Con số này được đưa ra tại hội nghị triển khai công tác năm 2008 của ngành toà án sáng 22/1. Theo đó, toàn ngành còn hơn 200 thẩm phán chưa có bằng đại học luật, 11 thẩm phán toà án địa phương chưa được bổ nhiệm lại vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Gần 1/2 án dân sự được hòa giải thành công
Theo báo cáo năm 2007, các toà án đã giải quyết được gần 250.000 vụ án trong tổng số gần 270.000 vụ án đã thụ lý (đạt 92,7%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ chiếm 1,2% (tăng 0,18% so với năm 2006); bản án bị sửa chiếm 2,89%.
Trong năm qua, mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng ngành toà án đã tổ chức trên 5.000 phiên toà xét xử lưu động tại các địa phương.
Quá trình giải quyết các vụ án hình sự năm 2007 đạt tỷ lệ giải quyết cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu đề ra. Các vụ việc dân sự đã được toà án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết. Nhờ làm tốt công tác hoà giải nên tỷ lệ các vụ việc dân sự được hoà giải chiếm hơn 45% số vụ được giải quyết. Các vụ án hành chính cũng được toà án các cấp cố gắng đưa ra xét xử trong thời hạn quy định của pháp luật.
Theo ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án thường trực TAND tối cao, vẫn còn tình trạng định tội sai trong khi giải quyết các vụ án hình sự, áp dụng pháp luật sai trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Nhiều thẩm phán vẫn “né”, ngại va chạm với cơ quan, người có quyết định hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Ông Phương thừa nhận, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của công dân chưa được xem xét, giải quyết kịp thời còn khá nhiều, trong đó thủ tục rườm rà, việc trả lời đương sự thiếu thuyết phục đã dẫn tới tình trạng đương sự tiếp tục khiếu nại kéo dài.
Trong khi đó, tại các phiên toà, thủ tục xét hỏi, tranh tụng chưa được tiến hành đầy đủ, việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, thậm chí có trường hợp hồ sơ vụ án được điều tra một cách sơ sài, toà án lại căn cứ vào lời khai của bị cáo để xét xử, trong khi không khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định…
Ông Phương chỉ ra trường hợp cá biệt có vụ án bị cáo đã có 2 tiền án, chưa được xoá án tích lại tiếp tục phạm tội nhưng toà vẫn cho hưởng án treo. Vẫn còn 50 trường hợp án hình sự bị tòa án để quá hạn mới ra quyết định thi hành.
35 thẩm phán bị kỷ luật, truy cứu hình sự
Thống kê của ngành toà án cho thấy, vẫn còn hơn 200 thẩm phán toà án nhân dân cấp tỉnh và các huyện chưa có bằng đại học luật thuộc diện nợ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, 11 thẩm phán toà án địa phương chưa được bổ nhiệm lại làm thẩm phán vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong năm qua có 35 cán bộ, thẩm phán bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Phương vẫn còn tình trạng cán bộ, thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm, sa sút về phẩm chất, sa đoạ, thoái hoá biến chất….
Ông Phương cam kết, năm 2008, ngành toà án sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, không để án quá hạn. Ngành toà án sẽ phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người không có tội, hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định bị huỷ sửa lỗi do lỗi chủ quan của thẩm phán. Theo đó, chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 92% trở lên; án dân sự là từ 87%.
SOURCE:
http://www.vtc.vn/phapluat/chinhsach/172905/index.htm
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng |
Leave a Reply