Việt kiều có quốc tịch Việt Nam sẽ được sở hữu nhà như người trong nước mà không cần thêm bất cứ điều kiện nào khác.
Ngày 10-3, Bộ Xây dựng đã chính thức trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 90/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó nổi bật là những sửa đổi để tạo điều kiện cho Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam dễ dàng hơn. Theo dự thảo nghị định sửa đổi này, nhiều Việt kiều sẽ có quyền sở hữu nhà như công dân Việt Nam ở trong nước.
Chưa có Việt kiều nào mua được nhà ở Hà Nội
Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Hà, cho biết theo quy định tại Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) muốn mua nhà ở tại Việt Nam phải là người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học; người được phép về sống ổn định tại Việt Nam. Bốn nhóm đối tượng này được sở hữu nhà như người Việt trong nước. Ngoài bốn nhóm này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà, từ khi nhà nước cho phép Việt kiều được mua nhà trong nước, số Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam hiện mới chỉ có trên 130 trường hợp, trong đó chủ yếu là ở TP.HCM. Riêng thủ đô Hà Nội hiện chưa có trường hợp Việt kiều nào được mua nhà. Con số này là quá nhỏ so với nhu cầu thực sự của Việt kiều.
Lý giải cho việc luật đã có nhưng không thể triển khai trên thực tế, một cán bộ Cục Quản lý nhà cho biết vướng mắc chủ yếu xuất phát ở việc xác định thời hạn cư trú từ sáu tháng trở lên của Việt Kiều. Theo cán bộ này, qua khảo sát cho thấy nhóm đối tượng Việt kiều có nhu cầu mua nhà ở nhiều nhất rơi vào trường hợp được sở hữu một nhà: “Đã về Việt Nam cư trú với thời hạn từ sáu tháng trở lên”. Nghị định 90/2006 đã giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Công an có hướng dẫn cách thức xác định thời hạn cư trú với trường hợp này nhưng đã gần hai năm vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Nghị định 90/2006 cũng giao cho Bộ Ngoại giao hướng dẫn thế nào là “người có gốc Việt Nam” nhưng cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn. “Vì vậy thời gian qua, nhiều Việt kiều muốn mua nhà nhưng không thể mua được do chưa có những hướng dẫn này” – vị cán bộ này giải thích.
Từ những vướng mắc đối với Việt kiều trong việc mua nhà ở Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng sửa đổi Nghị định 90/2006 theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà trong nước, đồng thời quy định rõ điều kiện của các đối tượng được mua nhà để có thể thực hiện ngay trên thực tế mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn.
Mở rộng đối tượng được sở hữu nhà
Cục trưởng Cục Quản lý nhà, ông Nguyễn Mạnh Hà, cho biết dự thảo nghị định sửa đổi sẽ mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó phân định rõ các trường hợp được sở hữu nhà như công dân Việt Nam trong nước và trường hợp chỉ được sở hữu một nhà ở. Những đối tượng được sở hữu nhà như công dân Việt Nam trong nước sẽ mở rộng hơn (xem box).
Như vậy, so với quy định hiện hành, những rắc rối do phải xác định thời hạn cư trú từ sáu tháng trở lên đối với Việt kiều đã được loại bỏ. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đã sửa đổi theo nguyên tắc người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt người đó ở trong hay ngoài nước. Bởi thực tiễn cho thấy người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm cả những người lao động, học tập ở nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài. Hiện có không ít người Việt đã sinh sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, thậm chí có nhiều trường hợp người Việt vẫn giữ hộ khẩu, biên chế ở các cơ quan trong nước… “Quy định mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà như vậy sẽ tránh được việc phải xác minh phiền phức như trong các quy định trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều mua nhà ở” – một chuyên gia Cục Quản lý nhà nhận định. Tuy nhiên, “Nếu các cơ quan hành chính không cải tiến trong lề lối làm việc mà vẫn quan niệm theo kiểu xin-cho thì nhiều Việt kiều vẫn sẽ bị làm khó” – vị này lo ngại.
————————————————————————————
Những nhóm Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước:
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (gồm người có quốc tịch Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam).
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam và thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở, gồm nhà đầu tư, nhà khoa học, người có công, người về sinh sống ổn định tại Việt Nam.
– Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có gốc Việt Nam nhưng không thuộc các trường hợp trên thì chỉ được sở hữu một nhà ở.
(Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 90)
————————————————————————————
SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=211324
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Chủ thể |
Leave a Reply