng hộ thủ tục hòa giải tại cơ quan quản lý Nhà nước vì những lý do sau đây:
Một là, việc hòa giải theo Điều 23 theo Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là công việc riêng và thuộc quyền tự định đoạt của người tiêu dùng có khiếu nại và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị khiếu nại. Bởi thế, họ có quyền lựa chọn hòa giải viên hoặc tổ chức hòa giải chuyên nghiệp mà không cần đến vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi thế, việc quy định thủ tục hòa giải tại cơ quan quản lý Nhà nước trong trường hợp chỉ do người tiêu dùng yêu cầu theo Điều 19, khoản 1 điểm b của Dự thảo Nghị định là vi phạm quyền tự định đoạt của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị người tiêu dùng khiếu nại.
Hai là, như đã trình bày trên, những hành vi vi pham quyền lợi của người tiêu dùng dưới hình thức các vi phạm hành chính và hình sự thi không được và không thể giải quyết qua thủ tục hòa giải. Bên vi phạm và người tiêu dùng bị vi phạm chỉ được thỏa thuận về nội dung khắc phục hậu quả:  về mức, hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng[4].
Ba là, việc cơ quan quản lý Nhà nước đảm nhận chức năng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải cho các bên trong các tranh chấp theo Luật tư là sáng kiến độc đáo của Dự thảo song đáng tiếc là nó không phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước trong Nhà nuớc pháp quyền. Đây là công việc của các Trung tâm hòa giải hoặc hòa giải viên (hòa giải ngoài tố tụng) và của Tòa án (hòa giải trong tố tụng).
5. Về  kỹ thuật lập pháp
5.1   Về tính khả thi của Dự thảo Nghị định
Có thể nói rằng, đây là một Dự thảo có nhiều vấn đề cần xem xét và cân nhắc thận trọng khi đánh giá theo tiêu chí tính khả thi, đặc biệt là những vấn đề sau:
–         Thanh tra về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng:  Dự thảo đã không làm rõ được hoạt động thanh tra được thực hiện như thế nào?. Sự phối hợp giữa Cơ quan quản lý thị trường và Cơ quan quản lý cạnh tranh trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được làm rõ.
–         Về sự phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác: Dự thảo chưa làm rõ được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Theo chúng tôi, Dự thảo cần phải chi tiết hóa nội dung phối hợp, yêu cầu, trình tự và thời hạn tham gia… thì mới có thể giải quyết căn bản những tồn tại trong Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 02.10.2001.
5.2   Về giải thích thuật ngữ
     Dự thảo còn có một số thuật ngữ chuyên môn được giải thích hoặc sử dụng không phù hợp, đặc biệt là:
– Việc bổ sung khái niệm cá nhân, tổ chức khi giải thích thuật ngữ “người tiêu dùng” tại Điều 3, khoản 1 của Dự thảo so với Điều 1 của Pháp lệnh;
– Thuật ngữ “thiệt hại về an toàn tính mạng” tại Điều 8, khoản 2 của Dự thảo; “hình thức khiếu nại có thể được thực hiện bằng miệng”… là những thuật ngữ được sử dụng không chính xác.
6. Về hình thức văn bản
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Ban soạn thảo là hình thức văn bản phù hợp nhất là Nghị định và đề nghị Ban soạn thảo cần lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp dân cư trước khi trình Chính phủ ban hành.
Trên đây là những ý kiến đóng góp của bản thân tôi đối với Dự thảo này. Kính chuyển Phòng thương mại và công nghiệp nghiên cứu, sử dụng.
Chú thích:

[1] Tổ chức quốc tế người tiêu dùng được thành lập năm 1960 bởi một số tổ chức người tiêu dùng quốc gia với tên gọi ban đầu là International Organization of Consumer Unions. Năm 1994, Đại hội thế giới quốc tế người tiêu dung tổ chức tại Montpellier (Pháp) quyết định đổi tên tổ chức thành Consumers International.

[2] Ngày nay, tám quyền cơ bản sau đây của người tiêu dùng đã được Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và các chính phủ thừa nhận: Quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản; Quyền được an toàn; Quyền được thông tin; Quyền đựoc lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền được khiếu nại và bồi thường; Quyền được giáo dục và đào tạo về tiêu dùng; Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững.

[3]

[4] Xem Phần I, Mục 2,  Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 97 năm 2006  hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Dân Sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

SOURCE: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=1780

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading