admin@phapluatdansu.edu.vn

VỢ LÀM, CHỒNG CHỊU

MINH TÚ- Pháp luật TPHCM

Vợ tự ý bán nhà khi chồng đi vắng nhưng tòa lại buộc người chồng đã ly hôn phải liên đới chịu trách nhiệm trả tiền cho bên mua.

Vừa qua, VKSND tỉnh Dăk Lăk đã ra quyết định kháng nghị một bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột vì cho rằng tòa này xử sai luật: Vợ đơn phương bán nhà nhưng tòa lại buộc người chồng đã ly hôn phải liên đới trả lại tiền cho bên mua…

Tự ý bán nhà

Theo hồ sơ, bà Y. là giáo viên một trường PTCS ở TP Buôn Ma Thuột. Vì đứng ra vay tiền hộ nhiều nơi cho một người làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng nên sau khi người này bị Công an tỉnh Dăk Lăk bắt về hành vi chiếm đoạt tài sản, bà Y. đã bị các chủ nợ đổ dồn đến đòi tiền.

Tháng 3-2006, để tránh bị các chủ nợ siết nhà, trong thời gian người chồng đi công tác ở Hà Nội, bà Y. đã đơn phương viết giấy tay bán nhà cho bà P. với giá 700 triệu đồng. Thế rồi sau đó vợ chồng bà Y. lục đục và ly hôn. Bà Y. bị một số chủ nợ kiện, bị tòa ra nhiều bản án buộc phải trả nợ nên Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên căn nhà này để tổ chức thi hành án.

Tuy nhiên, có được tờ giấy mua bán nhà trong tay, bà P. cũng quyết định kiện bà Y. ra tòa để đòi nhà. Tháng 9-2007, TAND TP Buôn Ma Thuột đã đưa vụ kiện này ra xét xử sơ thẩm. Tòa tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên là vô hiệu (giấy tay, không có công chứng, chứng thực).

Tòa cũng áp dụng Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình để buộc bà Y. cùng chồng cũ phải liên đới trả lại cho bà P. 700 triệu đồng (mỗi người 350 triệu đồng). Ngoài ra, tòa tuyên giao nhà, đất tranh chấp cho bà Y. sở hữu dù nhà, đất đó trên thực tế đang bị cơ quan thi hành án kê biên để đảm bảo thi hành án trong các vụ án trước của bà Y.

Xử sai luật

Theo quy định tại Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình (về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện), vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Nhìn lại vụ kiện trên, việc bà Y. tự ý đứng ra làm giấy bán nhà cho bà P. trong thời gian người chồng đi vắng không phải là giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu (ăn uống, chữa bệnh, trả nợ chung…) của gia đình. Do đó, chồng cũ của bà Y. không phải chịu trách nhiệm liên đới cùng bà Y. trong giao dịch đơn phương này.

Mặt khác, nhà, đất tranh chấp đã bị cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế, kê biên từ trước để thi hành cho một số bản án của bà Y. nên nay tòa sơ thẩm tiếp tục tuyên giao cho bà Y. sở hữu là hoàn toàn không phù hợp với thực tế và trái pháp luật.

Chính vì thế mà sau đó, VKSND tỉnh đã ra quyết định kháng nghị, yêu cầu TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Gửi bản án sau… 47 ngày?!

Chồng cũ của bà Y. cũng đã làm đơn khiếu nại thẩm phán giải quyết vụ việc vì vụ án được TAND TP Buôn Ma Thuột đưa ra xét xử từ ngày 6-9-2007 nhưng mãi 47 ngày sau tòa mới gửi bản án sơ thẩm đến địa chỉ của ông (theo dấu bưu điện). Chưa hết, trong quá trình giải quyết vụ kiện này, thẩm phán không một lần triệu tập, không một lần lấy lời khai của ông mà vẫn xét xử, ra phán quyết.

SOURCE: THUVIENPHAPLUAT.COM

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading