Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CƠ CHẾ PHÁP LÝ CỦA VIỆC MANG THAI HỘ

Advertisements

Một loạt vấn đề pháp lý như xác định cha, mẹ cho con, hôn nhân giữa những đứa trẻ cùng cha mẹ sinh học… đang đặt ra với việc sinh đẻ nhờ cho, nhận trứng, tinh trùng. Đây là nội dung cuộc hội thảo góp ý cho Nghị định sinh con bằng phương pháp khoa học, tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

Có nên cho phép mang thai hộ và cho phôi là vấn đề được tranh cãi nhiều nhất, dù dự thảo Nghị định đã cấm tuyệt đối việc này. Thạc sĩ Nguyễn Viết Tiến, Trưởng khoa Thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viên C Hà Nội cho rằng, nên cho phép. Bởi thực tế có những phụ nữ không có noãn trứng (tức không thể xin tinh trùng được) nhưng vẫn có khả năng mang thai. Nếu cấm cho phôi thì họ sẽ không thể có khả năng làm mẹ. “Người ta thường lo ngại vì sợ hôn nhân cùng huyết thống. Nhưng xác xuất chuyện này rất thấp, thường chỉ 1/10.000”, ông Tiến nói.

 

————————————————————————————-

Dự thảo nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học:
– Phụ nữ độc thân, vợ (chồng) đang điều trị vô sinh được nhận tinh trùng, trứng. Người nhận phải đủ sức khỏe để thụ thai và sinh đẻ, không mắc bệnh lây qua đường sinh dục, tâm thần hay các bệnh di truyền khác.
– Người cho tinh trùng phải 20-40 tuổi, người cho trứng 18-35 tuổi, đã có con khỏe mạnh, không được nhận thù lao dưới mọi hình thức; chỉ cho tinh trùng, trứng với một người và không tìm hiểu về người nhận.
– Các cặp vợ chồng hoặc phụ nữ độc thân đứng tên trong đơn đề nghị được thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm được quyền làm cha, mẹ đối với trẻ sinh ra.

————————————————————————————-

Tuy nhiên, cấp trên của ông Tiến là ông Nguyễn Đức Vy, Giám đốc Bệnh viện C, lại lo ngại, bởi vấn đề này ở những nước có trình độ phát triển cao cũng rất phức tạp. Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Bộ Y tế Trịnh Thị Lê Trâm cũng có cùng quan điểm khi cho rằng, mang thại hộ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả pháp lý như quyền nuôi con, quyền thừa kế tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến là vấn đề này sẽ được giải quyết dễ dàng nếu những người cho, nhận mang thai hộ có cam kết rõ ràng.

Nhiều đại biểu lo ngại những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm từ phôi của người khác có thể lấy nhầm nhau. Đại diện Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, nơi đang xây dựng khoa thụ tinh trong ống nghiệm đề xuất: nên xây dựng chế độ về di truyền, bắt buộc xác định gen khi những đứa trẻ sinh ra từ ống nghiệm lập gia đình.

Giáo sư Trần Văn Hanh, Viện 103 thì nêu vấn đề xử lý các bệnh bẩm sinh. Ông cho rằng, Nghị định cần có thêm các quy định về hạn chế thấp nhất các rủi ro dẫn tới đứa trẻ sinh ra đã có trong mình mầm bệnh.

Dự thảo nghị định cho phép phụ nữ độc thân nhận tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Bà Vụ trưởng Pháp luật, Bộ Y tế cho rằng, quy định này có thể “mở ra những hi vọng mới cho phụ nữ độc thân, nhất là trong điều kiện phong tục tập quán của Việt Nam”. Kèm với quy định mở, dự thảo đưa ra những điều kiện khắt khe, như bí mật tuyệt đối danh tính và địa chỉ người cho tinh trùng; người cho phải có sức khỏe tốt, và từng có con khỏe mạnh.

Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học đã được Bộ Y tế nghiên cứu soạn thảo từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc chậm có luật hướng dẫn đang là rào cản với các đơn vị y tế hỗ trợ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Theo thống kê của ngành y tế, cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhưng trong tình trạng vô sinh. Riêng Bệnh viện Từ Dũ (một trong 3 cơ sở đã tiến hành thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản), mỗi năm có gần 2.000 người có nhu cầu xin tinh trùng, khoảng 1.200 người xin trứng. Thế nhưng trong 4 năm 1998-2001, đơn vị này mới chỉ dám “xé rào” cho 111 ca xin trứng với các thủ tục cho những trường hợp này hết sức phức tạp.

ĐỌC TOÀN VĂN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SINH CON THEO PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC TẠI ĐÂY

SOURCE: http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2002/05/3B9BC69E/

 

Exit mobile version