admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA HỘI ĐỒNG CẠNH TRANH TẠI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

THS. NGUYỄN NGỌC SƠN – ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM

1. Sự chậm trễ trong việc thành lập các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh đã làm nảy sinh nhiều lo ngại cho các nhà nghiên cứu và giới doanh nhân về triển vọng của Luật Cạnh tranh. Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học diễn ra trước và sau khi Luật Cạnh tranh được ban hành, những lời kêu đòi Nhà nước cần nhanh chóng chuẩn bị các thiết chế và điều kiện cho sự ra đời của Hội đồng cạnh tranh – cơ quan có vai trò giải quyết các vụ việc về hạn chế cạnh tranh luôn được các học giả quan tâm. Vì lẽ ấy, sự ra đời của Nghị định 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập Hội đồng cạnh tranh dường như đã mở con đường sáng cho niềm tin của doanh nhân trong việc bảo vệ lợi ích của mình trước những diễn biến đầy phức tạp của thị trường hiện nay.

Thực ra, sự trông đợi của xã hội đối với việc thành lập Hội đồng cạnh tranh chủ yếu tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, pháp luật cần làm rõ vị trí pháp lý của Hội đồng cạnh tranh trong bộ máy nhà nước. Các tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà khoa học về kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức bộ máy thi hành luật cạnh tranh đã mở ra cho chúng ta nhiều nhận thức pháp lý mới mẻ về một mô hình cơ quan rất đặc biệt, thậm chí là lạ lẫm đối với các lý thuyết truyền thống về bộ máy nhà nước. Dường như pháp luật của các nước đang dần hướng tới hoàn thiện hệ thống cơ quan cạnh tranh mang tính lưỡng tính bằng cách thành lập một cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh mà vẫn tuân thủ triệt để các nguyên tắc tư pháp khi xử lý vụ việc cạnh tranh1. Các quan niệm này vẫn chưa thực sự thuyết phục được các nhà làm luật của chúng ta bởi luôn tồn tại quan niệm đòi hỏi sự triệt để và rõ ràng về bản chất pháp lý của các cơ quan nhà nước2.

Thứ hai, pháp luật phải khẳng định và bảo vệ tuyệt đối nguyên tắc độc lập trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng cạnh tranh. Các quy định của Luật Cạnh tranh chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Bộ Thương mại và Hội đồng cạnh tranh. Có lẽ vấn đề sẽ không lớn nếu như Bộ Thương mại không tham gia trực tiếp vào các quan hệ trên thị trường bởi trong thực tế có rất nhiều nước trên thế giới đã xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh trực thuộc các bộ quản lý kinh tế mà vẫn hoạt động hiệu quả.3 Song với tư cách là cơ quan chủ quản của khá nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại trên thị trường, nên việc thành lập Hội đồng cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại chắc chắn sẽ gây ra nhiều lo ngại trong việc đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh khi xử lý các vụ việc cạnh tranh có liên quan đến những doanh nghiệp nói trên.

Thứ ba, làm rõ giới hạn về thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh và giải quyết các lợi ích vật chất trong vụ việc cạnh tranh. Đồng thời, việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ tham gia thành phần Hội đồng cạnh tranh sẽ quyết định hiệu quả làm việc của cơ quan này.

2. Về vị trí của Hội đồng cạnh tranh, Điều 2 Nghị định 05/2006/NĐ-CP quy định Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, có chức năng xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh. Sự khẳng định này đã làm rõ các nội dung sau:

(i) Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước chứ không phải là Hội đồng tư vấn. Đây là cơ sở quan trọng để phân biệt Hội đồng cạnh tranh với Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trong giao thương quốc tế (gọi tắt là Hội đồng xử lý). Theo Nghị định 04/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006, Hội đồng xử lý chỉ có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Thương mại trong việc xử lý các vụ việc về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong khi đó, Hội đồng cạnh tranh là cơ quan xử lý kết quả điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh về các vụ việc hạn chế cạnh tranh. Quyết định của Hội đồng cạnh tranh có giá trị bắt buộc thi hành và được đảm bảo thực hiện bởi quyền lực nhà nước.

(ii) Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thuộc hệ thống hành pháp có chức năng xử lý vụ việc về cạnh tranh. Luật Cạnh tranh và Nghị định 05/2006/NĐ-CP không khẳng định rõ ràng về bản chất lưỡng tính của Hội đồng cạnh tranh, song nếu dựa vào quy trình tố tụng cạnh tranh mà cơ quan này thực hiện trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh, có thể thấy rõ tính chất tài phán của nó. Có thể chứng minh kết luận trên bằng những cơ sở sau: một là, thủ tục tố tụng mang tính tranh tụng thông qua phiên điều trần để các bên liên quan có cơ hội được trình bày quan điểm và trao đổi trực tiếp với các bên tham gia tố tụng khác và cơ quan tiến hành tố tụng4; hai là, việc tiến hành xử lý vụ việc được thực hiện theo một trình tự tố tụng chặt chẽ, rõ ràng và mang tính tài phán chứ không chỉ là xử lý hành chính thông thường theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính; ba là, khi quyết định xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh trong các vụ việc về cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh làm việc theo chế độ tập thể; bốn là, quyết định của Hội đồng cạnh tranh không thể bị khiếu nại trong hệ thống cơ quan hành chính mà phải khởi kiện ra tòa án…

3. Truyền thống xây dựng cơ quan cạnh tranh của các nước và mong muốn của các doanh nhân Việt Nam là cơ quan xử lý các vụ việc cạnh tranh phải có được sự độc lập trong tổ chức và hoạt động. Vì lẽ ấy, trong thời gian thảo luận để thông qua Luật Cạnh tranh, có rất nhiều ý kiến kêu đòi pháp luật và Nhà nước phải đảm bảo sự độc lập của cơ quan cạnh tranh nói chung và Hội đồng cạnh tranh nói riêng. Trong đó, nổi bật là quan điểm đề nghị trao quyền xử lý vụ việc cạnh tranh cho tòa án (cụ thể là Tòa kinh tế – tòa án nhân dân cấp tỉnh)5. Lý lẽ đã thuyết phục các nhà làm luật Việt Nam không trao cho tòa án chức năng nói trên là các vụ việc cạnh tranh không chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa các doanh nghiệp mà còn liên quan đến sự vận hành ổn định để phát triển bền vững nền kinh tế nên rất cần giải quyết ban đầu ở cơ quan hành chính để xem xét linh hoạt hơn tùy thuộc vào việc phân tích cấu trúc thị trường ở từng giai đoạn…. Lúc bấy giờ, để thuyết phục các nhà làm luật, Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh đưa ra hai cơ sở đảm bảo về tính độc lập của Hội đồng cạnh tranh bao gồm: (i) Xác định vị trí của Hội đồng cạnh tranh trong bộ máy hành pháp, theo đó trong tương lai cơ quan này sẽ là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Trong thời gian trước mắt, do chúng ta chưa chuẩn bị về nhân sự, về kinh nghiệm tổ chức… nên sẽ tạm gửi cơ quan này vào Bộ Thương mại; (ii) Mặt khác, cho dù về mặt tổ chức có trực thuộc Bộ Thương mại, sự độc lập vẫn thể hiện rõ trong nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi giải quyết vụ việc cạnh tranh6. Có lẽ vì điều này mà chúng ta chỉ có thể hình dung diện mạo và bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh thông qua việc phân tích thẩm quyền của nó khi tiến hành thủ tục tố tụng bởi nội dung của những điều luật về việc tổ chức và vị trí của cơ quan này khá mờ nhạt. Do đó, người ta đã trông đợi sự ra đời của Hội đồng cạnh tranh không chỉ vì mong muốn kiểm chứng hiệu quả điều chỉnh của Luật Cạnh tranh mà còn để nhận diện rõ ràng hơn về cơ quan này trong bộ máy nhà nước. Rất tiếc, chỉ với 7 điều luật có nội dung khá chung, Nghị định 05/2006/NĐ-CP rơi vào tình trạng chỉ là sự lặp lại hoặc khẳng định lại những nội dung mà Luật Cạnh tranh đã quy định và quy định thêm một vài vấn đề liên quan đến Hội đồng cạnh tranh. Còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ hoặc bỏ ngỏ, cụ thể là:

Thứ nhất, xét về mặt tổ chức, chúng ta chưa thể biết được Hội đồng cạnh tranh trực thuộc Chính Phủ hay Bộ Thương mại. Sinh ra cùng một ngày, song Cục quản lý cạnh tranh và Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng xử lý) đã được an bài là cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại theo Nghị định 04/2006/NĐ-CP và Nghị định 06/2005/NĐ-CP. Trong khi Nghị định 05/2006/NĐ-CP chỉ quy định Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập mà chưa khẳng định rõ ràng nó trực thuộc cơ quan nào trong bộ máy hành pháp. Với tình trạng lấp lửng này, những cuộc tranh luận về việc tổ chức của Hội đồng cạnh tranh đương nhiên chưa thể kết thúc.

Thứ hai, các luận thuyết nền tảng của pháp luật cạnh tranh đã khẳng định rằng tính độc lập và tự quyết tạo nền tảng vững chắc cho các cơ quan cạnh tranh hoạt động độc lập và có hiệu quả. Dựa vào nội dung của Nghị định 05/2006/NĐ-CP, dường như khó có thể khẳng định được sự độc lập của Hội đồng cạnh tranh. Những lo ngại cho số phận độc lập của cơ quan này bắt nguồn từ vai trò và khả năng chi phối của Bộ Thương mại đối với việc tổ chức và hoạt động của nó. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại có khả năng (i) đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên và chủ tịch Hội đồng cạnh tranh;

(ii) quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban thư ký Hội đồng cạnh tranh – là bộ phận giúp việc cho Hội đồng; (iii) phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng cạnh tranh. Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Hội đồng cạnh tranh được bố trí theo dự toán ngân sách hàng năm của Bộ thương mại7. Với những ràng buộc này, các ý định đưa Hội đồng cạnh tranh thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Bộ Thương mại là rất mong manh. Dẫu biết rằng, do sự hạn chế về khả năng lựa chọn nhân sự và những non kém về kinh nghiệm trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh đã làm cho chúng ta không có nhiều khả năng lựa chọn những phương án tối ưu, song điều đó không thể là cơ sở để trao toàn bộ khả năng thi hành đạo luật này cho Bộ Thương mại. Nhất là trong điều kiện Bộ Thương mại vẫn còn đóng vai trò chủ quản nhiều công ty nhà nước và những nghi ngờ về tính khách quan trong hoạt động của các cơ quan cạnh tranh vẫn còn cơ sở.

4. Các nhà làm luật Việt Nam đã lựa chọn mô hình hệ thống gồm hai cơ quan có thẩm quyền thực thi luật cạnh tranh và việc phân chia thẩm quyền là tư tưởng căn bản trong việc thực thi luật cạnh tranh. Điều đó đương nhiên sẽ giới hạn thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống thi hành pháp luật theo chiều hướng phân công và chuyên môn hóa khi xử lý vụ việc cạnh tranh. Theo Luật Cạnh tranh, thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh được giới hạn bởi những nội dung sau: (i) Tổ chức xử lý và giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật; (ii) Việc tổ chức xử lý vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh được thực hiện dựa trên kết quả điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh. Nói cách khác, Hội đồng cạnh tranh không có chức năng điều tra vụ việc cạnh tranh; (iii) Về mặt tổ chức, Hội đồng cạnh tranh không trực tiếp xử lý một vụ việc cạnh tranh cụ thể mà thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết;8 (iv) Hội đồng cạnh tranh không giải quyết triệt để mọi vấn đề đặt ra từ vụ việc cạnh tranh. Theo Luật Cạnh tranh, thủ tục tố tụng cạnh tranh được tiến hành để Hội đồng cạnh tranh xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh chứ không giải quyết yêu cầu về bồi thường thiệt hại; (v) Tòa án có thể can thiệp vào quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh. Sau khi Hội đồng cạnh tranh giải quyết khiếu nại mà các bên vẫn không đồng ý thì phát sinh quyền khởi kiện ra tòa án. Giới hạn nói trên được xây dựng từ những cơ sở lý luận sau:

Thứ nhất, những nhà hoạch định chính sách cạnh tranh của các quốc gia có nhiều kinh nghiệm thi hành luật cạnh tranh luôn đề ra yêu cầu là bộ phận xử lý vụ việc phải khác và tách ra khỏi bộ phận điều tra. Ngay cả khi thành lập một cơ quan duy nhất thực thi pháp luật thì hai chức năng trên cần trao cho hai bộ phận chuyên biệt.9 Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của việc thực thi bằng sự phân công chuyên môn trong hoạt động giữa các cơ quan hoặc các bộ phận. Mặt khác, với cơ chế giám sát lẫn nhau, sử dụng kết quả làm việc của nhau để giải quyết vụ việc sẽ nâng cao tính đúng đắn trong việc xử lý vụ việc.

Thứ hai, sự phân chia và giới hạn thẩm quyền nói trên giữa hai cơ quan thi hành Luật Cạnh tranh cho thấy vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh được xử lý với thủ tục chặt chẽ, phức tạp hơn so với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Tính phức tạp thể hiện ở vài trò của Hội đồng cạnh tranh trong giai đoạn xử lý vụ việc, theo đó (i) một khi vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh đã chuyển qua giai đoạn điều tra chính thức thì chỉ có thể bị đình chỉ hoặc được giải quyết bằng một quyết định xử lý của Hội đồng cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ phải thực hiện cho trọn chức trách điều tra và chuyển kết quả cho Hội đồng cạnh tranh xử lý; (ii) vụ việc sẽ được giải quyết bằng một hội đồng xử lý cụ thể làm việc theo chế độ tập thể thay vì chế độ thủ trưởng của cơ quan quản lý cạnh tranh như trong vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh. Điều này còn cho thấy thái độ của pháp luật và Nhà nước đối với hành vi hạn chế cạnh tranh. Dường như Nhà nước đã mạnh tay bằng các biện pháp mang tính quyền lực công như biện pháp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp; tuyên bố vô hiệu hợp đồng… để đối trọng và kiểm soát quyền lực thị trường.

Tuy nhiên, những giới hạn nói trên cũng sẽ đem lại một số vấn đề chưa làm thỏa mãn giới khoa học, cụ thể như sau:

Một là, mặc dù Luật Cạnh tranh đã chỉ rõ sự phân quyền trong quá trình xử lý vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, trong đó, Hội đồng cạnh tranh là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc xử lý vụ việc. Song xét về thực chất, cái bóng của cơ quan quản lý cạnh tranh là quá lớn và có khả năng chi phối nội dung quyết định xử lý vụ việc. Theo các Điều 100, 101, 102 Luật Cạnh tranh và các quy định trong Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005, Hội đồng cạnh tranh có các quyền xử lý kết quả điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh như sau: (i) đình chỉ vụ việc theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc dựa trên ý chí của người khiếu nại nếu người bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi và khắc phục hậu quả; (ii) trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nếu chứng cứ trong kết quả điều tra chưa đủ để kết luận về hành vi vi phạm; (iii) mở phiên điều trần để giải quyết vụ việc. Do đó, trong trường hợp có sự xung đột về kết quả điều tra của cơ quan điều tra với kết quả thẩm tra của Hội đồng cạnh tranh trong phiên điều trần sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Khoản 2 Điều 101 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh chỉ được căn cứ vào kết quả của việc hỏi tại phiên điều trần, tranh luận và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên điều trần”. Nếu như khi thẩm tra, kết quả cho thấy các chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập và sử dụng là không khách quan hoặc có sai lầm khi nhận định, đánh giá, song chứng cứ thu thập lại được tại phiên điều trần chưa đủ để kết luận về hành vi vi phạm thì Hội đồng cạnh tranh sẽ rất khó xử lý bởi lúc này không thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung10.

Hai là, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của các vụ việc cạnh tranh nên yêu cầu về tính chính xác, khách quan của việc xử lý luôn được đặt lên hàng đầu đối với các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh. Các vụ việc cạnh tranh luôn gắn liền với các vấn đề về tự do và bình đẳng trong kinh doanh, đòi hỏi những người có thẩm quyền giải quyết vụ việc phải có những hiểu biết nhất định về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, pháp luật…. Vì lẽ ấy, Điều 55 Luật Cạnh tranh quy định thành viên Hội đồng cạnh tranh phải có đủ các tiêu chuẩn sau: (i) có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; (ii) có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính; (iii) có thời gian công tác thực tế ít nhất là 9 năm thuộc một trong các lĩnh vực nói trên; (iv) có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các nhà làm luật của Việt Nam và của các nước cũng rất quan tâm đến việc xây dựng cơ chế thẩm tra lại việc xử lý vụ việc cạnh tranh. Luật Cạnh tranh quy định cơ chế khiếu nại theo thủ tục hành chính và khởi kiện theo thủ tục tư pháp đối với việc xử lý vụ việc cạnh tranh. Theo đó, (i) Hội đồng cạnh tranh không trực tiếp ra quyết định xử lý vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh. Cơ quan này sẽ thành lập ra hội đồng xử lý vụ việc để giải quyết một vụ việc cụ thể. Sau đó, khi có khiếu nại của các bên đương sự, Hội đồng cạnh tranh sẽ giải quyết khiếu nại đó để kiểm tra kết quả xử lý vụ việc của hội đồng xử lý; (ii) Sau khi Hội đồng cạnh tranh đã giải quyết khiếu nại, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương11. Như vậy, khi quyết định của Hội đồng cạnh tranh bị khởi kiện thì tòa án nhân dân của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có thể thụ lý, giải quyết. Điều này một mặt đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung pháp luật về tổ chức tòa án nhân dân cho phù hợp với Luật Cạnh tranh, trong đó phải phân chia thẩm quyền cho tòa án của từng tỉnh thành một cách hợp lý. Mặt khác, với tình trạng của tòa án nhân dân hiện nay không thể không lo ngại về hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến vụ việc cạnh tranh. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các cán bộ tư pháp ở địa phương của chúng ta dường như còn thiếu kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề của thị trường tự do nói chung mà đặc biệt là các vụ việc cạnh tranh. Ngoài ra, sẽ là vô lý nếu như chúng ta tập hợp hàng loạt chuyên gia về kinh tế – pháp lý để hình thành nên một cơ quan có chuyên môn cao như Hội đồng cạnh tranh hòng tìm kiếm khả năng giải quyết có hiệu quả vụ việc, rồi lại trao việc thẩm tra quyết định đó cho những cán bộ chưa thực sự được chuẩn bị kỹ càng về chất. Kinh nghiệm của các nước như Canađa, Hoa Kỳ, Ấn Độ… cho thấy, pháp luật của họ rất quan tâm đến việc thiết kế cơ chế kiểm tra, rà soát có hiệu quả các quyết định của cơ quan thực thi luật cạnh tranh. Những yêu cầu về chuyên môn của vụ việc đã buộc hầu hết các nước phải trao cho Tòa án ở cấp cao nhất hoặc thành lập toà án đặc biệt để giải quyết những yêu cầu xem xét lại các quyết định của cơ quan cạnh tranh.12 Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ.

5. Dù là thế nào thì sự ra đời của Nghị định 05/2006/NĐ-CP và Hội đồng cạnh tranh là tín hiệu đáng mừng cho số phận của Luật Cạnh tranh. Chúng ta đã hoàn thành việc bổ nhiệm nhân sự cho Hội đồng cạnh tranh, nhưng dường như cơ quan này chưa thể khởi động các chức phận theo đúng sứ mệnh mà pháp luật trao phó bởi những khó khăn đã phân tích ở trên còn là những rào cản lớn. Ngoài ra, Nhà nước cần phải giải quyết một số vấn đề khác như : (1) Phải xây dựng được chiến lược đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh. Chiến lược về nhân sự cần phải được thực hiện trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật là các cơ sở đào tạo của Việt Nam (bao gồm các cơ sở đào tạo về kinh tế và luật) đều không đủ khả năng đáp ứng về chất và lượng cho việc đào tạo bởi đội ngũ các nhà khoa học về cạnh tranh còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, môn học pháp luật cạnh tranh còn là xa lạ với chương trình khung đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Điều đó cho thấy, vị trí của Luật Cạnh tranh nói chung và môn học Luật cạnh tranh chưa thực sự yên ổn trong cấu trúc chung của pháp luật thương mại. (2) Pháp luật cần khẳng định rõ ràng vị trí pháp lý của Hội đồng cạnh tranh. Giải pháp hiện nay nên để Hội đồng cạnh tranh trực thuộc Chính phủ và cần thiết phải giải quyết dứt khoát sự nhập nhằng trong mối quan hệ giữa cơ quan này và Bộ thương mại. Trong đó, Bộ trưởng Bộ thương mại chỉ nên có vai trò tư vấn cho Chính phủ hoặc cho Thủ tướng trong việc thành lập Hội đồng cạnh tranh. Sau đó cần để cho cơ quan này tự quyết về quy chế hoạt động của mình và của bộ máy giúp việc dựa trên các quy định chung của Luật Cạnh tranh. (3) Xem xét lại thẩm quyền của các cấp toà án khi giải quyết các vụ kiện liên quan đến vụ việc cạnh tranh. Dựa trên những lập luận đã trình bày, tác giả cho rằng không nên trao thẩm quyền cho các tòa án cấp tỉnh theo kiểu đại trà như hiện nay mà chỉ để cho Tòa án nhân dân tối cao giải quyết các vụ án hành chính về quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh.

Chú thích:

1 Xem thêm Nguyễn Hữu Huyên, Cơ quan quản lý cạnh tranh, kinh nghiệm của Pháp và một số nước – Đề xuất một mô hình cho Việt Nam, NXB Tư pháp, 2004.

2 Các quan niệm này được nhận thấy rõ trong quá trình soạn thảo Luật Cạnh tranh, đặc biệt trong những ý kiến của ông Nguyễn Vân Nam gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại ngày 2/9/2004.

3 Theo thống kê có đến 32 nước có cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ – theo tờ trình của Bộ Thương mại trình Chính phủ về việc thành lập Hội đồng cạnh tranh năm 2005.

4 Xem mục 5 Chương V Luật Cạnh tranh; mục 8 Chương III Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005.

5 Xem báo cáo giải trình ý kiến của Đại biểu quốc hội đối với dự án Luật Cạnh tranh, tháng 5/2004, tr. 35.

6 Bộ Thương mại, Giải trình ý kiến của các Đại biểu quốc hội về dự thảo Luật Cạnh tranh, tháng 4/2004.

7 Điều 1, 4, 5 Nghị định 05/2006/NĐ-CP.

8 Điều 49, 53, 54 Luật Cạnh tranh và Điều 3 Nghị định 05/2006/NĐ-CP.

9 Bài tham luận của TS. S. Chakaravarthy, Điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh và tuyên truyền, phổ biến cạnh tranh, tham luận khoa học tại hội thảo Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh, TP. Hồ Chí Minh ngày 25-26/04/2005.

10 Theo Điều 99 và Điều 100 của Luật Cạnh tranh, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung chỉ có thể thực hiện sau khi nhận được hồ sơ về kết quả điều tra và trước khi ra quyết định mở phiên điều trần.PHÁP LÝ

11 Điều 107, 115 Luật Cạnh tranh.

12 S. Chakaravarthy, tlđd, tr. 1.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ (CHƯA XÁCDDINHJ ĐƯỢC SỐ ĐĂNG)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d